Thắng Pháp Abhidhamma
Bài 15 - Tâm Dục Giới - thứ tâm đa nhiệm
Minh Hạnh chuyển biên.
TT Giác Đẳng: Lẽ ra hôm nay, sau phần học tâm cơ năng, chúng ta đi vào tâm bất thiện. Nhưng mấy ngày qua chúng tôi có nhận một số câu hỏi của qúi Phật tử, chúng tôi nghĩ, nên trở lại với một vài trình bày về tâm dục giới. Bởi vì, đây là một cách gọi gây ra nhiều ngộ nhận, đối với người học. Lý do chúng tôi nói điều này vì có hai vị là những vị học Vi Diệu Pháp tương đối cũng lâu chứ không phải mới, đã hỏi chúng tôi và, chúng tôi cũng rất cảm thông, bởi vì là mặc dù ở trong Thắng Pháp Abhidhamma đặc biệt chú trọng về độ chính xác, nhưng chúng tôi phải nói rằng riêng về cách dùng từ. Ở đây gọi là, Tâm Dục Giới, Tâm Sắc Giới, Tâm Vô Sắc Giới thì, Tâm Sắc Giới, Tâm Vô Sắc Giới , Tâm Siêu Thế, tương đối rất chuẩn, nhưng riêng về chữ tâm dục giới lại tạo ra rất nhiều ngộ nhận.
Do vậy, trước khi đi vào tâm bất thiện, chúng tôi phải trở lại trình bày về tâm dục giới. Lẽ ra, điều này chúng tôi nên trình bày trước khi bước vào tâm cơ năng.
Chữ Dục Giới - Kāmāvacara, ở đây, chúng ta hiểu theo cách hiểu bình thường khi phân chia tâm, nghĩa là tâm đó chỉ có ở trong một cõi. Vấn đề ở tại đây là, đa phần những định nghĩa về tâm Dục Giới không thể định nghĩa được chính xác, nếu chúng ta định nghĩa tâm Dục Giới là tâm của người ở cõi Dục Giới thì không đúng, tâm dục giới này có ở cả trong ba cõi; Dục Giới, Sắc Giới, và Vô Sắc Giới.
Lấy ví dụ, một vị Phạm Thiên Vô Sắc Giới thì vẫn có thể xử dụng tâm Thiện Dục Giới, hay hoặc giả, vị đó vẫn có thể có tâm tham, hoặc tâm si, cũng là Tâm Dục Giới, chứ đừng nghĩ rằng tâm Dục Giới chỉ có trong cõi Dục Giới mà thôi, đây là điểm có nhiều người lầm.
Khi nói đến tâm Dục Giới không hẳn chỉ là tâm biết có năm cảnh dục là, sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc, gọi là Kāmaguṇa (là sự thưởng thức ngũ trần), thì đừng nghĩ như vậy.
Có những tâm biết năm cảnh dục nhưng ngoài ra lại có những tâm không biết cảnh dục.
ví dụ, bây giờ nói Tâm Đại Thiện hay Tâm Đại Tố, những tâm này có thể biết rất nhiều cảnh, biết hết cả cảnh chứ không phải riêng về cảnh ngũ mà thôi. Thành ra nói cõi cũng không đúng, nói cảnh cũng không đúng, mà nói người cũng không đúng. Người ở đây, ngoại trừ những bậc bốn đạo thì các Ngài chỉ sài có một tâm.
Nhưng, nói chung, chư vị phàm nhân, rồi chư vị Thánh nhân, gồm có Tu Đà Hườn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, đều sài những thứ tâm dục giới này.
Vì vậy, khi chúng ta nói đến tâm Dục Giới thì tự nhiên nó là một cái đóng khung và, cái đóng khung này tạo ra ngộ nhận của rất nhiều người học Vi Diệu Pháp bởi vì chữ tâm Dục Giới .
Chúng tôi phân vân suy nghĩ rất nhiều khi dùng chữ đa nhiệm, dĩ nhiên đó là một từ mới và, TT Tuệ Siêu thì không đồng ý với chữ này. Nhưng, chúng tôi thật ra không tìm ra một chữ gì khác để có thể nói lên vai trò của những tâm dục giới này. Bởi vậy, thay vì chúng ta đi vào tâm bất thiện hôm nay chúng tôi phải trở lại định nghĩa tâm dục giới.
Chúng tôi lấy một ví dụ như:
- Tâm sắc giới thì nó chỉ là một thứ tâm thiền mà biết đối tượng là đề mục thiền sắc giới.
