Sunday, September 20, 2020

Thắng Pháp Abhidhamma - Bài 13. Tâm Cơ Năng

 Thắng Pháp Abhidhamma

Bài 13 - Tâm Cơ Năng


Minh Hạnh ghi chép

 TT Tuệ Siêu: Bài trước học 5 tâm ngũ quan nói về, vai trò, ý nghĩa, nhân sanh ra ngũ song thức, hay là tâm ngũ quan.

Bài học hôm nay, chúng ta nói đến ý nghĩa và vai trò tâm tiếp thu và tâm quan sát. 

Tâm tiếp thu (Sampaṭicchana) là tâm thu nhận, tâm này có chức năng thâu nhận, cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh khí, cảnh vị, cảnh xúc mà, 5 tâm ngũ quan vừa bắt lấy.

Ở giai đoạn tâm tiếp thu, giai đoạn này nếu dùng từ chuyên môn gọi là ý giới (manodhātu), tâm ý giới tâm tiếp thu là tâm ý giới. Ý giới này trợ cho ý thức giới bởi vì, thức, nhãn thức giới, không thể nào trợ cho tâm ý thức giới sanh khởi liền. Điều này phải học trong Chánh Tạng, trong duyên hệ. 

Nhãn thức giới bắt cảnh sắc, rồi nhãn giới là tâm tiếp thu, tâm tiếp thu đó trợ cho ý thức giới tâm quan sát (Santīrānacitta) bằng cách vô gián duyên. Như vậy tới gian đoạn quan sát đó, xem như là giai đoạn hoàn tất về tâm quả.

 Chúng ta lập lại là, trong diễn trình tâm diễn ra, trước hết là một cảnh hiện lên, cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh khí, cảnh vị, cảnh xúc, sau khi tâm tiềm thức giao động (Bhavaṅgacalana), hay là tâm hộ kiếp gọi là tiềm thức giáo ảnh,  tiếp đến là tâm khán ngũ môn  (Pañcadvāravajjanacitta). tâm khán ngũ môn này không phải là tâm quả mà nó thuộc về tâm tố vô nhân.

 Và tâm tố khán ngũ môn thuộc về ý giới (manodhātu). 

Còn khán ngũ ý môn mới gọi là tâm ý thức giới vô nhân, nếu gọi đúng từ là tố ý thức giới vô nhân.

Trong Thanh Tịnh Đạo, Ngài Buddhaghosa Ngài dùng từ Pali rất chuẩn trong trường hợp này, Ahetuka manoviññānadhātu gọi là ý thức giới vô nhân. Nhưng, phải kèm theo ở phía sau là chữ  kiriya là tố ý thức giới vô nhân, thì biết ngay là tâm khai ngũ môn (Ahetuka kiriya Pañcadvārāvajjanacitta)

Thì ở đây, diễn trình tâm diễn ra, tâm khai ngũ môn như một tâm khách quan đầu tiên khai mở cho lộ khách quan gọi là hoạt thức, tức là bắt đầu có tâm hoạt động đối với cảnh hiện tại. Hoạt thức đầu tiên là tâm khai ngũ môn, rồi tâm khai ngũ môn đó bắt, cảnh sắc, hoặc, cảnh thinh, cảnh khí, cảnh vị, cảnh xúc, nó mở cửa giống như người gác cửa mở cửa cho cảnh hiện vào, nếu cảnh sắc hiện vào đồng thời nhãn thức sẽ khởi lên tùy theo cảnh tốt hay cảnh xấu, nhãn thức quả thiện hay quả bất thiện khởi lên.

Sau tâm nhãn thức đó sẽ là tâm tiếp thu tương ứng quả thiện hay quả bất thiện, tâm tiếp thu tiếp nhận cảnh để chuyển qua cho tâm ý thức giới quan sát, ý thức giới quan sát ở đây là quan sát quả thiện hay quả bất thiện, tùy theo cảnh, tùy theo tâm ngũ quan.

Sau tâm quan sát, sẽ có một tâm tố ý thức giới vô nhân, tức là tâm khai ý môn, hay là tâm khán ý môn, và ở vị trí này trong lộ tâm ngũ môn thì khai ý môn tên gọi là Voṭṭhapana, tức là tâm phân đoán, hay tâm phân định cảnh. Tâm phân định đó thuộc về ý thức giới, mặc dầu nó là vô nhân nhưng nó là tố ý thức giới vô nhân.

Sau khi phân định cảnh nó chuyển qua tâm javana hay là tâm xứ lý cảnh, chúng ta gọi là tâm đổng lực hay tâm đổng tốc cũng được, bởi vì không phải sanh một sát na rồi mất mà sanh nối tiếp liên tục trùng dụng duyên (āsevanapaccayo) 7 sát na tâm javana. 7 sát na tâm javana này thuộc về tâm bất thiện, hoặc là tâm thiện hiệp thế, hoặc là tâm tố hiệp thế, tâm tố dục giới. 

Trong tâm tố dục giới này gồm có một động lực tố vô nhân, tức là tâm ưng cúng sinh tiếu, tâm cười của vị Alahan và 8 tâm đại tố hay 8 tâm tố dục giới hữu nhân (Sahetukakāmāvacarakiriyācitta). 

Sau 7 sát na đổng lực đó, cảnh này là cảnh rất lớn, thì cảnh rất lớn lúc bấy giờ còn dư cảnh, có 2 sát na tâm là tâm dư hưởng hay là tâm na cảnh (Tadālambanacitta). HT Minh Châu dịch là đồng sở duyên, sở duyên nghĩa là cảnh và chữ đồng giống như cảnh của tâm đổng lực. Lúc đầu Ngài HT Tịnh Sự sài tâm này gọi là tâm mót cảnh, Ngài đưa ra một thí dụ và thí dụ này được Ngài Anuruddha sài trong Thắng Pháp Tâp Yếu Luận (Abhidhammattha Sangaha) đưa lên thí dụ cổ điển.

Còn ở đây bài học mới, chúng ta sáng tạo một thí dụ khác là,

- Người mở cổng có người ra nhận biết xem đó là nhân viên hay là khách mua nhà đất như, tâm ngũ quan.

- Một người chào hỏi tiếp đón  ví dụ như, tâm tiếp nhận

 - Rồi có một người lấy những chi tiết như tên họ giờ hẹn là, tâm quan sát.

 - Có một người khác quyết định xem gửi người khách đến bộ phận nào trong công ty, đây gọi là tâm phân định tâm phân đoán (Voṭṭhapana).

- Người trực tiếp biết nhu cầu của khách giống như, tâm javana, tâm đổng lực, tâm xử lý

- Nếu khách là một khách lớn thân quen sẽ có người ra thăm hỏi vui vẻ sau khi xong việc, ở đây ví dụ giống như, tâm duyên hữu hay tâm na cảnh, tâm mót.

Còn ví dụ cổ điển như sau:

- Một người đang nằm ngủ dưới gốc cây soài, ví dụ như, tâm tiềm thức hay tâm hộ kiếp.

- Bỗng nhiên gió lay động một trái soài rơi xuống ví như cảnh đến, cảnh sắc hay cảnh thinh xảy ra

- Người đó thức giấc giống như, tâm khai ngũ môn.

- Rồi mắt nhìn thấy trái soài gọi là, tâm nhãn thức.

- Nhặt lên gọi là giống như, tâm tiếp thu.

- Rồi mới xem trái soài, gọi là, tâm quan sát.

- Rồi có sự nhận định trái soài này ăn được, sau khi nhận định như vậy mới đưa lên miệng cắn 7 miếng giống như là, tâm đổng lực, tâm xử lý cảnh.

- Khi ăn xong trái xoài người kia nằm ngủ lại, là khi trãi qua trọn lộ trình thì tâm trở lại trạng thái Bhavanga.

Khi chúng ta học về 18 tâm vô nhân này, chúng ta phải chú ý gọi chung 17 tâm cơ năng, ngoại trừ tâm ưng cúng sinh tiếu là tâm thứ 18, tâm đó chúng ta không thể kể như là tâm cơ năng được, bởi vì tâm này không phải làm việc máy móc mà tâm này là tâm xử lý cảnh của vị Alahan, là tâm đổng lực javana. Nhớ chú ý chỗ đó, chứ nếu chúng ta gom hết 18 đó là tâm cơ năng thì chúng ta thiếu xót một tâm mà tâm này không phải là tâm bình thường mà là tâm xử lý cảnh javana. 

Thì 18 tâm kia gọi là tâm cơ năng, tâm làm việc máy móc, để biết cảnh, để tiếp thu cảnh ngũ quan, 5 tâm ngũ quan đó sẽ không sanh được khi tâm tố vô nhân là ý giới khai ngũ môn chưa sanh, bởi vì ở trong duyên hệ khi nói đến vô gián duyên (Anantarapaccaya) thì phải nói ý giới trợ cho ngũ song thức bằng cách vô gián duyên.

Là người học Vi Diệu Pháp nghe ý giới đó chỉ cho tâm khai ngũ môn tâm đó sanh khởi để mở cửa cho 5 hệ thần kinh tức là, nhãn môn, nhĩ môn, tỉ môn, thiệt môn, thân môn, mở cửa như vậy rồi thì cảnh hiện vào, ngũ thức, ngũ song thức đó mới sanh khởi.

Chỉ sanh khởi như vậy dầu cho phàm hay thánh thì những tâm cơ năng này làm việc giống nhau, một vị Alahan khi Ngài nhìn cảnh sắc đến, mắt nhìn thấy là tâm ngũ song thức sanh khởi trước, rồi đến tâm nhãn thức, đến tâm tiếp thâu, đến tâm quan sát, đến tâm đoán định là khai ý môn.

Bắt đầu khác nhau đối với phàm phu chúng ta từ giai đoạn tâm javana, hay tâm đổng lực, hay là tâm xử lý.

Vị Alahan thì tâm đổng lực đó hoàn toàn là tâm tố (kiriyacittas). 

Còn đối với bậc Thánh hữu học thì tâm đổng lực đó có thể là thiện cũng có thể một vài tâm bất thiện. 

Còn như đối với phàm phu chúng ta thì tâm thiện, đổng lực thiện cũng có, mà hoàn toàn 12 tâm bất thiện cũng có.

Vì với bậc Thánh hữu học những tâm bất thiện như vị Tu Đà Hườn thì đổng lực, mà thuộc về tham tà kiến thì không có, si hoài nghi không có.

Còn đối với vị Tư Đà Hàm thì giống như vị Tu Đà Hườn chỉ có cái là giảm nhẹ ái và sân thôi.

Còn riêng về vị A Na Hàm thì tâm bất thiện vẫn còn tham tà kiến, si tà kiến và tâm si phóng dật. Còn tâm sân hoàn toàn không có.

Do vậy, kể từ giai đoạn tâm khai ngũ môn cho đến giai đoạn tâm đoán định  (Voṭṭhapana), thì giai đoạn đó ở nơi một phàm phu hữu học hay bậc Thánh vô học thì đều giống nhau, và ở giai đoạn javana tức là đổng lực thì hạng phàm phu, bậc Thánh hữu học khác. Còn đối với bậc Alahan thì giai đoạn này hoàn toàn phải là tâm vô ký, không thiện, không bất thiện, tức là tâm (kiriyacittas) tâm tố.

Diễn trình tâm này được diễn ra như vậy, 

Trong đọc bài hôm nay nói rằng diễn trình tâm Ngài HT Tịnh Sự Ngài sắp xếp như vậy, nhưng thật sự không phải Ngài và cũng không phải Ngài Anuruddha sắp xếp trình tự trật tự của sát na tâm được, mà chính bộ Vị Trí (Patthana) bộ thứ 7 của tạng Vi Diệu Pháp, ở trong đó khi đề cập đến vô gián duyên thì Đức Phật Ngài đã trình bày cho biết: 

- Từ tâm ý giới trợ cho nhãn thức giới, 

- rồi trợ cho ý giới tiếp thu, 

- trợ cho ý thức giới quan sát, 

- rồi ý thức giới quan sát đó trợ cho tố ý thức giới vô nhân là tâm khai ý môn,

- rồi từ khai ý môn hay tâm tiếp thu hay là tâm quan sát thì Ngài Anuruddha  dùng từ này ở trong Thắng Pháp Tập Yếu Luận (Abhidhammattha Sangaha).

