Tuesday, January 26, 2021

- Bài 19. Tâm Si -

                                   Thắng Pháp Abhidhamma

Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma 

Bài 19  -  Tâm Si (Mohamulācitta)


Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma  ngày 20 tháng 8, 2020 

Minh Hạnh nghe và ghi chép từ băng giảng.

 TT Giác Đẳng: Hôm nay chúng ta học tâm si, nói về con số thì có 2 tâm ở trong số 12 tâm bất thiện, nói về thể loại thì đây là một trong ba thứ tâm bất thiện, 2 tâm bất thiện chúng ta đã học qua là tâm tham và tâm sân, hôm nay học tâm si.

Tâm si là, một trạng thái tâm mê mờ, có những chất liệu vẩn đục, làm cho sự  suy nghĩ không sáng suốt, không tinh sát để thấy rõ vấn đề. Trong bài học, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến sự khác biệt giữa tâm si và thuộc tánh tâm si. Trong nhiều trường hợp tương tự, cho chúng ta thấy tại sao Thắng Pháp đặc biệt đề cập đến tâm và thuộc tánh, nói theo Hán tạng gọi là tâm vương, tâm sở. Tại sao phải chia như vậy, thì đây là trường hợp cho chúng ta thấy lý do rõ ràng tại sao có sự khác biệt.

Khi nói về thuộc tánh si và kể cả 4 chi phần, thuộc tánh bất thiện biến hành là, si, vô tàm, vô qúi, phóng dật, có mặt trong tất cả các tâm si và thuộc tánh si, trong kinh gọi là vô minh, cũng như tâm tham gọi là ái dục, khi chúng ta học giáo lý duyên khởi nói vai trò vô minh là một vai trò căn để, nó khiến cho tất cả những hành động dù thiện hay bất thiện đều tạo quả luân hồi sanh tử, nghiệp quả và phiền não.

Vô minh được hiểu theo thuộc tánh của si, hay là, thuộc tánh của si là vô minh, vai trò của vô minh ảnh hưởng vượt xa tất cả những gì chúng ta nghĩ. Nhưng riêng 2 tâm si ở đây là, tâm si nghi hoặc và tâm si giao động thì, tương đối là một phạm vi nhỏ hơn, đơn giản hơn thuộc tánh si, điều này khi chúng ta học vào thuộc tánh của tâm chúng ta sẽ thấy rõ hơn.

Chúng tôi cũng cố gắng để minh định rõ một điều về quan niệm thường thức một người không trí tuệ là người u mê, nhưng trong Thắng Pháp thì không nói như vậy, khi nói về tâm. 

Có nhiều thứ tâm không có hợp trí hay không có tương ưng trí tuệ nhưng tâm đó không nhất thiết đi với si.

Chúng tôi lấy ví dụ, cũng là nước trong để uống, nhưng có những nước có nhiều chất khoáng và có những nước ít chất khoáng. Một ví dụ, một loại nước uống ngày nay rất đắc tiền do người Pháp sản xuất ra đó là Perrier, cũng là nước suối nhưng có những nước suối ở những nơi khác sản xuất có gas nhưng vị không giống như vị của nước suối Perrier, lý do là ở trong nước suối Perrier có một số chất khoáng ở những nơi khác không có, thì sự thiếu một số chất khoáng nào đó làm cho vị nước khác đi khiến cho tác dụng về sức khỏe khác đi. Điều thí dụ đó cho chúng ta thấy, cũng giống một người có trí tuệ hay không có trí tuệ. Nhưng, ngược lại khi nói đến tâm si thì không giống như trường hợp nước thiếu chất khoán, thay vào đó thì, chúng ta nói rằng nó là một thứ nước bị vẩn đục như có pha màu, pha bùn, hay rong rêu, nước có pha bùn mình không nhìn xuyên qua nước được vì nó không sáng thì, thuộc tánh si là chất liệu làm cho chúng ta mê mờ, đặc biệt ở trong tâm si có 2 thuộc tánh nổi bật: một là hoài nghi, hai là giao động. 