- Tâm Vô Sắc Giới chỉ biết đối tượng đó là đề mục như Không Vô Biên, Thức Vô Biên, Vô Sở Hữu, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng.
- Tâm Đạo và Tâm Quả chỉ biết cảnh Niết-bàn thôi.
Thành ra tâm Sắc Giới, tâm Vô Sắc Giới và tâm Siêu Thế chúng ta gọi là những tâm nó có tánh cách chuyên biệt.
Bây giờ chúng tôi lấy ví dụ như vầy, Đức Phật hay các vị Thánh khi các Ngài đắc đạo chứng quả trong một tích tắc, trong một mảy may, các Ngài đắc đạo thì các Ngài có dùng Tâm Đạo và, sau đó là Tâm Quả. Nhưng, Tâm Quả đó chỉ sài trong trường hợp đặc biệt chứ không phải là luôn luôn là Tâm Quả.
Những tâm như, nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, nếu các Ngài ở cõi dục giới sắc giới chẳng hạn. Hay là thí dụ, ở cõi Sắc Giới thì có thể là không có tỉ, thiệt, thân, thức. (Cõi Sắc Giới là cõi còn có hình sắc nhưng không phải là Sắc Thô như ở cõi Dục và chúng sanh trong cõi nầy nuôi sống bằng pháp hỷ của Thiền Ðịnh chứ không thọ hưởng ngũ dục).
Hoặc giả, chúng ta nói rằng, trong đời sống hàng ngày các Ngài đi khất thực hay các Ngài ăn uống làm việc này việc kia thì, các Ngài hoàn toàn xử dụng tâm dục giới.
Tâm dục giới ở trong trường hợp của vị Alahán thì chúng ta gọi là tâm Duy Tác Tịnh Hảo, hay là tâm Đại Tố. Những tâm đó chúng ta sẽ nói sau. Nhưng, đừng bao giờ nghĩ rằng tâm này chỉ giới hạn trong một cõi, hay một số cảnh nào đó, hoặc giả là trong một số người. Đây là vấn đề mà người học hay bị lầm lẫn nhiều.
Hoặc giả là, có một vị nói với chúng tôi rằng hồi trước giờ các vị tưởng đâu Phạm Thiên sắc giới, Phạm Thiên vô sắc giới chỉ sài những tâm thiền thôi. Không phải như vậy. Ở trong kinh Phạm Thiên Thỉnh Cầu, Đức Thế Tôn Ngài ngồi dưới cội cây bồ đề, Ngài khởi lên ý nghĩ là:
Pháp Ta chứng khó khăn,
Sao nay Ta nói lên?
Tham, sân chi phối ai,
Khó chứng ngộ pháp này.
Pháp này đi ngược dòng,
Vi diệu và thâm sâu,
Khó thấy, rất vi tế.
Những ai ưa ái dục,
Bị vô minh bao phủ,
Rất khó thấy pháp này.(Tương Ưng Bộ)
Thì khi Đức Thế Tôn vừa thoáng lên ý nghĩ đó, vị Phạm Thiên Sahampati hiện ra trước Đức Phật và bạch Đức Phật là đại nguyện Sư của Ngài là Độ Sanh và chúng sanh trong cuộc đời quả thật, có những chúng sanh ít nhiễm bụi trần, họ có thể hiểu được, xin thỉnh Ngài chuyển Pháp Luân. Thì tất cả những cái biết của Phạm Thiên đối với tâm của Đức Phật và mong giáo pháp được luân lưu và cầu thỉnh Đức Phật thì hầu hết là họ dùng bằng thứ tâm Thiện Dục Giới .
Như vậy trên phương diện phân loại tâm thì, bốn thứ phân loại là, Dục Giới , Sắc Giới, Vô Sắc Giới, và Siêu Thế, rất dễ làm cho chúng ta ngộ nhận về vai trò của tâm Dục Giới.
Thật ra chúng ta có thể nói như vầy là, những tâm Sắc Giới, tâm Vô Sắc Giới, và tâm Siêu Thế, rất là chuyên biệt trong một phần hành một cảnh nào đó, nhưng riêng về tâm Dục Giới thì được sài rộng khắp ở trong nhiều trường hợp và đặc biệt là trong đời sống hàng ngày.
Chúng tôi không hiểu với một vài thí dụ như vậy có làm rõ hơn về điểm này hay không, nhưng, chúng tôi thưa như vầy, bởi vì, cách phân loại trong các giáo trình trong quá khứ và, trong giáo trình truyền thống gọi tâm này là, tâm dục giới.