 Nhưng, ý giới và ý thức giới hay 5 thức giới, chuyển qua chuyển lại để trợ bằng cách là, sát na này diệt trợ sát na kia sanh bằng cách vô gián duyên, thì ở trong chánh tạng bộ Vị Trí (Patthana) có đề cập đến chỗ này. Trình tự đó như vậy rõ ràng, cho nên nếu như một người học kinh Tạng hay học Luận tạng, hoặc là học Thắng Pháp Abhidhamma mà có nghiên cứu đi vào trong Chánh Tạng thì chúng ta sẽ biết được là, những vấn đề được nói đến ở đây do Đức Phật Ngài thuyết và tôn giả Xá Lợi Phất đã thọ trì lãnh giáo từ nơi Đức Phật, rồi Ngài về sắp xếp chuyển khai lại cho 500 vị Tỳ Kheo hội chúng của Ngài để thọ trì về Thắng Pháp Abhidhamma, truyền thừa cho đến ngày hôm nay ở trong tạng Vi Diệu Pháp

 Cho nên ở đây, khi học chúng ta đừng nghe người ta chỉ mới biết sơ sơ họ nói rằng cái này là do các vị trước tác đời sau v.v... chứ Vi Diệu Pháp không phải do Đức Phật Ngài thuyết. Mấy người đó họ chưa cầm đến quyển Chánh Tạng Vi Diệu Pháp làm sao họ biết mà nói như vậy được. 

Cho nên khi học diễn trình tâm thức, chúng tôi muốn nói với qúi vị là ở đây các vị giáo thọ hướng dẫn cho chúng ta hiểu là các vị đó phải dùng đến những từ ngữ rất thường thức để chỉ dẫn cho chúng ta thứ lớp như vậy, nhưng thứ lớp trật tự đó do Đức Phật đã thuyết trong bộ Patthana, rồi các vị giáo thọ mới trình bày lại cho chúng ta nghe, chúng ta phải thọ trì điều đó chắc chắn như vậy mới có niềm tin để học Thắng Pháp Abhidhamma một cách rõ ràng tường tận được.

Chúng tôi hi vọng bài học hôm nay khi trình bày về những tâm cơ năng làm việc ở trong diễn trình tâm thức, trình bày như vậy thì có thể là những người mới học cũng có thể hiểu và những người cũ thì không quá xa lạ. TT Giác Đẳng cho phép chúng tôi cứ xử dụng danh từ cũ, tuy nhiên chúng tôi cũng để cho các vị làm quen với cách học mới, cho nên chúng tôi đi song song để trình bày như là, tâm tiềm thức, tâm hoạt thức, hay là tâm đổng lực, hay tâm xử lý, tâm na cảnh, hay tâm dư hưởng, thì chúng tôi trình bày để các vị hiểu./.


Thắng Pháp Abhidhamma - Bài 12. Tâm Ngũ Quan (tiếp theo)

 Thắng Pháp Abhidhamma

Bài 12 - Tâm Ngũ Quan (tiếp theo)


Minh Hạnh ghi chép

TT Giác Đẳng:  Học Thắng Pháp Abhidhamma sẽ có một chút ngạc nhiên, đa phần những lớp học giáo trình Abhidhamma, đặc biệt đối với phần lớn qúi vị giảng sư thì tâm ngũ quan hay ngũ song thức thường được nói rất nhanh rất gọn, thậm chí đôi khi không phải hai buổi học như chúng ta, mà chỉ học nửa buổi học thôi, các vị dạy luôn cả 18 tâm vô nhân và có thể dạy 15 tâm quả vô nhân. 

Chúng tôi đặc biệt dùng hai buổi học chỉ riêng về ngũ quan, bởi vì, chúng ta cần  học rõ về 6 thức, 5 thức đầu: nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, tức là chúng ta nói về thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác, 5 thức đó mở cho chúng ta những cánh cửa tiếp xúc với thế giới bên ngoài, tiếp xúc 5 cảnh, sắc, thinh, khí, vị, xúc, đó là một phần quan trọng trong đời sống, qua phần này chúng ta hiểu nhiều về sự hoạt động của tâm thức theo trong Thắng Pháp Abhidhamma. 

Trong những câu chuyện về thiền được bàn thảo phổ biến, có một câu chuyện thiền, hỏi là: "Tâm động hay phướng động". 

Trong duy vật biện chứng của cộng sản, họ đặt vấn đề là "thế giới này tồn tại có độc lập với tâm thức hay không". 

Thí dụ, bây giờ mình nói đến một cái nhìn nào đó. Trong Kinh Hoa Nghiêm của Bắc Truyền, có câu "Nhất thiết duy tâm tạo", tất cả những hiện tượng do tâm vẽ, tâm như người họa sĩ vẽ vời cảnh thế gian.

Như vậy thì, có một thế giới tồn tại độc lập với tâm thức hay không? 

Bài học về tâm ngũ quan là một chìa khóa trong Thắng Pháp để chúng ta hiểu rõ tâm thức đối với cảnh hoạt động như thế nào.

Cảnh ở đây là cảnh rất thật, bây giờ có mùi sầu riêng, câu hỏi là: khi chúng ta biết thì có mùi sầu riêng hiện hữu, khi chúng ta không biết thì mùi sầu riêng có hiện hữu hay không? Đó là điều tất cả chúng ta cần phải biết.

Một điểm khác cần nói ở tại đây, những khái niệm TT Tuệ Siêu đã giảng trong bài học trước về tâm ngũ quan: nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức. Mới thoạt nghe thì nghĩ rằng đó là những tâm làm việc rất quan trọng, thí dụ, người ta nói: "Đôi mắt là cửa sổ của linh hồn". Như vậy cái gì mình thấy thuộc về nhãn thức, thuộc về thị giác, như vậy thị giác phải đóng vai trò lớn. 

Nhưng trong Thắng Pháp Abhidhamma nói rằng tâm nhãn thức hay thị giác thì biết cảnh ở trong một hình thức uyên nguyên, một hình thức chưa được, thẩm định, định đoán,  nhồi nặn, phán xét, xử lý, mà tâm xử lý cảnh là do tâm javana hay một tâm khác, chúng ta học sau, nhưng nhãn thức chỉ đơn thuần là biết cảnh sắc. 

Tại sao vậy? 

Chúng ta muốn trả lời câu này thì phải đi vào những yếu tố tạo nên tâm ngũ quan. 

Nếu nhìn kỹ thì thấy rằng mỗi giác quan, dù là nhãn thức hay thị giác, nhĩ thức hay thính giác, tỉ thức hay khứu giác, thiệt thức hay vị giác, thân thức hay xúc giác để sanh khởi trước nhất cần có căn và cảnh, hay nói cách khác, cần có thần kinh, chúng ta gọi là vật để tâm nương, thí dụ, nhãn thức thì phải nương vào thần kinh nhãn, nhĩ thức phải nương vào thần kinh nhĩ. 

1. Yếu tố thứ nhất: Vật hay thần kinh hệ

Trong bài đọc kỳ trước, chúng ta nói nhãn thức cần phải có nhãn vật, nhãn vật là con mắt, nhưng kỳ thật, có điểm rất thú vị, Phật học và khoa học và y học ngày nay cũng nhận ra một điều rằng, cái gọi là nhãn vật hay thần kinh nhãn không phải chỉ là con mắt, mà phải nói rõ hơn là đồng tử hay con ngươi, một bộ phận ở trong khoa học ngày nay gọi là optic nerve (thần kinh thị giác) nằm ở trong con ngươi để qua đó chúng ta có thể nhận biết cảnh sắc. Giống như bây giờ chụp hình bằng máy chụp hình, nhưng bộ phận chính bắt cảnh là cái lens (thấu kính), bộ phận ghi hình đó ghi hình qua cái lens, như vậy thân của máy chụp hình không phải là bộ phận ghi hình, bộ phận ghi hình đó là bộ phận khác, chúng ta phải hiểu như vậy.

Nói về mũi, không phải mũi chúng ta nhìn thấy bên ngoài mà là thần kinh tỉ nằm bên trong mũi, trong kinh nói hình móng con dê.  

Nói về thiệt thức là thần kinh thiệt, có khả năng niếm vị, thần kinh thiệt mình nghĩ là lưỡi nhưng thật ra là những thần kinh giống như đầu lông con nhím nhỏ li chi trên lưỡi của mình. Chúng ta nói mắt, tai, mũi, lưỡi, thân là nói rất đại loại.

Thần kinh thân, tất cả những cảm giác như đau nhức dễ chịu v.v... lâu lâu chúng ta bị đau nhức khớp xương, bị phong thấp, hay đau bụng thuộc về cảnh xúc. Hỏi thần kinh thân ở đâu, thì thần kinh đó ở khắp châu thân. Trong kinh Thắng Pháp Abhidhamma cũng nói như vậy. Và ngày nay, thì nói rằng thần kinh liên quan đến xúc giác, có đủ mọi thứ, xúc giác ở đây không hẳn là chỉ có tiếp xúc giữa bàn tọa chúng ta với chỗ ngồi, hay lưng của chúng ta với chỗ nằm, mà một hạt bụi rơi vào con mắt, mắt bị xốn, không thuộc về thị giác mà thuộc về xúc giác. Chúng ta nên hiểu thần kinh thân cùng khắp châu thân mình ở nhiều dạng thức. Trên phương diện y học người ta chia ra rất nhiều nhóm về thần kinh thân, thí dụ, có  facial nerve (thần kinh mặt), thì riêng facial nerve (thần kinh mặt) này là một nhóm nhỏ ở trong hệ thần kinh thân lại chia nhiều phần khác nhau. 

Các hệ thần kinh ở trong kinh Phật, chúng ta thường nghe đến "căn", thí dụ:

- Nhãn căn, nhĩ căn, tỉ căn, thiệt căn, thân căn.

- Rồi chúng ta nói đến, nhãn vật, nhĩ vật, tỉ vật, thiệt vật, thân vật.

- Rồi chúng ta nói đến, thần kinh nhãn, thần kinh nhĩ, thần kinh tỉ, thần kinh thiệt, thần kinh thân.

Những danh từ đó tuy sài khác nhau nhưng thật sự đều là một. Nhãn vật là thần kinh nhãn, nhưng thần kinh nhãn không hẳn là con mắt, ở trong con mắt có thần kinh nhãn.

Những căn này sanh lên do đâu?  Sanh lên do thức duyên cho danh sắc và danh sắc duyên cho lục nhập. 

Thức duyên cho danh sắc, thức ở đây là thức tái sanh,  sanh ra làm người, làm con khỉ, làm chư thiên, làm các vị thiên tử. Thì do thức tái sanh tạo ra danh sắc, danh sắc ở đây là chủng loại. Con mắt của chư thiên khác với mắt của chúng ta, con mắt của chúng ta khác với con mắt của loài khỉ, tai của con chó khác tai con người, tai con người khác tai chư thiên. Như vậy mặt dầu nói rằng, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, nhưng, đừng nghĩ là tất cả loài có mắt thì mắt giống nhau, tất cả loài có tai có thính giác giống nhau, tất cả loài có mũi, thì khứu giác giống nhau, không phải như vậy, mà, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, của mỗi loài khác biệt do chủng loại và chủng loại đó là do nghiệp. 

