Monday, December 21, 2020

Thắng Pháp Abhidhamma - Bài 16. Nhóm Tâm Bất Thiện

 Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma 

Bài 16 - Nhóm Tâm Bất Thiện

Minh Hạnh nghe và ghi chép từ băng giảng.

TT Giác Đẳng: Trong môn học Thắng Pháp Abhidhamma, chúng ta cần học với cái nhìn tương đối mới, tức là không dùng khái niệm thường có để hiểu Abhidhamma. Thí dụ theo thường thức ngoài đời thì, nói tâm tham, cái gì ham muốn mới là tham, nhất là ham muốn quá độ, hoặc là, một người tham ăn, thí dụ, ăn dành phần nhiều, hay là, ham danh ham lợi, hoặc, cái gì đẹp mình thích thì đó không tính là tham, nhưng trong Abhidhamma thì không phải như vậy, đó là một thí dụ.

Ờ đây, chữ bất thiện định nghĩa theo cách nói bình thường của chúng ta, bất thiện là cái gì ác, xấu, sai, quấy, nhưng mà, chữ bất thiện tương đối khó định nghĩa. 

Chử ác, xấu, sai, quấy, rất thô rất nặng trong tiếng Việt và, những trạng thái bất thiện này ăn sâu trong tâm tư của chúng ta. Ví dụ như trong chấp thủ về "Tôi" về "Ta" là một chuyện tế nhị. Thì dụ, khi nói "Tôi là một người có địa vị trong xã hội", "Tôi không muốn hơn thua với người khác" thì trong cách nói "Tôi" như vậy trên phương diện luân lý đạo đức thì, bình thường thậm chí còn đẹp, vì là người có lòng tự trọng.

 Nhưng, trong Thắng Pháp, đôi khi nói về cái "Tôi" như vậy, có tánh cách thân kiến ở trong đó. Sự chấp "Tôi" ở trong đó, "Tôi là hành uẩn", "trong hành uẩn có Tôi", cái ngã chấp hay thân kiến thường khi không thô tháo như chúng ta nghĩ. 

Thành ra, khi nói về những thứ tâm bất thiện, chúng ta không nên nghĩ là cái gì sai quấy, là cái gì thô tháo, mà chúng ta nên hiểu rằng nhiều lúc nó không có đẹp, nó không có khéo, và nó có một cái gì ảnh hưởng đến một sự tồn tại ở trong cõi trầm luân sanh tử. Chúng ta sẽ bàn chuyện đó khi đi sang chi tiết về giáo lý Duyên Khởi. 

Trong quyển giảng về Vi Diệu Pháp, Sư Trưởng định nghĩa về chữ "bất thiện" chúng tôi nghĩ tương đối gần nhất có thể hiểu được chữ bất thiện trên phương diện ngôn từ:

- Nếu thiện là những gì lành mạnh ở tinh thần, chữ bất thiện là trạng thái suy diệt bệnh hoạn của tâm.

- Nếu thiện là cái gì tốt đẹp, bất thiện là cái gì không tốt đẹp.

- Nếu thiện là cái gì khôn khéo, bất thiện là cái gì vụng về.

- Nếu thiện là cái gì hiền thiện, bất thiện là cái gì tội lỗi.

- Nếu thiện là cái gì tạo ra an lạc, bất thiện là nguyên nhân sanh đau khổ.

Ở đây, chúng ta hiểu chữ thiện và bất thiện, bất thiện là chữ đối lập với thiện. Thí dụ như, chúng ta yêu nước VN, khi đất nước bị người Trung Quốc xâm lăng chúng ta phẫn nộ, nếu có ai đó nói rằng sự phẫn nộ đó nằm ở trong tâm bất thiện, người khác nghe họ sẽ nổi giận, người ta yêu nước tại sao gọi là tâm bất thiện. Nhưng mà, yêu nước, thương dân tộc, thương chúng sinh không nhất thiết phải bằng tâm phẫn nộ, có cách thương chúng sanh mà không phẫn nộ. Giữa phẫn nộ và không phẫn nộ, là trạng thái khéo hoặc không khéo.

 Cái khéo và không khéo đó người ta gọi là xác định được ý nghĩa giữa cái thiện và cái bất thiện. Thí dụ, mẹ thương con, thương với tâm từ tâm bi nhẹ nhàng mát mẻ, đó là một chuyện khác, nhưng, nếu thương con, trong cái thương đó có sự bực tức giận dữ thì, trạng thái bực tức giận dữ đó làm cho mình khổ, nó đối lập với cái khéo của thiện. Thì như vậy, tính bất thiện ở tại đây là mình thương như thế nào mà khiến cho mình khổ, trong cái khổ đó không chắc minh có thể thương con thật sự,  không chắc có thể mang lợi ích cho con thật sự, thì cái đó hàm nghĩa của bất thiện.

Chúng tôi nói khó nhận diện, tại vì chúng ta chỉ nói một người yêu nước là tốt, một  người thương con là tốt, một người sống biết lo lắng cho chùa chiền là tốt, nhưng, trong cái thương đó, trong sự lo lắng đó có hai cách, một cái khéo và một cái không khéo. Cái khéo và không khéo này tạo nên ý nghĩa của thiện và bất thiện. Về điểm này chúng ta cần để ý.

