Thursday, January 14, 2021

Thắng Pháp Abhidhamma - Bài 18. Tâm Sân

Thắng Pháp Abhidhamma

Bài 18  -  Tâm Sân (Dosacitta)


Minh Hạnh nghe và ghi chép từ băng giảng.

 TT Giác Đẳng: Hôm nay chúng ta tiếp theo bài học về tâm bất thiện, bài trước học về tâm tham, hôm nay học tâm sân. Cũng giống như tâm tham, tâm sân trong Thắng Pháp nói chung tất cả những trạng thái khó chịu, không hài lòng với cảnh là sân. Một cách hiểu dễ nhất là, khi cảnh hiện ra, nếu cảnh tốt chúng ta bám víu thì sự bám víu là tham, còn nếu cảnh khó chịu chúng ta từ chối, tìm cách chống chế lại và thấy khó chịu, đó là sân. 

Sân chỉ đơn thuần là một trạng thái khó chịu, bực bội. Những thuộc tánh đi với sân như, tật tức là đố kỵ, lận là bỏn sẻn, hối là hối tiếc, cũng là thuộc về sân. 

Sân là một trạng thái bao gồm tất cả những tâm gì trong đó có sự khó chịu, thí dụ, mình sợ ma cũng là sân, lo lắng cũng là sân, phẫn nộ là sân, phật ý cũng là sân, như vậy từ ngữ sân được hiểu rất rộng.

Chúng tôi nhắc điều này, ở trong những định nghĩa về Pháp, có những từ vựng bên ngoài hiểu gần giống nhưng không hẳn đúng cách hiểu trong Phật học. Chúng tôi thí dụ chữ bố thí (dāna), người đời nghĩ bố thí là cái gì rất nặng, như nói "anh thích thì tôi bố thí cho anh đó" nghe rất nặng. Nhưng chữ bố thí (dāna), trong đạo Phật chỉ cho sự cúng dường, sự hiến tặng, sự ban bố, chứ không phải bố thí như ngoài đời, người giàu cho người nghèo gọi là bố thí. Chữ tham cũng vậy, chữ sân cũng vậy. 

Không nên hiểu sân chỉ là sự nổi giận, hay sân là sự bất bình. Chữ sân đơn thuần có nghĩa là trái ý nghịch lòng và thể hiện qua nhiều hình thức như là, lo lắng, sợ hãi, đố kỵ, phẫn nộ, tất cả đều có sân trong đó.

Ngày hôm nay, khi học tâm sân trong Thắng Pháp. Chúng ta nhớ một điều rằng ở trong tất cả các loại tâm khi diễn tả bằng những mệnh đề tính từ:

- Thí dụ như mình nói, tâm tham thọ hỉ hợp tà vô trợ thì, thọ hỉ, hợp tà, vô trợ, ba mệnh đề tính từ đó đều là những yếu tố để tạo nên sự khác biệt của 8 loại tâm. Thí dụ, tâm thọ hỉ cũng chỉ có tâm xả, có tâm hợp tà, có tâm ly tà, có tâm hữu trợ, có tâm vô trợ. 

- Đặc biệt riêng với trường hợp của tâm sân thì không có như vậy. 

Ở tâm sân cũng có 3 mệnh đề tính từ nhưng chỉ có một mệnh đề sau cùng là hữu trợ và vô trợ, tạo nên khác biệt giữa hai tâm sân, còn 2 cái đầu là thọ ưu và hợp phấn thì dù tâm sân nào cũng là thọ ưu và hợp phấn tất cả. Như vậy, tại sao chúng ta phải nêu lên, về điểm này có 2 lý do:

1. Một là trên phương diện pháp chúng ta cần phải nói rõ.

2. Hai là trên phương diện ngôn ngữ.

1. Trên phương diện pháp thì:

Thọ ưu là một thứ cảm thọ chỉ cho sự phiền muộn, mặc dầu thuộc về thọ uẩn. Khi học về thuộc tánh của tâm, học về tâm sở thuộc tánh tâm, chúng ta sẽ thấy rằng những thuộc tánh thọ như, khổ, lạc, ưu, hỉ, xả, thuộc về loại tợ tha không có thiện hay bất thiện dù là, tịnh hảo, dục giới, sắc giới, vô sắc giới, đều không thọ ưu. Theo thắng pháp chỉ có những chúng sanh trong 6 cõi trời dục giới, cõi người, cõi 4 ác thú, là có thọ ưu. 