Ngay cả ở trong thế giới loài người, có người mắt rất tinh, có người mắt không tinh, ví dụ, trong khoa học nói có những người bị bệnh rối loạn sắc giác, không nhận ra màu nào đó, hay, trong loài vật, có những loại màu không nhận ra, bởi vậy có những con vật ăn trái cây không ăn bằng màu sắc chúng chỉ dùng khứu giác để nghe mùi biết là trái đó còn sống hay chín. 

Căn bản đầu tiên là, thần kinh nhãn, thần kinh nhĩ, thần kinh tỉ, thần kinh thiệt, thần kinh thân, do nghiệp. Chúng ta nhớ rằng thức tái sanh, duyên cho danh sắc, thức tạo ra chúng ta, sanh làm người, làm trời, làm loài vật v.v... trong thức đó tạo ra danh sắc, danh sắc là các chủng loại như loài người, chủng loại đó quyết định các căn, chúng ta gọi là, lục nhập duyên cho danh sắc, danh sắc duyên lục nhập. Thì ở đây các căn của chúng ta hoàn toàn do nghiệp.

 Lấy một ví dụ, Đức Thế Tôn Ngài do phước quá khứ, khi Ngài sanh ra đời một ở trong đại trượng phu tướng của Ngài là lưỡi của Ngài rất bén nhạy, Ngài thọ dụng thực phẩm ngon hơn người không có phước tướng về lưỡi, lưỡi Ngài tinh tế hơn. 

Chúng tôi lấy một ví dụ dễ hiểu hơn, ở trong thế giới âm nhạc có những người có musical ear nghĩa là thẩm âm rất tốt, đây là kinh nghiệm của chúng tôi không có thẩm âm tốt,  nghe người ta hát chúng tôi không lập lại được như một người có musical ear, tai nghe thẩm âm tốt, do phước quá khứ, họ nghe âm nhạc độ luyến láy tiết tấu ghi nhận rất rõ, do rõ như vậy, khi tai họ có độ thẩm âm tốt họ hát sẽ hay hơn người không có thẩm âm tốt. 

Độ bén nhạy của các thần kinh khi tiếp xúc là do phước.

2. Yếu tố thứ hai: Cảnh

Bây giờ chúng ta nói qua cảnh, sắc, thinh, khí, vị, xúc.

Cảnh do nghiệp chi phối, sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc, sanh khởi do nghiệp. 

Nói một cách khác, theo Thắng Pháp Abhidhamma và Phật học, có những người suốt đời không bao giờ thấy được cảnh đẹp, mà "luôn luôn là những điều trông thấy đau đớn lòng", thí dụ, đi làm phải đi nhìn những cảnh tượng không tốt, đi đâu cũng gặp cảnh tượng không tốt và ăn không phải lúc nào cũng được ăn ngon. Có những người suốt đời không có phước về thực phẩm. Khi mình sống nhất là những người sống tại các quốc gia có nhiều vật chất cứ nghĩ rằng những gì mình có như là, sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc, do có tiền có thể mua được, mình tạm quan niệm như vậy, nhưng cũng phải có phước mới có tiền, chứ không phải ai cũng có tiền. Nhưng, cũng có nhiều người có tiền nhưng tại phước không đủ, họ không có được những cảnh khả ái khả ý, như trong kinh có nói đến một người bá hộ rất giàu nhưng lại rất bần tiện, cả đời mặc áo vải thô ăn cơm hẩm, tại vì bỏn xẻn. Thì như vậy, đừng bao giờ nghĩ những gì tốt đẹp mình có trong cuộc sống từ, mắt thấy sắc đẹp, tai nghe tiếng hay, mũi ngửi mùi thơm, lưỡi nếm vị ngon, thân xúc chạm êm ái, nghĩ rằng những thứ đó là ngẫu nhiên, hay những thứ đó là hên xui, mà tất cả là sự vận hành, sự chiêu cảm, sự đẩy đưa, của nghiệp quá khứ, của phước quá khứ.

Chúng tôi nhắc đến hai điều, mỗi một giác quan dù, thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác, trước nhất cần 2 yếu tố đầu tiên là căn và cảnh. 

Căn và cảnh đều do nghiệp chi phối, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, thần kinh nhãn, thần kinh nhĩ, thần kinh tỉ, thần kinh thiệt, thần kinh thân và, sắc, thinh, khí, vị, xúc, những điều đó đều do nghiệp chi phối.

Mình học Phật, phải chiêm nghiệm và lâu ngày mới thấy. Những người có phước đi đâu cũng thấy những điều tốt lành, người không có phước đi đâu cũng thấy chuyện buồn phiền.  Thí dụ, có người vào trong chùa nhìn thấy tượng Phật họ hoan hỉ, thấy tháp xá lợi họ hoan hỉ, thấy hồ sen họ hoan hỉ. Nhưng có những người vô chùa chỉ nhìn thấy những chuyện  không hoan hỉ, nhìn chỗ này có rác nhiều, chỗ kia dơ nhiều, chỗ nọ bực bội nhiều. Là do nghiệp chiêu cảm, cũng đi vào trong chùa có người nhìn thấy toàn chuyện tốt có người thấy toàn chuyện không tốt là do nghiệp chiêu cảm. Hay là mình ở căn nhà có người đến chơi nói "ở nhà này thoải mái quá", nhưng có người lại nói "ở căn nhà này thấy sợ ma quá" hay "cái nhà quạnh quẽ quá" v.v.... thì cũng một căn nhà mà người có phước thấy khác, người không có phước thấy khác, hoặc giả, đi ra ngoài đường cũng vậy, có nhiều người đi đến đâu họ ngó thấy chỗ này trồng cây đẹp, chỗ kia có bồn hoa đẹp nhìn thấy hoan hỉ, nhưng có người đi nhìn thấy rất ơ hờ. Chúng ta phải nói có một sự tác động của nghiệp. 

Bởi vì căn và cảnh đều do nghiệp nên, nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, là tâm quả, là kết quả của nghiệp. Do vậy, tâm ngũ quan đều là những tâm quả, những tâm quả này được tạo thành do nghiệp. Bởi vì do nghiệp nên mỗi một thứ có một cặp là quả bất thiện và quả thiện. 

Ví dụ:

- Nhãn thức quả bất thiện và nhãn thức quả thiện.

- Nhĩ thức quả bất thiện và nhĩ thức quả thiện.

- Tỉ thức quả bất thiện và tỉ thức quả thiện.

- Thiệt thức quả bất thiện và thiệt thức quả thiện.

- Thân thức quả bất thiện và thân thức quả thiện.

 Chúng ta nhớ tâm ngũ quan là những tâm quả. Tâm quả là gì? Tâm quả là những tâm tạo ra bởi nghiệp quá khứ. 

Qúi vị hỏi: tại sao những tâm quả là trạng thái tâm có một sát na và chỉ nhận cảnh và có tánh cách muội lượt, nhưng tại sao là tâm quả?

Muốn biết chuyện đó chúng ta phải xoáy vào một điểm là căn và cảnh đều sanh khởi do nghiệp, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, thần kinh nhãn, thần kinh nhĩ, thần kinh tỉ, thần kinh thiệt, thần kinh thân, những gì sanh khởi do nghiệp và cảnh cũng do nghiệp.

3. Yếu tố thứ 3: Môi trường hay hoàn cảnh

Nói đến cảnh sắc thì phải có ánh sáng, không có ánh sáng không thấy được cảnh sắc. 

Về điểm này, ngày xưa khi chưa hiểu biết về khoa học chúng ta vẫn hiểu một cách đơn giản là trời tối thì không thấy, khi có đèn thì mình thấy, nhưng bây giờ khi khoa học cho chúng ta hiểu ánh sáng đi, và ánh sáng là đơn vị dùng để đo thời gian, thí dụ, một năm ánh sáng, hai năm ánh sáng. Không ánh sáng thì chúng ta không thấy được những tinh cầu lấp lánh ở xa xôi. Thí dụ, có những tinh cầu cách chúng ta triệu năm ánh sáng, khi chúng ta thấy được  sự bùng vỡ của tinh cầu đó thì giây phút chúng ta thấy sự bùng vỡ đó thật ra  đã xảy ra cách đây một triệu năm, nếu tinh cầu đó cách chúng ta một triệu năm ánh sáng, khi chúng ta thấy được tinh cầu bùng vỡ đó thật ra nó đã xảy ra lâu rồi, nhưng vì ánh sáng mất rất nhiều thời gian để đi đến đây. Chúng ta thấy được bất cứ cái gì từ ánh sáng. Những viễn vọng kính như viễn vọng kính Hubble, viễn vọng kính Chandra, giúp chúng ta thấy được một cái gì đó không phải ánh sáng bằng mắt của chúng ta mà thấy qua tia cực tím gọi là ultraviolet, hoặc người ta chụp hình phổi hay chụp hình xương để biết xương gãy họ dùng tia X-ray, hồi xưa gọi là quang tuyến X  hay ultraviolet tia cực tím. 

Dù X-ray, hay ultraviolet hay ánh sáng bằng mắt chúng ta có thể nhìn thấy được, thì không có ánh sáng không có thị giác, đơn thuần như vậy, con mắt thấy được nhờ có ánh sáng. 

Hoặc giả, nói về thính giác, thính giác cần có khoảng trống, nếu qúi vị vào phòng thâu radio, một studio, phòng thâu âm là một phòng được tạo bởi một số vật liệu cách âm, để âm thanh không ra bên ngoài, khi người ta thâu âm thanh của mình ở bên ngoài không nghe được, tường cách âm ngăn chặng khoảng trống giữa người ở trong phòng và người ngoài phòng. Như vậy mình muốn nghe thì phải có khoảng trống, nó phải thông không có ngăn ngại, khi đã có tường cách âm rồi thì không nghe được. Do vậy, thính giác cần có khoảng trống như thị giác cần ánh sáng vậy.

Khứu giác phải có gió, sự vận chuyển của khí, thí dụ, qúi vị nấu thức ăn trong bếp bị khét và mùi khét không bốc bay vào trong phòng ngủ, mình ngồi trong phòng ngủ không biết đồ nấu ăn bị khét. Đối với cảnh khí các mùi, dù mùi thơm, mùi thối đều cần có sự luân chuyển gọi là gió. Gió ở đây chỉ cho sự bay từ chỗ này sang chỗ khác đưa mùi đi chúng ta mới có thể ngửi được.

Lưỡi nếm cảnh vị, vị giác cần một môi trường là nước và độ ẩm, nước chuyên chở cho vị. Ví dụ như nước bọt, hay tất cả thực phẩm tiếp xúc vị giác thần kinh thiệt luôn luôn cần có nước, khi lưỡi bị khô quá mình nghe đau, cái đau của lưỡi, cái khô của lưỡi thuộc xúc giác, nhưng vị giác cần có nước cần có độ ẩm là chất loãng để có thể tiếp xúc với vị giác.

Riêng về xúc giác, môi trường môi giới phức tạp hơn nhiều, cần một sự thô phù, cứng của đất, cần đến nhiệt lượng nóng và lạnh, và cần đến sự di chuyển của, đất, lửa, gió, nước. Khi có dịp học qua sắc pháp chúng ta học thêm về cảnh xúc.

4. Yếu tố thứ tư là sự chú ý.

 Ngoài yếu tố của giới, căn là một, cảnh là hai, môi giới là ba, thì chúng ta có yếu tố thứ tư là sự chú ý, không có chú ý thì không có nghe, lấy một ví dụ, một người ngồi thiền, tâm tập trung vào thiền có khi trời sấm sét cũng không nghe tại vì quá tập trung vào thiền không để ý đến âm thanh, mặc dù  âm thanh sấm sét có đập vào tai. Hay là có những nguời ngồi mải mê coi phim do tập trung vào phim quá nồi nước nấu sôi kêu rít lên vì sôi mà họ không nghe. Tức là cảnh hiện ra nhưng lúc đó đang bận tâm chuyện gì mình không để ý, hay là thỉnh thoảng có người chìa khóa ngay trước mặt nhưng vì tâm đang bận suy nghĩ chuyện gì họ không thấy chìa khóa, không phải con mắt không có khả năng thấy nhưng thiếu sự chú ý.

