Thursday, August 27, 2020

Thắng Pháp Abhidhamma - Bài 9. Chân Đế

 Thắng Pháp Abhidhamma

Bài 9. Chân Đế


Minh Hạnh chuyển biên

TT Tuệ Siêu: Như chúng ta đã biết, có hai sự thật:

1- Một là Tục Đế (Sammutti-sacca).
2- Hai là Chân Đế (paramattha-sacca). 

Tục Đế là chế định về tên gọi (Nāmapaññatti), chế định về ý nghĩa nói cho hiểu là (Atthapaññatti). Chúng ta đã học qua. 

Hôm nay chúng ta học pháp Chân Đế (paramattha-sacca). 

Chữ sacca là một sự thật.

Chữ paramattha;

 - Parama nghĩa là đệ nhất hay là cùng tột hoặc là tuyệt cực, 

-  ttha là nghĩa là lý, hay là nội dung.

  Ngài HT Minh Châu dịch là Đệ Nhất Nghĩa. 

Nếu dịch là Đệ Nhất Nghĩa Đế thì thêm chữ Sacca (Paramattha-Sacca).

 Ngài HT Tịnh Sự dịch là Siêu Lý. 

Bây giờ chúng ta dùng Paramattha là Đệ Nhất Nghĩa.

Chúng tôi, chữ paramattha là nghĩa lý tột cùng hay là cực nghĩa, như chữ nibbanam paramam sukham - Niết-bàn là Cực lạc, là lạc tột cùng bởi vì nó không có đau khổ do sự vô thường v.v... 

Chữ paramattha nói cách nào đi nữa chúng ta cũng phải hiểu là, pháp có đặc tính như thật, quá khứ thế nào, tương lai và hiện tại cũng như thế không thay đổi.
 
Không thay đổi ở đây là, không thay đổi về thực tính (sabhāvā), không phải  pháp Chân Đế hữu vi là thường còn vĩnh hằng, không phải vậy, bởi vì luôn luôn:

 Aniccã vata saṅkhãrã 
uppãdavayadhammino 
uppajjitvã nirujjhanti 
tesaṃ vūpasamo sukho

Nghĩa là:

Pháp hành vốn vô thường
Sanh diệt là tự tánh
Có sanh hẳn phải diệt
Tịch tịnh là an lạc

Do đó chúng ta cần phải hiểu, khi nói đến quá khứ, hiện tại, vị lai, không có thay đổi, chúng ta phải hiểu thực tính Chân Đế không có thay đổi. 

Không giống như pháp chế định hay pháp Tục Đế, chữ, nghĩa, danh từ gọi, có thời gian, sau đó nó đổi khác, đi người ta có thể chế lại. 

Nói cách khác, pháp Chân Đế vượt ngoài thời gian và không gian, nghĩa là không bị chi phối bởi, văn hóa, không gian, thời gian. 

Như sự thi thiết trong ngôn ngữ, thời kỳ văn hóa này thì sài ngôn ngữ này chuyển đổi qua thời kỳ văn hóa khác thì ngôn ngữ đó được sửa lại nói khác đi. Ví dụ, văn chương thời Tự Lực Văn Đoàn ở VN của Thạch Lam, Khái Hưng v.v... khi mới mở cửa văn chương của Tự Lực Văn Đoàn được sùng bái được hoan nghênh. Nhưng văn chương đó đối với văn hóa bây giờ thì văn chương đó người ta nói lỗi thời, xưa rồi, bởi vì tả chân nhiều quá. Do đó khi người ta viết văn chương bây giờ phải phù hợp với tư tưởng, cách suy nghĩ, của tuổi trẻ bây giờ.

 Cho nên sự thi thiết của ngôn ngữ bị chi phối bởi văn hóa, về không gian, ở mỗi một góc độ họ qui ước văn hóa khác nhau, ngôn ngữ khác nhau. Thí dụ như văn hóa của nước này cách chào như thế này người ta cho là lịch sự, nhưng đem cách chào đó áp dụng cho quốc độ khác, không gian khác, người ta lại cho là thiếu lịch sự.

 Đừng nói chi ở đâu xa, thí dụ, chữ "khốn nạn" ở trong miền Nam mình gặp ai đó mình nói là "người khốn nạn" người ta nghe người ta giận mình, bởi vì nói như vậy có nghĩa là mình chửi người ta, nhưng ở miền ngoài ở miền Bắc chẳng hạn, thì chữ khốn nạn đó biểu hiện lòng nhân từ, khi mình thấy những người nghèo khổ hay một đứa bé mồ côi, mình nói "đứa bé thằng khốn nạn" tức là mình than thở, thương cảm cho nó. Cho nên ngôn từ theo không gian thi thiết thì sài tùy theo miền, tùy theo quốc độ v.v... về thời gian cũng vậy, những thập kỷ trước thì ngôn từ đó sài được, nhưng bây giờ mình sài thì người ta nói mình quê mùa, mình phải sài ngôn từ khác cập nhật theo người ta.

Tất cả những điều chúng tôi trình bày để muốn nói rằng là chỉ có ý nghĩa pháp Chân Đế, ý nghĩa đó là, quá khứ, hiện tại, và vị lai, vẫn là như vậy. 

Khi con người sống, có thể xác và tâm hồn, thì tâm hồn tức là nhận thức, biết cảnh, hoặc là sự cảm nhận, vui, buồn, hỉ, nộ, ái, ố v.v... thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, thì tâm biết như vậy nó cũng vẫn là như vậy thôi, không có thay đổi. 

Còn cái gì thuộc sắc pháp, về vật chất, là vô tri giác, nói cách khác là anārammana, là bất tri cảnh, là không biết cảnh. 

Thì ở đâu cũng vậy, hễ vật chất là vật chất, chứ không thể ở quốc độ này vật chất biết cảnh, tâm thức là không biết cảnh, không phải vậy, cho nên các pháp Chân Đế không bị chi phối bởi văn hóa, không gian và thời gian.

Thắng Pháp Abidhamma phần lớn trình bày về pháp Chân Đế, không như trong Kinh Tạng và Luật Tạng. 

Kinh Tạng và Luật Tạng thỉnh thoảng cũng có nhắc Đức Phật Ngài thuyết pháp cho thính chúng nghe, Ngài có trình bày nhưng trình bày một cách đại loại chứ không trình bày chi tiết giống như ở trong Thắng Pháp Tạng. 

Trong Kinh Tạng khi nói đến khái niệm thiện ác nhân quả, nói đại loại thiện là gì? một người bố thí giúp đỡ cho người khác gọi là thiện, một người từ bỏ sát sanh, từ bỏ trộm cắp, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, biết giữ giới, thì gọi là thiện, một người tu tập, tinh tấn, chánh niệm, chánh định, gọi là thiện.

Còn ác có nghĩa là, một người đánh đập đả thương sát hại chúng sanh khác, sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói đâm thọc, nói lời độc ác v.v... Thì như vậy, trong kinh tạng đề cập đến thiện ác như thế.

Khi nói đến nhân quả, trong Kinh Tạng nói đến, nghiệp trắng thì kết quả trắng, nghiệp đen kết quả đen, nghiệp vừa trắng vừa đen kết quả cũng vừa trắng vừa đen, nghiệp không trắng không đen kết quả không trắng không đen. Những khái niệm về nhân quả như vậy được nói đến để người ta nghe thoáng qua hiểu được.

Nhưng, ở trong Abhidhamma Thắng Pháp đề cập tỉ mỉ, phân biệt rõ ràng tế nhị. Thí dụ, nói đến thiện, trước nhất nói đến những tâm có nhân thiện tương ưng là vô tham, vô si và, có những thuộc tính tịnh hảo như tín, niệm v.v... Tín, niệm, tàm, qúi, tương ưng phối hợp với tâm đó thì mới gọi là tâm thiện. Từ tâm thiện này dẫn đến, thân nghiệp thiện, khẩu nghiệp thiện, ý nghiệp thiện. 

Pháp thiện được phân ra nếu như, pháp thiện làm những việc lành dẫn đến tái sanh về, cõi người, cõi trời dục giới, thì gọi là tâm thiện dục giới.

 Còn pháp thiện đưa đến quả tái sanh về cõi Phạm Thiên sắc giới thì gọi là thiện sắc giới.

 Pháp thiện dẫn tái sanh đưa đến cõi vô sắc giới Phạm Thiên vô sắc gọi là thiện vô sắc.

Pháp thiện diệt trừ những phiền não bằng Bát Chánh Đạo, chánh kiến, chánh tư duy v.v... gọi là tâm đạo hay thiện siêu thế.

 Pháp thiện hay pháp bất thiện đưa đến quả dị thục ở trong Thắng Pháp Abhidhamma chỉ nói đến quả bất thiện và quả thiện mà thôi. 

Và trình bày đặc biệt nhất là về duyên hệ, trình bày qua khía cạnh dị thời nghiệp duyên  (Nānakkanikakammapaccayo).

Tư tâm sở phối hợp tâm thiện sẽ trợ cho tâm quả thiện và, tư tâm sở (cetanā) phối hợp trong tâm bất thiện sẽ đưa đến quả bất thiện đem đến sự khổ đau v.v...

Như vậy, trong Thắng Pháp Abhidhamma đề cập một cách chi tiết và tinh tế, tất nhiên, chúng ta cũng phải hiểu khi Đức Phật Ngài thuyết trong Kinh Tạng, trong Luật Tạng giúp cho người nghe có sự hoan hỉ để làm thiện và cảm thấy sợ hãi mà từ bỏ những điều bất thiện. 

Trong Thắng Pháp Abhidhamma cũng đề cập đến, thiện, bất thiện, phân tích kỹ lưỡng để loại trừ những sự nhầm lẫn. Nhưng khi chúng ta tu tập thì tu tập theo pháp thiện trong Kinh Tạng đã đề cập đến. 

Giống như, khi chúng ta bệnh đến gặp bác sĩ, bác sĩ sẽ kê toa cho chúng ta, bệnh này phải uống loại thuốc này, uống sáng, uống trưa, uống chiều, uống trước bữa ăn hoặc sau bữa ăn, uống với nước nhiều v.v... Nhưng, tủy theo cơ địa của mỗi người bác sĩ kê những tánh dược ở trong hiệu thuốc đó đưa qua dược sĩ, người dược sĩ sẽ lấy những thành phần thuốc, họ thêm vào tánh dược này họ bỏ bớt thành phần kia để bào chế viên thuốc phù hợp cơ địa của bệnh nhân. Khi đọc toa thuốc, đọc tờ hướng dẫn xử dụng về loại thuốc đó, chúng ta sẽ thấy những thành phần ở trong viên thuốc nhưng, bệnh nhân khi uống thuốc thì chỉ biết là uống viên thuốc thôi, không cần phải tách ra những thành phần ở trong viên thuốc đó nữa.