Những chúng sanh sanh trong cõi sắc giới, phạm thiên sắc giới, phạm thiên vô sắc giới, không có tâm sân, mặc dầu có tâm tham và tâm si. Lý do là các vị sanh ra bằng tâm thiền, tiềm thức cũng vẫn tâm thiền, và đời sống hàng ngày trong hỉ lạc của thiền định không có cửa cho tâm sân, hay nói cách khác là không có cửa cho thọ ưu (Nói theo cách nói người VN). Do đó tâm sân không có mặt ở cõi sắc giới, cõi vô sắc giới.

2. Hai là trên phương diện ngôn ngữ.

 Chữ paṭighasampayuttaṃ tương ưng với hợp phấn, có nhiều vị giảng sư giảng rằng chữ này là chữ hợp phẫn tại vì chúng ta nghe chữ phẫn nhiều, như  phẫn nộ. Chúng tôi thời gian đi học trường Vạn Hạnh có ở chùa giảng đường Siêu Lý của Ngài Tịnh Sự vài năm, lúc đó chúng tôi có nêu câu hỏi với Ngài  là "trưởng" và "trường" viết cùng một chữ nhưng khi đọc "trưởng" mang nghĩa khác, còn khi đọc "trường" thì nghĩa lại khác, thì ở đây chữ này đọc là phẫn thì cũng đúng, nếu chúng ta đọc là phẫn như là căm phẫn hay phẫn uất hay phẫn nộ thì nó mang nghĩa khác, thì cũng chữ đó mà đọc âm phẫn thì không nằm ở tại đây, mà đọc phấn là chỉ cho một thứ xung lực của tâm, thí dụ, chúng ta nói phấn khích hay phấn chấn thì, chữ phấn là xung lực. 

Hợp phấn, ở trong các tâm sở, các thuộc tánh tâm, thuộc về hành uẩn, thuộc tánh sân. Về điểm này chúng ta phải lưu ý khi nói hợp phấn tương ưng với hận (theo chữ dịch của HT Minh Châu). Chúng tôi có điều muốn nói ở đây mong Phật tử hoan hỉ. Là học trò của HT Minh Châu, chúng tôi suốt đời thương kính HT như một bậc Thầy nhưng, không có nghĩa là  tất cả từ vựng những gì HT dịch chúng tôi đều xử dụng, chúng tôi không nghĩ rằng xử dụng hết trong tất cả mọi trường hợp với các bậc Thầy, mặc dù mình thương kính như thế nào. Thì trong trường hợp chữ hợp phấn HT dịch chữ tương ưng với hận thì, đối với chúng tôi chữ hận hơi nặng và, không phải tất cả tâm sân đều có hận, mặc dù hận cũng là một thứ tâm sân, chúng ta nên lưu ý điều đó. 

Chúng tôi lấy một ví dụ, trong kinh ghi câu chuyện Tôn Giả Ananda trước sự  ra đi của Đức Thế Tôn, khi Đức Thế Tôn sắp viên tịch, Tôn Giả Ananda buồn, cái buồn đó trong Thắng Pháp là tâm sân nhưng trong tâm sân đó không có gì là hận, chữ hận trong đó không có, phẫn nộ cũng không có trong đó và, bác Phạm Kim Khánh dịch là ác ý. 

Thật ra "ác ý" dịch qua tiếng Anh là  "ill will"  thì chữ "ác ý" ở tại đây, trong tiếng Việt, nó cũng không lột hết nghĩa của chữ "paṭigha"  (là sự bất bình, sử hiềm kỵ, sự ghét bỏ.). Chữ "paṭigha" là một thứ xung lực.

Như hồi nãy chúng tôi nói tâm tham là sự dính mắc đối với cảnh.

Tâm sân là sự chống đối cảnh, sự từ chối cảnh. Thì ở đây, trong tiếng Anh nó là một thứ "disliked" (không thích, không ưa) hay là "aversion" (sự không thích, sự không muốn), chứ nó không phải là một trạng thái phẫn nộ, hay là ác ý, hay là hận thù, chúng ta không nên hiểu như vậy, mà ở tại đây chúng ta hiểu là trạng thái không thích, trạng thái từ chối, trạng thái đẩy ra. Như trường hợp, khi còn nhỏ chúng tôi thấy mẹ cho các em ăn cơm, con nít nó tỏ bản năng hễ cái gì thích thì nhai và nuốt rất nhanh, cái gì không thích thì đẩy ra không chịu nuốt vào, thậm chí mẹ phải đánh mới chịu nuốt, thì cái mà chúng ta gọi là tâm sân cũng tương tự như vậy.

