Saturday, January 2, 2021

Thắng Pháp Abhidhamma - Bài 17. Tâm Tham

 Thắng Pháp Abhidhamma


Bài 17  -  Tâm Tham 

Minh Hạnh nghe và ghi chép từ băng giảng.

 TT Giác Đẳng: Sau nhiều bài học mang tánh cách giới thiệu tổng quan, hôm nay chúng ta chính thức đi vào từng thứ tâm theo sự trình bày về tâm pháp của Thắng Pháp Abhidhamma. Đề tài chúng tôi đề cập ngày hôm nay là 8 tâm tham.

Khi đề cập đến chữ tham, chúng ta phải đặc biệt cẩn trọng về điểm này, bởi vì có nhiều từ vựng Phật học rất quen thuộc, chúng ta lại hiểu theo cách hiểu hời hợt, hiểu bình thường theo cách người ta sài trong nhân gian.

 Lấy ví dụ, qúi vị thường nghe Chư Tăng nói chữ "bố thí". Ở trong nhân gian chữ "bố thí" là mình cho người nghèo khổ thấp hèn gọi là "bố thí", hay khi bực quá mình nói "tôi bố thí cho anh", "tôi bố thí cho chị" thì nghĩa của nó không đẹp. 

Nhưng, trong Phật học chữ "bố thí" hiểu rộng hơn và, rất đẹp. Cái gì xả tài, cái gì cho ra như, cúng dường Tam Bảo, cúng dường Cha Mẹ, cũng là "bố thí", thuyết pháp cũng là "bố thí". Thì chữ "bố thí" trong Phật học được hiểu rộng hơn.

Chữ phước cũng vậy.

Và hôm nay chúng ta nói đến chữ "tham", cũng có cách hiểu thường thức ở bên ngoài, thì cách hiểu đó so với cách hiểu của kinh điển Phật Pháp và đặc biệt trong Thắng Pháp, với cách hiểu bên ngoài tương đối hời hợt.

Chúng tôi lấy ví dụ là, ở trong cuộc sống bình thường khi nói đến chữ "tham" có nghĩa là một sự ham muốn quá độ quá đáng, người ta cho mình một thì mình xin hai ba, hoặc giả mình thấy cái gì đó đẹp quá, qúi quá, mình tối mắt  muốn chiếm cho bằng được, gọi là tham. Nhưng mà rồi, cái ưa thích chừng mực thì người ta không gọi là tham, đó là ngôn ngữ thế gian. Nhưng, trong Thắng Pháp, dầu là ham muốn cái gì một cách tế nhị, ham muốn vừa phải, hay là ham muốn quá độ, đều là tâm tham. 

Tâm tham trong Thắng Pháp đặc biệt là một trạng thái tâm cần được hiểu rất rộng là, cái gì dính mắc.

Như chúng ta nghe câu chuyện Dòng Sông, Thiện Hữu và ông lái đò, rồi sau đó là tất cả, đã từng ngôi bên dòng sông để nhìn những gì đến và đi. Vị nào sống ở miền quê bên dòng sông nước chảy thì hiểu rằng có rất nhiều thứ  đến và đi trong lưu lượng của giòng nước, có thể là có những cái đẹp, có những cái xấu, nhưng, nếu cái gì đến thì nó đến, nó đi thì nó đi, mình không nuối tiếc, không níu nó lại thì, được ví dụ là vô tham. Nhưng, cái gì quá đẹp đã đi rồi mình vẫn nuối tiếc, vẫn giữ lại trong lòng, đó gọi là sự dính mắc.

Trong một ý nghĩa rất thoáng, chúng ta gọi vô tham là đối lập với tham. Vô tham được hiểu qua biểu tượng của lá sen không dính nước. Trong sân ở phía sau của Chùa Pháp Luân có hồ sen, lá sen đặc biệt là nước khi đọng ở trên đó không làm ướt lá sen, mình lấy nước đổ lên lá sen thì lá sen không bị ướt, đó là đặc tính là không giữ nước. 

Đặc tính không giữ lại, không dính mắc, trong Phật học gọi vô tham là, không dính mắc lại.  