Tương tự như vậy, Thắng Pháp Abhidhamma phân tích những thành phần chi tiết trong những thuộc tánh, trong một tâm thiện hay tâm bất thiện để dẫn biết một cách chính xác về trường hợp một người làm thiện có tình trạng này hay tình trạng khác. Nhưng, khi ta tu tập, chúng ta làm phước thì  cứ việc nghĩ là có niềm tin nơi Tam Bảo, nơi Chư Tăng, chúng ta đem lễ phẩm đến chùa để cúng dường tác bạch bằng, thân, khẩu, ý, với tâm hoan hỉ. Chúng ta cúng dường như vậy gọi là sự bố thí cúng dường, sự làm phước cứ làm như vậy, lúc đó chúng ta không cần phải phân tích, chia chẻ, xem coi trạng thái tâm bố thí lúc đó như thế nào v.v... 

Đó là sự trình bày để chúng ta hiểu về, Kinh Tạng, Luật Tạng, Thắng Pháp Tạng, khác nhau như vậy, về nội dung nghĩa lý cũng giống nhau, chỉ là Kinh Tạng trình bày ở khía cạnh vi mô, Thắng Pháp thì vĩ mô một chút. 

Nếu như, học theo Thắng Pháp chúng ta cứ nghĩ một khảy móng tay tâm sanh diệt triệu triệu sát na tâm, trong một triệu triệu sát na tâm đó, mỗi một sát na tâm sanh khởi có thiện có bất thiện và có tâm vô ký, thì trong trường hợp chúng ta muốn loại ra chắc là khó, chúng ta khó cắt ra. Còn khi chúng ta học Kinh Tạng và Luật Tạng thì nên biết, thí dụ, khi nói đến chánh tư duy tức là, ly dục tư duy, vô sân tư duy, bất hại tư duy, mình phải duy trì để cho nó sanh. Còn tà tư duy như là, dục tư duy, sân tư duy, hại tư duy, thì không nên sanh khởi v.v... Nói về, chánh tư duy, tà tư duy như thế, chúng ta cứ tu tập như vậy, đó là sự phân tích chi tiết.

Bây giờ chúng ta nói đến sự phân chia các pháp Chân Đế. Thật ra, pháp Chân Đế  chia làm hai được rồi, tức là danh  (nāma) và sắc  (rūpa). Hay nói cách khác, chia ra làm 4, danh ở đây gồm có tâm thuộc tánh, tức là tâm sở hay là sở hữu tâm và Niết-bàn. 

- Tâm, tâm sở, và Niết-bàn gọi là danh (nāma).

-  Sắc (rūpa) là phần vật chất gọi là sắc pháp.

 Danh (nāma) gồm có danh pháp hữu vi và danh pháp vô vi. Danh pháp hữu vi là tâm, tâm sở. Danh pháp vô vi là Niết-bàn. Đó là phân theo giáo trình chúng ta học, nếu chúng ta phân theo cách khác nữa thì pháp Chân Đế có hai là Chân Đế vô vi và Chân Đế hữu vi. 

Chân Đế vô vi ở đây là Niết-bàn, vì Chân Đế này, vì pháp, vì Niết-bàn, không có bị tạo tác bởi duyên Niết-bàn, ở trong duyên hệ được đề cập đến nó làm cảnh cho tâm được, làm cảnh duyên. Nhưng không bao giờ làm sở duyên, tức là nó bị pháp khác trợ tạo, cho nên gọi là vô vi (Asaṅkhatā).

 Chân Đế hữu vi là những pháp như, tâm, tâm sở, sắc pháp, hay là vật chất, tâm thuộc tánh vật chất thì nó là năng trợ cho pháp sanh khởi, mà nó cũng là sở, tức là nó bị pháp khác làm duyên trợ sanh ra nó. 

 Thì như vậy, có nghĩa là pháp Chân Đế trước hết chúng ta nói đến, Chân Đế vô vi, Chân Đế hữu vi. 

Nếu chúng ta chia cách khác là danh và sắc. Kế đến chúng ta chia ra làm 4 pháp Chân Đế tức là, tâm, tâm sở, sắc pháp và Niết-bàn. Thì ở đây, trong giáo trình Abhidhammattha Sangaha - Thắng Pháp Tập Yếu, chúng ta nói nhiều về Chân Đế hữu vi, tâm, tâm sở, sắc pháp, bởi vì đối với Chân Đế vô vi chỉ là Niết-bàn, cho nên, chỉ nói qua một góc nào đó chứ không có gì để phân tích nữa. 

Thì pháp hữu vi gồm có, tâm, tâm sở, hay gọi là thuộc tánh của tâm, gọi là sở hữu tâm, cái này gọi là danh, danh pháp hữu vi.

 Còn vật chất tức là 28 sắc pháp thì gọi là sắc.

Khi chúng ta học Thắng Pháp, chúng ta sẽ học đến sự tương quan giữa danh và sắc pháp, Chân Đế hữu vi, chúng ta sẽ học sự tương quan đó, bởi vì danh trợ cho danh được, danh trợ sắc được, danh trợ cho danh và sắc được, sắc trợ cho danh được, và sắc trợ cho sắc được, sắc trợ cho danh sắc cũng được. Đó là chúng ta sẽ học nội dung của pháp Chân Đế. 

Trong buổi học hôm nay chúng ta chỉ giới thiệu về ý nghĩa của pháp Chân Đế và sự phân loại pháp Chân Đế mà thôi. Bài học kế tiếp, chúng ta sẽ bắt đầu đi vào chi tiết, trước tiên là về tâm, là một trong 4 pháp Chân Đế, bắt đầu chúng ta sẽ đi vào chi tiết của pháp Chân Đế, sau bài học này và, lúc đó các Phật tử học viên phải chú ý và có thể ghi chép được thì ghi chép./.

Saturday, August 22, 2020

Thắng Pháp Abhidhamma - Bài 8. Tục đế

 Thắng Pháp Abhidhamma

Bài 8. Tục đế


Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Có một điểm rất thú vị ở trong đạo Phật, trong Phật giáo Bắc Truyền có một câu "Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền", nhưng, dù bất lập văn tự, vẫn có rất nhiều tác phẩm lớn, thí dụ như, Bích Nham Lục, Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất, có không ít những mô tả, những minh họa bằng ngôn ngữ.

  Khi chúng ta đi vào Thắng Pháp Abhidhamma, đôi khi chúng ta nghĩ Tục Đế là cái gì nghiêng về ngôn từ và, cái gì thuộc về Đệ Nhất Nghĩa Đế vượt qua những qui ước về ngôn từ.

Nhưng, khi chúng ta học Thắng Pháp Abhidhamma, có nhiều người gọi đó là một rừng ngôn ngữ. Thật ra, Thắng Pháp Abhidhamma không nhất thiết chỉ nói về Chân Đế, mặc dù nhiều người quan niệm Thắng Pháp Abhidhamma đặc biệt nói về Siêu Lý hay nói về Chân Đế. Nhưng kỳ thật, môn này là một môn quan trọng của Phật Học có những hướng dẫn rất quan trọng khi chúng ta đề cập đến, ngôn ngữ, từ vựng, cách biểu đạt, nói cách khác là về phương diện Tục Đế.

Chúng tôi hồi còn nhỏ, nhiều lúc học Thắng Pháp Abhidhamma có cảm tưởng như phần Tục Đế chỉ được nói qua loa, nói một cách rất ngắn gọn ở trong một bài học và, đôi khi nhiều người học bị quên bẳng đi phần này bởi vì nghĩ không quan trọng như bốn pháp Chân Đế. Nhưng kỳ thực thì, cách Thắng Pháp Abhidhamma đề cập đến Tục Đế, từ đó tạo nên một sự tương phản khi chúng ta nói về Chân Đế, một ở trong những lãnh vực có thể nói  rất tế nhị và hết sức hữu dụng cho bất cứ ai học Phật Pháp.

Tục Đế là: Đế là sự thật, Tục là thường thức, thì Tục Đế là sự thật theo thường thức. 

Khi nói đến những sự thật theo thường thức là cái gì chúng ta sống với, chúng ta xử dụng hàng ngày, ngay cả như hôm nay TT Tuệ Siêu và chúng tôi vừa gửi đến qúi vị một số ý nghĩa thì ý nghĩa bất cứ điều gì cũng phải xử dụng đến một thứ gọi là ngôn ngữ, không có ngôn ngữ thì chúng ta sẽ gặp trở ngại lớn để hiểu được điều gì đó. 

Trong phần "nên cẩn thận" chúng tôi có đề cập đến một ý nghĩa của bài kinh rất nổi tiếng của kinh điển Phật Giáo đó là "Kinh Tây Ngưu Một Sừng". Trong bài kinh Tây Ngưu nói về hình ảnh Chư Phật Độc Giác, một bài kinh rất đẹp, trong Sớ Giải của Kinh Tê Ngưu đưa ra một hình ảnh Chư Phật Độc Giác là những vị rất thù diệu về phương diện các bậc Thinh Văn không thể so được đó là, tự giác ngộ không cần qua sự khai thị. 

Tự mình giác ngộ là một thành tựu rất lớn trong con đường dẫn đến giác ngộ giải thoát. Nhưng, ngoài chuyện tự mình giác ngộ không cần sự khai thị như Chư Phật Toàn Giác thì, ở một phương diện khác vị Phật Độc Giác không đủ ngôn ngữ và khả năng để diễn đạt những gì mình đã ngộ, giống như Phật Toàn Giác, như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Đức Phật Bổn Sư của chúng ta, khi diễn đạt những gì mình thấy biết là một chuyện hoàn toàn khác.

 Chúng tôi lấy một ví dụ, cũng thời đến thăm một nơi nào đó, thành phố Vancouver của Canada chẳng hạn, một thành phố đẹp khi trở về nhà,  có những người có thể mô tả lại cho chúng ta một số khái niệm về, địa hình, đồi núi, sông hồ, ngôn ngữ, văn hóa, sinh hoạt, những xuất sắc của thành phố Vancouver. Nếu những người khác có hỏi nhiều lắm thì nói thành phố rất đẹp, tôi rất thích, chớ không thể diễn tả được gì. Sự khác biệt là một người có khả năng có ngôn ngữ để diễn đạt và, một người không đủ khả năng không đủ ngôn ngữ để diễn đạt, hai điều đó khác nhau. 