Và bây giờ, ở trong ý nghĩa của sự bất thiện chúng tôi muốn nói đến 4 phạm trù và, trong 4 phạm trù này, bây giờ không cần thiết nói nhiều. Nhưng, chúng ta nghe qua để thấy tại sao chữ bất thiện không đơn giản như chúng ta định nghĩa chữ ác quấy, nó là cái gì rất vi tế.

1. Tâm bất thiện.

Khi chúng ta nói đến tâm bất thiện, chúng ta có thể nghĩ là thứ tâm đối lập với tâm thiện, đơn giản như vậy, nhưng, khi đi vào những lãnh vực khác xa hơn, chúng ta thấy những thứ tâm bất thiện, chữ bất thiện ở tại đây mang ý nghĩa lớn hơn. Thí dụ, thuộc tánh bất thiện ở trong phương diện nào đó có nhiều nghĩa chúng ta cần lưu tâm hơn là những gì chúng ta học ở tâm bất thiện mà thôi, đây là đặc biệt của Thắng Pháp.

Trong tâm bất thiện có tâm tham, tâm sân, tâm si. Nhưng trong thuộc tánh bất thiện có 14 thuộc tánh bất thiện, như thuộc tánh si thì si, vô tàm, vô qúi, phóng dật, tham thì có tham ngã mạn, tà kiến, sân thì có sân tật, lận hối, hôn trầm, thụy miên, hoài nghi.

Thì có những trường hợp:

-  Tại sao trong tâm si chúng ta nêu tâm si là, si, hoài nghi. 

-  Nhưng trong nhóm thuộc tánh si phần thì chỉ có, si, vô tàm, vô qúi phóng dật thôi. 

- Tại sao ở trong tâm tham thì có thuộc tánh tham và si, trong sân cũng có thuộc tánh sân và thuộc tánh si, nhưng trong tâm si thì lại không có tâm tham và sân. 

2. Thuộc tánh bất thiện.

Thì như vậy, trong cái nhìn của Thắng Pháp khi đề cập đến thuộc tánh thì có một điểm rất tế nhị, và chính do sự tế nhị này chúng ta cần học về các thuộc tánh.

Lấy ví dụ, một người mới học làm bánh thì họ chỉ biết bột dùng để làm bánh, nhưng, trong cái nhìn của những nhà về sức khỏe , tinh bột lại có vai trò khác biệt, cũng là bột, nhưng khi nói về tinh bột lại khác.

 Thì ở đây, bài học về bất thiện không đơn thuần là bài học về người này tốt, người kia xấu, làm cái này tốt, làm cái kia xấu, chúng ta còn phải nói đến những thuộc tánh bất thiện. Và những thuộc tánh bất thiện mặc dù chỉ có ở trong tâm bất thiện nhưng nó lại có sự chi phối rất lớn. Trong kinh Tạng có nói đến, nhưng, ở trong Thắng Pháp thì nêu rất rõ về vai trò của các nhân-hetu (Hetu là nguyên nhân, hay căn cội, nguồn gốc). Thí dụ, chúng ta nói căn tham, căn sân, căn si, căn vô tham, căn vô sân, căn vô si. Thật ra rất thú vị, vì vấn đề có mặt chìm mặt nổi, như cây, có hoa lá cành, nhưng nó lại có gốc rễ. 

3 - Căn bất thiện

Ở tại Mỹ, có một giáo sư dạy về sử học, ông là một người  có một khả năng tiên đoán chính xác nhất về bầu cử Tổng Thống Mỹ từ năm 1980 đến bây giờ. Đại khái là, ông dựa trên 13 nguyên tắc, ở trong nguyên tắc này ứng viên nào có nhiều điểm hơn hết thì ứng viên đó chắc chắn sẽ thắng cử và ông chưa bao giờ sai hết. Thì mới nghe điều này rất lạ là, bởi vì khi người ta đi bỏ phiếu thì có khi bỏ phiếu cho người có cảm tình hay không có cảm tình và những thứ đó thì ông không đề cập đến, ông lại đề cập đến những nguyên nhân rất là sâu xa, thí dụ liên hệ đến đảng cầm quyền, liên hệ đến tình trạng kinh tế. Thì chúng ta thoát nhìn ở bên ngoài, chúng ta thấy rằng vị ứng viên đi tranh cử chỗ này chỗ kia người ta thích, nhưng khi người dân bỏ phiếu trong cái bỏ phiếu chung thì dựa trên một số dữ kiện, ở trong đó có một yếu tố sâu xa như là về kinh tế, nếu kinh tế tốt thì người ta không quan tâm đến những chuyện khác, chúng tôi nói ở tại Mỹ, chúng tôi không nói tại Âu Châu. Thì như vậy, chỉ số về kinh tế lại ảnh hưởng quan trọng, đôi khi đối với phần đông nó lại chìm, người ta không hiểu hết về kinh tế nhưng người ta thấy một điều như vầy là trong thời kỳ vị Tổng Thống nào mà ăn nên làm ra, trong thời vị Tổng Thống nào lên mà mình cảm thấy mình có nhiều tiền hơn, mình có khả năng tiêu sài hơn thì cho dù vị Tổng Thống đó khác đảng phái, cho dù vị Tổng Thống đó mình thích hay không thích thì người ta vẫn bỏ phiếu cho người đó tiếp tục, tại vì người đó làm tốt về kinh tế.