Chúng tôi nhớ một chuyện, có hai vợ chồng mới mua một cái máy hiệu Akai để thu âm, nhờ một người Phật tử đến chùa Kỳ Viên để thâu bài giảng, khi đem về vị này mở ra để nghe một bài pháp rất hay, máy lại là máy mới, vị này tập trung nghe pháp rất hoan hỉ, buổi sáng hôm sau thức dậy thấy trong góc nhà mình cây qùynh hoa tối qua nở mười mấy hoa, thường thường quỳnh hoa nở vào buổi tối và khi nở thì có mùi hương, nhưng vị này nói kỳ lạ hồi tối qua mình cũng ngồi trong phòng khách nghe pháp nhưng sao không thấy hoa quỳnh nở mà cũng không nghe mùi thơm, thì bà vợ nói "tại anh cứ lo nghe pháp mê quá nên không để ý đến hoa nở". Ý chúng tôi muốn nói tại đây, khi một người tập trung vào cái gì quá thì gần như không chú ý đến cảnh khác, cho dù chậu hoa quỳnh nở ở trong phòng họ cũng không để ý, việc đó là việc bình thường. Thành ra chúng ta nhớ rằng ở trong những tâm như, nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, rất cần yếu tố chú ý.

Sau khi chúng ta nói về 4 hiện tượng này, chúng ta phải nói đến 3 khía cạnh đã được nói trong bài trước và nhờ vào những điều hôm nay chúng ta hiểu rõ 3 khía cạnh đó. 

1. Khía cạnh thứ nhất, sau khi nói những điều này chúng ta thấy rõ rằng ngũ quan chi phối bởi nghiệp quá khứ. Bởi vì ngũ quan lệ thuộc vào ngũ căn và các cảnh ở bên ngoài, cũng do nghiệp quá khứ chi phối, đó là đầu tiên.

2. Thứ hai, ngũ quan biết cảnh, sắc, thinh, khí, vị, xúc, là biết một cách trực tiếp, thí dụ:

- nhĩ thức gọi là thính giác thì nó cần phải có nhĩ căn, 

- phải có cảnh thinh, 

- và phải có khoảng trống để cho âm thanh đi vào thị giác. 

- và sự chú ý. 

Thì 4 yếu tố này đều có tánh cách trực tiếp chứ không phải là chuyện đã từng trải qua rồi giờ nhớ lại, hay là chuyện suy diễn, chuyện tô hồng chuốt lục, mà nó là một cái gì rất trực tiếp.

 Do trực tiếp thành ra chúng tôi dùng chữ "nguyên sơ",  trong Anh ngữ là raw material (nguyên liệu thô) là những dữ kiện chưa được qua quá trình nhồi nặn, tức là cái gì đó mình nhận vào trong hình thức uyên nguyên nhất, gọi là nguyên chất, chưa có thẩm định, chưa có xử lý, chưa có phản ứng. Ví dụ như mình thấy những dạng theo kỷ hà học là, vuông, tròn, xanh, vàng, đỏ, trắng, đó là chúng ta nói uyên nguyên. 

3. Thứ ba, cảnh pháp. Khi nhìn thấy những đường nét màu sắc, mình có cảm giác màu tím là màu lãng mạn, hay màu xanh là màu hi vọng, thì chuyện màu xanh màu hi vọng, màu tím lãng mạn  nó đã qua quá trình xử lý của mình, lúc đó không còn uyên nguyên nữa, tại vì màu tím có lãng mạn hay không là do chính mình dựa vào thói quen, dựa vào văn hóa. Hoặc, nhìn thấy 2 con thiên nga bơi lội trên hồ một cách lãng mạn, thì nhìn thấy 2 con thiên nga là thị giác, nhưng, thị giác không đóng vai trò nhận con thiên nga là lãng mạn, thị giác chỉ thấy có một vật thể như vậy di động như vậy, còn chuyện con thiên nga là con thiên nga, và con thiên nga lãng mạn thuộc về ý thức. Điểm này chúng ta sẽ đi qua ý thức về xử lý, chúng ta sẽ đi sâu vào.

 Chúng ta nên phân biệt đó là, thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, hay là, thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác, là biết cảnh sơ khởi, cảnh uyên nguyên, chưa có nhồi nặn, chưa có tô hồng, chuốt lục, vẽ rắn thêm chân. đó là cái chúng ta hiểu tại sao nói ngũ song thức là tâm tương đối rất muội lượt.

Ngữ và nghĩa.

Trong Thắng Pháp nhắc nhiều về cụm từ "Cảnh ngũ quá khứ". 

Cảnh ngũ là 5 cảnh, ngũ là 5, 

5 cảnh ở trong quá khứ.

Trong Thắng Pháp cảnh ngũ là, sắc, thinh, khí, vị, xúc, 

Và cảnh ngũ quá khứ là, sắc, khinh, khí, vị, xúc, của cái đã qua.

Thì cảnh ngũ quá khứ này thuộc về cảnh pháp, không phải thuộc về cảnh ngũ nữa. 

Lấy ví dụ, sáng nay có một người cho chúng tôi một ly cafê, bây giờ đang nói chuyện với qúi vị tự nhiên chúng tôi nhớ ly cafe đó rất ngon. Thì mùi vị cafe ngon đó bây giờ chúng tôi nghĩ đến nó là một hồi ức, mặc dầu hồi ức trong rất ngắn, nhưng mùi vị cafe đã qua rồi, bây giờ chúng tôi nghĩ mùi vị thì nó thuộc về cảnh pháp, chứ nó không thuộc về cảnh khí, không thuộc về cảnh vị nữa. 

Thành ra, đa phần những gì chúng ta xử lý đối với 5 cảnh, lúc đó 5 cảnh đó không còn là, sắc, thinh, khí, vị, xúc, nữa mà nó thuộc về cảnh ngũ quá khứ, và cảnh ngũ quá khứ đó được liệt kê vào cảnh pháp ở trong 6 cảnh. Chúng ta nghe nói, sắc, thinh, khí, vị, xúc, pháp, và pháp này là nó ngoài sự trừu tượng, ngoài những cảnh nơi chúng ta suy tư không thuộc giác quan, nó còn gói ghém trong đó những cảnh, sắc, thinh, khí, vị, xúc, đã qua. 

Thì như vậy, tất cả những xử lý của chúng ta đối với những cảnh hiện vào ở trên thực tế nó không phải là cảnh chúng ta biết trực tiếp, biết cảnh đó là ấn tượng còn lưu lại trong tâm, và tâm xử lý là tâm xử lý javana là tâm có phản ứng đối với cảnh. 

Vì vậy, khi học Thắng Pháp Abhidhamma, chúng tôi nói như vầy là, nói thì phải nói cho chính xác chứ không nên nói nhập nhằng. Trong phương diện văn học, triết học, chúng ta nói sao cũng được. Nhưng, Thắng Pháp đòi hỏi độ tinh sát. Tại sao phải phân biệt, cũng cảnh sắc mà cảnh sắc hiện tại và cảnh sắc quá khứ, tại vì cảnh sắc hiện tại là cảnh của thị giác, cảnh sắc của quá khứ không còn là cảnh sắc nữa mà nó là cảnh pháp. Về điều này đi càng xa thì càng quan trọng, đi càng xa càng có những ý nghĩa chúng ta cần phải phân biệt.

Nên cẩn thận.

 Chúng ta nên cẩn thận,

- Nhãn vật hay nhãn căn không đơn thuần là con mắt.

- Nhĩ vật, nhĩ căn, không đơn thuần là tai. 

- Về lưỡi như là thiệt căn là thần kinh thiệt.

 Trong lưỡi chúng ta thấy có những hột rất nhỏ thì những hột nhỏ đó là thần kinh thiệt, hay là thiệt căn, chứ không phải nguyên cái lưỡi của chúng ta. Khi lưỡi chúng ta bị lở hay bị đẹn nổi mục thì cái đẹn đó làm lưỡi bị đau thì không thuộc về cảnh thiệt mà thuộc về cảnh xúc. Còn thần kinh thiệt chỉ bắt cảnh vị thôi, tức là những thần kinh như đầu lông con nhím là những mục nhỏ ở trên lưỡi mình nó có thể phân biệt đây là vị ngọt, đây là chua, đây là vị đắng, gọi là thần kinh thiệt, chúng ta nên để ý. 

Trong tiếng Anh con mắt là eye, nhưng thần kinh nhãn, hay thần kinh thị giác gọi là optic nerve, hay là, auditory nerve là thần kinh thính giác. Thần kinh nhãn không phải nằm ở trong con mắt, nhưng con mắt không hẳn là thần kinh nhãn, cái này là cái chúng ta rất là cẩn thận khi học vào điểm này.

Kết Luận:

Những điều chúng tôi mong mọi người cùng nhớ, ngũ quan, hay tâm ngũ quan, trong Thắng Pháp Abhidhamma gọi là ngũ song thức, tương đối muội lượt nhưng là một sự thể hiện rất lớn của nghiệp quá khứ. Một người sanh ra đời, không bao giờ thấy được những sắc đẹp, ít khi nghe được tiếng hay, ít khi ngửi được mùi thơm, ít khi lưỡi nếm vị ngon, ít khi thân xúc lạc, như vậy do nghiệp nặng trong quá khứ. 

Khi hiểu được điều này, chúng ta sẽ nhận ra những gì đa số có được ngày nay do chúng ta rất có phước. Nhưng nói như vầy thì khó tin, ngay cả có nhiều người sống ở Mỹ, đi ra ngoài có xe, chưa bao giờ lo chạy cơm chạy gạo từng bữa, ăn thì thích cái gì ăn được cái đó, nhưng cũng không thấy mình có phước. Một cảm nhận rất đơn giản, buổi sáng chạy lên một con đường không gồ ghề, đường thênh thang rộng, mặt trời lên cao, hai bên đường có những thảm cỏ xen lẫn hoa dại rất đẹp, chúng ta rất vô tình, ít có bao giờ chúng ta ý thức cảm giác lái xe một cách êm ái trên một con đường tốt đó là một cảnh xúc quả thiện, chúng ta rất có phước. 

Khi chúng tôi đi hành hương, đi qua những chặng đường dễ sợ, người ta không nói ổ gà mà là ổ voi, không phải một ổ voi mà trên một đoạn đường dài rất nhiều, khi xe lái qua ổ voi thì nó không dằn mà là nó sụp một cái rất mạnh, ngồi trong xe bị tung lên rồi rơi xuống, lắc qua lắc lại như đưa võng. Và có lần chúng tôi đi với Sư Nguyên Thông qua Ấn Độ, trong một thành phố trời nóng, không có chỗ nào để trốn, đi đâu cũng nóng và dơ, đến đỗi đi tìm một chỗ để ăn không dễ, chỗ nào cũng thấy dơ. Thì bấy giờ chúng ta mới thấy, sắc, thinh, khí, vị, xúc, mình đang có ở một nơi nào đó là mình có phước. Không phải là mình thấy được cảnh đẹp, mình nghe được tiếng hay, mình ngửi được mùi thơm, lưỡi nếm vị ngon, thân xúc lạc, chỉ là chuyện tình cờ, nói về ngôn ngữ Phật Pháp là mình có phước, nếu chúng ta không biết điều đó thì chúng ta sẽ có vấn đề, vì chúng ta không ý thức được là mình có phước dường nào.