Trong Sớ Giải của Kinh Tê Ngưu có dùng một thí dụ đó là, Chư Phật Độc Giác như một người câm nằm chiêm bao, ở trong giấc mộng thấy nhiều điều rất thú vị nhưng bởi vì câm thành ra không thể diễn tả được. Chữ câm ở đây chúng ta nên hiểu ở trong ý nghĩa bất khả thuyết,  ý nói khi bậc Độc Giác các Ngài có những cái thấy, cái biết, sự liễu ngộ rất sâu kín, tế nhị. Nhưng để diễn đạt, để minh họa và để thiết lập ngôi nhà giáo pháp thì đó là một chuyện hoàn toàn khác. 

Thí dụ này, cho chúng ta thấy điều quan trọng của ngôn ngữ, quan trọng của phương tiện truyền đạt, ngày hôm nay chúng ta gọi là truyền thông. Phương tiện truyền đạt đó gọi là Tục Đế. Mặc dù, ngôn ngữ là một phương tiện diệu dụng giúp chúng ta rất nhiều, nhưng, chúng ta nên hiểu tánh tương đối chứ không nên hiểu tánh cách tuyệt đối.

 Sự tương đối của ngôn ngữ và tánh cách chủ quan của ngôn ngữ là điều dễ dẫn chúng ta đến ngộ nhận, đến những lầm lẫn nếu chúng ta không khéo.

Trong một bài kinh tụng về vô thường, khổ não, vô ngã có một câu rất thú vị là "Nghe lầm, ắt nói lại lầm". Một người nghe lầm họ nói lại thì càng lầm, nhưng có nhiều khi nghe đúng mình lập lại cũng lầm nữa, ngôn ngữ rất nguy hiểm bởi vì nó có tánh cách tương đối, phải hết sức cẩn thận.

Trong truyện Kiều, cụ Nguyễn Du có viết: "Đã mang lấy nghiệp vào thân. Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa". Một thí dụ khác, một người phụ nữ lấy chồng gặp mẹ chồng cay nghiệt thì nói "không biết cô đó bị nghiệp gì mà gặp bà mẹ chồng làm khổ quá". Nhưng, nếu một người rất thành công giàu có, ít ai nói rằng: "Người kia không biết do nghiệp gì mà thành công".  Ở trong ngôn ngữ tiếng Việt thường hiểu nghiệp là xấu, không hẳn như vậy, nghiệp thì có nghiệp tốt nghiệp xấu, đồng ý, những gì thấy trong đời sống có cả hai, tốt và xấu, vui và buồn, nhưng tất cả đều do nghiệp hoặc là nghiệp thiện, hoặc là nghiệp bất thiện.

Thì ở đây, cách dùng chữ nghiệp có tánh cách tương đối, về điểm này chúng ta đặc biệt cẩn thận. 

Trên phương diện Tục Đế được phân chia thì Thắng Pháp chia làm hai, một phần là định danh, một phần là diễn nghĩa.

Định danh 

Định danh là cách đặt tên. Trong ngôn ngữ mới nghe như có luật, nhưng thật sự không có luật lệ gì hết, chỉ đơn thuần tình cờ người ta làm thôi, rồi người sau có thể bắt chước theo. Ví dụ, những bậc tiền nhân đi trước dịch thuật từ chữ Phạn sang chữ Hán chúng ta thừa kế sau này có nhiều cách dịch rất lạ. Chẳng hạn dịch tên người, như vua Tịnh Phạn dịch từ chữ Suddhodana, Suddho dịch là Tịnh, danna dịch là Phạn. Có những chữ nửa âm nửa dịch, thí dụ, Sariputta, Sari thì âm là Xá Lợi, putta âm là tử, thành tên Ngài Xá Lợi Phất nửa âm nửa dịch. Có những thứ hoàn toàn âm, thí dụ Ngài Ananda âm là Anan chứ không dịch, còn có những chữ hoàn toàn dịch. 

Bây giờ hỏi, trường hợp nào nên âm, trường hợp nào nên dịch, điều này thì chịu, tại vì gọi theo thói quen, không có một luật định nào, thí dụ, Vua Tịnh Phạn, Hoàng Hậu Maya, thì Tịnh Phạn hoàn toàn là chữ dịch, Maya thì hoàn toàn là âm.

Cách định danh trong cuộc sống cũng tương tự như vậy. Chúng tôi lấy ví dụ đặt tên các loại bánh. Dĩ nhiên, mình nghĩ tên có ý nghĩa nào đó, thí dụ bánh xèo, tại vì chiên nghe xèo xèo. Người miền Trung có bánh khoái, người ta nói chữ khoái từ chữ khói mà ra, tại vì mỗi lần chiên bánh thì khói nhiều và họ đổi thành bánh khoái. Ngày Tết chúng ta có bánh tét, có nhiều người hiểu bánh tét là lấy sợi giây tét ra, nhưng chúng tôi nghĩ do chữ Tết họ đọc ra chữ tét thì đúng hơn. Rồi chúng ta có bánh da lợn hay bánh quai chèo, bánh quai chèo thì giống như cái quai chèo, bánh da lợn thì giống da heo vì có nhiều lớp. Nhưng, có những thứ bánh không có ý nghĩa gì hết như bánh bò, chúng tôi không biết chữ bò đó chỉ con bò hay động từ bò, bánh bò không liên quan gì đến cái bánh hết. Hay là bánh ít, bánh nậm không biết nghĩa là gì, đôi khi đặt tên có nghĩa, có khi đặt tên vô nghĩa.

Trong định danh luôn luôn có pháp có thực tính, hoặc pháp không có thực tính.

 Trong ngôn ngữ Phật học có những pháp thực tính như là, tâm, sắc pháp, Niết-bàn, hay hoặc giả là, năm uẩn, xứ, giới đế, những pháp đó là những pháp có thực tính.

 Nhưng, cũng có các từ vựng hoàn toàn phi thực tính. Thí dụ, trọc phú, tiểu thư, một hiệp sĩ, tại sao phi thực tính? Về điều này, Ngài Na-Tiên (Nàgasena) đưa một ví dụ gọi về long xa là xe vua, nhưng khi tháo rời từng bộ phận, khung xe, rồi bánh xe, rồi mui xe, những bộ phận khác tháo rời ra thì không có cái nào trong đó là long xa hết, long xa chỉ là một sự kết hợp lại của nhiều cơ phận, và cũng những cơ phận đó được dùng cho nhà vua thì gọi là long xa. Ngày hôm nay, người ta muốn đặt tên cách nào thì đặt, đôi khi họ đặt là xe vua mà không nhất thiết ông vua dùng nó, thí dụ, họ gọi vua xe hơi thì  vua đó chỉ là một cách giả định phi thực tính. 

Hai phương diện này, pháp có thực tính và pháp phi thực tính chúng ta gọi là hữu thực và vô thực.

Đôi khi có những từ ghép, do có những từ ghép này tạo nên bốn trường hợp sau: 

- Hữu thực vô thực: hữu thực là danh từ chỉ pháp thực tính, vô thực là danh từ phi thực tính, tạo thành danh từ kép như nói: tâm tôi, mùi thơm. 

Tâm là một thực tính, tôi là phi thực tính, là một ước lệ. 

Mùi thơm, mùi là một thực tính, thơm hay không thơm, hay là mùi hôi thì thơm và hôi là phi thực tính. Ví dụ, mình nói mùi sầu riêng, hay mùi nước mắm, gọi thơm hay hôi tùy theo mỗi người, thành ra nó là phi thực tính.

- Vô thực hữu thực: vô thực là không có thực tính, danh từ sau hữu thực có thực tính. Thí dụ, nhập Niết-bàn, nhập thì phải có cái gì mới nhâp được, Niết-bàn là một trạng thái không nhập không xuất. Hoặc giả, nói người tạo nghiệp, chỉ có tạo nghiệp không có người tạo nghiệp, chỉ có gặt quả chứ không có người gặt quả, đây là ý nghĩa rất tế nhị.

- Hữu thực hữu thực, danh từ trước và sau là danh từ kép đều chỉ pháp thực tính, thí dụ mình nói nhãn thức hay nói tâm thiện hay tâm bất thiện v.v... là danh từ kép mà cả hai đều chỉ pháp thực tính.

- Vô thực vô thực, trước và sau đều thuộc về pháp phi thuộc tính. Thí dụ xe sang hay người đẹp, chiếc xe, đôi khi chỉ là một danh từ có tánh cách ước lệ chung chung gọi là xe nhưng có thể sài được nhiều trường hợp khác nhau. Xe sang hay không sang tùy theo quan niệm của mỗi người, ví dụ, ở Mỹ đôi khi chúng ta thấy xe Mercedes, BMW sang trong, nhưng qua bên Âu Châu xe BMW, xe Mercedes dùng để làm xe taxi gọi là không sang trọng. Do vậy, sang trọng và không sang trọng là một khái niệm định đặt. Hay là, nói người, người là một danh từ giả lập, và đẹp hay xấu tùy theo mỗi người. Thời nhà Đường, Dương Qúi Phi được gọi là mỹ nhân là người phốt pháp, bây giờ, người ta nghĩ rằng một người tương đối hơi gầy thì mới là đẹp. Thì về ngành thẩm mỹ học, cái đẹp hay không đẹp tùy người, tùy theo xứ, tùy theo văn hóa, chứ không thể nói chữ đẹp là một khái niệm tuyệt đối. Thành ra khi chúng ta nói, xe sang, người đẹp, danh từ vô thực vô thực tức là trước và sau là từ kép mang tánh cách là giả lập.

Hàm nghĩa diễn nghĩa

Diễn nghĩa là một cách nói để định đặt một ý nghĩa nào đó, về phương diện này chúng ta phải đặc biệt hết sức cẩn thận bởi vì những ý nghĩa chúng ta nói mang tánh cách tương đối, có 7 trường hợp nói về sự diễn nghĩa này.

1 - Thứ nhất, qui ước về hình tướng

Thí dụ, nói biển rộng sông dài, hay con kinh rạch nước. Vị nào ở miền Nam thì biết khi nói về những hình tướng những khối nước người ta có nhiều tên đặt, thí dụ, sông thì có sông cái là sông rất lớn chẳng hạn. Kinh là do con người đào như kinh đào Suez ở trên lãnh thổ Ai Cập, hay kinh Sáng ở miền Nam VN chằng chịt. Có kinh, có lạch, có xẻo, rồi chúng ta có đầm, đìa, bưng, biền, ao, hồ, có vũng nước, mình đặt rất nhiều. Hỏi, cái lạch cái xẻo khác nhau thế nào, điều đó do người ta đặt ra, có nhiều khi con kinh lại lớn hơn con sông.