Thì như vậy, có những nguyên nhân gọi là mặt nổi, có những nguyên nhân chìm, ẩn sâu, còn gọi là mùla (mùla là nguồn gốc, nguyên nhân, nền tảng, khởi đầu). Một điều thú vị là mùla quyết định cái gì gọi là bất thiện, cái gì gọi là tịnh hảo, thí dụ, như tất cả tâm bất thiện đi với 3 căn để là, căn tham, căn sân, căn si, và tất cả những tâm tịnh hảo thì đi với ba căn nữa là, vô tham, vô sân và có những tâm đi với vô si, đại để thì căn rễ nó là cái quyết định mà quyết định đó chúng ta không thấy được. 

Có lần chúng tôi nói chuyện với một đạo hữu ở chùa, vị này rất giỏi việc trồng cây, đạo hữu có một miếng đất ở Hòa Lộc, VN, trồng soài cát bán được rất nhiều tiền, đó là loại soài ngon ở VN, chúng tôi hỏi thì đạo hữu nói những nơi khác mua hạt giống của đạo hữu về trồng cũng ra loại soài cát nhưng không ngọt không thơm như loại soài của vị này, bởi vì đất đó gặp hột giống đó nó hợp sẽ cho trái ngọt, giống như người ta nói "trái cam trồng ở xứ Đoài thì nó ngọt mà trồng ở xứ Sở thì chua". 

Thì như vậy, chúng ta không nói đến lá, không nói đến hoa, không nói đến trái, mà chúng ta nói đến đất đi với gốc rễ ăn sâu vào, khi chúng ta nhìn một trái soài ngon hay dở người ta không nhìn cái rễ của nó, nhưng cái rễ của nó lại quyết định rất nhiều. 

4. Ảnh hưởng bất thiện

Như vậy, căn bất thiện nó lại mang yếu tố khác, nó mang một tánh cách khác. Câu chuyện về bất thiện chưa dừng ở tại đây. Bây giờ, chúng ta phải nói đến những ảnh hưởng của bất thiện. Về phương diện này đôi khi càng nói càng tế nhị. Trong thuộc tánh bất thiện có hai thuộc tánh là, si và tham, còn gọi là, vô minh và ái. Thì vô minh và ái, mãnh lực của nó khó tưởng tượng được.

Đức Phật Ngài dạy "chúng ta vốn đã luân hồi từ vô lượng kiếp đến đỗi nước mắt của chúng ta đã từng khóc vì khổ đau nhiều như nước trong bốn biển".  Cái trầm luân sanh tử đó đều do tác động của vô minh và ái. Khi chúng ta nói điều này có nghĩa, tất cả những hành động dù thiện hay bất thiện, mà nhân sanh tử tạo nghiệp quả đều bị chi phối bị tác động bởi vô minh và ái. 

Không có vô minh và ái tác động thì những tâm thiện trở thành tâm duy tác, tức là tâm không có quả, chỉ có những vị Alahan mới có tâm duy tác tịnh hảo.

Thì ở đây, ảnh hưởng bất thiện nó phủ rộng lớn. Như vậy một người bình thường nói rằng mình đi chùa, mình nghe pháp, mình cúng dường, mình ngồi thiền đều có ảnh hưởng bởi vô minh và ái dục sao?

- Thì thưa rằng; có ở trong ý nghĩa tương đối đặc biệt.

Chúng tôi lấy một ví dụ, đa số những gì mình nghĩ mình làm là tại vì mình biết, như mình biết làm việc, mình biết chọn bạn mà chơi, mình biết chọn thức ăn trong nhà hàng, món nào mình thích, mình biết lựa chọn bạn đời như thế nào. Nhưng, nếu có ai đó nói với chúng ta một điều là tất cả cái mà bạn biết, tất cả quyết định và hành động mà bạn làm nó không dựa trên cái bạn biết, mà nó dựa trên cái bạn không biết. 

Tại sao mình làm mình dựa lên cái không biết, thí dụ, mình làm việc để tạo ra tiền thì nghe hay vì mình biết nó tạo ra tiền, nhưng mà kỳ thật nếu mình biết có một cách khác thật tốt để tạo ra tiền, thí dụ như hôm nay trị giá của Apple  đã lên gần tới 2000 tỉ, nếu cách đây một năm hai năm, một người mà biết như vậy họ sẽ dồn tất cả tiền để chỉ mua cổ phiếu Apple, bây giờ tài sản đầu tư của họ sẽ tăng gấp đôi chỉ trong vòng một năm. Nhưng chúng ta đâu biết, nếu mình biết mình đã làm giàu rồi. 