Một khía cạnh khác của bài học hôm nay, mặc dầu 5 thức này biết cảnh là sơ khai nhưng nó biết cảnh rất trung thực, vì con mắt tiếp xúc với cảnh sắc  chưa qua giai đoạn thẩm định, nhồi nặn, xử lý, do đó cảnh rất uyên nguyên, nên ở đây, nhiều khi chính chúng ta tận dụng những điều này sẽ bớt đi những ý nghĩ vẩn vơ, những ý nghĩ chủ quan.

Một hành giả tu tập Tứ Niệm Xứ, chỉ theo dõi hơi thở ra vào. Theo dõi hơi thở thuộc về xúc giác là do hơi gió qua mũi, mình cảm nhận được hơi thở ra vào thuộc về xúc giác, thì xúc giác là một cảnh ở trong tình trạng nguyên chất, nó như vậy, hơi thở vô biết hơi thở vô, hơi thở ra biết hơi thở ra, bàn chân nhấc lên, đưa tới, đặt xuống, dở, bước, đạp, chúng ta biết rõ. Những cái biết về thân, thọ, tâm, trong Tứ Niệm Xứ, chúng ta chưa nói đến pháp, là biết cảnh ở trong trạng thái uyên nguyên nhất, chưa có ý kiến.

Đó là một cảnh dạng rất nguyên sơ và càng sống với cảnh như vậy tâm của chúng ta càng ít chủ quan, ít vẽ vời, chúng ta ít sống với định kiến, và chúng ta cảm nhận nhiều ở trong đời sống. Tại sao người Âu Châu rất quan trọng đi nghỉ hè, tại vì khi đi nghỉ hè đến một vùng đất lạ, tâm của chúng ta bớt đi thái độ chủ quan phải thế này phải thế kia, do vùng đất xa lạ chúng ta thấy nhiều hơn, nghe nhiều hơn, chúng ta chịu thấy, chịu lắng nghe, hơn là lúc nào cũng bày tỏ ý tưởng chủ quan của mình, 

Về điểm này, tương đối có một giá trị đặc biệt, ý chúng tôi muốn nói như vầy, một khi ngũ căn tiếp xúc với 5 cảnh thì cảnh đó trong Thắng Pháp gọi là cảnh chân đế, hay cảnh thực tính, pháp thực tính. Cảnh pháp thực tính ở đây, cảnh đó không phải do vẽ vời mà ra . 

Ví dụ, chúng tôi ngồi ở đây, trong một căn phòng, đọc một bài thơ, chúng tôi cảm nhận bài thơ đó, hay, dở, đẹp, không đẹp, thì đó là ý tưởng chủ quan. Nhưng, nếu chúng tôi lên chánh điện, ngồi bên bàn thờ Phật, nhìn hơi thở ra hơi thở vào, thì hơi thở đó là cảnh xúc, đó là cảnh chân đế, của pháp thực tính. Hoặc giả là, chúng tôi đi bộ, vừa đi vừa ý thức được bước chân của mình đang đi thế nào, đi có vững hay không, mình sẽ đến điểm nào, rồi điểm nào quay lại, sự ý thức trọn vẹn về chung quanh đưa chúng ta trở về pháp thực tướng, và tâm của chúng ta khách quan nhiều hơn là chủ quan. 

Vì vậy, mình nói như vầy, mình trưởng thành, mình học nhiều, và mình có nhiều tài nghệ như, giỏi, làm thơ hay, viết nhạc hay, mình là một nhà văn hóa có tiếng, một nhà chính trị lỗi lạc, mới nghe thì hay, nhưng đa số những vai trò dù là, chính trị gia hay nhà văn hóa hay nhà thơ v.v... nó là một cuộc sống chủ quan, mình đã xử dụng một số những gì của cuộc sống để  nhồi nặn nó trở thành ý tưởng, bởi vì một nhà thơ thì thế giới này chỗ nào cũng thơ, ánh nắng xuyên qua lá cũng thơ, rồi mưa xuống cũng thơ, trời lạnh của mùa thu cũng thơ. Một nhà chính trị nhìn thấy ở đâu cũng chính trị. Một thương gia nhìn thấy ở đâu cũng là chuyện làm ăn buôn bán.

Nhưng, với một người tận dụng được 5 cảnh, sắc, thinh, khí, vị, xúc, trong hình thái nguyên sơ nhất, chưa nhồi nặn, người đó có thể tu được. 

Tại vì mình nghĩ, sắc, thinh, khí, vị, xúc, là cái gì gọi là dục trưởng dưỡng. Còn những gì thuộc về đời sống nội tại, đời sống tinh thần thì là đời sống tu. Nhưng mà kỳ thật, chúng ta suy tưởng chủ quan nhiều, bởi vậy trong  cách tu thiền chỉ hay thiền quán thường dùng hai thứ rất phổ thông đó là, thị giác và xúc giác. Tại vì xúc giác là hơi thở lúc nào cũng có và thị giác gìống như dùng những hình ảnh cảnh tượng của tử thi, cảnh tượng của màu sắc như, xanh, vàng, đỏ, trắng, hay là, đất, nước, lửa, gió v.v... là cảnh tượng.

Thì ở đây, chúng tôi muốn nói, tuy biết ngũ quan mới nghe như một vết thương, như một chỗ nhược, chỗ phiền não sanh khởi. Chuyện đó không phải là sai. Nhưng từ chỗ đó người tu tập lại tận dụng được. Còn đi vào thế giới miên man, tâm tưởng miên man, tư duy trong lòng, nghe như đó là đời sống tinh thần, nhưng kỳ thật đó là chủ quan. 

Bởi vậy có nhiều vị nói, "mấy ông thầy tu coi vậy chứ rất chủ quan". Chuyện đó đúng, tại vì mình học một hệ thống giáo điển, mình đưa ra những quan điểm lý luận về tôn giáo, trong thế giới của suy tư chủ quan lắm. Còn một bác nông dân cày sâu cuốc bẩm chỉ biết, đến khi nào mưa, khi nào nắng, khi nào cày ruộng, khi nào cấy ruộng, đôi khi tâm tư lại khách quan, lại trung thực, lại ít cực đoan hơn thầy tu. Chúng tôi xin lỗi là ở đây, chúng tôi trên quan điểm này không phải là chúng tôi chê mấy ông thầy tu, vì chúng tôi cũng là tu sĩ, chúng tôi không có chê, nhưng phải nói đối với những người làm về tôn giáo, về văn hoá, về chính trị, tâm của họ rất chủ quan, tại vì trải qua một tiến trình nhồi nặn.

Nhưng với những người tu thiền, nhất là tu về thiền quán, tu Tứ Niệm Xứ, càng tu tập thì càng bớt đi những thái độ, suy diễn, tô hồng chuốt lục, vẽ rắn thêm chân, nghĩ thế giới này là thế này, thế giới kia là thế khác, mà chỉ biết hơi thở vô biết hơi thở vô, hơi thở ra biết hơi thở ra, hơi thở vô dài biết hơi thở vô dài, hơi thở ra dài biết hơi thở ra dài, hơi thở vô ngắn biết hơi thở vô ngắn, hơi thở ra ngắn biết hơi thở ra ngắn. 

Nhiều người nghĩ, mình tu là mình hướng về đời sống nội tâm không để ý đến, sắc, thinh, khí, vị, xúc, không phải như vậy, mới nghe thì có lý nhưng trên thực tế không đúng như vậy. Người tu tập là người vẫn sống với, sắc, thinh, khí, vị, xúc, nhưng sống ở trong ý nghĩa, nó như thế nào biết như thế đó, nó sanh biết nó sanh, nó diệt biết nó diệt. Người sống gói ghém nội tại quá, họ miên man quá, đôi khi ở trong một sự rút lui về nội tại nó lại tạo ra một thế giới chủ quan rất là cực đoan, về điểm này chúng ta nên cẩn thận../.

Chú thích:

Khi học về Thắng Pháp Abhidhamma, một bài học nói về ngũ quan không có nghĩa chúng ta sẽ hiểu hết về ngũ quan, chúng ta phải học những tâm tiếp theo như khán ngũ môn, khán ý môn, tâm tiếp thu, quan sát tâm xử lý thế nào v.v... thì bài học hôm nay sẽ rõ hơn, đó là điều lạ của môn Thắng Pháp.


Friday, September 11, 2020

Thắng Pháp Abhidhamma - Bài 11. Tâm Ngũ Quan

 Thắng Pháp Abhidhamma

Bài 11 - Tâm Ngũ Quan


Minh Hạnh ghi chép

 TT Giác Đẳng: Hôm nay học Thắng Pháp Abhidhamma, có nhiều cách để đi vào, kỳ này chúng ta học Ngũ Song Thức trước. Nếu theo giáo trình cổ điển thì học về tâm bất thiện trước, dựa theo bản nêu chi pháp của HT Tịnh Sự. 

Dù học theo cách nào, cuối cùng cũng phải đi qua 121 tâm. Đều cùng mục đích đi qua 121 tâm mà chúng ta có thể tóm lượt lại.

 Thí dụ, học 121 tâm, cuối cùng chúng ta phải tóm lượt lại là:

  - 12 tâm bất thiện, 

  -  18 tâm vô nhân.

 Thuộc về 30 tâm dục giới vô tịnh hảo (asobhaṇa cetasika).

 - Kế đến là, 24 tâm dục giới tịnh hảo, trong 24 tâm dục giới tịnh hảo đó gồm có thiện quả và tố. 

 Thì 24 tâm dục giới tịnh hảo với 30 tâm dục giới vô tịnh hảo thành 54 tâm dục giới (Kàmàvacaracitta), 

Học đến đâu chia pháp ra rồi gồm nó lại, chúng ta nắm như vậy mới biết chứ học lan man chỗ này một chút, chỗ kia một chút, học riết thì học suốt cả thời gian dài nhưng chúng ta khó tóm tắt, tóm lượt, nắm bắt được. 

Cho nên, cần phải lưu ý, không những học viên phải lưu ý mà ngay cả giảng sư khi giảng cũng phải lưu ý, cứ giữ  riềng mối học pháp chia pháp như vậy đừng để cho thất lạc qua chỗ khác. 

Hoặc, chúng ta học theo lối chia tâm làm 4 nhóm là, nhóm thiện, nhóm bất thiện, nhóm quả, và nhóm duy tác. 

Nhóm thiện trình bày hết 37 tâm thiện, nhóm tâm bất thiện thì trình bày 12 tâm bất thiện, nhóm quả thì chúng ta trình bày 52 tâm quả, nhóm tâm tố tâm duy tác thì trình bày 20 tâm tố tâm duy tác, trình bày  theo bộ Pháp Tụ (Dhammasangani). Khi giảng ở các trường chúng tôi theo 4 cách đó dễ nhận ra hơn. 

Ở đây, theo giáo trình của TT Giác Đẳng, chúng ta học về 6 thức là, nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Trong ý thức gồm có ý giới và ý thức giới. Học 6 thức rồi, chúng ta cũng phải quầy trở lại để phân định như thế nào là, thức dục giới, thức sắc giới, thức vô sắc giới, thức siêu thế. Chúng ta cũng phải quầy lại để phân định như thế nào gọi là, thức thiện, thức bất thiện, thức quả và thức duy tác, chúng ta phân định được. 

Trong bộ Thanh Tịnh Đạo khi đề cập đến 5 uẩn, nói đến thức uẩn Ngài  Buddhaghosa đã trình bày mạch lạc chi tiết như vậy, và sau này Ngài Anuruddha Ngài dựa theo đó để viết  quyển Abhidhammattha Sangaha. 

Bây giờ, trở về bài học Tâm Ngũ Quan, một danh từ rất thường thức. 