1 - Tâm si nghi hoặc

Ở đây, chúng tôi không dùng chữ hoài nghi, thay vào đó chúng tôi dùng chữ nghi hoặc. Tại vì trong cách nói thường thức ở bên ngoài chữ hoài nghi hay là hồ nghi không nhất thiết là xấu, như trường hợp mình ở gần một người có thói quen khi nói chuyện hay phóng đại nói quá. Chúng tôi có quen với một vài người có cái tật, thí dụ như họ đề cập đến một người nào đó bị bệnh nhẹ thì họ nói bệnh nặng, còn bệnh nặng thì họ nói hấp hối, chúng tôi bị nhiều lần lắm, cách nói của người đó luôn luôn phóng đại, thành ra khi người đó cho chúng tôi hay có một người quen người nào đó bị bệnh, chúng tôi cũng nghe và ghi nhận như vậy, nhưng, chúng tôi phải đi hỏi lại chứ không tin ngay. Thì điều đó là sự cẩn trọng, đôi khi có sự hoài nghi không biết người đó nói có phóng đại hay không thì, sự hoài nghi đó không phải là hoài nghi bất thiện.

Sự nghi hoặc thật sự là gì? Là một trạng thái, lưỡng lự, phân vân, trù trừ.  Sự lưỡng lự, phân vân, trù trừ, nói cho rõ hơn là trong văn nói của người miền Nam  dùng chữ "lừng khừng", chúng tôi không biết người ở miền ngoài có dùng không, chữ "lừng khừng" tức là một thói quen hay một trạng thái không quyết định được cái gì, cứ lừng khừng trù trừ. 

Trong đời sống chúng ta có rất nhiều trường hợp chỉ cho tâm lừng khừng này. Ở đây chúng tôi đưa ra một thí dụ, đôi khi chúng tôi đi với qúi Phật tử sang Âu Châu, ở Âu Châu có rất nhiều nhà hàng không có thực đơn tiếng Anh, thực đơn của họ chỉ có chữ Đức hay chữ Ý, đôi khi chữ Hy Lạp chẳng hạn, cầm thực đơn lên đọc tới đọc lui, đọc hoài mà không hiểu trong thực đơn có gì thì, mình có 2 sự lựa chọn, nếu mình là người quyết đoán, một là nếu không hiểu thì mình hỏi, hai là đứng lên đi ra, thì vấn đề của một người có tính trù trừ ở tại đây là trù trừ một cách không cần thiết, lưỡng lự một cách không cần thiết, chúng ta gọi đó là nghi hoặc thì, sự nghi hoặc là một trạng thái không có quyết định, ví dụ như mình không hiểu không đọc được thực đơn thì mình đi nơi khác, hay mình hỏi, hơn là ngồi lưỡng lự phân vân hoài không biết chọn cái gì làm mất thì giờ của mình và của người bồi bàn, tức là người ta đứng chờ mà mình không làm quyết định, cái đó là nghi hoặc, là không biết chọn cái gì. 

Một ví dụ khác, lái xe bên Mỹ thường hay gặp là lối ra từ xa lộ ra ngoài phố trên các ngã đi ra người ta để những thùng phi chận, vì có rất nhiều trường hợp nhiều người không biết đi ngã nào, rẽ phải hay rẽ trái, cuối cùng thì đâm vào giữa, vì vậy họ phải để những vật cản, những vật cản thường là những thùng phi đụng cát hay nước, tại vì chỗ đó là chỗ làm người ta lưỡng lự phân vân, sự phân vân lưỡng lự đó không giống như thái độ hoài nghi chúng tôi nói bình thường là ví dụ mình nghe chuyện đó nghe tánh cách phản khoa học thì, chúng ta nên đặt lại vấn đề.