Khi chúng ta quyết định điều gì trong đời sống,  mình đều nghĩ rằng điều đó là điều tốt nhất, nhưng kỳ thực. Trong giây phút đó mình không biết cái gì là tốt nhất. Tại vì, nếu mình biết đó là tốt nhất mình đã giác ngộ giải thoát hoàn toàn. 

Thì như vậy, cái không biết đó bao trùm cuộc sống của chúng ta, nó khiến cho chúng ta chỉ làm có chừng đó thôi, tức là ở mức độ đó. Tại sao chúng ta không làm ở mức độ cao hơn? Tại vì chúng ta không biết. 

Đây là ý nghĩa tương đối rất khó hiểu, ai trong đời này cũng nghĩ là mình khôn ngoan, mình đã có những đề xuất tốt nhất, nhưng mà kỳ thật, khi  chúng ta nhìn lại tất cả những gì chúng ta làm bởi vì chúng ta đã không biết có cái tốt hơn. Bây giờ bảo cái gì đó mình không biết chắc chắn nó tốt hơn tại vì rõ ràng là những gì mình làm không hoàn hảo. Nếu những gì chúng ta làm mà nó tốt nhất thì chúng ta không bị, sanh, già, bệnh, chết, chi phối. Nói cụ thể hơn, gần gũi hơn là, nếu chúng ta lựa chọn cái tốt nhất thì mình đã không bị phiền não, không bị khổ đau. Mình có thể đổ cho trăm ngàn lý do nhưng mà lý do căn bản vẫn là do chúng ta không biết, cái không biết đó là vô minh.

Nên ảnh hưởng của vô minh và ái dục thật sự rất lớn, ảnh hưởng này không thể quan niệm theo cách chúng ta quan niệm bình thường, nghĩa là xấu và tốt theo thường thức theo luân lý, chúng ta phải vượt lên trên những điều đó.

Như vậy, khi chúng ta nói đến, tâm bất thiện, thuộc tánh bất thiện, căn bất thiện, chúng ta nói đến ảnh hưởng bất thiện thì thấy rằng, tuy mình nói nó bất thiện hết nhưng mà nó mang nhiều ý nghĩa khác nhau cùng giống nhau, đó là chỉ riêng về bất thiện thôi. Do vậy chúng ta phải đặc biệt rất là cẩn trọng khi học Thắng Pháp học, về những định nghĩa của thiện của bất thiện, của thọ hỉ, thọ xả, của quả bất thiện và quả thiện v.v... 

Bây giờ, một điểm khác chúng ta nên biết về tâm bất thiện, nếu chúng ta nhìn vào biểu đồ chư pháp thì phần tâm, có nhóm thiện, nhóm bất thiện, có nhóm quả, nhóm vô ký, không thiện, không bất thiện. 

Tâm bất thiện tạo ra những tâm quả, những tâm quả này mới nhìn thì mình thấy nó không lớn chuyện.

Khi chúng ta nhìn vào biểu đồ, chúng ta dễ dàng nhận có 7 tâm quả bất thiện, ở trong đó có: 

1 - Nhãn thức quả bất thiện 

2 - Nhĩ thức quả bất thiện 

3 - Tỷ thức quả bất thiện 

4 - Thiệt thức quả bất thiện 

5 - Thân thức quả bất thiện 

6 - Tâm tiếp thâu quả bất thiện 

7 - Tâm quan sát quả bất thiện 

Trong khi đó tâm quả thiện thì có rất nhiều.

Câu hỏi là, tại sao tâm quả bất thiện ít mà chúng ta lại khổ nhiều?

Thì câu trả lời rất là đơn giản, chúng ta sống trong cuộc đời này để có được hạnh phúc thì đòi hỏi nhiều điều kiện mà phần đông không có những điều kiện đó, do vậy phần đông nhân loại sống khổ. 

Thì cái kích hoạt của tâm bất thiện do cách tự nhiên khiến chúng ta thiếu phước, khiến chúng ta nghèo nàn và, trong cái nghèo nàn thiếu phước đó, khi mình nói nghèo nàn nghĩa là nó ít lắm, giống như mình nói giữa người giàu với người nghèo thì người nghèo không có gì để nói hết tại họ không có cái này không có cái kia, không có bảo hiểm, không có chỗ ở phải đẹp, không có điều kiện đi học trường tốt, không có trường ở khu vực tốt v.v... Nhưng những cái không có đó là cái khổ, và cái không có đó tuy rằng mình nói ít, người giàu thì gọi là cái có trăm muôn ngàn thứ, còn cái không có người nghèo thì mình nói đại loại thôi. Nhưng mà kỳ thật đa số nhân loại thì lại sống trong cảnh nghèo. Người ta thống kê, ví dụ như ở tại nước Mỹ và nhiều quốc gia phát triển khác thì 2/3 tài sản giàu có tập trung vào một thiểu số người. Vì vậy đối với chúng ta khi đọc vào trong thắng pháp các tâm quả của tâm bất thiện nó ít vậy mà qua cuộc sống hàng ngày cái khổ chùng chùng, tại vì sao chúng sanh ở đời khổ, là tại họ thiếu phước, thiếu điều kiện để an lạc, và tâm bất thiện tạo cho chúng ta thiếu điều kiện để an lạc đó.