Ở Mỹ có những con đường được định đặt như hightway hay freeway, đôi khi freeway không lớn bằng hightway, mặc dầu, thường freeway rộng hơn hightway. Và chúng ta cũng nói đến một số ý nghĩa về hình tướng mang tánh cách tương đối như boulevard nghĩa là đại lộ, chẳng hạn, ngày xưa chúng tôi ở chùa Pháp Vân, nằm trên đại lộ Phillips Boulevard, nhưng đại lộ này lại nhỏ hơn (street) con đường gần đó. Thành ra, khi chúng ta định danh về phương diện hình tướng phải coi chừng vì nó có giá trị rất tương đối. 

Ở VN chúng ta có phái Cổ Sơn Môn, mới nghe tên thì tưởng là lâu đời. Thật ra phái Cổ Sơn Môn mới được thành lập thời Pháp. Trong lúc đó ở bên Nhật có phái Tân Tăng, nghe Tân Tăng là mới, một hình thức Tăng có gia đình nhưng đã được thành lập từ thế kỷ thứ 12. Nếu nói Tân Tăng mới hơn Cổ Sơn Môn thật sự không đúng.

Trong âm nhạc VN có hai giòng nhạc là tân nhạc và cổ nhạc. Tân nhạc ra đời trước Cổ nhạc. Tân nhạc là dòng nhạc chịu ảnh hưởng Pháp, Cổ nhạc là một dòng nhạc chịu ảnh hưởng nhạc Ngũ Am, đặc biệt từ khi ông Sáu Lầu sáng tác một bản nhạc, bản nhạc đó đã trở thành một nguồn nhạc mới nhưng người ta không gọi là nhạc mới mà gọi là Cổ nhạc tại vì ảnh hưởng từ Ngũ âm.

Thì như vậy, tân và cổ là một hình thức khái niệm rất tương đối. 

2. Thứ hai, qui ước về phức hợp

Sự phước hợp như, gia đình, giáo hội, Tăng già, là sự kết cầu của nhiều đơn vị tạo thành. Một gia đình có nhiều người hợp lại thành một gia đình, giáo hội là một cơ cấu có nhiều thành viên của một tôn giáo, Tăng già thường có nhiều Tăng Ni hoặc giả là 4 vị tỳ kheo trở lên gọi là Tăng già. Những chữ này cho chúng ta thấy một cơ cấu được tạo nên bởi nhiều thành viên nhiều đơn vị, nhưng tự nó không nói lên được về phẩm về lượng ra sao. Ở bên Mỹ, cộng đồng người Việt có một điểm rất vui là đôi khi đến tham gia một buổi lễ của cộng đồng tổ chức, họ nói ông chủ tịch này, ông hội trưởng kia  nghe chức chủ tịch oai nhưng thật sự trong hội chỉ có 3 người, nhưng cũng có những hội đoàn cũng tên như vậy ở trên thực tế có cả mấy ngàn hội viên, khi đưa ra thì ông nào cũng là chủ tịch ông nào cũng là hội trưởng của một tổ chức một hội đoàn. Ở Mỹ khi gọi là hội đoàn có nghĩa đã được đăng bạ trên luật pháp, và hội đoàn không nhất thiết phải mạnh, phải đông, có hội đoàn chỉ có 3 người và có hội đoàn có cả triệu người, về điểm này chúng ta cũng phải đặc biệt cẩn thận.

3- Thứ ba, qui ước về chúng sanh.

Chúng sanh ở đời, như chúng ta nói người đó thuộc giới thượng lưu, người đó là một mỹ nhân, hay ông hoàng âm nhạc, ông vua thép, vua xe hơi. Thì người ta đặt tên thôi, tính cách tương đối. Ví dụ, người ta nói ông vua xe hơi thì có thể thời điểm nào đó ông rất oanh liệt tạo ra được nhiều mặt hàng về xe cộ nhưng nó không phải là tất cả, nó không có giá trị tuyệt đối.

Hồi xưa người ta có kể một câu chuyện, có một người quá thương vợ và người vợ này chỉ có một mắt, thì người chồng nói rằng "khi tôi yêu vợ tôi rồi thì tôi thấy tất cả những người phụ nữ khác trên thế gian này có dư một con mắt". Ông không thấy người vợ thiếu một con mắt mà thấy những người đàn bà khác dư con mắt, thì nó cũng là một cách suy diễn.

Tại sao chúng tôi nhắc đi nhắc lại chữ tương đối, tại vì tương đối là đặc tính của Tục Đế, tên gọi đó để chỉ cho điều đó nhưng không chắc hẳn nó sẽ mang tính khẳng định tuyệt đối, nên lưu ý về việc đó.

4 - Thứ tư, qui ước về phương hướng.

 Phương hướng là Đông, Nam, Tây, Bắc, Trên, Dưới. Qúi vị thỉnh thoảng nghe TT Tuệ Siêu nói về niệm tâm từ đến người hướng Đông, Nam, Tây, Bắc, Trên, Dưới. Ở trong tiếng Phạn, cũng giống như chúng ta học hồi nhỏ những bài học về thường thức, đôi khi mình chỉ nghĩ đến trước mặt, sau lưng, bên phải, bên trái, trên và dưới thôi. Nhiều khi, một người mang la bàn đi vào trong rừng không định hướng được rõ ban đêm, ngồi không biết hướng nào nhưng, trước mặt, sau lưng, bên phải, bên trái mình qui định được. Thì như vậy, trên địa cầu chúng ta, hướng về bắc cực là phía bắc là Bắc Cực, hướng về phía nam là Nam Cực. Nếu chúng ta đi về hướng Đông hướng mặt trời mọc đi hoài chúng ta sẽ trở về chỗ cũ, hay, hướng Tây hướng mặt trời lặn chúng ta đi hoài cũng về chỗ cũ, tại vì trái đất tròn.

 Như vậy, hồi mình chưa đủ kiến thức về hình dạng tròn của địa cầu có thể mình nghĩ rằng Đông, Nam, Tây, Bắc, là một điều tuyệt đối, thậm chí là Đông, Nam, Tây, Bắc, áp dụng cho cả ngoài trái đất này. Trong Phật Giáo có hai tông phái rất chú trọng về phương vị đó là Tịnh Độ Tông, trong kinh A Di Đà, nói mười muôn triệu thế giới ta bà về hướng Tây. Trong Mật Tông  đặc biệt đề cập đến các phương vị Đông, Nam, Tây, Bắc, như là Đức Tỳ Lô Giá Na ở cương vị nào, Đức Dược Sư ở cương vị nào, Đức Di Đà ở cương vị nào. Nhưng, trong Phật học Phật Giáo Nguyên Thủy phương vị không mang tính tuyệt đối, phương vị mang tánh rất tương đối và nó chỉ có thể áp dụng ở trên trái đất này, khi mình ra ngoài trái đất ngoài Thái Không thì không có Đông, Nam, Tây, Bắc , Trên, Dưới.

Chúng ta nói cách khác, người Âu Châu và người Mỹ thường gọi người Úc là Down Under là Ở Dưới. Khi vẽ bảng đồ thế giới nước Úc luôn luôn nằm ở phía dưới ngang vĩ tuyến của những quốc gia như Nam Phi, như Argentina chẳng hạn. Nhưng nếu chúng ta qua bên Úc, có nhiều người Úc vẽ bản đồ để bán, họ vẽ ngược lại thì nước Úc nằm trên và Mỹ, Canada, Nga nằm tuốt ở dưới. Thật ra, ở quả địa cầu này không có cái nào trên hay dưới, ngay chữ Nam Cực, Bắc Cực cũng tương đối thôi. Ở trong một tinh cầu tròn như vậy thì Đông, Nam, Tây, Bắc, Trên, Dưới hoàn toàn tương đối, hoàn toàn chế định, không có giá trị thật. Chúng ta phải đem Đông, Nam, Tây, Bắc bay ra khỏi địa cầu hay đi vào vũ trụ như phi thuyền Voyager đi qua Thái Dương Hệ có gắng la bàn không từ tính để định hướng theo một đối tượng chỉ hướng nào đó, ví dụ hướng về phía Mặt Trời, Đông, Nam, Tây, Bắc, như chúng ta dùng la bàn để đi trên trái đất này được, thì chúng ta nên hiểu rằng phương hướng là một chế định.

5 - Thứ năm, qui ước về thời gian. 

Thời gian cũng là một ước lệ, một qui ước. Đức Phật Ngài dùng nhiều cách để nói về thời gian, thí dụ, nhỏ nhất là một khảy móng tay, và lâu Đức Phật Ngài dùng chữ đại kiếp (Mahàkappa), một đại kiếp là tuổi thọ của trái đất, hơn thế nữa là a tăng kỳ kiếp, nhưng những điều đó cũng tương đối không có tánh cách tuyệt đối.

Vì vậy, khi chúng ta nói Xuân, Hạ, Thu, Đông, trời đã sang thu rồi, trời đã vào hạ rồi, điều đó chỉ đúng với thời tiết của một nơi nào đó. Ví dụ, như ở thành phố Houston chúng tôi đang ở là đang mùa hè, bởi vì ở Bắc Bán Cầu đang mùa hè, thì ở Nam Bán cầu như Argentina hay Úc bây giờ bắt đầu trở lạnh của mùa đông.

Trên phương diện lịch, người Úc sài lịch VN, mùa hè ở Úc lại rất lạnh, nhưng  mùa đông thì nóng, ngày Christmas và ngày Tết Dương Lịch thì nóng oi bức, bởi vì thời tiết ở Nam Bán Cầu và Bắc Bán Cầu trái ngược nhau. Như vậy, thời gian như chúng ta nói Xuân, Hạ, Thu, Đông hay là phân chia niên lịch chúng ta nói Thu phân, Đông chí, Xuân phân v.v...tất cả đều được qui định bởi chỗ làm lịch ở Bắc Kinh, Trung quốc. Trong quyển Trung Thư lấy theo lịch ở Bắc Kinh áp dụng bên Trung quốc, chúng ta dịch lại thì những hạ chí xuân phân hoàn toàn lệ thuộc vào địa phương đó và nó không áp dụng ở VN.

 Bên Mỹ có quyển sách Farmers' Almanac là lịch cho nhà nông. thì nông lịch này ở trên thực tế cũng không sài hết nước Mỹ được, chúng tôi lấy ví dụ như nước Mỹ một đại lục rất rộng, thì tại nước Mỹ này người nhà nông ở Alaska và nhà nông ở Louisiana hay Texas tuy xử dụng chung nông lịch (Farmers' Almanac) nhưng không giống nhau, tại sao không giống nhau, bởi vì thời gian được phân chia trong nông lịch tùy theo mỗi địa phương. Chúng ta thấy nó có cách rất đối đãi tương đối chứ không phải là giá trị tuyệt đối. 

6 - Thứ sáu, qui ước về không gian.