Nếu chúng ta nói 5 thức thì ở bên ngoài họ không biết. Và nếu chúng ta nói ngũ quan thì trong môn triết học người ta biết, người ta nghe từ ngũ quan là, thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác. Và đối với 5 thức là, nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, trong Thắng Pháp Abhidhamma gọi là Ngũ Song Thức, bởi vì 5 thức này có nghĩa chung:

 - Nhãn thức, tâm có chức năng thấy (Dassanakicca).

 - Nhĩ thức, tâm có chức năng nghe cảnh thinh (Savanakicca).

 - Tỉ thức, tâm có chức năng ngửi mùi  (Ghāyanakicca).

 - Thiệt thức, tâm có chức năng nếm vị (Sāyanakicca).

 - Thân thức, tâm có chức năng đụng chạm (Phusanakicca).

 Khi học 14 chức năng hay 14 phận sự (kicca) của tâm, chúng ta nắm vững được thì mới đi vào trong diễn trình tâm thức được, bởi vì tâm có 14 phận sự, 14 việc làm, 14 chức năng, nhưng trong diễn trình tâm thức quan thì chỉ có 10 sở (ṭhāna), chúng ta sẽ học sau.

Bây giờ trở lại vấn đề: 

- Thấy là biết cảnh sắc.

- Nghe là biết cảnh thinh.

- Ngửi là biết cảnh khí.

- Nếm là biết cảnh vị.

- Xúc là biết cảnh xúc chạm. 

Ở đây, nói thêm là bình thường khi chúng ta nói đến ngũ dục hay ngũ trần hoặc năm dục dật hệ (Kāmaguṇa). HT Minh Châu dịch là năm dục công đức, tức là năm cảnh dục làm cho tâm của chúng sanh bị mê luyến.

Khi nói đến năm tâm Kāmaguṇa là, sắc, thinh, hương, vị, xúc. Hương là mùi thơm, chỉ có mùi thơm mới làm cho người ta bị lôi cuốn.

Khi nói đến năm đối tượng giác quan là, đối tượng của mũi hay khứu giác gọi là cảnh khí, bởi vì mùi thơm mùi thối gì mũi cũng ngửi được, cũng bắt được, chứ không phải là chúng ta chỉ bắt được mùi thơm, còn mùi thối thì chúng ta không bắt được.

Có một vài học viên thắc mắc:

Tại sao trong kinh Tạng gọi, sắc, thinh, hương, vị, xúc. 

Nhưng, trong Thắng Pháp Abhidhamma lại gọi, sắc, thinh, khí, vị, xúc.

Thật ra, chữ khí có nghĩa là hơi, là mùi v.v... đừng nhầm lẫn đối tượng của năm giác quan là, sắc, thinh, hương, vị, xúc. Như vậy chúng ta bỏ mùi thối sao được, bởi vì, 

-  Sắc có sắc tốt, sắc xấu,

-  Thinh có tiếng hay, tiếng dở,

 - Mùi thì có mùi thơm, mùi thối gọi là khí, 

-  Vị thì có vị ngon, vị dở,

 - Xúc thì có xúc lạc, xúc khổ.

Tâm giác quan gọi chung cho Ngũ Song Thức.

 Ngũ Song Thức là 10 tâm theo Thắng Pháp, 10 tâm này gồm có 5 cặp: đôi nhãn thức, đôi nhĩ thức, đôi tỉ thức, đôi thiệt thức, đôi thân thức. Sở dĩ có một đôi, một cặp tâm là bởi vì:

- Cặp nhãn thức là, nhãn thức biết cảnh sắc xấu, nhãn thức biết cảnh sắc tốt. 

- Cặp nhĩ thức là, nhĩ thức biết cảnh thinh xấu, nhĩ thức biết cảnh thinh tốt.

- Cặp tỉ thức là, tỉ thức biết cảnh khí xấu, tỉ thức biết cảnh khí tốt.

- Cặp thiệt thức là, thiệt thức biết cảnh vị tốt, thiệt thức biết cảnh vị xấu. 

- Cặp thân thức là,  thân thức biết cảnh xúc tốt, thân thức biết cảnh xúc xấu.

Thật ra, tâm nhãn thức gọi là tâm ngũ song thức là tâm làm việc máy móc, vì chúng là tâm quả nên không có chức năng chủ động trong vấn đề suy nghĩ, để phân biệt tốt xấu, để đưa đến tình trạng thích hay không thích, thương hay ghét, nó không có chức năng đó.

 Sở dĩ cảnh tốt cảnh xấu là bởi vì có 5 thức thuộc về quả bất thiện  (Akusalavipàkacitta), và 5 thức thuộc về quả thiện (Kusalavipàkacitta).  

Nhưng đối với ngũ song thức phải nói là quả thiện vô nhân, quả bất thiện vô nhân, nhưng quả thiện có nhiều, có hữu nhân, có vô nhân, cho nên ở đây khi đề cập đến, nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, quả thiện thì chúng ta mới gọi là quả thiện vô nhân. 

Còn đối với quả bất thiện thì không có hữu nhân, cho nên nói, nhãn thức quả bất thiện, nhĩ thức quả bất thiện, tỉ thức quả bất thiện, thiệt thức quả bất thiện, thân thức quả bất thiện, nói tâm quả bất thiện 7 tâm quả bất thiện là đủ rồi, chứ không cần nói đến vô nhân là thừa, vì quả thiện có nhiều do đó chúng ta mới nói đến 45 tâm quả thiện, chúng ta mới nói đến 7 tâm quả thiện vô nhân, hay là tất cả quả thiện còn lại gọi là quả thiện hữu nhân.

Sở dĩ gọi là, nhãn thức quả bất thiện, nhĩ thức quả bất thiện, tỉ thức quả bất thiện, thiệt thức quả bất thiện, thân thức quả bất thiện, vì nó bắt cảnh xấu.

Còn gọi, nhãn thức quả thiện, nhĩ thức quả thiện, tỉ thức quả thiện, thiệt thức quả thiện, thân thức quả thiện, vì nó bắt cảnh tốt.

Gọi là tốt xấu ở đây là do nơi cảnh đến, do nghiệp quá khứ chi phối. Nhưng ngay trong lúc bắt cảnh xấu thì 5 thức quả bất thiện chỉ ghi nhận một cách máy móc, tức là ghi nhận màu sắc, hình dáng, hay ghi nhận âm thanh, như vậy thôi, còn chuyện phân biệt cảnh hấp dẫn hay không hấp dẫn, cảnh đáng ưa thích hay không đáng ưa thích là do tâm đổng lực (javanacitta)  hay là TT Giác Đẳng gọi là tâm xử lý, thật ra, tâm này có sức mạnh nhất ở trong tất cả tâm, sức mạnh nghĩa là xử lý cảnh cho nên gọi là tâm javana, gọi là đổng tốc hay là đổng lực.

Đối với trường hợp cảnh tốt cảnh xấu là, thí dụ, trong đời quá khứ những người tạo nghiệp bất thiện, tạo nghiệp thân, nghiệp khẩu, nghiệp ý, do tham, sân, si, chi phối, sau khi họ làm chuyện ác, như họ đem lại cho chúng sinh khác một sự khổ đau khi nhìn thấy cảnh điêu tàn, hoặc là gây cho chúng sinh khác sự khổ đau do nghe tiếng chửi mắng, hoặc là gây cho chúng sinh khác sự khổ đau khi làm cho họ phải ngửi mùi thối v.v... Tạo nghiệp bất thiện như vậy, nên ngay trong đời sống hiện tại này người này bị quả sanh ra mắt thấy cảnh sắc không vừa lòng, cảnh sắc xấu, tai nghe tiếng xấu nghe tiếng chửi mắng v.v...

 Ngay cả Đức Phật mặc dầu tâm đổng lực của Ngài khi nghe chúng sanh khác chửi mắng phỉ báng Ngài, tâm của Ngài vẫn xử sự bằng trạng thái, vô tham, vô sân, vô si, do tâm đổng lực (javanacitta)  nhưng ngay cả nhĩ thức cũng là nhĩ thức quả bất thiện. 

Lúc Đề-bà-đạt-đa lăn đá từ trên núi Linh Thứu xuống con đường kinh hành của Ngài, một mảnh đá bể trúng vào chân Ngài, thì Ngài cũng là thân thức thọ khổ, chỉ có điều là đối với các bậc Thánh khi mà, nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức quả bất thiện bắt cảnh nhưng tâm đổng lực của Ngài đổng lực tố vẫn bình thản, Ngài không có sự đau đớn bực bội khó chịu sân giận v.v... khác hơn chúng ta.

 Đức Phật Ngài nói rằng:

- Này các Tỳ Kheo, kẻ phàm phu khi, thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, họ bị hai mũi tên, tức là gặp cảnh xấu tâm thọ ưu là sân, hai mũi tên là: thân thức thọ khổ là một mũi tên, rồi buồn phiền khó chịu sân giận là một mũi tên khác. Đối với bậc Thánh bậc đã giải thoát, Ngài có, thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, và gặp cảnh điêu tàn cảnh xấu, Ngài chỉ bị quả bất thiện ở đời quá khứ thôi, Ngài bị một mũi tên, nhưng hiện tại thì tâm của Ngài vẫn bình thản, tâm tịnh hảo. 

Điều này chúng ta cũng phải lưu ý, cảnh tốt hay cảnh xấu của tâm ngũ song thức chỉ là do quả được sanh ra bởi nghiệp ở trong quá khứ, chứ hiện tại chưa có.

Một vấn đề khác ở trong tâm Ngũ Quan.

Tâm ngũ quan gồm có 5 cặp thức gọi là Ngũ Song Thức thì 4 đôi thức đầu là:

- Đôi nhãn thức, đôi nhĩ thức, đôi tỉ thức, đôi thiệt thức là thọ xả.

-  Nhưng, đôi thân thức thì thân thức quả bất thiện là thọ khổ, thân thức quả thiện là thọ lạc.

Lý do tại sao? Ở đây như đã nói không có ảnh hưởng, không có liên quan đến ý chí của một con người khi bắt cảnh, bởi vì ý chí bắt cảnh chính là tâm đổng lực (javana). Chuyện đó là chuyện khác nữa, còn ở đây sở dĩ, đôi nhãn thức, đôi nhĩ thức, đôi tỉ thức, đôi thiệt thức là thọ xả, tức là cảm thọ vô cảm là bởi vì thần kinh nhãn, thần kinh nhĩ, thần kinh tỉ, thần kinh thiệt là sắc y sinh  (Upādāyarūpa) và cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh khí, cảnh vị, sắc, thinh, khí, vị, cũng là sắc y sinh (Upādāyarūpa), mà sắc y sinh với sắc y sinh đối chiếu với nhau sẽ tạo nên không có khua động, giống như gió thổi qua mặt trống. 

Trong khi đó, đôi thân thức là phát khởi từ sắc thần kinh thân thuộc sắc y sinh (Upādāyarūpa), nhưng cảnh xúc (phoṭṭhabbārammaṇa) thuộc về sắc đại hiển là, Pathavi (Đất), Tejo (Lửa) và Vayo (Gió). 3 sắc ở trong 4 sắc đại hiển đó là cảnh xúc thì, sắc này đại hiển làm đối tượng cho sắc y sinh thần kinh thân. Ngài HT Tịnh Sự ví dụ, như mặt trống gặp dùi trống làm bằng thân gỗ cứng chạm vào thì nó kêu lên âm thanh "thùng, thùng". 

Thì như vậy, tóm lại là:

- Căn sắc y sinh, cảnh sắc y sinh, tạo ra thức thọ xả,

- Và nếu căn là thần kinh thân sắc y sinh, mà cảnh là cảnh xúc là đại hiển thì, tạo nên thân thức, một là thọ khổ, hai là thọ lạc.

Đó là lý do chúng ta phải hiểu ở trong Thắng Pháp Abhidhamma giải thích như thế.