Một thí dụ khác, bệnh dịch covid 19 đang xảy ra ở Mỹ và đang hoằnh hành lây nhiễm hàng đầu ở trên thế giới, nhưng giờ này vẫn có rất nhiều người bàn cãi là có nên mang khẩu trang hay không, một chuyện sơ đẳng như vậy mà cứ bàn tới bàn lui, có bệnh dịch thì mình cứ mang, ít nhất là nếu mình không tránh hoàn toàn thì mình cũng tránh cho người khác, mà cứ bàn tới bàn lui, rốt cuộc không đi đến đâu hết, sự nghi hoặc, tánh cách của sự nghi hoặc là không quyết đoán, không có quyết định. Hoặc là, đi siêu thị mua cereal để ăn sáng, đứng trước gian hàng bày các hộp cereal  2, 3 chục thứ khác nhau, mình không biết cái nào ngon, cái nào không ngon, cái nào tốt cho sức khỏe, cái nào không tốt, nếu không biết thì mình cứ lựa một hộp màu nào mình hợp hay kiểu mình thích thì mua chứ không nhất thiết đứng đó trù trừ hoài rồi lại không làm quyết định gì, thì sự trù trừ đó khiến cho người ta trả giá rất đắt tại vì lâu ngày tạo thành thói quen.

Người có thói quen trù trừ là trong đời họ không quyết định được chuyện gì hết, làm chuyện gì cũng lừng khừng, chúng ta dùng chữ lừng khừng nghe nó lạ nhưng chữ lừng khừng ở đây là thói quen trù trừ, lưỡng lự, phân vân, cái đó gọi là tâm si nghi hoặc. Chúng tôi dùng chữ nghi hoặc không dùng chữ hoài nghi, tại vì chữ nghi hoặc thì có thể là bất thiện, nhưng chữ hoài nghi gồm cả thiện và bất thiện. 

Có một lần những người xứ Kalama đến hỏi Đức Phật là: "Bạch Đức Thế Tôn, có rất nhiều vị giáo chủ tự xưng mình là vị Giác Ngộ, chúng con rất phân vân nghi ngờ ở trong số đó ai thật ai không thật". Đức Phật Ngài nói rằng: "Đúng vậy, này các người xứ Kalama, các con hoài nghi là phải, các con ngờ vực là phải, tại vì trong những trường hợp đáng nghi ngờ thì cần phải nêu lên câu hỏi." Thì ở đó, cho thấy rằng Đức Phật Ngài không phủ nhận giá trị của sự hoài nghi, thành ra chúng tôi không dùng chữ hoài nghi, chúng tôi dùng chữ nghi hoặc.

Điểm thứ hai là, phần lớn những quyển sách dạy về Thắng Pháp, có một điểm chúng tôi cảm thấy rất khó chịu là các vị thường định nghĩa chữ "hoài nghi" là hoài nghi Phật, hoài nghi Pháp, hoài nghi Tăng, hoài nghi nghiệp báo, hoài nghi tam thế.

 Hoài nghi nghiệp báo là, không biết có nhân, không biết có quả, 

Hoài nghi tam thế là, đời trước mình là ai, đời sau mình ra sao, không biết hiện tại mình như thế nào.

Thì định nghĩa tâm si nghi hoặc là những hoài nghi, nghi hoặc như vậy thì rất là hẹp. Tại vì, nếu một người lớn lên ở vùng đất như người Eskimo chẳng hạn, họ chưa từng nghe đến Phật đến Pháp đến Tăng, đến tam thế hay là đến nghiệp báo thì, như vậy họ không có tâm si nghi hoặc sao. Những nghi hoặc đó đúng là tâm si hoài nghi, nhưng tâm si hoài nghi không phải chỉ có chừng đó.

Thành ra tâm si nghi hoặc không nên định nghĩa là tâm hoài nghi Phật, hoài nghi Pháp, hoài nghi Tăng, hoài nghi nghiệp báo, hoài nghi tam thế mà, nghi hoặc nên hiểu là một trạng thái lừng khừng không quyết đoán trong mọi trường hợp, lâu ngày trở thành thói quen tai hại, làm cho con người mình chậm lụt. Một người ngồi nhìn thực đơn không biết mình ăn cái gì, ngồi suy nghĩ hoài, một người lái xe không biết đi đâu, cứ suy nghĩ hoài, không biết rẽ phải rẽ trái cứ trù trừ thì tốt hơn hết cứ chọn hoặc là rẽ phải hoặc là rẽ trái, nếu cứ trù trừ thì sẽ đâm vào ở giữa, đây là chuyện chúng ta nên cẩn thận.