Nhưng, có những thứ lá khác mình tưới nước lên như rau chẳng hạn thì rau bị ướt, cái bị ướt được ví như là cái gì còn giữ lại, còn lưu lại là, dính mắc.

Hai thí dụ này, chúng ta có thể nhìn từ những góc cạnh rất thô tháo, ví dụ, một người tranh danh đoạt lợi, đó là tham rõ ràng, nhưng một người sống ở thâm sơn cùng cốc dính mắc với chỗ ở của mình, dính mắc với sự yên tịnh của mình và, sự dính mắc đó có thể là một thứ tâm tham. Chúng ta phải rất cẩn thận.

Chúng tôi nhắc lại một lần nữa là, tham trên cái hiểu hời hợt thường thức là sự ham muốn quá đáng, hay quá độ. Nhưng, ở trong Phật học thì dầu sự ham muốn có chừng mực hay sự ham muốn vi tế đều là, tham.

Thật ra, sự ham muốn rất vi tế. Ví dụ, trong bài kinh "Ví dụ cái cưa", Đức Phật Ngài dạy:

"Chánh pháp còn phải bỏ huống hồ là phi pháp". 

Thì, có những điều tốt trong đời sống chúng ta, chúng ta cứ bám víu nó, như một người muốn chứng nhị thiền thì phải biết bỏ sơ thiền, muốn chứng tam thiền thì bỏ nhị thiền, nếu không bỏ được thì nó trở thành một sự ngăn ngại và, vượt khỏi cái mà mình đã từng thành tựu thì được xem là mình được giải thoát.

Chúng ta nên hiểu tham nó tế nhị lắm chứ không hời hợt giống như cái hiểu của bình thường.

Ở đây, chúng ta nói đến một sự hiểu lầm rất lớn, nhiều người nghĩ, trong Phật học nói rằng, vị Alahán là vị đoạn tận tham sân si, tức là các Ngài vô cảm đối với sắc khinh khí vị xúc, hiểu như vậy là hiểu không đúng. Khi nói vô cảm là mình trơ trơ như cục đá, cái đẹp không biết, cái xấu cũng không hay. Hoặc giả, chúng ta không có cái nhìn tương đối là chân xác về sự khác biệt giữa cái này và cái khác, giữa cái tốt và cái xấu, chữ vô tham không phải là như vậy, một vị Alahán như Đức Phật, Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Mục Kiền Liên, A Nậu Đà La, những vị đã hoàn toàn giải thoát giác ngộ không còn tham sân si. Nhưng khả năng phân biệt đẹp xấu ngon dở các Ngài có chứ không phải là không có, nhưng trong sự phân biệt đó không tham chấp, đây là điểm rất tế nhị. 

Theo trong kinh ghi rằng Đức Phật Ngài có vị giác rất bén nhạy, cũng món ăn gọi là vừa miệng, khi ăn Ngài ăn vị giác của Ngài bén nhạy hơn chúng ta đó là một qúi tướng của bậc đại nhân, mắt thấy tỏ hơn, tai nghe thính hơn, mũi lưỡi thân xúc chạm với cảm giác rõ nét hơn. 

Ở đây, chúng tôi có đưa ra một hình ảnh thí dụ là, khi vua trời Đế Thích muốn đến đảnh lễ Đức Phật, Thiên Chủ Đế Thích đã sai vị Càn thát Bà (gandhabba) tên Pañcasikha  là vị nhạc công của vua trời  đến xin phép Đức Phật, vị này đến không gặp Đức Phật liền, mà đầu tiên là vị này dùng tài năng thiên bẩm là ca hát đờn một bài hát được ghi lại ở trong kinh Trường Bộ Kinh - Kinh Đế Thích Sở Vấn. Đức Phật Ngài nghe xong bài hát đó Ngài nói rằng: 

- "Này Pañcasikha, huyền âm của Ngươi khéo hòa điệu với giọng ca của Ngươi, và giọng ca của Ngươi khéo hòa điệu với huyền âm của Ngươi. Này Pañcasikha, do vậy huyền âm của Ngươi không thêm mầu sắc cho giọng ca, hay giọng ca của Ngươi không thêm màu sắc cho huyền âm của Ngươi." 