Bây giờ chúng ta nói sang một cái lãnh vực khác, đây là một ngộ nhận rất lớn của người học Phật và, có thể là từ ngộ nhận này chúng ta nhìn sai lạc về thế giới quan của Phật giáo, đó là: Khi nói tâm sân, chúng ta nghĩ đồng nghĩa với hai chữ, đau khổ. 

Đau khổ là sự thống khổ khó chịu được trước cảnh sanh ly tử biệt, như đi đám tang một người rất thân thương bây giờ ra đi vĩnh viễn thì, sự ra đi vĩnh viễn đó làm cho những người còn lại, sống trong niềm thương cảm vô hạn và khóc. Khi chúng ta nhìn những người đang khóc trước sanh ly tử biệt, một cái khổ đồng nghĩa với hai thứ là tâm phiền muộn và đau khổ đó, cũng đồng nghĩa với quả của nghiệp, đây là vấn đề chúng ta dễ hiểu lầm,

Chúng ta gom chung lại, đau khổ là phiền não và đau khổ là quả của nghiệp. 

Nhưng trong Phật học và nhất là trong Thắng Pháp thì phân chia rất rõ cả của ba thứ, nghiệp, quả, phiền não.

Nghiệp, ví dụ như là, chúng ta đã từng sát hại đánh đập chúng sanh, hay chúng ta từng ăn cắp đồ vật của ai thì, quả hiện tại chúng ta bị mất mát tài sản, quả hiện tại là chúng ta bị thương tích tật nguyền. 

Nhưng, khi chúng ta bị những điều này là quả của nghiệp thì, do quả của nghiệp tác động đến phiền não, phiền não tức là phản ứng của chúng ta với những thứ đó.

Ở trong Thắng Pháp nói rõ là quả và phiền não là hai thứ khác nhau chứ không phải giống nhau. 

Chúng ta học luân chuyển tức là, nghiệp, quả, phiền não. 

Ví dụ như trong 12 nhân duyên thì phiền não là vô minh, phiền não là ái, là thủ. 

Nhưng nghiệp là hành, là hữu.

Còn quả của nghiệp là thức, danh sắc, lục nhập.

Như vậy quả và phiền não là hai thứ khác nhau.

Duyên khởi là một phần học trong Thắng Pháp, ở trong Kinh Tạng thì chúng ta quen thuộc hơn. Ở trong Thắng Pháp thì nói rằng, sự sầu muộn, tức tối, đau khổ, nó là một thứ phản ứng đối với quả của nghiệp nhưng nó không phải là quả của nghiệp.

Khi chúng ta học về các tâm vô nhân hay tâm vô căn, chúng ta biết tại sao quả của tâm bất thiện chỉ có 7 tâm là, 5 tâm ngũ quan biết cảnh xấu như, mắt thấy cảnh xấu, tai nghe tiếng xấu, mũi ngửi mùi hôi, vị nếm vị không ngon, thân xúc chạm những cái không êm ái,  và tâm tiếp nhận và  tâm quan sát. Tất cả 7 tâm này đều là quả của nghiệp, nhưng nó rất nhỏ bé so với quả của thiện nghiệp, tuy là như vậy, nhưng, nó lại là một minh hoạ, nó hoạ khắc cho toàn bộ sự đau khổ, sự cảm nhận đau khổ bằng tâm tục sanh trong đời.

 Tại sao điều này có một ý nghĩa lớn? Bởi vì nếu chúng ta nghĩ phiền muộn sầu khổ là quả của nghiệp thì, chúng ta cũng phải nói luôn rằng tâm sân cũng là quả của nghiệp và, nếu tâm sân là quả của nghiệp chúng ta không thể kềm được, chúng ta không thể dằn được mà, chúng ta phải chạy theo nó. Nhưng, bởi vì nó là, thái độ buồn như thế nào, bực như thế nào, giận như thế nào, tùy thuộc vào cách xử lý hiện tại của mình.

Vì vậy, điều chúng tôi muốn nói tại đây, trong bài học đặc biệt về tâm sân là, chúng ta nhớ rằng cái gọi là đau khổ mà chúng ta thường quan niệm thì đó là một sự trộn lẫn giữa quả của nghiệp xấu và phản ứng đối với quả của nghiệp xấu.