Sự qui định về không gian cũng tương đối, ví dụ, chúng ta nói, gần, xa, rộng, hẹp. Hồi ở VN, từ Sàigòn đi về Vĩnh Long chúng tôi thấy là một hành trình diệu vợi, bây giờ nghe TT Tuệ Siêu nói có khi đi buổi sáng buổi chiều về chẳng hạn, hay ngày xưa, từ Sàigòn ra Thủ Đức hay Sàigòn ra Biên Hòa cũng là chuyến đi xa, bây giờ gom lại Thủ Đức cũng nằm trong thành phố Sàigòn, thật ra, chỉ là một chuyến đi ngắn vì đường bây giờ rộng hơn. Như vậy ý niệm về, dài, ngắn, rộng, hẹp, không có giá trị tuyệt đối. 

Hồi trước Sư Trưởng lúc còn sanh tiền, có lần Sư Trưởng hỏi chúng tôi là:

- "Sư Trí Tịnh Sư Giác Đẳng có ở gần nhau không?". 

Chúng tôi trả lời: "Dạ gần, bạch Sư Cậu". 

Sư Trưởng nói: "Gần là gần bao nhiêu?",

- "Dạ từ đây qua bên đó bay hai tiếng đồng hồ thôi". 

Sư Trưởng nói: "Bay hai tiếng đồng hồ sao nói gần được". 

Tại vì ở Mỹ có nhiều khi chúng tôi phải bay 5 tiếng, thí dụ từ Houston bay sang California 3, 4 tiếng, từ Houston bay tới New York cũng 3, 4 tiếng. Nếu bay từ Houston tới Tampa mất 2 tiếng thì gần hơn. Do vậy, cái gần cái xa chỉ là nói một cách rất tương đối.

7. Thứ bảy, qui ước về biểu tượng.

Biểu tượng là cái gì đó đôi lúc có giá trị gần như tuyệt đối trong ngôn ngữ. 

Hôm qua chúng tôi thấy một chai tương ớt, nhãn hiệu trên chai tương ớt đó họ in hình Đức Phật có hào quang đỏ rực, ý họ muốn chỉ là cay. Thật ra trong thời đại thương mại người ta có nhiều sự lạm dụng, nhưng mà rồi chúng tôi cũng tự nghĩ rằng mỗi người ở đời đều có quan niệm riêng, là Phật tử mình không hoan hỉ khi thấy hình Phật in trên một cái nhãn như vậy, nhưng, khi mình đến một nền văn hóa khác, một xứ sở khác, người ta có nhiều cách nghĩ khác nhau. Ngay cả ở Á Châu ngày xưa họ in hình Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, hình Phật ngoài bao nhang. Hay là, sau này có hiệu gạo hiệu Ông Địa gọi là hiệu ông Phật mập là fat Buddha trên nhãn hiệu in ngoài bao gạo như vậy. 

Thì bây giờ, khi chúng ta nói đến biểu tượng, nó cũng là một giá trị tương đối. Ở đây chúng tôi có dẫn thí dụ, một pho tượng người Mễ làm trong tư thế ngồi kiết già và mái tóc như vậy, mình nói đó là tượng Phật, nhưng người khác nói không phải là Phật. Là Phật hay không phải là Phật do chúng ta nói thôi. 

Có một lần chúng tôi sang Miến Điện đến thăm một nơi tạc 28 vị Chánh Biến Tri, họ có tạc một vị Phật trong quá khứ mặc y trùm cả hai vai và vai bên phải hở một chút, thì cũng là vị Phật, có người Phật tử nói rằng mấy người Miến Điện này hiểu sai rồi, tượng này là tượng A Di Đà chứ không phải là tượng Phật Anomadassi. Thì cách mặc y, tên gọi, cũng chỉ là một giả định, cũng không có ai thấy Đức Phật A Di Đà mặc y như thế nào, bây giờ có người tạo tượng Phật mặc y như vậy và gọi là Phật Anomadassi, thì cả tên gọi cách gọi chỉ là tương đối. 

Giống như hồi nhỏ chúng tôi thấy ở trên những sách giáo khoa vẽ hình Đức Nguyễn Huệ, Đức Trần Hưng Đạo, tuổi thơ chúng tôi nghĩ đó là hình của Đức Nguyễn Huệ, của Đức Trần Hưng Đạo thật, nhưng lớn lên khôn ra mình biết rằng những nhà họa sĩ minh họa theo hình ảnh nào đó và họ đặt đây là Lê Lợi, đây là Hưng Đạo Vương, đây là Vua Quang Trung, thì minh hoạ cho có vậy thôi chứ thật ra là biểu tượng. 

Như những lá cờ Phật Giáo, người Thái Lan lá cờ Phật Giáo nền vàng bánh xe pháp màu đỏ, cờ Phật Giáo thế giới bây giờ ở nhiều quốc gia là cờ ngũ sắc, xanh, vàng, đỏ, trắng và vệt thứ sáu là do 5 màu nhập lại. 

Thì tất cả đều là biểu tượng và trong biểu tượng người ta có nhiều cách để xử dụng biểu tượng và biểu tượng đó cũng là một cách rất tương đối.

Thì như vậy, khi chúng ta nói về phương diện hàm nghĩa hay diễn nghĩa thì  cũng giống như định danh nó là, một thi thiết, một cách ước lệ, một qui ước giữa con người, không có không được. Ví dụ, mình nói đại dương hay Ngũ Đại Hồ (Great Lakes là năm hồ lớn nằm trên biên giới Canada–Hoa Kỳ), qúi vị nào đã đến Ngũ Đại Hồ thì biết Ngũ Đại Hồ rất lớn. Rồi mình đến Vân Nam thì có hồ Nhĩ Hải, với người Trung Hoa những hồ nước to đều gọi là hải vì hải là biển, nhưng gọi tên hồ Nhĩ Hải nghe tưởng chừng rộng lớn như biển, nhưng thật ra nó nhỏ bé chỉ bằng một phần 20 so với Ngũ Đại Hồ. Ngũ Đại Hồ gọi là hồ nhưng thật sự mênh mông rộng lớn, một nhóm hồ nước ngọt lớn nhất trên thế giới. Thì mặc dầu mình nói là hồ thì luôn luôn nhỏ hơn biển nhưng trong trường hợp Nhĩ Hải và Ngũ Đại Hồ thì Nhĩ Hải nhỏ bé so với Ngũ Đại Hồ. 

Trong tính cách tương đối bất định của ngôn ngữ của từ vựng bắt buộc chúng ta phải đặt lại những vấn đề khi mình học Phật, chúng ta cũng phải cởi mở. Đức Phật dạy chúng ta chớ có đi quá xa ngôn ngữ địa phương, nói cách khác là đừng quá cố chấp. Cũng thời trái mận, miền Nam gọi trái mận, miền Bắc gọi trái roi, hay là miền Nam gọi củ đậu, miền bắc gọi củ sắn, thì mình đến đâu gọi theo đó, đừng cố chấp là phải thế này không phải là thế kia, tại vì mình nói khoai mì phải là thế này củ sắn là thế kia, đó là câu nệ lấy ý nghĩa vùng này để áp dụng cho tất cả, chúng ta phải vượt qua khỏi những định đặt về ngôn ngữ để chúng ta vượt lên trên và hiểu được sự thật

Cách xử dụng Tục Đế xem ra còn khó hơn là khi chúng ta nói về Chân Đế, bài học về Chân Đế thì nghe hơi lạ một chút nhưng đó là những khái niệm  tương đối không có nhiều tính tương đối, nó không có thay đổi về thời gian về văn hoá như là Tục Đế. Tục Đế thì phải nói rằng đó là ngôn ngữ loài người.

 Chúng ta biết tiếng Phạn có Nam Phạn và Bắc Phạn, nghe tưởng đâu Bắc Phạn là do người miền Bắc nói, Nam Phạn là do người miền Nam nói, thật ra không phải như vậy. Tiếng saṃskṛtā hay là tiếng Sanskrit là một cổ ngữ của Ấn Độ còn gọi là bắc Phạn. Còn Nam Phạn là tiếng Pali một giòng ngôn ngữ của Ấn rất xa xưa được biết là tiếng Phạn Pali thời Đức Phật dùng trong châu thổ sông Hằng. Rồi hơn 200 năm sau thì tiếng Prakrit cũng là tiếng Pali nhưng được Vua A Dục lưu dùng. Bây giờ hiện tại tiếng Pāli Nam Phạn vẫn tồn tại ở các nước có truyền thống Theravada ở Đông Nam Á. 

Chúng ta trở lại với bài học về Tục Đế. Tục Đế là một phương tiện của truyền thông, phương tiện chuyển tải ý nghĩa, ngay cả một v giác ngộ có Tứ Tuệ Phân Tích là có khả năng thiện xảo về ngôn ngữ cũng là một trong những thù thắng của một vị Alahán đắc Tứ Tuệ đạt thông, trí tuệ phân tích. Như chúng ta nói có, Pháp vô ngại giải, Nghĩa vô ngại giải, Từ vô ngại giải, Biện vô ngại giải.

 Sự truyền thông rất quan trọng, trong lớp học của chúng ta luôn luôn phải dùng kinh văn, dùng lời thuyết giảng của Chư Tăng. Tuy nhiên, tất cả những xử dụng ngôn ngữ đều phải rất cẩn trọng, đôi khi một chữ nói ở trong ngữ cảnh như vậy là đúng nhưng đem qua chỗ khác thì sai và, mình phải nói đúng thời đúng chỗ. 

Mình nói kinh điển thì có giá trị nhưng, trong lúc người ta mi đến làm đám cưới mình tụng kinh cầu siêu thì nó cũng trật. Tại sao bài kinh cũng Phật nói lúc này có giá trị lúc kia nói không có giá trị, tại vì  bài kinh đó đã được qui định là kinh cầu siêu rồi thì trong trường hợp người ta cầu phước mình tụng thì sai, mặc dầu trên thực tế hoàn toàn không hẳn là sai, thí dụ bài kinh nói là:

Pháp hành vốn vô thường
Sanh diệt là tự tánh
Có sanh hẳn phải diệt
Tịch tịnh là an lạc

 Câu Phật ngôn đó không phải là chỉ có giá trị đối với người chết mà câu Phật ngôn với người sống người chết đều có giá trị. Nhưng một khi đã qui định đó là kinh cầu siêu mà chúng ta tụng trong cầu an thì có vấn đề. Thành ra trong mặt qui ước qui định thì phải cẩn thận. 