Lời khen của Đức Phật là lời khen rất khéo rất đẹp, chúng ta có thể nói rằng ngày nay khi chúng ta nói về một bài hát thật hay, tiếng đàn hòa âm  tôn vẻ đẹp của lời ca, lời ca tôn cái đẹp của điệu nhạc và, những tiếng nhạc do những nhạc cụ phụ đạo lên nó không lấn lướt lời ca chỉ làm cho lời ca đẹp hơn, thì đó thuộc về thẩm âm. Khi Đức Phật Ngài khen như vậy không có nghĩa là Ngài ham muốn. 

Ở đây chúng ta hãy phân biệt theo cách Ngài khen không phải Ngài ham muốn. 

Hay hoặc giả, Đức Thế Tôn Ngài đi vào trong thành Vesali,  như một sự gợi ý, Ngài nhìn chung quanh với cái nhìn của con voi chúa, đó là lần cuối cùng Ngài nhìn Vesali, Ngài nói là Vesali rất đẹp, "khả ái thay Vesali, khả ái thay Vesali". Nhưng, điều đó không nghĩa là Đức Phật có sự dính mắc. 

Trong giây phút cuối cùng ở trên phiến đá trong vườn sala của vua xứ Mallà câu nói cuối cùng của Đức Thế Tôn rằng:

- "Này Chư Tỳ Kheo, tất cả pháp hữu vi đều là vô thường, các con hãy tinh tấn nỗ lực tu tập". 

Đức Thế Tôn Ngài không có ảo tưởng gì về hình ảnh đẹp, sự phân biệt đẹp xấu Ngài có phân biệt, do vậy nhận biết, cái đẹp, cái hay, cái ngon, không hẳn là tâm tham, chúng ta phải cẩn thận.

Trong tiến trình tâm, khi nói đến ngũ quan là, nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, xuất hiện thì ở đó có quả thiện và quả bất thiện. Quả thiện là, biết cảnh đẹp, biết cảnh khả ái. Quả bất thiện là biết cảnh xấu, cảnh không khả ái. Nhưng, cái biết của ngũ quan là có phân biệt, chưa phải là tâm xử lý. Khi nào qua tâm xử lý thì tâm tham lúc bấy giờ mới thật sự là tâm tham. Khi tâm xử lý còn là tâm duy tác thì chưa là tâm tham, mặc dầu biết đẹp, chỉ biết thôi thì không phải là tâm tham. Điều này phải rất cẩn thận.

Một điểm khác chúng tôi muốn lưu ý đó là chữ "chấp ngã" hay là "ngã chấp", trong đời sống bình thường người ta hay lẫn lộn là, khi học Phật nói là "ngã chấp" là một thứ tà kiến, nhưng, đôi khi cao mạn cũng là ngã chấp.

Nhưng trong Thắng Pháp thì sự cao mạn riêng và tà kiến riêng. Thí dụ, thuộc tánh mạn tham tà kiến ngã mạn.

Tà kiến thuộc tánh ngã mạn chỉ đi với những tâm ly tà thôi,

Tà kiến những tâm tham đi với tà kiến thì không có mạn trong đó.

Có thể, mới nghe thì cũng hơi ngạc nhiên, tại sao kỳ vậy, chấp ngã thì nó vừa mạn vừa là tà kiến, nhưng mà tại sao tà kiến ngã mạn không đi chung. 

Chữ "mạn" trong Phật học đơn thuần chỉ là thái độ so sánh, như  thành ngữ tiếng Anh có câu: "mình không nên so sánh trái cam với trái táo". Nhưng, không có nghĩa nó là, một thứ chấp sai, một thứ tà kiến. Như ở đây chúng tôi đưa một thí dụ, một người bị xúc phạm nhưng giữ tâm bình thản, có người hỏi: 

- "Tại sao anh bị người ta xúc phạm mà tâm bình thản vậy?", 

Người đó điềm đạm trả lời :

- "Có những lúc chén kiểu không nên đụng với chén sành".