Nhưng, theo trong Thắng Pháp thì phản ứng hay xử lý quả của nghiệp xấu đó  không phải là quả của nghiệp xấu, nó chỉ là phản ứng của hiện tại thì, cái gút mắc này đòi hỏi chúng ta hiểu chữ yoniso manasikāra - khéo tác ý

Khi Đức Phật hỏi Ngài Purana:   Này Purana! Giả sử đến xứ Sunaparanta, người ta chửi rủa, nhục mạ ông, thì ông nghĩ sao và xử lý bằng cách nào?

Thì Ngài trả lời rằng:

- Bạch đức Thế Tôn! Họ vẫn còn tốt đối với con vì chưa đến nổi dã man, họ chỉ chửi mắng mà chưa đem gậy gộc để đánh con.

 Chúng ta không nghĩ như vậy, chúng ta thường ít nghĩ như vậy. Mình đi vào chùa hay đi vào một nơi nào đó gặp một người mà bình thường họ chào hỏi bữa nay họ giận chuyện gì đó, họ gặp không chào hỏi mình, họ nhìn mình bằng cặp mắt lạnh lùng, thì theo bình thường chúng ta nghĩ là họ khinh mình, họ không chào gặp mình mà lạnh lùng mà im lặng. Nhưng, nếu trong cái nhìn của Ngài Purana thì nếu người ta đối xử với mình như vậy, mình nên suy nghĩ "chắc họ giận chuyện gì lớn lắm nên họ không chào mình, nhưng mà họ không chửi mình mà chỉ nhìn mình rồi họ nín thinh, thì vẫn còn tốt"

Thì như vậy, chuyện người ta gặp mình người ta lạnh lùng không muốn nói chuyện, nhưng, chúng ta có hai sự lựa chọn để phản ứng: một sự lựa chọn là chúng ta nghĩ họ khinh dễ mình, gặp mình không thèm chào, họ gặp mình họ im lặng đó là họ khinh dễ mình. Sự lựa chọn thứ hai là, mình nghĩ ngược lại, họ cũng còn tốt lẽ ra bực bội mức nào đó họ chửi mình, nhưng họ không chửi mình như vậy họ còn tốt. Về điều này, chúng ta ít có phân biệt, nếu chúng ta có phân biệt, chúng ta có sự nhọc nhằn, có sự pha trộn giữa quả xấu và phản ứng đối với quả xấu, đây là vấn đề. 

Bởi vậy, trong cách nói đại loại khi mình nhắc đến chuyện đau khổ, Đức Phật Ngài dạy về khổ: sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, thương phải xa là khổ, ghét phải gần là khổ, muốn không được là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, chấp thủ năm uẩn là khổ, đó là chúng ta nói chung.

Nhưng, trong cách nói vĩ mô thì, ở trong những cái khổ Đức Phật nêu ra, bao gồm cả hai thứ là quả của nghiệp và tự tính bất toàn của cuộc sống đồng thời kéo tất cả phản ứng của chúng ta đối với những bất toàn đối với nghịch cảnh,

Thí dụ, thương phải xa, ghét phải gần, muốn mà không được, điều đó nói theo Abhidhamma Thắng Pháp thì bao gồm: cả quả bất thiện, cả tự tánh bất toàn và, cả phản ứng đối với điều đó, chứ không đơn thuần chỉ là quả của quá khứ.

Ví dụ, trong những tuồng cải lương, kịch nghệ ở VN, thường có những câu chuyện trớ trêu ở miền quê, thanh niên nam nữ lớn lên, con trai con gái ở tuổi dậy thì 16, 18 tuổi cùng quen nhau, cùng đi học rồi thương nhau, rất thường xả ra. Ở xã hội VN miền quê họ quan niệm người con gái 16, 17 tuổi đi lấy chồng thì hợp lý, nhưng con trai 16, 17 tuổi lấy vợ thì không thể lo cho vợ được, con trai 16, 17 tuổi thật ra chưa biết gì, còn khờ lắm. Vì vậy chuyện xảy ra rất nhiều ở nông thôn đó là thương nhau mà không được lấy nhau, đã tạo ra không biết bao nhiêu bi kịch và, những bi kịch đó được thể hiện qua những tuồng cải lương ở VN, cái chất bi kịch có rất nhiều. 