Chúng tôi nhắc lại, tâm si nghi hoặc không nên chỉ là hoài nghi Phật, hoài nghi Pháp, hoài nghi Tăng, hoài nghi nhân quả, hoài nghi luân hồi, mà sự nghi hoặc còn ở trong lãnh vực khác nữa, những lãnh vực khác như làm chúng ta phân vân làm chúng ta trù trừ.

2 - Tâm si giao động.

Trạng thái tâm thứ hai, tâm si giao động, sự giao động là một trạng thái lao xao, không ổn, một trạng thái không ổn định, không vững trãi, tâm bị chi phối, bị lao xao tán loạn. Lấy một ví dụ, nếu chúng ta sống trong một gia đình có người có hiểu biết, hay gia đình đó là gia đình có trình độ kiến thức, có người giỏi về võ hay giỏi về tiền bạc v.v... thì khi chúng ta nghe chuyện này chuyện kia trong gia đình không bị xáo trộn nhiều, tại vì vấn đề gì cũng có cách giải quyết. Nhưng nếu, trong một gia đình tất cả những người không có bản lãnh, hay có đảm lượt, hay có trình độ, thì chuyện lớn chuyện nhỏ, dù chuyện hàng xóm gây gỗ, hay chuyện mưa gió, chuyện này chuyện kia cũng làm lao xao trong nhà, nghĩa là trong gia đình luôn ở tình trạng lao xao. Sự lao xao này thể hiện trong sự yếu ớt, dễ bị chi phối. Sự lao xao tán loạn này làm cho con người mình ở trong tình trạng không vững chãi, tán loạn, rất dễ dàng để mất đi sự bình thường trong cuộc sống, cuộc sống của những người chỉ chuyện nhỏ cũng khiến họ lăng xăng được, chuyện nhỏ chuyện lớn cũng khiến họ chuyện bé xé to được thì, cuộc sống không ổn định, đôi khi có bị trường hợp như bị liệu, người ta nói câu gì đó có thói quen thì người bị liệu phản ứng ngay tức thì, phản ứng một cách quá đà gọi là bị liệu. 

Trong cuộc sống không tu tập, tâm tư chúng ta không có căn bản tốt về kiến thức, về hành động, về sự tu tập, tâm sẽ yếu đi, gặp chuyện gì cũng lăng xăng, cũng lao xao, dễ bị tán loạn.

Chúng tôi lấy một ví dụ, như mình sợ ma, Ở đây hơi tế nhị, khác với chữ lo sợ, lo sợ là đã có một đối tượng rõ, thí dụ người ta sợ ma, hay người ta sợ ăn cướp, hay những người yếu đuối sợ những người mạnh mẽ tấn công, đó là có đối tượng rõ ràng. 

Tâm tán loạn lao xao, tâm bị giao động là không có đối tượng rõ rệt, đôi khi mình lao xao mà không biết lao xao chuyện gì, tại vì thiếu căn bản vững chãi và, đây là một trạng thái rất thường xảy ra với một người không có căn bản tu tập.

Về chữ này Ngài Tịnh Sự, thường dùng chữ phóng dật và, HT Minh Châu HT hay dùng chữ trạo cử. Thì chữ phóng dật trong chữ Hán dù là cổ văn hay kim văn, không có nghĩa là lao xao, không có nghĩa là giao động mà chữ phóng dật có nghĩa là buông thả hay là đời sống phóng túng. Trong kinh Pháp Cú, phẩm Không Phóng Dật, Đức Phật dùng chữ pamaado chỉ cho sự buông thả:

Appamaado amatapada.m pamaado maccuno pada.m

Appamattaa na miiyanti ye pamattaa yathaa mataa. 