Kỳ thật, chúng tôi đắn đo rất nhiều không biết gọi tâm dục giới là thứ tâm gì để qúi vị có thể hiểu rõ hơn về điểm đó, do đó, chúng tôi tạm gọi đó là một thứ tâm đa nhiệm.
Dĩ nhiên, khi chúng ta nói đến tâm Thiền như, tâm Sắc Giới và tâm Vô Sắc, tâm Siêu Thế, thì rất khó để có thể làm một so sánh là, tâm đó nó có ưu việt, nó có lớn, nó có vĩ đại hơn là tâm Thiện. Đôi khi người ta nói trái cam không thể so sánh với trái táo được, thí dụ như vậy, chúng ta không thể so sánh hoàn toàn.
Chúng tôi lấy một trường hợp, Tư Đà Hàm thì cao hơn Tu Đà Hườn, tức là nhị quả cao hơn sơ quả. Nhưng, trong Kinh Tạng thì nhấn mạnh rất nhiều về tâm Sơ Quả, bởi vì từ phàm sang Thánh, và tâm sơ quả đầu tiên là sắc, một cái nhìn rất chân thật, rất rõ về bờ mê bến giác. Thành ra bảo rằng tâm Sơ Quả nhỏ hơn tâm Nhị Quả thì thật ra sự phân biệt đó cũng miễn cưỡng, mặc dầu, dĩ nhiên là, Nhị Quả cao hơn Sơ Quả nhưng vì vai trò của Nhị Quả mà chúng tôi dùng chữ đại, để lấy tâm Dục Giới so với những tâm kia thì thật ra mình không biết làm sao, ví dụ, như là tâm Siêu Thế nhỏ hơn tâm Dục Giới thì không có.
Thành ra chữ đại ở đây, chúng ta tạm hiểu nó đa nhiệm, nó làm nhiều việc, biết nhiều cảnh, và xuất hiện ở trong nhiều trường hợp thì dùng chữ đa nhiệm tốt hơn là chữ đại.
Chúng tôi hiểu đa số các vị giảng sư không đồng tình với chữ này, tại vì ở trong truyền thống đã dùng như vậy. Thí dụ như, tâm đại thiện, tâm đại quả, hay tâm đại duy tác, hay tâm đại tố chẳng hạn. Nhưng trong cách nói của tiếng Việt thì cách nói như vậy rất dễ hiểu lầm.
Vì vậy, khi chúng ta học Thắng Pháp Abhidhamma, cho dù trong giáo trình truyền thống trình bày như thế nào, cho dù các vị giảng sư nói như thế nào, nhưng, chúng tôi nhắc tất cả quí Phật tử là tâm dục giới không nên xem nó là một thứ tâm nhỏ thấp không để ý nhiều. Thật ra, những thứ tâm này đều có vai trò rất phổ cập, rất rộng rãi, ở trong đời sống của chúng sanh, như chúng ta học về các tâm giác quan hay cơ năng, thì chúng tôi cũng phải thưa rằng mình thấy chỉ có hai tâm nhãn thức thọ xả: một là tâm nhãn thức quả thiện, hai là quả bất thiện, hai tâm này chỉ thọ xả và mỗi tâm chỉ có 7 thuộc tánh gọi là biến hành, rất ít, nhưng mà đừng xem thường chuyện đó.
Chúng ta phải để ý rằng nó mở ra cả một thế giới và, những tâm, nhãn, nhĩ, tì, thiệt, thân, thức, không nên xem nhẹ so với ý thức. Nhưng ở đây, khi nói đến tâm dục giới thì cũng không nên xem nó là không quan trọng mà, đây là một lãnh vực chúng ta phải đầu tư và phải nghiền ngẫm rất nhiều,
Ví dụ, một vị Phạm Thiên hết tuổi thọ và, khi vị Phạm Thiên sống trong một kiếp sống ở trong pháp hỉ của thiền định, sống ở trong an lạc của thiền định, thì vị đó có thể khởi tâm dính mắc và do sự dính mắc thì có giao động. Thành ra chúng ta thấy tâm tham có mặt ở trong tất cả cõi hữu tâm. Về điểm này chúng ta phải thấy được, mặc dầu mình gọi tâm tham là tâm dục giới, nhưng, nó không hẳn là chỉ có ở trong cõi dục giới, chỉ biết cảnh dục và, chỉ là một thứ tâm đối với một người tầm thường, một người bình thường, người đó có tâm tham, ngay cả một người trong đời sống hàng ngày tu tập mà có tâm tham và không có tâm tham theo quan niệm của Thắng Pháp, nhưng đối với một người kể cả thành tựu về đức tin, thành tựu về giới hạnh, thành tựu về thiền định mà có dính mắc.