Tiếp đến, trong bài học nói rằng: mặc dù ngũ song thức, mặc dù 10 tâm ngũ quan đóng vai trò tương đối đơn giản trong tiến trình tâm thức nhưng lại là sự ghi nhận năm cảnh sắc, thinh, khí, vị, xúc trong trạng thái uyên nguyên và trung thực nhất nên có ảnh hưởng quan trọng đối với chúng sanh trên cả ba phương diện nghiệp, quả và phiền não.

 Điều này có nghĩa là, trong tiến trình tâm thức, tức là lộ tâm, thì tâm giác quan chỉ sanh có một trong năm giác quan, một tâm ngũ song thức sanh lên có một sở là, một sát na sau tâm khai ngũ môn trước tâm tiếp thu, nó chỉ có một sát na tâm, vai trò của nó chỉ là ghi nhận 5 cảnh, sắc, thinh, khí, vị, xúc, cho trạng thái uyên nguyên và trung thực nhất.

Có nghĩa là lúc đó cảnh đơn thuần là, cảnh sắc chân đế, cảnh thinh chân đế, cảnh khí chân đế, cảnh vị chân đế, cảnh xúc chân đế, nó hoàn toàn chưa có một ý niệm gì đối với cảnh là đáng say mê hay là đáng sân giận. Nhưng, ở giai đoạn này là giai đoạn quyết định phiền não sau này có sanh hay không, tức là khi nhãn thức và cảnh sắc rồi đến giai đoạn tiếp thâu quan sát đoán định rồi tới đổng lực (javana)  tức là những tâm xử lý thì lúc đó thiện hay bất thiện sanh khởi lên ở đây.

 Trong Kinh Tạng nói:

Một vị Tỳ Kheo khi mắt thấy cảnh sắc, không nắm tướng chung, tướng riêng. 

- Do nguyên nhân nào ác bất thiện pháp tham ưu sanh khởi? 

- Do sự thấy, vị Tỳ Kheo ấy thu thúc ngăn ngừa chế ngự các nguyên nhân này, đây gọi là sự thu thúc nhãn căn, thu thúc nhĩ căn, thu thúc tỉ căn, thu thúc thiệt căn, thu thúc ý căn. v..v.. 

Sự thu thúc, trong Thanh Tịnh Đạo giải thích, không phải sự phòng hộ là nhắm mắt lại không thấy, không nghe, không ngửi, không nếm, không đụng, không suy nghĩ, mà sự phòng hộ ở đây chỉ cho trạng thái, bắt đầu từ giai đoạn tâm đổng lực javana xử lý cảnh ở giai đoạn đó, một vị tu tập khéo tác ý như thế nào khi, mắt thấy cảnh sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, tác ý như thế nào đừng để cho tham ái và sân hận sanh khởi, như vậy, gọi là sự thu thúc.

Đó chỉ là nói cho dễ nhớ thu thúc lục căn tức là, nhãn căn, nhĩ căn, tỉ căn, thiệt căn, thân căn, ý căn, nói vậy cho dễ hiểu. Nhưng kỳ thật chúng ta phải thu thúc tâm lộ đổng lực ở trong diễn trình tâm ngũ môn, chúng ta thu thúc ở chỗ đó.

 Trong Thắng Pháp thì phần nào chỉ ngay phần đó, thí dụ như ở trong Kinh Tạng khi nói, do duyên mắt thấy cảnh sắc, nhãn thức sanh khởi, do duyên nhãn thức, mới có nhãn xúc nhãn thọ, do duyên nhãn thọ tức là thọ khổ, thọ lạc, thọ phi khổ, phi lạc sanh khởi, thọ duyên cho ái v.v... thì chúng ta nghe, tại sao trong kinh nói rằng, nhãn xúc làm cho phát sanh lên nhãn thọ, tức là duyên cho nhãn xúc, duyên cho thọ, có thọ khổ, thọ lạc, phi khổ, phi lạc. Trong khi Thắng Pháp Abhidhamma thì nói cảm thọ của nhãn thức, tỉ thức, thiệt thức, chỉ là thọ xả thôi, mà  ở trong Tạng Kinh nói có ba. 

Thật ra, có hai cách, nhãn xúc duyên cho nhãn thọ bằng cách câu sinh duyên thì nó chỉ là thọ xả, tức là xúc tâm sở và thọ tâm sở, hành uẩn xúc và thọ uẩn đồng sanh với nhau trong một sát na, thì như vậy nó chỉ là thọ xả, còn khi nói đến do duyên nhãn xúc phát sanh lên nhãn thọ, gồm có thọ khổ, thọ lạc, phi khổ, phi lạc, tức là ở đây muốn nói đến cách thường cận y duyên  (pakatupanissayapaccaya), và nhận xét cảm thọ ở giai đoạn javana tức là tâm xử lý cảnh. Điều này chúng ta phải hiểu.

 Cho nên việc học Thắng Pháp là để chúng ta phanh phui những manh mối, những chi tiết, giống như chúng ta mở ra một cỗ máy để học hỏi mạch điện chỗ này, con sò ở chỗ kia v.v... Tất cả những vị trí của các mạnh điện dầu lớn dầu nhỏ chi li như thế nào, khi mở máy ra thấy cái ruột bên trong là chúng ta phải ghi nhận. Nhưng khi chúng ta vận hành máy lạnh, máy điều hòa không khí chẳng hạn, thì trong trường hợp đó người ta mua về chỉ cầm cái romote để bấm khởi động và tăng độ C ở trên màn hình của cái remote đó là chúng ta có không khí lạnh thôi, chứ đâu cần biết trong đó cấu tạo mạch điện như thế nào. Thì cũng vậy, khi học Kinh Tạng chúng ta không cần biết, miễn làm sao biết được là do mắt theo cảnh sắc nên chúng sanh có sự vui sự khổ, hay là có tâm xả, tâm bình thản khi nghe, khi ngửi, khi nếm, khi đụng cũng vậy. Chúng ta nói cách khái quát như thế.

Nhưng, qua đến Thắng Pháp thì mới phân tích chi li, phân tách chặc chẽ ngay trong nội bộ của sát na tâm,  nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thì thọ tương ưng với tâm này phải là thọ xả thôi, và về sau này chính cảnh sắc đó làm duyên cho tâm đổng lực bằng cách cảnh duyên, và nhãn thức đó làm duyên cho tâm kế tiếp bằng cách vô gián duyên, và sự thấy này làm duyên cho tâm đổng lực, khổ lạc, phi khổ, phi lạc, bằng cách là thường cận y duyên, phân tách ra như thế, thì đó là vấn đề chúng ta phải hiểu tại sao chúng ta học Thắng Pháp Abhidhamma là như vậy.

Trong Thắng Pháp Abhidhamma, khi nói đến tâm ngũ quan thì nó quá nhẹ thể, quá đơn giản, quá muội lượt. Nhưng, khi nói tâm ngũ quan xuyên qua Tạng Kinh thì có vấn đề rất nặng nề, bởi vì nếu không thì làm sao Đức Phật Ngài gọi là thu thúc lục căn (Indriyasaṃvara). Cho nên khi Ngài trình bày phải hiểu như vậy, đừng có chán mà chúng ta cần phải lắng nghe và suy nghĩ để học kỹ lưỡng hơn, để biết được tâm ngũ quan đó chi phối đời sống như thế nào. 

Nhưng, thực ra ở trong Thắng Pháp cũng có nói đến vấn đề thường thức tại vì chúng ta học chưa tới, ở đây chỉ mới nói đến sơ khởi là cảnh sắc tác động đến con mắt làm cho nhãn thức sanh khởi, nhãn thức đó thuộc thọ xả. Cũng vậy, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, chúng ta nghe trình bày đơn giản như vậy thôi, chúng ta phải hiểu là nó rất rườm rà sâu sắc chứ không phải chỉ đơn giản, khi chúng ta bắt đầu học qua duyên hệ thì mới thấy sự liên đới giữa ngũ giác quan đó đối với tâm đổng lực, không phải chuyện đơn giản. 

Cũng giống như trong ngành y khoa, khi nói đến tai hay mắt, đến thị giác thính giác của chúng ta không phải đơn thuần hễ mở mắt ra nhìn là chúng ta phân biệt được. Hay là tai của chúng ta còn màn nhĩ, âm thanh tác động vô màn nhĩ là chúng ta nghe được đâu, không phải, nó cũng phải truyền qua hệ thần kinh tác động vô màn nhĩ rồi truyền qua hệ thần kinh đó lên não của chúng ta rồi nó mới trả về để mà nó nhận biết âm thanh. Khoa học đã chỉ dẫn cho biết cái nào cũng phải do hệ thần kinh tác động. Tại sao mỗi khi chân chúng ta đá vào cục đá đau điếng, ở phía dưới chân nó không biết có đau nhưng ở trên đầu có thần kinh hệ truyền cảm thọ lên thần kinh trung ương sau khi nó bắt được tín hiệu thì bắt đầu nó sẽ gây ra sự phản ứng lúc đó mình mới đau. Ngày xưa người ta có câu nói "đau chân thì há miệng", thật sự mình đi sơ ý đá phải vật gì, thì miệng kêu "ui da", cái chân không kêu ui da nhưng do liên hệ đến thần kinh như thế nào, thì nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, bắt cảnh sắc, cảnh thinh, nhưng, chuyện mình bực bội, tức tối, với lời chửi mắng của người khác là do nó qua tâm đổng lực xử lý. Đây là những vấn đề chúng ta cần phải hiểu.

Hôm nay chúng tôi chỉ trình bày những điểm sơ khởi về tâm ngũ quan tức là ngũ song thức như vậy./.

 

Tuesday, September 1, 2020

Thắng Pháp Abhidhamma - Bài 10. Tâm (Citta)

Thắng Pháp Abhidhamma

Tâm (Citta)


Minh Hạnh chuyển biên

 TT Giác Đẳng: Hôm nay chúng ta đi vào bài học thứ nhất liên quan đến tâm, có thể nói đây là phần quan trọng, chiếm phần nhiều liên quan đến môn học Thắng Pháp Abhidhamma.

Đầu tiên, tâm được định nghĩa trong Phật học đó là, sự biết cảnh, hay là năng tri, hoặc giả là tri giác, là biết cảnh. 

Thí dụ, qúi vị để cục đá vào trong một bình có hoa cắm, cục đá thì dầu là có hoa hay không có hoa, nó không biết sự hiện hữu của hoa và, hoa đẹp, hoa xấu, nó cũng không biết, lớn nhỏ cũng không biết. 

Nhưng, tâm của chúng ta khi nhìn thấy hoa, chúng ta cảm nhận đó là hoa, cảm nhận đó là hoa hồng, hoa hướng dương, đó là đẹp, là xấu, có những cảm thọ. 

Thì căn bản, tâm là tri giác.

Bây giờ, điều khó hiểu nhất ở trong cuộc sống chúng ta là đề cập đến hai loại tâm là, tâm chủ quan và tâm khách quan.

Thật ra, từ ngữ chủ quan và khách quan chúng tôi rất ngại dùng, bởi vì chữ chủ quan và khách quan ngày hôm nay đôi khi người ta hiểu là trung thực và không trung thực, như cái nhìn chủ quan  và cái nhìn khách quan chẳng hạn.

Chúng tôi tạm gọi tâm chủ quan là tiềm thức. Khi chúng ta nói tâm là biết cảnh, thì cái biết nằm ở trong rất nhiều trường hợp. Ví dụ, khi mình ngủ, khi mình bất tỉnh, ở trong Anh ngữ và trong sự hiểu bình thường gọi là "chúng ta không biết gì hết". Nhưng thật ra, trong giấc ngủ, trong lúc chúng ta đang ngủ miên man, ngay cả trong lúc chúng ta bất tỉnh thì giòng tâm thức vẫn tiếp tục. 