 "Người sống tinh cần không phóng dật, người đó sống mãi mãi.

 Người sống buông lung như người đã chết rồi". 

Thì người phóng dật như chết rồi, nghĩa là người lao xao hay là giao động, chữ phóng dật pamaado có nghĩa là buông thả, sống buông lung, sống không có định hướng, sống không tự chế, sống không có kỷ luật, gọi là phóng dật. 

Thật ra, dù trong ý nghĩa của cổ văn hay kim văn, chữ phóng dật đều mang ý nghĩa như vậy. 

Hồi nhỏ, chúng tôi ở với Ngài HT Tịnh Sự 3 năm, chúng tôi nghe Ngài định nghĩa chữ phóng dật như vầy: Ngài nói: 2 chữ trạo cử và phóng dật đều nói lên 2 hình ảnh tượng hình. 

Phóng dật, phóng là ném, dật là tung lên, ví dụ mình ném hòn đá vào một đống tro thì tro tung lên là phóng dật. 

Trạo cử, giống như khua mái trèo làm khuấy động giòng nước làm nó gợn sóng. 

Thì như vậy chữ phóng dật dù là ném đá vào đống tro hay khua mái chèo đều có nghĩa là lao xao giao động. Nhưng, thật ra chúng tôi không thấy thí dụ về chữ phóng dật mang ý nghĩa đó ở trong sách, mà do nghe Ngài Tịnh Sự nói thí dụ về chữ phóng dật. Chúng tôi nghĩ rằng mặc dù hai chữ đó rất quen ở trong Phật học tuy nhiên ở đây chúng tôi dùng chữ quen thuộc hơn đó là chữ giao động để chỉ tâm si giao động hơn là tâm si phóng dật hay tâm si trạo cử. 

Một thí dụ khác về chữ giao động người VN thường dùng. Người ta bán soài, trong thị trường có luật cung cầu tuy soài ngon nhưng đem ra chợ có quá nhiều người bán soài và người mua chỉ chừng đó thôi, thì giá soài trở nên bất ổn, tức là người ta có thể cho giá bán có khi rất cao có khi rất thấp, họ gọi là  giá giao động, 1 chục trái soài giá 1 triệu, hay 1 chục trái giá 4 trăm ngàn, thì họ nói giá giao động từ 4 trăm ngàn lên đến 1 triệu. Giá giao động là giá không ổn định một chỗ, nó có thể lên có thể xuống giao động. Cũng như khi nói đến giá vàng có tánh cách không ổn định, nó giao động từ mấy tới mấy. Thì chữ giao động đó đúng nghĩa chúng tôi muốn dùng ở tại đây, tức là nó không được ổn, nó không an lập, thì tâm si giao động là tâm si dễ bị chi phối, dễ bị xáo trộn, dễ bị lăng xăng, đó là ý nghĩa của tâm si giao động.

Một việc khác liên quan đến ý nghĩa tâm si là, đôi khi có những người học chậm thì chúng ta nói rằng người đó ngu, người ngu là người si mê, thì hiểu đó là  hiểu nhập nhằng, hiểu của cái này đâm qua cái kia.

Tâm si nghi hoặc và tâm si giao động không phải chỉ có ở người ngu, mà nó có trong tất cả chúng ta. Chúng tôi lấy ví dụ, một người rất thông minh, rất giỏi trong nghề nghiệp của họ, thậm chí họ là một vị Tổng Thống, một vị Thủ Tướng, một nhà độc tài, tức là họ là người có bản lãnh có tài trí nhất định nào đó, nhưng, không có nghĩa họ không có tâm si giao động hay tâm si nghi hoặc, chúng ta phải cẩn trọng để ý. Đó là lý do tại sao trong bài học này ở đoạn đầu chúng tôi muốn tất cả chúng ta phân biệt 2 trạng thái, một trạng thái si là có chất liệu vẩn đục, chất làm chúng ta mê mờ và, một trạng thái ly trí tâm không có trí tuệ, không có trí tuệ là một lẽ nhưng trạng thái mê mờ là một lẽ, hai cái đó nó khác biệt.