Câu nói đó nghe như rất điềm đạm, một sự hiểu biết thông thái "mình là chén kiểu không nên động đến chén sành". Nhưng, ở phương diện nào đó thì tự nhận mình là cao qúi hơn người khác và người khác tầm thường hơn mình, mình là chén kiểu thì chén sành không nên đụng nhau, đó là một ngã mạn, trong đó có sự so sánh. Sự so sánh giữa mình và người khác, hoặc là so sánh mình bằng với người khác, hay thua người khác, hay hơn người khác. Thì dù so sánh thấy mình hơn người khác, thấy mình bằng người khác, thấy mình thua người khác, so sánh vẫn là so sánh, chữ mạn nằm ở chỗ đó.

Tà kiến làm mình sai, là một bản ngã, thấy sắc chính là ta, ta là sắc, trong sắc có ta, trong ta có sắc, thọ chính là ta, ta là thọ, ai làm gì cũng được đừng đụng tới cảm giác của tôi, cái cảm thọ chính là tôi, mà tôi buồn tức là đụng chạm tới tôi. Thì điều đó đi với tà kiến. Đây là một điểm rất tế nhị, chúng ta phải phân biệt giữa mạn và tà kiến ở trong tâm tham. Tại vì đây là một điểm chúng tôi sắp nói tới  3 yếu tố tạo nên tâm tham.

1. Yếu tố đầu tiên tạo nên tâm tham là, có sự phấn khích hay với tâm bình thản. Về điểm này có đặc điểm của tâm tham trong 12 tâm bất thiện, chỉ tâm tham có thọ hỉ, và có những thứ tâm không có thọ hỉ. Sự phấn khích ở đây là một sự ưa thích đặc biệt, một sự hân hoan gọi là thọ hỉ, sự bình thản hay cảm thấy thường là thọ xả. Ví dụ, lần đầu tiên trong mùa hè có ai đó pha cho chúng ta một ly nước chanh giây có nước đá rất uống ngon quá, tại vì ngon nên muốn uống nữa. Thì lần đầu tiên được uống mình cảm thấy sung sướng đó là tâm thọ hỉ. Nhưng rồi suốt trong mùa hè đi đâu về cũng có một ly nước đá chanh giây, cũng còn muốn uống nhưng tâm phấn khích không giống như lần đầu tiên được uống, thì đó cũng có tham nhưng tham ở trong sự bình thản hơn.

2. Yếu tố thứ hai là. Đi chung với tà kiến hay không đi chung với tà kiến, ở đây là một đặc tính của tâm tham. Đây cũng là một điểm thú vị trong Thắng Pháp cho chúng ta cái nhìn rất rõ. Về điểm này chúng tôi sẽ bàn trong tâm si. Thường thường người ta hay nghĩ tà kiến chỉ là chấp sai lầm, tà kiến là cái gì si mê do đó họ hiểu tà kiến thuộc về tâm si, tâm si là tâm mê mờ, tâm u mê hay tâm ngu si. Không phải vậy, mà tà kiến nằm trong tâm tham chứ không nằm trong tâm si. 

Tà kiến sai lạc cũng nằm trong tâm tham nó là một trạng thái mà chính tà kiến nó khiến cho tâm tham trở nên mạnh hơn và nguy hiểm hơn. 

Giả xử, một người ăn cắp nếu có tà kiến, họ nghĩ rằng mình làm không ai thấy thì không sao, không có tội gì hết. Một người theo chủ nghĩa vô thần, người không có chánh kiến, khi họ ăn cắp thì rất là mạnh tại vì họ nghĩ làm rồi thôi chứ không có vấn đề gì. 

Ở đây chúng tôi có đưa ra thí dụ, cũng thời đánh bắt cá, nhưng có người đánh bắt cá trong lòng cũng ngại. Chúng tôi biết có một số người vì mưu sinh nên làm nghề bắt cá, nhưng về sau khi có điều kiện họ đổi nghề khác, họ không làm nghề bắt cá nữa. Ông bà nói 2 nghề không nên làm là: "Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá". Nhưng, có những người thích thú trong nghề đó, chẳng những họ giết vì sự mưu sinh mà họ giết vì sự thích thú, giết mà họ cảm giác làm như vậy là tốt, là giỏi, là hay lắm và, họ không có ý niệm gì là nghề đó sẽ tạo nhân quả. Thì chính, đi với tà kiến làm tâm tham nặng nề. Đó là yếu tố thứ hai, đi chung với tà kiến hay không đi chung với ta kiến.