Một ví dụ về việc bắt tay, người Đông Phương chúng ta có cách chắp tay rất đẹp nhưng ảnh hưởng văn hóa Tây Phương gặp nhau thì "tay bắt mặt mừng" đó là một thành ngữ, nhưng sau này vì đại dịch nên Tổng Thống Donal Trump nói rằng "bắt tay là cách chào không tốt, tại vì nhiều khi tay mình sạch hay không sạch rồi truyền bịnh cho người khác", có lời khuyên không nên bắt tay, nên đưa tay chào hoặc chắp tay. Người Tây Tạng họ có cách chào đặc biệt là cụng đầu nhau, người VN mà lấy trán cụng nhau là đối đầu nhau. Nhiều lúc cũng phải chấp nhận tại vì văn hoá là văn hóa, ở trong văn hóa ở trong lãnh vựng ngôn ngữ trong cách biểu đạt thì có trăm muôn ngàn thứ. 

Nói cách khác, chúng ta nên có thái độ cởi mở không nên quá cố chấp về phương diện định đặt tên gọi là định danh, hay cách diễn tả ý nghĩa là diễn nghĩa, thay vào đó, chúng ta lắng nghe cho kỹ, và hiểu những gì được nói.

Và nên biết một điều rằng, một sự khác biệt lớn giữa Chư Phật Toàn Giác và Chư Phật Độc Giác. Chư Phật Toàn Giác các Ngài có khả năng rất ưu việt ở trong việc xử dụng ngôn ngữ, phương tiện truyền thông để nói lên những gì Ngài giác ngộ. Nhưng Chư Phật Độc Giác không có khả năng đó. Chư Phật Toàn Giác có thể tuyên lưu giáo pháp và Chư Phật Toàn Giác có thể để cho chúng ta một gia tài đồ sộ ./.

Sunday, August 16, 2020

Thắng Pháp Abhidhamma - Bài 7. Hai Sự Thật: Chân đế và Tục đế

 Thắng Pháp Abhidhamma

Bài 7. Hai Sự Thật: Chân đế và Tục đế


Minh Hạnh ghi chép

TT Giác Đẳng: Chúng tôi muốn nhắc ở trong bài học có phần gọi là "Nên cẩn thận". Vì nhiều khi môn học là một lẽ, thái độ trong đời sống cũng có chừng mực tương đối nào đó.

 Hồi chúng tôi đi học ở trường Vạn Hạnh có học với một vài vị sư Nam Tông, những vị Sư này ở ngoài Huế vào, lúc đó ở Huế có phong trào đọc sách Thiền Tông của Nhật Bản hay Trung Hoa, nên các vị này bị ảnh hưởng. 

Có một vị viết một câu chuyện, các vị truyền tay nhau đọc thích thú, các vị nói rằng; có hai vị Sư, một vị Sư nói:

 - Tất cả đều là vô ngã, không phải là của ta, không phải là ta, không phải tự ngã của ta.

 Rồi một vị Sư thấy vị này nói như vậy, nên khi vị sư này được dâng cúng ly cafe sữa đá thì vị kia cầm ly cafe sữa đá uống, thì vị này nổi giận nói:

Sao uống của tôi?

 Thì vị Sư kia nói: 

- Sư nói sao! Sư nói không phải là của ta mà bây giờ Sư nói là của tôi.

Câu chuyện đó được các vị rất tâm đắc. Câu chuyện đó kể nghe vui thì có vui, nhưng, nói theo Phật Pháp thì đó là một cách phản Phật Pháp. Bởi vì, sự thật là, Đức Phật Ngài có dạy: "Tất cả pháp hữu vi đều không phải là của ta, không phải là ta, không phải tự ngã của ta". 

Nhưng trong Luật Tạng, Đức Phật Ngài dạy, trong giới trộm cắp có chi pháp là vật có chủ và biết là có chủ, nếu bây giờ nói kiểu nói càn, nói rằng: "không có gì là của ta, không có sở hữu cái này cái kia, như vậy thì, không có cái gì là của ai, mà không có cái gì là của ai, mình muốn lấy của ai thì lấy tự do". Đó là cách nói càn. 

Bởi vì, khi học Phật Pháp, cách học và cách ứng dụng, và đặc biệt thái độ rất quan trọng. Chúng tôi cũng có nghe một vài vị học Vi Diệu Pháp gọi là học Siêu Lý. Những vị này có một thái độ là, mình học Thắng Pháp chỉ có cái gì thuộc về Chân Đế mới là đúng, mới là tốt, và mới là hợp với chánh pháp, còn cái gì thuộc về Tục Đế đều sai. 

Tục Đế không phải là sai, Tục Đế sai thì không dùng chữ Đế ở tại đó, chúng ta phải rất cẩn thận. Như hồi nãy qúi vị nghe trong bài giảng của TT Tuệ Siêu cũng như trong bài học thì, Đức Phật Ngài dùng cả hai ngôn ngữ Tục Đế và Chân Đế. Chúng ta phải đặc biệt rất cẩn trọng, nếu Tục Đế là sai không nên sài vì sài là sai hết thì Đức Phật đã không dùng. Đó là sự thật của thế trình, sự thật của thường thức, mình cũng phải tôn trọng ở chừng mực nào đó. 

Chúng tôi lấy một ví dụ, về vấn đề văn hoá, ngày xưa Chư Tăng ở VN khi nói chuyện với ai mình phải ngó xuống là tốt, không nên nhìn mặt người khi nói chuyện, nhất là người phụ nữ. Nhưng khi chúng tôi sang Hoa Kỳ, mình nói chuyện mà không nhìn người nói chuyện thì người ta nói mình gian, thì phải nhìn người ta khi nói chuyện. Chuyện đó mang tánh cách ước lệ, mình phải áp dụng đúng chỗ nếu không là mình sai.

Khi chúng ta nói Tục Đế và Chân Đế, chúng ta hiểu có những sự thật của thế gian này. Ví dụ thời Đức Phật còn tại thế, Đức Phật Ngài đề cập đến vai trò của một vị minh quân là một vị pháp vương, một vị chuyển luân vương. Trong giá trị ngày nay, chúng ta nói đến một nền pháp trị tốt. Pháp trị dân chủ, dân chủ là người ta bầu lên. Ở trên thực tế, cả hai nền dân và quân chủ cái nào cũng có lợi và bất lợi, nhưng phải nói lâu lâu mới có được một vị vua tốt. Dân chủ cũng vậy, không phải là tất cả những người tổng thống, thủ tướng người dân bầu đều tốt hết, hay là, tất cả những vị vua đều tốt hết. Nhưng, nhũng giá trị tùy theo thời, tùy theo xứ. 

Thành ra có những giá trị rất tương đối, giá trị tương đối gọi là Tục Đế và, một giá trị tuyệt đối hơn gọi là Chân Đế. Chân là sự thật, Đế cũng là sự thật. Chân Đế là sự thật của sự  thật.

Sự thật của sự thật ở đây mang ý nghĩa là một sự thật mà nó không thay đổi theo thời gian, quá khứ thế nào, hiện tại như vậy, hiện tại như thế nào, tương lai như vậy, điều này gọi là sự thật của sự thật, gọi là Chân Đế. Thì điểm này chúng ta sẽ bàn ở thời điểm khác.

Bây giờ, chúng ta nói qua khía cạnh ứng dụng trong Thiền Vipassana. Thiền Vipassana, chúng ta học được một cách là ghi nhận và trong sự ghi nhận đó sau này dẫn đến tình trạng đặt tên. Thí dụ, có nhiều vị Thiền Sư dạy khi mình ăn, mình phải múc thức lên và nói:

- Ăn à, đưa thức ăn à, nhai nhai à.

Hành vi đọc lên từng hành động gọi là định danh, định danh từng hành động. Thật ra tất cả cái định danh đó đều mang tính cách là chế định gọi là định danh và đôi khi nó làm rối vị hành giả. 

Điểm chính ở đây trong chánh niệm là, mình ăn mình để ý đến mình ăn, mình nhai từ từ không vội vã, không nghĩ lan man việc này việc kia và, ý thức trọn vẹn những gì đang làm. Nhiều khi đem mọi hành động mà mình xướng lên thì thật ra rất kỳ. 

Chúng tôi nhớ, hồi xưa có một cô Phật tử đi hành thiền, vì không giỏi tiếng Anh nên nhờ vị Sư quen thông dịch. Vị Sư này quen cách dịch bình thường nên khi vị Thiền Sư dạy kinh hành, dạy theo dõi bước chân là  dở (tức là dở chân lên) ,  bước (tức là đưa chân tới), rồi đạp (tức là đạp chân xuống. Thì vị Sư thông dịch nói:
- Dở
- Bước
- Đạp
- Dở
- Bước
- Đạp
Vị Sư thông dịch được vài bữa, Sư này bận việc phải đi lo giấy tờ visa nên vị này rời Mandalay để đến chỗ xin visa, không thông dịch nữa, cô Phật tử này nhờ vị Sư VN khác và vị Sư này từ bên Mỹ qua, vị này dịch không phải là, dở, bước, đạp, mà vị này nói là, Thiền Sư dạy rằng:
-  nhấc bàn chân lên, 
- đưa chân tới, 
- đạp chân xuống,
-  nhấc chân lên, 
- đưa chân tới, 
- đạp chân xuống.

Cô Phật tử này than phiền rằng, sao vị này dịch nghe dài, nghe mệt như vậy, sao không dịch là, dở ,bước, đạp.

Tình cờ chúng tôi có dịp sang bên đó, cô Phật tử trình bày với chúng tôi, chúng tôi nói rằng:  đành rằng một vị dịch là, dở, bước, đạp, dở à, bước à, đạp à, cũng không cần thiết mình phải dùng danh từ đó. Mà vị kia nói là, nhấc chân lên, đưa chân tới, đạp chân xuống, cũng không nhất thiết mình phải chấp là tại sao khác, câu dài, câu ngắn, quan trọng là mình biết động tác và mình cũng không đặt tên cho nó. 

Điều này rất quan trọng, thường là, nhiều khi trong Thiền Quán, điểm chính là làm việc gì đó mình để tâm trong đó, chứ không nhất thiết chúng ta phải chia nó ra từng phần rất là rõ rồi định danh, cái này gọi là cái gì, cái kia gọi là nhai à, nuốt à v.v... không nhất thiết như vậy.

Dĩ nhiên, về điều này nhiều vị không đồng ý nhưng, trên thực tế đặt tên là đặt tên. 

Cũng có một lần chúng tôi nghe một Phật tử nói chuyện về cảm giác như là, tê, nhức, đau v.v...Hỏi, làm sao để phân biệt giữa cái tê, cái nhức cái đau. Thật ra, đôi khi không cần phải gọi trạng thái nào là trạng thái nhức, trạng thái nào gọi là trạng thái đau. Dĩ nhiên, trong tiếng Việt có sự phân biệt hai điều đó. Nên khi chúng ta đi vào trong cách tu của Tứ Niệm Xứ coi chừng đôi lúc chúng ta lại gặp vấn đề khó khăn giữa định danh và thực tại. Có nhiều khi chúng ta có trách nhiệm bám sát thực tại nhưng không nhất thiết chúng ta phải định danh. Và, trong trường hợp này lại có lợi khi chúng ta học Thắng Pháp và hành thiền Tứ Niệm Xứ.