Sự dính mắc đó đều là tâm tham theo thắng pháp. Dĩ nhiên, bài học này chúng ta học tuần tới. Nhưng, chúng tôi muốn qúi Phật tử xoá đi cảm giác về tánh cách hữu hạn của tâm Dục Giới . Chúng ta nên hiểu, tâm Dục Giới là một thứ tâm đa nhiệm, đóng rất nhiều vai trò trong cuộc sống của chúng sinh. Chúng sinh này từ cõi Dục Giới , sắc giới, vô sắc giới, từ phàm sang thánh và, khi nghĩ đến đời sống của chúng sanh, đời sống hàng ngày, đời sống sinh hoạt thì chúng ta không thể loại bỏ tâm dục giới ra.
Như hồi nãy, chúng tôi nói hình ảnh của Phạm Thiên Baka, Phạm Thiên Sahampati, hay là Phạm Thiên Ghatikàra và, những vị Phạm Thiên chúng ta nghe nói, không nên nghĩ rằng những vị Phạm Thiên đó chỉ sống với tâm thiền sắc giới, không nên nghĩ như vậy, mà các vị có thể chứng thiền và, do thiền chứng không bị hoại khi các vị sanh vào cõi đó, thì tâm tục sinh hộ kiếp và tử là một thứ tâm thiện, tâm quả, là một thứ tâm quả sắc giới và, đồng thời trong đời sống hàng ngày khi các vị nhập thiền, các vị cũng có trạng thái của thiền sắc giới hay thiền vô sắc ở trong lúc các vị nhập thiền, tuy nhiên tâm dục giới vẫn hiện diện và vẫn đóng một vai trò nằm trong dòng tâm hoạt thức rất thường xuyên của chư vị Phạm Thiên. Chúng tôi hi vọng điều này đã làm rõ nghĩa hơn, đó là lý do tại sao chúng tôi phải trở lại với chủ đề của tâm Dục Giới .
Thật ra, khi bắt đầu giáo trình thì chúng ta bắt đầu với tâm Ngũ Quan, như là, nhãn thức, nhỉ thức, tỉ thức, thiệt thức, rồi từ tâm Ngũ Quan chúng ta bước qua các tâm làm việc máy móc như là, Cơ Năng, Tiếp Thu, Quan Sát, Khai Ý Môn, Khai Ngũ Môn v.v...
Dù là chúng ta trải qua như vậy, nhưng chúng tôi thấy rằng, vẫn có một nhu cầu rất cần để chúng ta trở lại và, sau này khi soạn lại giáo trình này thì chúng tôi phải để bài học số 15 này trước cả bài về tâm Ngũ Quan để có một định nghĩa rõ về tâm Dục Giới .
Ở đây, chúng tôi cũng phải nói thêm về chữ giới, trong tiếng Phạn có nhiều chữ, từ đó chữ Hán dịch là giới như hôm nay chúng ta có chữ.
Dục giới - kāmāvacara, chữ kāmā + vacara.
Chữ vacara là giới vức là lãnh vực.
Và chúng ta có chữ giới là chữ sila, ví dụ như là giới luật, cũng dịch là giới.
Hay là, chúng ta có chữ giới chỉ cho danh phận như là Sima là kiết giới, Sima là ranh giới, là cương giới.
Và chúng ta cũng có chữ Dhàtu dịch là giới (là phân tích về sự hiện hữu của con người và thế giới). Ví dụ như là chúng ta nói 18 giới chẳng hạn đó chỉ cho nguyên chất element (yếu tố, nguyên tố).
Thành ra, chữ giới là một chữ ở trong danh từ Hán Việt thì viết khác, ở trong chữ Hán thì viết khác nhau, nhưng trong cách phát âm và cách viết tiếng Việt thì rất dễ nhầm lẫn, chúng ta phải đặc biệt lưu tâm về điểm này.
Chúng tôi cũng muốn nhắc tất cả qúi Phật tử, khi học những thứ tâm dục giới này thì, riêng về tâm ngũ quan và các tâm làm việc cơ năng, ngoại trừ tâm ứng cúng sinh tiếu là xử lý cảnh. Như thời gian vừa qua chúng ta học năm tâm giác quan, tiếp thu, quan sát, khai ngũ môn, khai ý môn, là những tâm thuần cơ năng. Nhưng, bắt đầu tuần tới, chúng ta sẽ học tâm xử lý cảnh.