Nói điều này là mình mới hiểu được, đó là, tại sao có những thứ tâm mình không nên có. Buổi sáng hôm nay nếu chúng tôi dành thì giờ để sinh hoạt với Phật tử, chúng ta bàn thảo về Thắng Pháp Abhidhamma, hay chúng ta bỏ thì giờ đọc sách thì cái còn lại có rất nhiều. Nhưng, nếu buổi sáng hôm nay chúng tôi dành nguyên buổi sáng để giận một người nào đó thì, sau cơn giận đó nó còn lại cái gì? Chuyện đơn giản như vậy, tại vì cái giận đó không sản sinh ra phước, không sản sinh lợi lộc, như vậy chúng tôi phí đi cả buổi sáng. 

Ở đây, ý chúng tôi muốn nói, sự thiếu phước, thiếu điều kiện an lạc, tuy nó có ít nhưng rất phổ cập, nó phổ cập đến đỗi Đức Phật làm một việc so sánh: "Ở trong đời này, chúng sanh sanh vào cõi khổ nhiều như lông con bò, số chúng sanh sanh vào cõi an lạc ít như sừng bò". Chúng ta hiểu rằng ví lông con bò với sừng con bò tỉ lệ chênh lệch rất lớn, sừng bò chỉ có hai, còn lông con bò thì không biết bao nhiêu, không ai đếm được so với sừng bò.

Thì như vậy, qua biểu đồ tâm, thì tâm quả bất thiện chỉ có 7 thôi, nhưng, nó lại trở lên rất phổ cập, nó có ở trong nhiều lãnh vực trong cuộc đời này. Thí dụ, người ta nói ngày hôm nay trên thế giới có hơn 7 tỉ người, ở trong đó có gần 2 tỉ người buổi sáng thức dậy không biết hôm nay làm sao để có ăn, ăn cái gì cũng được, miễn là có ăn. Dĩ nhiên là, những vị sống tại những quốc gia như ở Mỹ hay VN, mình nghe bữa ăn bây giờ thì thật ra ăn sơn hào hải vị thì có thể bữa có bữa không, chứ ăn để no thì không có chuyện gì phải lo. Chúng tôi nhớ ngày xưa khi mới vào chùa, có thể nói rằng Cô Bảy Vĩnh Phúc là vị đại thí chủ lo gạo hàng tháng cho chư tăng rất là vất vả, lo để có ăn là mừng rồi chứ đừng nói chi chuyện ăn ngon dở thì không để ý tới. Bây giờ, thực phẩm có dư thừa người ta sợ béo phì, nhưng điều đó không có nghĩa là cả thế giới này đều giống nhau, trên thế giới vẫn có gần 2 tỉ người buổi sáng thức dậy vẫn băng khoăn lo lắng làm sao để có cái gì ăn, tại vì không có thực phẩm dự trữ và lại không có tiền. Chúng ta nhìn một loạt qua các thành phần nghèo tại các quốc gia đang phát triển, tại Phi Châu chẳng hạn thì chúng ta hiểu được con số đó không phải là con số khó hiểu.

 Thì như vậy, ý chúng tôi muốn nói mặc dầu chúng ta nói tâm bất thiện là thứ tâm cho quả bất thiện và, quả bất thiện thì không có nhiều ở trên đồ biểu, nhưng nó đặc biệt rất phổ cập rộng rãi ở giữa chúng sanh, vì vậy Đức Phật dùng chữ "vui ít, khổ nhiều" hay Ngài nói "chúng sanh mà sanh về cõi lạc ít như sừng con bò và chúng sanh sanh vào cõi khổ nhiều như lông con bò". Thì ở đây, cho chúng ta một ảnh hưởng rất sâu xa khác của cái gọi là quả của tâm bất thiện.

Ngữ và Nghĩa.

Sau khi đề cập đến bốn khia cạnh liên quan đến chữ bất thiện, bây giờ chúng ta tiếp theo về ngữ và nghĩa.

Chúng ta có hai từ ngữ đôi khi người ở ngoài thì ít có sài, nhưng người Phật tử sài như là đồng nghĩa với nhau, đó là, tâm bất thiện (akusala - bất thiện; ác; tội lỗi) và phiền não (kilesa là phiền não, những yếu tố làm cho tâm ô nhiễm.), nhân dịp chúng ta đang nói về bất thiện, chúng tôi nói rõ thêm về điểm này.

Phiền não (kilesa) là, chúng ta nói đến những chất liệu nung nóng làm đau khổ, trong Thắng Pháp nói rất rõ những phiền não nói chung thì thuộc tánh bất thiện và, thuộc tánh bất thiện thuộc về hành uẩn, trong khi đó thọ, tưởng và thức thì không mang tánh bất thiện như vậy.

 Tức là, ở trong tâm bất thiện thì chính những thuộc tánh bất thiện nó nhuộm màu cho những thuộc tánh khác như, thọ, tưởng, và thức, đó là tâm bất thiện chúng ta sẽ nói sau. 

Và khi chúng ta nói chữ phiền não (kilesa) thì chúng ta nói khái niệm là nung nấu, là  thiêu đốt, làm chúng ta không được thanh tịnh, không được an lạc. 