 Trong đời sống chúng ta có nhiều lúc làm việc gì đó do không vận dụng trí tuệ nên lúc làm bị hỏng công việc, nhưng không có nghĩa là chúng ta u mê lúc đó vắng mặt của trí tuệ, khi tâm si sanh khởi và nếu nó sanh khởi thường xuyên thì nó sẽ làm giảm thiểu trí tuệ rất nhiều. Chúng tôi muốn lấy ví dụ như vầy là ai có tu tập thì mới thấy rằng lúc nào tâm chúng ta vững trãi lúc nào tâm chúng ta ít có lao xao thì lúc đó tâm chúng ta rất sáng, nghe Pháp thì nghe tốt hơn, tu tập thì chánh niệm bén nhạy hơn, nhưng lúc nào tâm bị lao xao như là thời gian hiện tại này ở tại Mỹ đang có bịnh dịch, đang có khó khăn về kinh tế nhiều người thất nghiệp, nhiều cơ sở thương mại bị đóng cửa, thì những chi phối đó làm tâm của chúng ta thường không an lạc yên ổn, khi tâm không an lạc nó lao xao thì ảnh hưởng đến trí tuệ chúng ta nhiều, dĩ nhiên, khi tu tập mình thấy hễ tâm ít bị chi phối thì rất sáng suốt, rất minh mẫn, nhưng một khi tâm bị nhiều thứ chi phối sẽ rơi vào tình trạng gọi là phân tán tinh thần, hay là tinh thần phân liệt, tinh thần phân liệt là trí tuệ bị mê mờ, thật ra nếu để ý chúng ta sẽ thấy. 

Một người ít bị chi phối bởi nợ nần, chi phối bởi cái vui buồn bất đồng trong gia đình, chi phối bởi thời thế sẽ được an cư và, an cư sanh lạc nghiệp và, an cư giúp cho trí tuệ sáng suốt. Người khôn ngoan là chọn một cuộc sống giản dị nhưng có sự tập trung, có sự tỉnh táo, có niệm, có định, thì bớt đi sự lao xao. Có những người sống rất nhiều tiền, chúng tôi có quen một vài gia đình ở trong gia đình có 2, 3 cơ sở làm ăn, nào là siêu thị, nào là cây xăng, cộng thêm những việc làm khác nhưng ở trong gia đình thường xuyên bất an mặc dù họ làm được rất nhiều tiền, tại vì tinh thần bị phân tán, vì phải lo nghĩ nhiều thứ và lúc nào cũng phải để ý về thứ này thứ kia thành ra tinh thần bị phân tán, và lúc tinh thần bị phân tán là lúc tâm bị giao động.

Trong kinh có một câu Phật ngôn: "Không giao động thì được khinh an, tâm bị giao động thì không có khinh an". Yếu tính này ít khi chúng ta nghĩ đến cuộc sống, giống như thân của mình mình đầy đọa nó quá nó không thể khỏe được thì tâm của chúng ta cũng vậy, một khi tâm của chúng ta bị giao động thì chúng ta không sáng suốt, tâm giao động là một tâm si

Tâm có trí tuệ thì không có tâm si, cho dù mình rất tháo vát khôn lanh nhưng tâm của chúng ta bị giao động thì tâm giao động đó là tâm si, điều này khi học vào Thắng Pháp chúng ta sẽ thấy.

Câu chuyện ngày hôm nay, chúng tôi dùng câu chuyện trong Cổ Học Tinh Hoa, chuyện một người tên A Lưu, tiểu đồng của ông Chu Nguyên Tố, câu chuyện rất bình thường nhưng có ý nghĩa.

A Lưu là một đứa nhỏ bất thường, không dễ thương, không ngoan ngoãn, không giúp ích như những đứa nhỏ bình thường khác, nó thực là ngây ngô, không được việc gì cả, mà ông Nguyên Tố vẫn nuôi nó suốt đời.