Một sự hiểu đơn giản tại Mỹ,  thường thì người nam và người nữ cưới nhau rất trễ, có thể ở tuổi 25, 26, lúc đó, một là họ độc lập, hai là họ đã có cơ sở kinh tế tương đối tốt, do đó khi một người phụ nữ lấy chồng ở tuổi 16, 17 thì thường là ít khi lấy được người mình thương, người cùng trang lứa không có mà phải lấy những người đôi khi họ hơn mình 7, 8 tuổi. Ở cái tuổi 25, 26 có sự nghiệp rồi thì kể cũng khá rồi, có khi trên 30 tuổi chưa có sự nghiệp, ngày xưa có người 30 tuổi lấy vợ khoảng 16 tuổi, thành ra thường là thương phải xa ghét phải gần.

Đức Phật Ngài dạy về cái khổ trong Khổ Đế thì, ít nhất chúng ta thấy không hẳn là quả của nghiệp mà nó là hiện tượng bất toàn của đời sống, hiện tượng bất toàn đó là, sanh là khổ, già là khổ, bịnh là khổ, chết là khổ. Thì, sanh, già, bệnh, chết, có một phần chi phối về quả, thí dụ, có người bệnh nhiều, người bệnh ít, người bệnh ung thư, có người bị què, có người sanh ra thì nhẹ nhàng, có người sanh ra thì nặng nề khó sanh, bị khổ trong bào thai của mẹ, có người già thì đẹp lão, có người già trở nên xấu xí già nua, có người chết nhẹ nhàng, có người chết nặng nề. 

Nhưng, bên cạnh sự chi phối của nghiệp, chúng ta cũng phải nhận rằng đó là một hiện tượng tự nhiên của đời sống, con người sanh ra thì phải đi qua sanh, già, bệnh, chết, không thể không qua những giai đoạn đó, dĩ nhiên, có những người chết bất đắc kỳ tử họ không già, nhưng đa phần là phải có lớn tuổi, phải trải qua sanh, già, bệnh, chết. Thì đó là một phần quả của nghiệp chi phối, thí dụ người bệnh nhiều, người bệnh ít, nhưng mà rồi ở trong đó cũng có hiện tượng tự nhiên, cái bản chất tự nhiên là hễ sanh làm người thì sống nhiều lắm trên dưới 100 tuổi, sanh làm người thì gặp gió, gặp sương, gặp nắng, gặp mưa, thì bị bệnh rồi chúng ta phải chết. Thì như vậy đau khổ ở trong Kinh Tứ Đế và đau khổ ở trong cuộc sống hằng ngày không hẳn lúc nào cũng là quả của nghiệp mà nó có thể là hiện tượng tự nhiên và, kèm theo đó là phản ứng đối với quả nghiệp và sự bất toàn của đời sống, phản ứng đó là lúc mình già mình khổ, mình bệnh mình khổ, lúc mình sắp chết mình khổ.

Thì ở đây, tại sao chúng ta phải phân biệt giữa quả của nghiệp và cái không phải quả của nghiệp, khi mà quả của nghiệp thì chúng ta trở thành một cái gì mà chúng ta phải chấp nhận. Thí dụ, Tôn Giả A Xà Chí là vị Alahán, lúc Ngài sắp viên tịch phải chịu đựng nỗi đau thống khổ của thân bệnh, cái khổ của thân bệnh đó không nhất thiết là sân, là thọ ưu, trong trường hợp đối với vị Alahán, Đức Phật và các vị Thánh đệ tử cũng có cảm giác thọ khổ của thân nhưng các Ngài không có thọ ưu, tức là trong tâm không phiền muộn.

Ở đây, tại sao trong Thắng Pháp đặc biệt dùng chữ phiền muộn  domanassasahagataṃ  (đi với phiền muộn, hay không thích thú, hoặc khó chịu). Chữ domanassa là sự ưu bi, phiền muộn, sự phiền muộn đó không có ở Đức Phật và chư vị Alahán khi các Ngài nhận thức được rằng nó là vậy, bản chất nó là vậy. 

Chúng tôi lấy một ví dụ, buổi sáng đi làm, mình mặc một bộ quần áo đẹp lại quên mang dù, trời mưa xuống làm hư bộ quần áo đẹp, mình nổi giận, nhưng một người hiểu biết thì họ không nổi giận với trời mưa, thì cuộc sống là như vậy, tại trời mưa không có dù thì ướt, chẳng hạn như vậy. Thì chúng tôi dùng thí dụ đó để tạm cho vị Alahán tâm không phiền muộn, không thọ ưu. 