Nhưng, khi nói chữ bất thiện (akusala) chúng ta nói đến cái nhìn rộng hơn, là cái đó không khéo, không tốt. 

Chúng ta không nói là nghiệp phiền não, mà chúng ta nói là nghiệp bất thiện, sở hành bất thiện, quả bất thiện, chúng ta không nói là quả phiền não. 

Thành ra, mặc dầu ở trên một phương diện nào đó, hễ tâm bất thiện thì luôn luôn có phiền não và, hễ tâm nào có phiền não là tâm bất thiện, nhưng, hai cái nó không phải sài với nhau một cách đồng nghĩa hoàn toàn, nó có một cách khác tế nhị ở trong cách sài, chúng tôi nghĩ rằng đa số qúi Phật tử đều có thể nhận rõ ra sự khác biệt giữa bất thiện và phiền não.

 Khi đề cập đến tâm bất thiện, chúng ta phải đề cập đến chữ Kilesa (Bất tịnh, ô nhiễm, dục vọng). Chữ kilesa trong tiếng Anh, dịch giả thường dùng chữ defilement chỉ cho cái gì làm bợn nhơ, cái gì làm xấu tâm gọi là defilement, ví dụ, một bưu kiện gửi đến chúng ta, người đưa bưu kiện đó bị nhiễm covid, thì do những con vi trùng covid lây qua bưu kiện, chúng ta bưng bưu kiện không mang găng tay đem vào phòng cái bưu kiện nó có defilement mình không rửa tay thì mình sẽ bị lây bịnh. Cũng tương tự như vậy, chất liệu của phiền não có mặt ở tại đâu thì nó làm cho tâm thành bất thiện. 

Mình nói tâm là biết cảnh, biết cảnh là cái gì tốt, thì tâm là biết cảnh tốt, thức uẩn luôn luôn tốt, thọ uẩn, tưởng uẩn, thuộc về dạng tợ tha, nó theo thiện thì thiện, nó theo bất thiện thì bất thiện. Nhưng riêng về những thuộc tánh bất thiện thì có một chi phối rất đặc biệt, thuộc tánh đó trong tâm gọi là phiền não. Thành ra chữ phiền não thì nói đến trạng thái, nói đến tâm trạng. Còn chữ bất thiện chúng ta dùng đại quan tổng quát nhiều hơn,  như chúng ta nói sở hành bất thiện, nghiệp bất thiện, quả bất thiện. Chúng ta học Phật Pháp ở lâu sẽ thấy hai chữ này có chỗ mình có thể sài chung được và có chỗ thì sài riêng không thể sài lẫn lộn với nhau được.

 Do vậy về phương diện ngữ và nghĩa có một chút phân biệt cho chữ Kilesa.

Những điều nên cẩn thận 

Bây giờ bước qua phần tiết theo về những điều nên cẩn thận khi nói về tâm bất thiện. 

Nói đến tâm bất thiện, phần đông chúng ta nghĩ là tâm xấu, nếu mình hiểu một cách tuyệt đối như vậy đôi khi lại sai. Mặc dầu chữ bất thiện mới nghe thì rất phản cảm, nó đối lập với thiện. Nhưng thỉnh thoảng TT Tuệ Siêu có nói về Duyên Hệ (paccayo). Khi nói về Duyên Hệ thì chúng ta thấy rằng sự tác động không phải chỉ có thiện tác động thiện, mà có những bất thiện nó tác động thiện, tác động do nhân duyên, tác động do cảnh duyên v.v.... Chúng ta không đề cập tại đây. 

Thì như vậy, khi nói đến trạng thái từng tâm là một lẽ, nhưng tánh cách chung về cái gọi là thiện, là bất thiện nó là phạm trù khác.  Thì ở đây phải cẩn thận.

Tại sao hồi nãy chúng tôi đề cập đến, lấy ví dụ, thọ ưu là cái gì khó chịu, mà tâm nào thọ ưu thì gọi là tâm sân. Tâm sân là tâm bất thiện. Nhưng trong kinh Đế Thích Sở Vấn có nói rằng: "Có những thọ ưu nên thường có, có những thọ ưu không nên thường có".

Chúng tôi lấy một ví dụ. Đức Bồ Tát khi Ngài đi dạo bốn cửa thành, Ngài thấy bốn cảnh, già, bệnh, chết, và người xuất gia. Khi Ngài thấy những cảnh  già, cảnh bệnh, cảnh chết, một ý tưởng khởi lên trong Ngài: "Nay ta bị cảnh, sanh, già, bịnh, chết, chi phối, tại sao ta đi tầm cầu cái sanh, già, bịnh, chết, chi phối". Và thật sự Ngài không vui về điểm đó.

Khi Ngài không vui thì đó là "thọ ưu", nếu chúng ta nói trên ngôn ngữ Thắng Pháp thì thọ ưu là tâm sân. Nếu nói Đức Bồ Tát thấy cảnh, sanh, già, bệnh, chết, Ngài phát tâm xuất gia thì nghe vĩ đại, còn nói tâm sân nghe lạ quá. Nhưng cảm giác thọ ưu đó là một thứ tâm sân, nhưng thọ ưu đó nên có, ở điểm này phải rất cẩn thận.