 Chúng ta nghe câu chuyện là có hành động chứ không có người hành động, có gặt quả chứ không có người gặt quả, có hành động hay không có người hành động là vị đó biết rằng: đây là tham dục, đây là sân độc, đây là hôn trầm, biết, ý thức rõ. Và đây là đất, đây là nước, đây là lửa, đây là gió, đây là tóc, đây là móng, đây là lông, đây là da, đây là hơi thở vô, hơi thở ra thì biết rõ, biết rõ từng hiện tượng nhưng mà không nói ai, không nói "tôi" làm, "tôi" thế này, "tôi" thế kia. 

Nhiều lần khi giảng Kinh Niệm Xứ, chúng tôi có nói khi mình học Phạn ngữ nhiều khi không có chủ từ, nhưng trong động từ đã có chia. 

Thí dụ:

- Passati là thấy.

- Khi nói "tôi thấy"  là "passami" 

 Không bao giờ, động từ của Phạn ngữ mà không chia, ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai, ngôi thứ ba, hoặc giả là tôi thấy, hoặc là anh thấy, hoặc là nó thấy. Bắt buộc động từ phải chia theo ngôi thứ.

Khi chia như vậy dịch sang tiếng Việt có chủ lực, thở vào vị ấy biết rõ "tôi" đang thở vào, thở ra vị ấy biết "tôi" đang thở ra, cái gọi là "tôi" đang thở vào, "tôi" đang thở ra thì, cái chủ ngữ "tôi" là một cách dịch không nên trong trường hợp đó.

 Trong tiếng Việt, động từ không cần chia mà:  thở vô vị ấy biết thở vô, thở ra vị ấy biết thở ra. 

Về điểm này tiếng Việt rất đẹp, tiếng Việt đẹp hơn tiếng Phạn ở điểm đó.

Ở trong tiếng Việt, thở vô biết thở vô, thở ra biết thở ra. Không cần phải nói thở vô biết "tôi" thở vô, thở ra biết "tôi" thở ra. 

Cái hay của cách niệm này là lâu ngày thì mình thấy rõ tất cả hiện tượng, tôi không phải là thở vô, tôi không phải là thở ra, tôi không phải là đất, không phải là lửa, tôi không phải là gió v.v.. tôi không phải là tâm tham, tôi không phải tâm vô tham, không có cái tôi.
 
Giống như Ngài Nagasena nói rằng cái gọi long xa là kết cấu của nhiều thành tố, nhiều bộ phận. Cái mui xe không phải là long xa, cái bánh xe không phải là long xa, sườn xe không phải là long xa mà, cái gọi là long xa là tất cả bộ phận tạo thành.

Vì vậy, đôi khi chúng ta nên nhớ ngoài vấn đề chỉ ghi nhận hiện tượng mà không đem cá thể là tôi là ta, là người này người kia vào trong đó, giống như cách nói "tôi thở vô" hay "tôi thở ra", mà chỉ cần biết thở vô, thở ra ./.

Friday, August 14, 2020

Thắng Pháp Abhidhamma - Bài 7. Hai Sự Thật: Chân đế và Tục đế

                                 Thắng Pháp Abhidhamma

Bài 7. Hai Sự Thật: Chân đế và Tục đế


Minh Hạnh ghi chép

 Hôm nay chúng ta học bài 7, nói về 2 sự thật: Chân đế và Tục đế. 
Chữ đế (sacca) có nhiều nghĩa.

Saccavācā có nghĩa là một lời nói đúng, lời nói chân thật, có nói có không nói không. 
Nghĩa thứ hai, chữ sacca nghĩa là Chân Lý, chữ Ariyasaccani nghĩa là Thánh Đế,  Bốn Chân Lý hay là Bốn Diệu Đế, Bốn Thánh Đế, Bốn Chân Lý Cao Diêu chúng ta dùng nghĩa đó.

Còn nghĩa sacca có nghĩa là thật tế, yathātatha,  yathā-bhūta tức là nói sự thật, nói như thật, chúng ta sài nghĩa này.

Ở trong hai sự thật của Abhidhamma là, Paramattha-sacca và Sammutti-sacca, thì chữ sacca ở đây có nghĩa là yathā-bhūta

Thì ở đây, khi đề cập đến hai sự thật, một là sự thật theo bản thể, hai là sự thật qui ước. Sự thật qui ước gọi là Tục Đế. Thật ra chữ tục, không dịch nghĩa cho chữ Sammutti. 

Chữ Sammutti đồng nghĩa với chữ Paññatti là qui định, qui ước, sự chế định. Ở trong luật sài chữ Sammutti với trường hợp ấn định. Thí dụ như ở trong chùa có nhiều hạng mục tăng xá, hay trai đường, giảng đường, chánh điện, thì Chư Tăng sẽ  Sīmā-sammutti tức là sẽ ấn định ranh giới Sīmā ở một nơi như chánh điện chẳng hạn, để làm phạm vi Chư Tăng hoà hợp tăng sự, thì dùng chữ Sammutti. Hay, một vị tỳ kheo được Chư Tăng chỉ định làm người sắp xếp trú xứ cho Chư Tăng được gọi là Sammutti-senāsana.

Trong Thắng Pháp, chữ Sammutti có nghĩa qui định. Qui định là sự chế định hay sự qui ước một việc gì đó để cho hiểu với nhau. 

Thí dụ, miếng vải mặc để che thân trên, người ta chế định gọi là áo. Cũng là vải may, nhưng mặc che phần thân dưới từ rốn trở xuống gót chân thì người ta qui ước gọi là cái quần. Như vậy, cũng đồng thời là vải nhưng dùng ở chỗ này thì gọi khác, dùng ở vị trí kia thì gọi khác.

Hoặc là, thí dụ trái giống như trái mận có hạt to ở bên ngoài  phần dưới của trái, màu sắc đỏ xậm, có vị chua chát, hình dạng hơi tròn bầu. Ở miền Nam miền Tây Nam Bộ gọi là trái điều. 

Nhưng ở miền Đông Nam Bộ trở đi ra miền Trung, miền Bắc v.v... gọi là trái đào lộn hột.

Chúng ta ở đâu thì chúng ta gọi theo ở đó. 

Như vậy, Tục Đế là giả lập, là chế định, theo từng vùng từng miền để gọi  cho hiểu thôi.
Còn pháp Chân Đế đúng ra thì chữ Paramattha là siêu lý, nghĩa lý tột cùng. HT Minh Châu dịch là đệ nhất nghĩa, thêm chữ sacca nữa là Paramattha-sacca thì dịch là đệ nhất nghĩa đế. 

Ở đây, chúng ta nói về cốt lõi của danh từ Tục Đế. 

Thí dụ, chiếc càrá, nhẫn, giây chuyền, tấm lắc đó là, danh từ chế định, hay tục đế, Nhưng, vàng là Chân Đế, kim loại qúi, kim loại vàng giống như Chân Đế. Từ Chân Đế bắt đầu người ta đặt ra danh từ để gọi.

Như, ngũ uẩn, cái nào cũng là ngũ uẩn, người này cũng năm uẩn, người kia cũng năm uẩn, do người ta chế định, đây là người nam, đây là nữ, đây là con người, đây là con thú. Người ta chế định như vậy, nhưng thật ra chỉ là ngũ uẩn thôi.

Bài học kế chúng ta sẽ học về pháp Tục Đế, chúng ta sẽ thấy ngay cả danh từ gọi là ngũ uẩn cũng là danh từ chế định, nhưng đó là danh chơn chế định (vijjāmānapaññatti). Hôm nay chúng ta chỉ học hai pháp Chân Đế và Tục đế, một cái là giả lập qui ước về tên gọi nhưng đó cũng là sự thật, bởi vì ở đâu người ta đã qui ước như vậy rồi thì chúng ta gọi như vậy mới trúng. 

Về vấn đề Chân Đế là bản thể thật, dầu cho qui ước tên gọi như thế nào cũng chỉ là như vậy thôi, dầu cho chiếc nhẫn, hay tấm lắc, hay giây đeo cổ, giây chuyền, tất cả mặc dầu tên gọi khác nhau nhưng chỉ là vàng, chỉ là kim loại qúi.

 Ở đây, trong bài học thì ý nghĩa Chân Đế và Tục Đế được trình bày trong 5  ý nghĩa:

1. Nghĩa thứ nhất là, qui ước thực tướng, như chúng tôi vừa trình bày ý nghĩa của qui ước thực tướng, thí dụ trái điều, thí dụ cái áo, cái quần.

2. Nghĩa thứ hai, nói tương đối và tuyệt đối. Trong trường hợp này thật ra cũng là qui ước, chữ tương đối và tuyệt đối vẫn sài được cho pháp Chân Đế. Nhưng ở đây chúng ta dùng nghĩa pháp Tục Đế là pháp tương đối là có khi thay đổi.

Còn bản thể tuyệt đối, tâm dầu quá khứ, hiện tại, vị lai, là đặc tính biến cảnh. Tâm sở đặc tính là phụ thuộc đối với tâm. Sắc pháp thực tướng của nó là tính chất hoại diệt, bị biến hoại bởi thời gian năm tháng, chúng ta gọi là tuyệt đối.

 Còn tương đối, chúng ta nói đến Tục Đế, bây giờ định đặt sài như vậy thời gian sau người ta không muốn ngôn ngữ đó nữa. 

Hoặc, chế định về hình thức, hình thức chế định.  Một vật gì tròn cạnh, dầu cho hơi méo nhưng so với cái vuông góc thì chúng ta gọi cái này là tròn. Nhưng, thực ra cái tròn này không tròn đều so với cái tròn kia, cái kia thì tròn còn cái này người ta chế định là hình Oval chẳng hạn.

Về thấp và cao. Cao không biết bao nhiêu gọi là cao, bởi vì cao là cao hơn cái thấp. Nhưng thật sự so sánh với những cái khác thì nó cao hơn, thí dụ vậy. Một ngọn đồi gọi là cao hơn mặt đất vì nó so sánh với mặt đất, nhưng thực tế thì ngọn núi cao hơn đồi. Chúng ta sài theo nghĩa tương đối là nghĩa như vậy theo Tục Đế.

 Nghĩa Chân Đế cũng có cái tuyệt đối và cũng có cái tương đối. Thí dụ như tâm tịnh hảo và tâm tịnh hảo dục giới tốt đẹp hơn tâm vô nhân và tâm bất thiện. So với tâm sắc giới và vô sắc giới cũng chưa phải là tuyệt đối tịnh hảo. Nhưng đối với tâm thiền sắc giới, thiền vô sắc giới, mặc dầu là tâm tịnh hảo là so với tâm dục giới. Tức là, nếu so với tâm siêu thế thì cũng chưa phải là tịnh hảo tuyệt đối. Cho nên ở đây trong vấn đề ngôn ngữ chúng ta phải thận trong, nói về ngữ và nghĩa v.v... 