3. Yếu tố thứ ba, có tác động hay là không có tác động:

-  Không tác động Ngài Tịnh Sự dịch là vô trợ (asaṅkharika), trong tiếng Anh dịch là unprompt (là không ai xui giục; không ai gợi ý; mà tự ý mình, tự mình) là cái gì sanh khởi nhanh chóng không cần tác động. 

- Còn chữ hữu trợ (sasaṅkhārika) tiếng Anh là prompt (sự xúi giục; sự thúc đẩy) là cái gì mà mình có chần chừ, mình ngại ngần không làm liền, cần có sự thúc đẩy hay suy nghĩ tới nghĩ lui, đó gọi là có tác động. 

Thì có tác động hay không có tác động, tạo nên tính cách nặng hay nhẹ của tâm tham. 

Nói về chi pháp thì, thọ hỉ có chi pháp, có một thuộc tánh, tà kiến là một thuộc tánh, nhưng, cái gọi là có tác động hay không có tác động thì nó không có thuộc tánh riêng. Chúng ta chỉ biết một điều rằng cetanā là thuộc tánh tư tâm sở, tác ý (cetanā) tạo thành nghiệp. Nếu không có tác động thì cái cetanā đó mạnh, và khi có tác động thì cetanā nhẹ, 

Lấy ví dụ, một người không thích nhậu nhẹt, ban đầu không thích nhưng bạn bè rủ thì đi, đó là tâm tham có tác động. Và một người thích nhậu nhẹt nghe nói có nhậu là đi liền, đó gọi là không có tác động. Chúng ta nên hiểu đây là vô trợ và hữu trợ, hay là không có tác động và tác động, ở tại đây nó chỉ cho một sự sanh khởi nhanh chóng hay là ngại ngần. Sự ngần ngại làm giảm cái lực của cetanā (tư tâm sở).

Thì ba yếu tố này, đi chung với tà kiến hay không đi chung với tà kiến, có tác động hay không có tác động, tạo ra 8 tâm tham:

 1.       Tâm tham thọ hỷ hợp tà vô trợ (somanassasahagataṃ diṭṭhigatasampayuttaṃ asaṅkhārikam) Là tâm ham muốn có phấn khích, đi chung với tà kiến, không cần tác động.

 2.       Tâm tham thọ hỷ hợp tà hữu trợ (somanassasahagataṃ diṭṭhigatasampayuttaṃ sasaṅkhārikam) Là tâm ham muốn có phấn khích, đi chung với tà kiến, sanh do tác động.

 3.       Tâm tham thọ hỷ ly tà vô trợ (somanassasahagataṃ diṭṭhigatavippayuttaṃ asaṅkhārikam) Là tâm ham muốn có phấn khích ,không đi chung với tà kiến, không cần tác động

 4.       Tâm tham thọ hỷ ly tà hữu trợ (somanassasahagataṃ diṭṭhigatavippayuttaṃ sasaṅkhārikam) Là tâm ham muốn có phấn khích ,không đi chung với tà kiến, sanh do tác động

 5.       Tâm tham thọ xả hợp tà vô trợ (upekkhāsahagataṃ diṭṭhigatasampayuttaṃ asaṅkhārikam)  Là tâm ham muốn  bình thản, đi chung với tà kiến, không cần tác động.

 6.       Tâm tham thọ xả hợp tà hữu trợ (upekkhāsahagataṃ diṭṭhigatasampayuttaṃ sasaṅkhārikam)  Là tâm ham muốn bình thản, đi chung với tà kiến, sanh do tác động.

 7.       Tâm tham thọ xả ly tà vô trợ (upekkhāsahagataṃ diṭṭhigatavippayuttaṃ asaṅkhārikam)  Là tâm ham muốn bình thản ,không đi chung với tà kiến, không cần tác động

 8.       Tâm tham thọ xả ly tà hữu trợ (upekkhāsahagataṃ diṭṭhigatavippayuttaṃ sasaṅkhārikam)  Là tâm ham muốn bình thản ,không đi chung với tà kiến, sanh do tác động

Nếu chúng ta nhìn vào 8 tâm tham này sẽ thấy, tâm tham tương đối nhẹ đó là tâm tham thọ xả ly tà hữu trợ, cái mạnh nhất là tâm tham thọ hỉ hợp tà vô trợ. 