 Một câu chuyện khác trong kinh kể,  thanh niên Yasa sanh trong một gia đình thế gia vọng tộc, sống đời sống nhung lụa không thiếu một món gì hưởng thụ muốn mà không có. Vào một đêm tối thức dậy cảm thấy trong phòng hơi nóng nên đi ra sân hóng gió, vị này đi băng ngang một sảnh đường rất rộng nơi đó hồi chiều có một buổi tiệc rất sang trọng do cha mẹ của Yasa mở tiệc khoản đãi những người bạn của Yasa, và hồi tối này cách đây có vài giờ Yasa đã nhìn thấy những vũ công trong những xiêm y rực rỡ và được trang điểm đẹp đẽ, những vũ công này đã múa những vũ điệu đẹp mắt. Tuy nhiên vì cả buổi tối vũ múa hát mệt quá do đó những vũ công này đã vào một phòng nhỏ để ngủ, và khi ngủ có lẽ lúc đó không tiện nghi và những người vũ công thời đó không được ưu đãi không có phòng riêng và họ ngủ trong phòng không có giường nhiều, thành ra họ lấy cái gì chêm đầu được thì chêm, có gì trải lưng thì họ trải để ngủ. Yasa đã tình cờ đi ngang bắt gặp được một cảnh tượng những nàng vũ nữ kiều diễm hồi chiều đã trình diễn những màn vũ rất đẹp mắt nhưng bây giờ thì nằm đó, cách ngủ, cách thở, cách nằm la liệt son phấn nhễ nhãi, Yasa tự nhiên cảm thấy cuộc đời thật sự không đẹp như mình thấy mà nó còn có bề trái của nó. Nhìn thấy cảnh tượng đó cảm thấy rất nhờm gớm chán nản, đến đỗi Yasa đã rời nhà đi một mình trong đêm tối vừa đi than rằng: "thế gian này thật là bẩn chật".

Thì tâm trạng nhàm chán bẩn chật đó là một thứ thọ ưu, nói theo Thắng Pháp đó là thứ tâm sân, nhưng tâm sân đó là một thứ tâm sân nên có mặc dù nó là thứ tâm bất thiện. 

Trong một tiền kiếp rất xa xưa Yasa lúc bấy giờ là một người giàu lòng từ thiện, Yasa cùng với nhóm bạn thân đã làm một việc ít có người làm đó là đi nhặt những xác chết không có thân nhân, thời xưa có nhiều người sống không nhà lang thang rồi khi chết ở đầu đường xó chợ không ai hoả táng, lúc bấy giờ Yasa đã cùng với những người bạn của mình làm việc từ thiện là đem những xác chết vô chủ về tẩn liệm đàng hoàng như là một sự tôn trọng đối với người chết, rồi hỏa táng. Có một lần, lúc đang thiêu một xác chết thì gặp cảnh người chết là phụ nữ có thai và cái thai đó lớn rồi. 

Vị nào có đi Ấn Độ mới hiểu được cảnh tượng này, ở bên Mỹ khi người ta hoả táng thì hộp giấy đựng thi thể người chết đẩy vào trong cái lò đậy lại chúng ta không thấy gì hết, chúng ta chỉ thấy hộp giấy hay quan tài đẩy vào trong lò hỏa táng thôi. ở Xứ Thái Lan xây lò hoả táng cũng tương đối kín là họ xây tường hai bên, nhưng cũng kín đáo. Ở Ấn Độ, người ta chất củi tương đối dầy 2 thước, họ để cái xác ở trên đống củi đó rồi họ châm lửa đốt, thì cách đốt này nó cháy không hết vì không đủ củi. 

Thì lúc đó xác chết là một thai phụ khi hoả táng thì thai nhi bỗng nhiên bị lòi ra bên ngoài và, nhìn xác chết đã ghê rồi mà thai nhi ở trong xác chết bị đẩy ra bên ngoài như vậy thì cái hình ảnh rất hãi hùng ghê tởm. 

Lúc đó Yasa nhìn cảnh tượng một thai nhi trong lòng mẹ đã khổ rồi, bà mẹ chết thai nhi chết theo, rồi khi đốt thì thai nhi bung ra ngoài thì nhìn cảnh tượng là ấn tượng ghi sâu đậm trong lòng Yasa về cái khổ ải của kiếp nhân sinh, về cái khổ ải của trầm luân sanh tử. Thanh niên đó đời sau sanh ra là Yasa. 

Thì chỉ nhìn thấy những vũ công hồi chiều rất  kiều diễm rất quyến rủ với những điệu múa với những giọng hát cuốn hút, nhưng mà sau buổi tiệc tàn thì những người này lại nằm ngổn ngang trong cảnh không đẹp mắt nên Yasa sanh tâm nhàm chán, tâm nhàm chán khó chịu đó là một thứ thọ ưu, nhưng nó lại là một thứ tâm thọ ưu nên có.