Do vậy Phật Pháp thì phân rất  rõ, một vị Anahàm hay là vị Alahán và, tất cả chư vị Độc Giác, Toàn Giác, Thanh Văn Giác đều không có thọ ưu, không có tâm sân, tức là không có thái độ xử lý bực bội đối với cảnh. Và nếu trong cuộc sống này chúng ta nghĩ rằng tâm sân là do quả của nghiệp thì có vấn đề lớn. Ví dụ, mình nói "Tôi không phải là người xấu, nhưng tại vì người ta bắt hại tôi, người ta bức bách tôi, tôi phải dùng lời thoá mạ, tôi phải phản ứng mạnh".

Trong thời gian này bệnh dịch Covid hoành hành, có hiện tượng xảy ra nhiều nơi là, có một số người không mang khẩu trang đi vào các cửa tiệm, hay đi xe bus, bị những người trong tiệm hay tài xế nhắc phải mang khẩu trang thì, những người này chẳng những không đồng ý, mà còn tức tối, còn đánh lại,  đâm bằng dao, hay bắn bằng súng. Toà án cũng như chính phủ ghi nhận trong thời kỳ bệnh dịch người ta có rất nhiều trường hợp là tâm thần suy nhược họ không thể làm chủ, họ trở nên rất cực đoan. Hiện nay chúng tôi sống ở Mỹ, người ta có một trạng thái tâm "deny" là tâm muốn chối bỏ, chối bỏ là chối bỏ bệnh dịch, thì sự chối bỏ bệnh dịch theo các nhà tâm lý học là hệ quả của thời gian dài 5, 6 tháng. Chúng ta phải hiểu rõ ràng là nghịch cảnh, có thể do tự nhiên như trời nóng trời lạnh, và cũng có thể là do quả của nghiệp quá khứ  mình đã tạo thành ra giờ này mình phải đi lạc giữa sa mạc trời nóng mình đùng đùng nổi giận, thì cái sân này không nên gọi là quả của quá khứ, đây là điểm rất tế nhị.

Trong biểu đồ của chi pháp thấy, 12 tâm bất thiện là, mũi ngửi mùi thối, lưỡi nếm vị dở, thân cảm xúc khó chịu, tâm tiếp dẫn quan sát khó chịu, đó là quả của nghiệp, và 7 tâm quả này được tạo ra bởi 12 tâm bất thiện này. 

Lý do đạo Phật dạy chúng ta, nếu không có sức mạnh của ý chí thì tất cả cuộc sống của chúng ta được quyết định bởi quá khứ. Trong Nho học có câu “Nhất ẩm, nhất trác, giai do tiền định”,(nghĩa là một uống một ăn đều do số định trước tất cả). Và nếu tất cả những tham sân si, những cái thiện của  chúng ta đều là quả của quá khứ thì hầu như chúng ta không làm được gì hết, chúng ta chỉ là một thành phẩm, cuộc sống là một chuyện đã rồi, như người ta gọi là "an bày", mà đã là an bày thì không nên cố gắng thay đổi. Thí dụ, trong rơom thỉnh thoảng có cái nick lạ vào chat lên những lời thóa mạ, qúi Phật tử trong rơom gọi là khủng bố, nghĩa là có những người vào họ viết những câu mạt sát, mạ lỵ thì, khi làm việc mình có phản ứng bình thản, chuyện vậy cứ để vậy.

Như vậy, chúng ta có sự lựa chọn trong sự phản ứng của mình, hoặc là bực bội, hoặc là bình thản và, trạng thái bình thản hay bực bội đó, sân và không sân là thái độ xử lý đối với cảnh, nó không phải là quả của nghiệp quá khứ. 

Đức Phật Ngài dạy rằng, nếu tất cả mà được quyết định bởi quá khứ, hay quyết định bởi một Thượng Đế, thì Như Lai nói rằng sự tinh tấn nỗ lực hiện tại không có giá trị.

Tại sao sự tu có giá trị hiện tại, bởi vì nó không phải là nghiệp quá khứ, đừng nói rằng "tôi đi sát sanh là do nghiệp quá khứ đã định như vậy tôi phải là người sát sanh", đừng nói rằng "tôi đi giết người là cái nghiệp quá khứ đã chi phối làm tôi giết người". 

Về điểm này, trong Phật Pháp và đặc biệt trong Thắng Pháp phân biệt rất rõ, bởi vì sự đau khổ bao gồm cả nghịch cảnh là sự phiền muộn rồi đau khổ, nhưng, thái độ phiền muộn hay sân tâm không phải là quả của nghiệp, mặc dầu đau khổ bao gồm cả nghịch cảnh và cái phản ứng đối với nghịch cảnh, nhưng, trong nghịch cảnh thì nó rất là rối, nó là nhân quả trộn với nhau.