 Lúc ông bảo nó quét nhà, nó cầm chổi quanh quẩn suốt buổi mà không sạch được một cái buồng con. Ông giận mắng, thì nó quăng chổi xuống đất, lẩm bẩm nói: "Ông quét giỏi, thì ông phiền tôi làm gì!"

 Khi ông đi đâu vắng, sai nó chực ngoài cửa, dù khách quen đến, nó cũng không nhớ được tên ai. Có hỏi, thì nó nói: "Người ấy lùn mà béo. Người ấy gầy mà lắm râu. Người ấy xinh đẹp. Người ấy tuổi tác và chống gậy..." Ðến lúc nó liệu chừng không nhớ xuể, thì nó đóng cửa lại, không cho ai vào nữa.

 Trong nhà có chứa một ít đồ cổ như chén, lọ, đỉnh, đôn. Khách đến chơi, nó đem bầy ra cho xem. Lúc khách về, nó lén đến gõ các thứ ấy, mà nói: "Những cái này có khi bằng đồng mà sao nó đen xì lại như thế này!" Rồi nó chạy đi lấy cát, lấy đá, lấy nước để đánh.

 Nhà có cái ghế gãy chân, ông sai đi chặt cành cây có chạc, để chữa lại thì nó cầm búa, cầm cưa đi khắp vườn. Hết ngày, về, nó chìa hai ngón tay làm hiệu mà nói: "Cành cây có chạc đều chỉa trở lên cả, không có cành nào mọc chúc xuống đất." Cả nhà ai cũng phải phì cười.

 Trước sân có vài cây liễu mới trồng. Ông sợ trẻ láng giềng đến nghịch hỏng, sai nó trông nom giữ gìn, đến lúc nó vào ăn cơm, thì nó nhổ cả cây lên mà cất đi một chỗ.

 Công việc nó làm, nhiều chuyện đáng bật cười như thế cả.

 Ông Nguyên Tố là một người viết chữ chân tốt mà vẽ lại giỏi lắm. Một hôm, ông hòa phấn với mực để vẽ, thấy A Lưu đấy, nói đùa với nó rằng: "Mày có vẽ được không?"

 A Lưu đáp: "Khó gì mà không vẽ đươc." Ông bảo vẽ thì A Lư vẽ nét đậm, nét nhạt, nét xa, nét gần, như người xưa nay vốn đã biết vẽ. Ông thấy vậy thử luôn mấy lần, lần nào A Lưu vẽ cũng được như ý cả.

 Tự bấy giờ, ông dùng đến A Lưu luôn không lúc nào là rời ra nữa. Sau A Lưu nổi tiếng là một nhà danh họa.

Câu chuyện của A Lưu về sau trở thành một danh họa ở trong văn hóa lịch sử Trung Hoa cho thấy một điều là, chúng ta không thể nói về tâm si nói người nặng về tham, người nặng về sân, người nặng về si, theo cách hiểu của ngoài đời, người ta làm việc kỳ quái, làm việc thế này thế kia mà, chúng ta chỉ có thể nói tâm si có ở 2 điểm:

1 - Một là người này luôn sống trong sự nghi hoặc, không quyết đoán, cái gì cũng lừng khừng, cái gì cũng trù trừ, thói quen trù trừ hay tâm trù trừ đó là tâm si nghi hoặc.

2 - Hoặc, một người có tâm giao động, dễ lao xao, dễ phân tán tâm ý, đó gọi là tâm si giao động.

Chúng tôi xin được nói tóm tắt là, khi học về tâm si chúng ta cố gắng hiểu có sự khác biệt giữa u mê bình thường, u mê là không có trí tuệ khác với tâm si là nó có chất vẩn đục làm cho mờ đục tâm không có sáng, hai cái đó khác nhau.

 Có 2 thứ tâm si là tâm si nghi hoặc và tâm si giao động.Đó là vài điều chúng tôi nói hôm nay./. 

Minh Hạnh


No comments:

Post a Comment