Thì cái thứ nhất là mạnh nhất so với cái thứ 8, nhìn vào điều này chúng ta sẽ nhận thấy 4 tâm đi với tà kiến có những tác hại mạnh mẽ hơn so với tâm không đi với tà kiến và, những tâm vô trợ lại mạnh hơn so với tâm hữu trợ. 

Chúng ta nhìn vào đồ biểu sẽ thấy 8 tâm tham đi từ cái thứ nhất đến cái thứ 8, mặc dù nghe lập đi lập lại là, thọ hỉ hợp tà vô trợ, thọ hỉ hợp tà hữu trợ, thọ hỉ ly tà vô trợ, nghe rất là khó nhớ, nhưng, nhìn vào bảng vẽ thì dể hiểu. Có hai phần đầu tiên làm cho khác biệt là thọ hỉ hay thọ xả, thọ hỉ có 4 tâm, thọ xả có 4 tâm, rồi trong mỗi một thọ hỉ như vậy thì hai phần là hợp tà hay ly tà, rồi sau đó mỗi tâm như vậy lại có vô trợ và hữu trợ. tạo nên 8 thứ tâm. 


Cách mà từ 3 yếu tố tạo nên 8 thứ tâm này, chúng ta cũng tìm thấy một tiến trình tương tự như vậy ở trong các tâm dục giới tịnh hảo về sau này giống như tâm thiện, thay vì hợp tà tâm thiện thì có thọ hỉ, thọ xả, hợp tà thì có hợp trí, ly trí và, cũng có vô trợ và hữu trợ. 

Đây là một điểm rất thú vị. Trong Kinh Tạng có đề cập đến một sự phát tâm nhanh chóng hay là sự phát tâm chậm.

 Ví dụ, trong kinh nói ông Bàlamôn có một khăn choàng, ông rất nghèo chỉ có một cái khăn choàng, ông đến nghe Đức Thế Tôn thuyết pháp, ông cứ nghĩ hoài không biết là mình có nên cúng dường khăn choàng, mình trong đời nhiều kiếp mình nghèo như vậy do mình không bố thí, ông phải nghĩ từ đầu hôm cho đến gần sáng ông mới quyết định là đem cái khăn choàng đó đặt dưới chân Đức Phật và cúng dường, sau đó ông chạy ra bên ngoài ông nói "Ta thắng rồi, ta thắng rồi". 

Thì câu chuyện đó là một ví dụ về tâm gọi là hữu trợ, tức là nó không sanh khởi liền, phải nghĩ đi nghĩ lại, sau đó ông được nhiều quả phước do vua Ba-Tư-Nặc nghe câu chuyện và nhà vua đã ban phát cho ông nhiều vải. Nhưng thật ra, trong sớ giải nói rằng, nếu ông bố thí với tâm mạnh mẽ, nhanh chóng thì phước báu rất nhiều. 

Ở đây, chúng ta đặc biệt nói đến một khía cạnh về tâm vô trợ và hữu trợ. Tương tự như trong đời sống, có nhiều người tánh chậm, không có phản ứng liền, phải có ai nhắc nhở, ai thúc đẩy mới làm, đó là do tâm quả hay là tiềm thức của họ hay là tâm hộ kiếp tục sinh bằng tâm hữu trợ.

Cái hữu trợ và vô trợ này có tác dụng lớn trong đời sống, chúng ta có thể nhìn thấy rằng trong cuộc sống này có những người chậm chạp và có những người nhanh lẹ. Hồi nhỏ chúng tôi không để ý về điều này, sau này lớn lên sống chung thì chúng tôi mới nhận ra được là có trường hợp vô trợ hữu trợ  là một trong yếu tố tương đối ảnh hưởng lớn trong cuộc sống./.


No comments:

Post a Comment