Bây giờ chúng ta bước qua điểm khác chúng tôi nói thêm ở tại đây, mặc dù nếu chúng ta học trong Thắng Pháp thì hai tâm sân không có tà kiến trong đó và, đặc biệt là theo Thắng Pháp thì tà kiến chỉ có trong tâm tham mà thôi, điều này đi ngược lại với cái nhìn bình thường là những người tạo nên những tội ác của nhân loại như Stalin, Mao-trạch-Đông, Hitler v.v.... như Hitler  tạo nên những nhà tù phòng hơi ngạt giết hàng triệu người Do Thái, như Pol Pot giết hàng triệu người Cambochia, tất cả là do tà kiến.

Nhưng, trong Thắng Pháp Abhidhamma thì không nói như vậy và, chính về điểm này tại sao chúng ta cần học Thắng Pháp, chính vì điểm này tại sao Thắng Pháp nói đến tâm, thuộc tánh của tâm, tại vì nó phải rõ ràng, chúng tôi nói đến ví dụ tà kiến là sự chấp thủ, là sự bám víu thì, cái chấp thủ bám víu của tà kiến nó chỉ có ở trong tâm tham là chấp thủ bám víu, trong lúc đó nó đi với tâm sân, thì trạng thái của tâm sân là gì, là dẫy nẩy từ chối, chống đối, muốn hủy diệt nghịch cảnh, muốn cảnh xấu tan biến, cái tâm mà đẩy ra khó chịu không chấp nhận đối với cảnh thì nó lại không đi chung với sự bám víu của tà kiến. Đây là cách nói rất là vĩ mô, cách nói rất là tế nhị, 

Chúng tôi dùng một ví dụ là, ở trong các công ty xây cất có bộ phận "demolition" (là sự phá huỷ; sự đập đổ), khi xây dựng một building mới họ phải đập bỏ cái cũ, bộ phận này chuyên môn đập phá cái cũ, tuy là một bộ phận nằm ở trong một công ty xây dựng nhưng đập phá và xây dựng là 2 bộ phận khác nhau, 2 trạng thái khác nhau, mặc dù cùng nằm trong một công ty. Nói như vậy hi vọng qúi vị có thể nhận ra ở trong một hành động chiến tranh thì nó không đơn thuần chỉ có tâm sân mà thôi, mà nó còn có tham vọng, có kiến chấp, có sự chấp thủ, và đồng thời nó cũng có một sự thù hận. Chấp thủ là, chấp thủ ở tham vọng, chấp thủ chủ quan của mình, và thù hận là muốn tiêu diệt kẻ thù và những thứ đó trộn lẫn nhau.

Nhưng, trong Thắng Pháp chúng ta phải phân biệt chứ không nên nghĩ rằng tâm tham đi với tà kiến được thì tâm sân phải đi với tà kiến.

Thì như vầy, tham vọng và chấp thủ luôn luôn đi với tà kiến là cái gì mình nắm níu, cái gì mình chấp thủ, 2 trạng thái này chỉ có trong tâm sân, 2 cái này nó không tương đồng với nhau, nó không thể nào trộn với nhau trong một thứ tâm được.

Tại sao ở trong Thắng Pháp gọi là tâm sân phải đi với tà kiến. Cũng như bài học trước học về 8 tâm tham thì hễ tâm nào có tà kiến thì không có ngã mạn, mà có ngã mạn thì không có tà kiến, mặc dù chúng ta dùng chữ chấp ngã hay ngã chấp, ngã chấp thì vừa là ngã mạn vừa là tà kiến, cái mạn được đề cập đến là sự so sánh "giữa trái cam và trái táo" nghĩa là nó không phải là sự so sánh, nó không phải là một sự phán quyết là cái này đúng, cái này sai, cái này phải là cái kia. Thì sự so sánh và sự phán quyết khác nhau. Chúng ta đang nói cái gì rất là vĩ mô, những việc đó khi học Thắng Pháp Abhidhamma thì rất thú vị.

Trong phần những khái niệm quen thuộc.

Chúng tôi muốn nhắc một điều rằng mặc dù chúng ta có 8 tâm tham chỉ có 2 tâm sân xem có vẻ rất tương ứng với nhau, nhưng, trong đời sống hàng ngày thì tham và sân giống như một cái đối trọi nhau, chúng tôi dùng chữ đối trọi nhau như kim đồng hồ quả lắc  kim chạy bên phải nhiều thì kim bên trái cũng nhiều, đó là hiện tượng tâm lý như Đức Phật nói rằng:

Ham muốn sinh lo âu

Ham muốn sanh sầu muộn

Ai thoát sự cầu mong

Không buồn. Lấy chi sợ?