Thì riêng về tâm xử lý cảnh, ngoài tâm ứng cúng sinh tiếu đã đề cập đến tuần trước thì tâm bất thiện và tâm tịnh hảo lại mở cho chúng ta một cái nhìn mới về cuộc sống của chúng sinh.
Thật sự mà nói thì, mặc dù ở trên phương diện tâm thuật, ở trên phương diện trình độ của tâm thì, tâm sắc giới và tâm vô sắc giới có cao hơn tâm dục giới về phương diện định. Nhưng, chúng ta nhớ trong tâm Dục Giới về phần hành và vai trò nó là cái gì phổ cập thường có và, nó tạo nên cuộc sống của chúng ta hàng ngày.
Chúng tôi có một thí dụ, trong xã hội này có những tài tử hay những chính khách hay những nhà tài phiệt v.v... thì thật ra lâu lâu chúng ta mới gặp một lần, thí dụ như Tổng Thống tòa Bạch Ốc đến Hollywood thì có sinh hoạt của các chính khách và các tài tử, hay là những thành phố giàu có thì có các tỉ phú triệu phú. Tuy vậy có những chúng sanh mà chúng sanh đó có những người ở trong xã hội không có đóng vai trò nào lớn nổi trội, chẳng hạn như là những vai trò thợ sửa ống nước, thợ sửa điện hoặc giả là nấu bếp v.v... những chúng sanh này có mặt ở từ phủ Tổng Thống trở xuống nhà dân, nhà giàu, những chúng sanh đều có mặt.
Thì ở đây, tâm dục giới cũng nên tạm hiểu mang tánh cách phổ cập như vậy. Dĩ nhiên, tâm dục giới không hẳn là những tâm chỉ cho thường dân như là thợ sửa ống nước, hay là thợ sửa nhà, thợ sửa điện v.v... Nhưng, chúng tôi ý muốn nói đây là một loại tâm rất là phổ biến và, chính những tâm dục giới đã là một thể hiện của cuộc sống hàng ngày của đa số chúng sanh, từ dục giới, sắc giới, vô sắc giới, biểu tượng hàng ngày trong đời sống chúng ta, như chúng ta những người đang có mặt ở trong rơom này, nếu chúng ta không phải là một bậc Thánh, hay một người có chứng Thiền Sắc Giới và Vô Sắc Giới thì tất cả tâm chúng ta sài đều là tâm Dục Giới và, nếu chúng ta có chứng thiền hay đắc đạo chứng quả thì, những tâm thiền và những tâm đạo quả nó chỉ hiện khởi ở trong một số trường hợp đặc biệt ở trong đời sống chúng ta như nhập thiền, hay lúc đắc đạo, hoặc sau lúc đắc đạo, nhưng mà rồi, chúng ta trở lại sài tâm Dục Giới .
Vì vậy, tâm dục giới là một thứ tâm đóng vai trò rất đặc biệt, rất phổ cập. Bởi vậy, trong một số các truyền thống về Luận Tạng của Phật Giáo bắc truyền, thí dụ như Duy Thức hay A Tỳ Đàm Cô Xá chẳng hạn thì, không có cách phân chia như ở trong Thắng Pháp Abhidhamma, mà chi đầu vào là 6 thức là, nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, và ý, ngoài ý thì có Mạc-na thức và có A-lại-da thức, chúng tôi sẽ có dịp bàn về việc này. Dĩ nhiên, cách phân loại đó rất dễ hiểu.
Và cách phân loại của Thắng Pháp Abhidhamma thì cũng có một cái lợi khác là chúng ta có cái nhìn rất là tản rộng về sự phân loại các loại tâm. Nhưng mà chúng tôi mong tất cả những Phật tử học về Thắng Pháp thì nên hiểu rằng tâm Dục Giới là một thứ tâm đa nhiệm, một thứ tâm phổ cập, một thứ tâm đóng rất nhiều vai trò ở trong cuộc sống.
Chính cuộc sống như là hầu hết chúng ta ở tại đây, chúng tôi không biết là các vị có ai chứng thiền hay đắc đạo chứng quả, nhưng, nếu chúng ta là phàm nhân không chứng thiền thì tất cả tâm của chúng ta sống đều bằng tâm dục giới, từ trong tiềm thức cho đến những hoạt thức, từ trong cuộc sống hàng ngày cho đến những chuyện chúng ta tu tập làm thiện hay lúc chúng ta sanh khởi phiền não v.v...
Đó là một vài điểm mà chúng tôi muốn đề cập đến ý nghĩa và vai trò của tâm Dục Giới ./.
No comments:
Post a Comment