Thành ra, giữa khái niệm về thiện và bất thiện nhiều khi có những chồng lấn, và chồng lấn này, chúng tôi lấy một ví dụ, một người làm thiện nhưng quá dính mắc vào việc làm thiện đó, thì là một vấn đề, như một Phật tử có tâm  ưa thích hoan hỉ với tượng Phật, đó là tâm thiện, nhưng vì quá ưa thích tượng Phật nên tối ngày chỉ lo việc dọn dẹp, thờ phụng, hương đăng hoa quả cúng dường, không nghe pháp, không tu tập và đặc biệt đi đến nơi nào có tượng Phật đẹp thì hoan hỉ, còn tượng Phật không đẹp thì không hoan hỉ. Thì lúc bấy giờ chuyện ưa thích tượng Phật lại là vấn đề.

Trong cuộc sống hàng ngày, cái gì cũng phải có chân, có thiện, có mỹ. Chân là một bản chất nhưng thiện có hữu ích, và không phải cái gì chân cũng là thiện, và cũng không phải cái gì chân thiện cũng là mỹ, có cái không đẹp nhưng có giá trị của chân và thiện. Về điểm đó chúng ta phải rất cẩn thận.

 Riêng về chữ bất thiện chúng ta đề cập ở trong bài học, chỉ thuần tính chất là uyên nguyên, chớ nên nghĩ rằng tất cả những thứ tâm này đều hoàn toàn là bất thiện tuyệt đối, như hồi nãy chúng tôi nói rằng có những thọ ưu nên thường có, những thọ ưu không nên có.

Nhân dịp này, chúng tôi muốn nói đến một thứ khác là khoa học, ngày nay đa phần dựa trên một nền tảng gọi là khoa học tự nhiên, ở trong khoa học tự nhiên đó người ta không đặt nặng phê phán họ chỉ nhìn vào thực chất thôi.  Ví dụ, chúng ta mua sà bông để rửa tay để trừ khử germ (mầm bệnh). Có người dùng chữ germ, và có người dùng chữ bacteria (vi khuẩn) và, sà bông là thừ có thể diệt một số bacteria, là những thứ vi khuẩn. Bacteria thì khác với virus (siêu vi khuẩn). Virus là thứ chùm gởi còn bacteria là những tế bào mà tự nó tự tồn tại được. Những thứ vi khuẩn chúng ta gọi là bacteria ở trên căn bản thường nghe nó là những thứ gì chúng ta phải cẩn trọng, vì nếu không cẩn thận thì chúng ta bị lây nhiễm và hại cho sức khỏe. Chúng tôi lấy ví dụ như trái cây để lâu không bảo quản trong tủ lạnh, nó sanh ra bacteria, nếu chúng ta ăn sẽ bị đau bụng. Tuy nhiên, ở trong tự nhiên có những thứ bacteria tốt, có những loại bacteria nó làm tiêu những ô nhiễm của môi trường.

Thì như vậy, cái nhìn ở trong thiên nhiên, chúng tôi muốn nói ở vào một phương diện nào đó chúng ta phải nhìn vào cuộc sống tu tập, Đức Phật dạy rằng: "Này chư tỳ kheo, sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn là khổ, vô thường, và vô ngã, nhận biết rõ như vậy liền sanh tâm nhàm chán đối với chính mình"

Chúng tôi muốn nói ở tại đây, khi chúng ta học sâu vào trong Thắng Pháp thì chúng ta phải tạm không dùng đến những ý niệm mình thường có trên phương diện tu học, môn Thắng Pháp là một thứ khoa hoc tự nhiên, tức là chúng ta học, chúng ta hiểu sự tương tác nhân quả, những trạng thái chúng ta không có đơn thuần là lấy ý niệm về văn hoá về đạo đức bình thường để chúng ta cảm nhận và, nhất là khi chúng ta học vào về Duyên Hệ (paccayo), thì chúng ta thấy quả thật là thiện và bất thiện không đơn thuần có một lằn ranh rõ rệt:

- Có những bất thiện trợ cho thiện.

- Có những bất thiện trợ cho bất thiện.

- Có những thiện trợ cho thiện.

Đây là những lợi lạc của Thắng Pháp và, một khi chúng ta học những điều này rồi thì chúng ta học với tâm rộng mở, bớt đi thành kiến, bớt đi định kiến. Người mà học với tâm trạng tinh khôi không có vướng mắc một thành kiến nào thì học nhanh hơn.

Chúng tôi muốn qúi vị nhớ 3 điểm là: 

1. Tâm bất thiện là những tâm đi với căn bất thiện, căn bất thiện là căn tham, căn sân, căn si. Khi nói đến tâm bất thiện thì đối lập hoàn toàn với thiện và nó không liên hệ với nhau. 

2. Khi nói đến căn tánh bất thiện thì vô minh và ái có ảnh hưởng đến toàn bộ những tâm thiện và tâm bất thiện tạo quả đơn thuần.

 3. Và khái niệm về bất thiện theo thường thức, bất thiện theo kinh tạng và, bất thiện theo Thắng Pháp tạng có ít nhiều những sai biệt và cần tu tập ./.


No comments:

Post a Comment