Thì không từ chối nhưng, cái bám víu, cái bất bình, cái không thích thú, đối với cảnh nó lại là một hiện tượng đối trọi như kim đồng hồ bên này và bên kia, chúng ta có đồng hồ quả lắc hễ nó đưa bên phải nhiều thì nó đưa bên trái nhiều.

Đây là bài học rất quan trọng là, cái nào mình càng thích thì khi mất mát thì mình càng khổ, như bà mẹ thương đứa con, do thương đứa con thì có nhiều kỳ vọng, do vậy khi đứa con có vấn đề gì thì mình khổ hơn là người khác có vấn đề, chúng ta nên hiểu sự tương quan giữa tâm tham và tâm sân như vậy.

Trước khi kết thúc bài học hôm nay chúng tôi nhắc qúi Phật tử khi học Thắng Pháp. 

Môn Thắng Pháp Abhidhamma mới được giới thiệu vào Việt Nam khoảng 60 năm, lúc Ngài HT Tịnh Sự trở về nước VN cho tới bây giờ, do vậy chúng ta có nhiều thứ chưa ổn. Ví dụ, rất dễ lầm khi chúng ta không nói rõ về nhóm tâm và cái tâm, ví dụ nói nhóm tâm là, nhóm hiệp thế, nhóm siêu thế, nhóm dục giới, nhóm sắc giới, nhóm vô sắc giới, nhóm bất thiện, nhóm vô nhân, nhóm tịnh hảo, và cái nào chúng ta cũng dùng chữ tâm thành ra tâm sân cũng gọi là tâm sân mà tâm sân cũng là tâm bất thiện và tâm bất thiện nằm ở trong phần lớn hơn đó là tâm dục giới hiệp thế. 

Sự phân gọi là nhóm và số ít và số nhiều chúng ta không có trong tiếng Việt, không có trong cách nói thành ra qúi vị nhiều khi mới học nghe nói tại sao khi gọi là tâm bất thiện, có khi gọi là tâm sân, có khi gọi là tâm dục giới, có khi gọi là nằm ở trong tâm hiệp thế, nhưng kỳ thật thì đó là tại vì cách nói của chúng ta không rõ về số ít và số nhiều giữa cái đơn lẻ và cái phân nhóm, thành ra chúng ta dễ lầm lẫn, 

Điều thứ hai, chúng ta cũng nên nhận ra khi học về tâm, trong ngôn ngữ tiếng Việt kể cả thường thức ở bên ngoài, cách nói của chữ Hán và chữ Nôm là cũng cùng chữ đó nhưng hiểu khác nhau, qúi vị nào đọc sách dịch của ông Đoàn Trung Còn dịch là "ông  Xá Lợi Phất khoái trí bạch Đức Phật rằng", thì trong chữ Hán, chữ Nôm thì chữ "khoái trí" đẹp nho nhã, nhưng trong tiếng Việt chữ "khoái trí" hay "hứng trí" nghe rất là thô, thành ra ngay cả cái hiểu trong chữ Hán và chữ Việt và chữ Nôm của chúng ta đôi khi hiểu khác nhau mặc dù cùng một chữ.

Thì ở đây cũng vậy, khi học chúng ta nên đặc biệt rất cẩn thận, nếu một người bình thường nói chuyện với một vị sư và vị sư đó không hài lòng "oh chuyện đó không được" rồi câu chuyện bàn ra bên ngoài nói sư đó nghe nói như vậy nổi sân thì, chúng ta nghĩ sân thì phải giận, nổi sân thì phải đùng đùng giận dữ hay là biểu lộ ra bên ngoài thì, chữ sân ở đây không có nghĩa như vậy. Mình phải cẩn thận về phương diện ngôn ngữ và rải rác xuyên xúc trong giáo trình này qúi vị sẽ nghe không phải một lần mà rất là nhiều lần chúng ta phải minh định lại nghĩa của ngữ và nghĩa, tại sao ngữ và nghĩa trong môn Thắng Pháp bài học này quan trọng, tại vì nếu chúng ta dùng cái hiểu qua ngôn ngữ hàng ngày để hiểu Thắng Pháp coi chừng chúng ta bị rơi vào trường hợp ngộ nhận rất là tai hại.

Chúng tôi kết thúc bài học tâm sân ở đây ./. 


 

No comments:

Post a Comment