3 - Cách thứ ba, Vấn đề qui ước và thực tướng, tất cả những qui ước và thực tướng, hay tương đối và tuyệt đối, giới hạn và không giới hạn, bởi thời gian, chúng ta cũng sài nghĩa cẩn thận chung chung tương đối vậy thôi, chứ còn nếu để chỉ cho hai phạm trù Chân Đế và Tục Đế thì trong trường hợp này cũng không ổn. 

Thí dụ như giới hạn, nếu chúng ta nói giới hạn là Tục Đế, rồi không giới hạn bởi thời gian là Chân Đế, trong trường hợp này giải tàm tạm thì chúng ta hiểu được Tục Đế và Chân Đế. Nhưng, nếu hiểu nghĩa rốt ráo thì tất cả các pháp hữu vi, chân đế hữu vi đều là bị giới hạn, chỉ có pháp vô vi là không bị giới hạn bởi thời gian. Giới hạn có nghĩa là quá khứ, hiện tại, vị lai, pháp hữu vi Chân Đế có quá khứ, hiện tại, vị lai. Nhưng pháp vô vi là Niết-bàn là ngoại thời, là không bị giới hạn bởi quá khứ hiện tại vị lai v.v... học cái này để chúng ta hiểu được đại khái cái gì gọi là Chân Đế và cái gì là Tục Đế. Nhưng, không nên xem đó như là một khung sườn khuôn mẫu để hiểu được Chân Đế và Tục Đế. Bởi như chúng tôi đã nói là tùy.

4 - Cách thứ tư, nói thường thức khái niệm của Kinh Tạng, thì ở đây như lời dẫn chứng bài kệ trong Pháp Cú kinh Tiểu Bộ Kinh Đức Phật dạy "Ai dùng các hạnh lành, xoá mờ các ác nghiệp, sáng chói cõi đời này, như trăng thoát mây che". Thì đó là sài theo khái niệm của kinh Tạng.

Theo Abhidhamma thì không có khái niệm đó bởi vì Đức Phật Ngài thí dụ như "trăng thoát mây che". Sự thật thì mặt trăng ở trên cao mây không lên tới đó để che, nhưng vì ở mình đứng ở dưới đất nhìn lên mặt trăng tuốt trên cao chúng ta bị áng mây che khuất con mắt của mình, rồi chúng ta nói đó là trăng bị mây che. Nhưng nếu mặt trăng ở trên nhìn xuống thì nói rằng chúng ta bị mây che. Cho nên đó chỉ là một khái niệm thường thức để cho hiểu thôi.

Chúng ta nói đại loại và vĩ mô. Trong cách nói chung chung thì cũng vậy, chúng ta nói theo khái niệm của Kinh Tạng thí dụ như nghiệp trắng kết quả trắng, nghiệp đen kết quả đen, nghiệp có cả trắng lẫn đen thì kết quả trắng lẫn đen. Thì ở đây riêng về vấn đề nghiệp trắng lẫn đen kết quả trắng và đen chúng ta hiểu chỉ nói chung chung để phân biệt giữa thuần thiện thuần ác và thiện ác lẫn lộn. 

Đó là Đức Phật Ngài thuyết tạng Kinh cho người ta hiểu, nhưng trong Thắng Pháp, Ngài phân định rõ ràng, tâm thiện là tâm thiện, đổng lực thiện là đổng lực thiện, đổng lực bất thiện là đổng lực bất thiện, không thể nào có một tâm đổng lực tạo nghiệp trong đó vừa có thuộc tánh thiện thuộc tánh bất thiện lẫn lộn.

 Như ly cafe sữa. Ly này là cafe, ly kia là ly sữa, ly nọ là sữa và cafe hoà trộn lẫn nhau gọi là ly cafe sữa. Đó là nói cho hiểu. Nhưng thật ra, tâm sanh khởi hễ thuộc tánh tịnh hảo là tịnh hảo, bất thiện là bất thiện, đen là đen, trắng là trắng. Trong Thắng Pháp Abhidhamma, chúng ta nói ở khía cạnh thực thể thì không thể có đen trắng lẫn lộn. 

Như vậy thì, chúng ta cũng cần phải hiểu khi nói đến hai sự thật là để chúng ta thận trọng khi dùng, không nên phủ nhận, không nên bắt bỏ Tục Đế. Khi biết được rồi, chúng ta nói "bây giờ mình chỉ tu tập theo Chân Đế không tu tập theo Tục Đế".  Nói vậy là sai, bởi vì có những cái chúng ta phải mượn sài. Ngay cả với Đức Phật, Ngài vẫn ứng dụng sài chế định, thí dụ như có ai đó mét Đức Phật về Tôn Giả này, hay vị Tỳ Kheo kia đã hành động như vậy, Đức Thế Tôn Ngài nói rằng "con trai của Như Lai không có làm việc đó hay là con gái của Như Lai đâu có làm việc đó" để chỉ cho vị Alahán đệ tử của Đức Phật, nếu vị Trưởng Lão Tăng, vị Tỳ Kheo Alahán, Đức Phật gọi là con trai của ta, còn nếu một vị Tỳ kheo ni Alahan Ngài gọi là con gái của ta

Thì ở đây, đó chỉ là cách nói Đức Phật Ngài dùng như vậy để cho hiểu. Hoặc như Đức Phật Ngài thuyết pháp Ngài vẫn dùng câu nói "Cetanaaham bhikkhave kammam vadaami" Ngài dùng chữ " ahaṃ" là "Ta". Trong trường hợp này chúng ta nghĩ tại sao có lúc Đức Phật Ngài dạy "Sabbe dhammā anattā - tất cả pháp là vô ngã" mà bây giờ Ngài lại nói là "Ta nói các người biết, này các tỳ kheo nghiệp là sự cố ý"  v.v... 

Nếu bỏ ngôi thứ nhất, bỏ ngôi thứ hai, bỏ ngôi thứ ba, làm sao nói chuyện cho hiểu được, cho nên trong đời sống bình thường thì vẫn phải dùng những đại danh từ ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai, ngôi thứ ba để nói chuyện để chỉ "Tôi" "Anh" và "" . Thật thì các pháp vô ngã nói theo chân lý. 

Có câu chuyện, Ngài HT Tịnh Sự Ngài khi ở bên Thái Lan, Ngài tốt nghiệp ra trường, có một gia đình thí chủ thỉnh Ngài HT Tịnh Sự với một vị Tỳ Kheo cũng là người học Abhidhamma giỏi, cả hai vị giáo thọ đến nhà thí chủ trai tăng. Trai tăng cúng dường ăn xong, gia chủ thỉnh thuyết pháp thì vị Tỳ Kheo kia thuyết pháp cho Phật tử nghe "các pháp vô thường, khổ, vô ngã". Giảng về vô ngã có nghĩa là "không phải của ta", "không phải là ta" v.v... Giảng xong đến chừng hai vị đứng dậy đi về vừa ra tới cổng nhà, người gia chủ thiện nam xách cái dèm chạy ra hỏi là:

 "Cái dèm này của vị nào bỏ quên?" 

Vị kia mới nói nhanh nhẩu lên tiếng rằng:

- "Của ta"

Ông thiện nam cũng cắc cớ, ông nói:

- "Bạch Ngài, hồi nãy ở trong nhà, sau khi thọ trai xong Ngài thuyết về vô ngã sao bây giờ Ngài nói là "của ta"".

 Vì bất ngờ vị kia bối rối, lúc đó Ngài HT Tịnh Sự lên tiếng Ngài nói:

- "Ồ! không phải, hồi giảng cho nghe thì giảng theo pháp Chân Đế, còn bây giờ là giảng theo Sammutti-sacca là nói theo Tục Đế, để ông biết cái dèm đó của vị này".

Lúc đó ông thiện nam hoan hỉ sadhu.

Cho nên ở đây, khi chúng ta sài từ, chúng ta phải hiểu khi nói đến phân biệt Chân Đế Tục Đế, để xử dụng trong đời sống hàng ngày người Phật tử chúng ta cần phải hiểu cái nào là chúng ta mượn danh mà sài, chứ không phải là chúng ta chấp. Đó là một sự thật, một bản thể bất di bất dịch.

Thứ hai, giữa thiền chỉ và thiền quán, chúng ta phải nhớ trong thiền chỉ là chúng ta dùng pháp Tục Đế chế định, đề mục chế định thôi, chẳng hạn như là đất, nước, lửa, gió, xanh, vàng, đỏ, trắng, hư không và ánh sáng. Thì đất chế định là lấy đất sét nặn thành dĩa tròn bằng phẳng đặt trước mặt để niệm.

 Thì, mắt là nhìn cảnh sắc, nhưng chế định là đất. Nước, lửa, gió, cũng vậy. Trong khi pháp Chân Đế đất đặc tính là cứng hoặc mềm. Nước là cái gì thẩm thấu và kết dính. Lửa là cái gì đốt có trạng thái đặc tính là nóng, lạnh. Nóng quá cũng đốt, lạnh quá cũng đốt, nó thiêu hủy, như vậy là trạng thái nóng lạnh. Ngài HT Tịnh Sự gọi là lửa nóng, lửa lạnh. Còn gió là cái gì làm giãn nở và dao động, căng ra và chuyển động, sài 2 nghĩa đối đãi nhau như thế thì như vậy gọi là gió theo Chân Đế. 

Danh từ đề mục của thiền chỉ là chế định, còn đề mục của thiền quán thì khi niệm (như chúng ta đọc bài kinh Tứ Niệm Xứ thì ở đây cũng có phần chế định chút xíu, nhưng khi nói đến thân quán niệm xứ (Kāyanupassanā satipaṭṭhāna) thì ở đây là lấy sắc uẩn sự hiện hữu, sự sanh sự diệt của sắc uẩn nhưng được chế định ở trong cái gọi là hơi thở, trong cái gọi là đại oai nghi, trong cái gọi là tiểu oai nghi, trong cái gọi là thân thể trược, trong cái gọi là tử thi v.v... thì đó là sắc uẩn. Thì như vậy, trong thiền quán là nhìn vào bản chất của danh sắc hay bản chất của ngũ uẩn để thấy được lý vô thường, khổ, vô ngã, chứ còn nếu thiền quán định tâm thì trên đề mục chế định được rồi.

 Chúng tôi chỉ chia sẻ một vài ý nghĩa chân đế và tục đế như vậy thôi./.