Giòng tâm thức tiếp tục đó rất khó hiểu, tại vì nó là một thứ tâm tiềm tàng, nhưng lại có khả năng để duy trì cuộc sống, chúng ta gọi là trì nghiệp, trong kinh tạng gọi là bhavanga là hữu phần.

- bhava là hữu.

- nga là tri phần

  Ngài HT Minh Châu dịch ra chữ Hán, thật ra không phải chữ do Ngài dịch, là do chữ ở trong các nhà dịch thuật trước gọi là "hữu phần" tức là những thành phần duy trì kiếp sống, chữ hữu ở đây là hiện hữu, hay là sanh hữu, là bhava để chỉ cho cuộc sống của chúng ta. 

Ngài Tịnh Sự dịch rõ hơn, Ngài dịch là "tâm hộ kiếp", là tâm gìn giữ kiếp sống, chữ hộ kiếp này chúng ta nói theo trì nghiệp.

Tâm hộ kiếp hay tâm tiềm thức là một tâm tiếp nối theo tâm tái sanh gọi là kiết sanh thức, tâm khởi đầu kiếp sống và, tâm kiết sanh thức bằng tâm nào thì tâm hộ kiếp bằng tâm đó, tâm này tồn tại xuyên suốt qua đời sống của mình. 

Thí dụ, ở trong quá khứ chúng ta có làm một việc bố thí, khi chúng ta bố thí làm bằng tâm thiện thọ hỉ, hợp trí, vô trợ, thì tâm quả của tâm thiện đó mang tố chất giống y hệt như tâm thiện, chúng tôi nói trường hợp tâm thiện (chúng tôi không nói tâm bất thiện, tâm quả bất thiện chúng ta nói sau, cũng là một chuyện thú vị khác). Thì tâm quả đó nếu đủ điều kiện dẫn chúng ta đi tái sanh thì tâm quả đó khởi đầu kiếp sống là tâm tục sanh. Tức là một người sanh ra với tâm quả tịnh hảo dục giới thì tâm quả này cũng có những tố chất giống như tâm thiện tức là, thọ hỉ, hợp trí, vô trợ, và tâm tục sinh đó mang trạng thái như thế nào thì sau sát na đầu tiên những sát na tiếp theo người ta gọi là "bhavanga" là "hộ kiếp" hay "tiềm thức". Và sát na cuối cùng của kiếp sống cũng giống y hệt như vậy, chỉ khác là tâm tục sinh là tâm bắt đầu, tâm hộ kiếp và tiềm thức nằm ở giữa, đến tâm tử sau cùng. 

Cái đầu, cái sau cùng là, hai tâm khác nhau.

1. một cái là tâm tử, 

2. một cái là tâm tục sinh.

3. cái giữa là tâm hộ kiếp.

Nhưng ba thứ đều là một trạng thái. 

Tâm này, Ngài Tịnh Sự và Sư Trưởng gọi là tâm chủ quan, bởi vì nó luôn luôn mang một trạng thái trong đời sống, tuy là tiềm tàng nhưng nó chứa đựng những tố chất ảnh hưởng chúng ta. 

Thí dụ:

- Một người có tiềm thức tâm thọ hỉ thì đời sống hàng ngày của họ sống với tâm vui vẻ do ảnh hưởng vui vẻ. 

(ảnh hưởng này thì chúng ta tạm để sau ở đoạn cuối của giáo trình sẽ nói về ảnh hưởng của tâm tiềm thức này và hàng ngày). Đồng thời khi chúng ta nói về tâm này thì ví dụ như là:

- Một người sanh bằng tâm vô trợ, vô trợ tức là không cần tác động, người này tánh tình mau mắn nhặm lẹ.

- Còn người sanh bằng tâm hữu trợ thì cái gì cũng trù trừ. 

- Hoặc người sanh bằng tâm hợp trí, tiềm thức có tố chất là hợp trí thì đời sống hàng ngày tương đối thông minh.

- Còn người sanh không có tâm hợp trí thì chậm hiểu, chẳng những vậy mà không chứng thiền, không chứng thần thông, không tiến tu cao hơn được nữa. 

Tâm tiềm thức

Thì như vậy, ở tại đây, chúng ta nói đến một trạng thái tâm gọi là tiềm thức. Thật ra, trong nhiều giáo trình dạy thì đa phần ít bao giờ ai đề cập đến tiềm thức là tâm đầu tiên và, khi được đề cập đến thì được đề cập trong một đoạn rất ngắn. Nhưng kỳ thật, tiềm thức này là một cái gì hết sức quan trọng. 

Hồi nãy, chúng tôi nói, tâm là biết cảnh. Nhưng tiềm thức thì biết cảnh gì? và cái biết cảnh đó ra sao? Thì ở đây, bởi vì tiềm thức là một thứ tâm tồn tại  trong nhiều sát na liên tục, do đó mang tánh khó ghi nhận. 

Sư Trưởng ngày xưa có thí dụ, qúi vị vào trong một ngôi chùa Miến Điện có hàng ngàn vị Sư, vị nào cũng mặc y một màu giống nhau, là người lạ mới đến đôi khi qúi vị gặp vị này vị kia không phân biệt được, tại sao không phân biệt được, tại quá nhiều vị giống nhau. Thì chúng ta muốn nói tâm sanh diệt hàng triệu triệu sát na có cùng một trạng thái tương đồng, do vậy chúng ta không có phân biệt rõ như là những tâm hoạt thức. Tâm tiềm thức mang tánh cách tiềm ẩn. 

Tâm hoạt thức.

Tâm hoạt thức ở đây Sư Trưởng và Ngài Tịnh Sự gọi là tâm khách quan, tâm xuất hiện khi có cảnh mới, 

Chúng tôi lấy một ví dụ, khi mình điều hành một công ty, khi có khách đến thì có những bộ phận làm việc để tiếp đón khách, để mua, để bán v.v... Nhưng bình thường khi không có khách đến, không có nghĩa là tất cả mọi thứ đều đứng yên, nó vẫn hoạt động, nhưng hoạt động trong tánh cách bình lặng, sự hoạt động đó đôi khi chúng ta không nhận ra nhưng có, không phải không có. 

Thì những tâm hoạt thức ở đây, chúng tôi muốn nói khi có cảnh đến ví dụ, sắc, khinh, khí, vị, xúc, pháp, cảnh khác với cảnh của tiềm thức thì bắt đầu nó chấm dứt giai đoạn của tiềm thức để có những hoạt thức xen vào.

Trong Thắng Pháp không có một chữ nào, không có một từ vựng nào, để chỉ cho những hoạt thức đó, chúng ta chỉ nói chung là có những tâm như là, tâm ngũ song thức, khán ngũ môn, tâm tiếp-thâu hay là tâm đổng lực v.v... những tâm đó, các vị có đề cập đến, nhưng gom lại một nhóm thì không có một từ vựng nào chỉ chữ tương đương mà chúng ta gọi là hoạt thức.

Chữ hoạt thức ở đây, chúng tôi dùng chữ "hoạt" giống như "hoạt động" hay là ở trong từ vựng Phật học Trung Hoa có chữ "hoạt Phật" dùng để gọi "Phật sống", ý nghĩa là thay vì chúng ta thấy Phật qua hình tượng, qua truyền thuyết, qua kinh điển, bây giờ chúng ta thấy có một vị Phật sống ở bên ngoài tiếp xúc trực tiếp thì gọi là "hoạt Phật". Chữ "hoạt thức" ở đây là một từ không có trong Thắng Pháp Tạng, trước kia HT Tịnh Sự cũng như Sư Trưởng dùng hai chữ là "tâm chủ quan" và "tâm khách quan".

Chúng tôi không tìm được chữ nào khác tốt hơn cho đến giờ này để chúng ta thay thế chữ "chủ quan" và "khách quan".

Chúng tôi đành phải dùng chữ "tiềm thức" và "hoạt thức" để qúi vị tạm hiểu về tâm. 

Tâm chủ quan trong giáo trình này là tâm tiềm thức.

Tâm khách quan trong giáo trình này là tâm hoạt thức.

Chúng tôi dùng chữ tiềm thức và hoạt thức bởi vì chúng ta đang nói đến sự biết cảnh và, sự biết cảnh này tương đối rất tế nhị, rất khó hiểu. Như hồi nãy chúng tôi đề cập đến sự tồn tại của một công ty là sự tồn tại của liên tục, khi khách hàng đến, có những bộ phận ở trong công ty ra làm việc với khách hàng, khi không có khách hàng, không có nghĩa là công ty đó không tồn tại, nó vẫn tồn tại. Đây là một điểm tương đối tế nhị, chúng ta nên hiểu về điểm này.

Đối với cá nhân chúng tôi sau nhiều năm học cũng như đi dạy Abhidhamma chúng tôi nghĩ rằng: 

- Điều khó nhất để một người hiểu được về, tâm hộ kiếp, vai trò của tâm hộ kiếp, chức năng của tâm hộ kiếp, ảnh hưởng đến tâm hộ kiếp, trong đời sống. 

Chữ Phạn bhavanga được dịch là: 

-  "Hộ kiếp" do Ngài HT Tịnh Sự dịch

-  "Tiềm thức" hay là "hữu phần" do HT Minh Châu dịch.

-  "Hoạt thức" được dịch để dùng trong giáo trình này

Thì tâm bhavanga, tâm hộ kiếp, tâm tiềm thức, tâm hữu phần, hay tâm hoạt thức  cùng một thứ tâm, nhưng do người dịch đặt tên khác nhau.

Phân loại tâm

Bây giờ, sau khi nói về hai thứ tâm là tiềm thức và hoạt thức, chúng ta gặp một khó khăn khác lớn đó là, cách phân loại tâm.

Bình thường, khi học về ba cõi là, dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Ở trong cách phân loại tâm cũng có phân biệt, tâm dục giới, tâm sắc giới, tâm vô sắc giới, tâm siêu thế. Nhưng có vấn đề ở tại đây là chữ dục giới, sắc giới, vô sắc giới này không hẳn là nói về tâm sanh trong cõi đó.

Một vị Phạm Thiên sắc giới vẫn sài những tâm dục giới, và những tâm dục giới hiện khởi trong cả 31 cõi hữu tâm. Có một cõi vô tưởng không có tâm. 

 Chữ dục giới, đôi khi định nghĩa là cái gì liên quan đến 5 dục, sắc, khinh, khí, vị, xúc, thì nó cũng không hẳn là như vậy. Ở đây có vấn đề. Trong những thứ tâm khó định nghĩa đó là tâm dục giới. Ở trong trường hợp này sài như thế nào, chúng tôi lấy một ví dụ, có một số người học thường hiểu lầm tâm dục giới là chỉ cho người dục giới, tâm sắc giới chỉ cho người sắc giới, tâm vô sắc giới chỉ cho người vô sắc giới, không phải như vậy, tâm là không thuộc về cõi như vậy, nếu chúng ta học thì tâm sắc giới, tâm vô sắc giới, vẫn có ở trong cõi dục giới, và ở trong cõi sắc giới thì vẫn có những tâm dục giới. Nên đừng hiểu là cõi đó mà phân biệt.

Khi chúng ta đi sâu vào những tâm này thì chúng ta sẽ thấy thêm chỗ tế nhị của Abhidhamma. 

Nói về những hoạt thức.

Đặc biệt, có những tâm làm việc tánh cách cơ năng. Cơ năng là về máy móc. Máy móc ở tại đây, ý chúng ta muốn nói nó chỉ đơn thuần là một cơ phận. 

Tiếng VN có thành ngữ: "hai bên đánh nhau thì không giết xứ giả." Bởi vì xứ giả là người có phận sự đưa tin chớ không phải là người đứng ra chịu trách nhiệm cho vui buồn, nộ khí v.v... Dĩ nhiên, có trường hợp xứ giả bị giết.  Nhưng, xứ giả ở đây làm việc do cơ năng là phần hành thôi. Như hồi nãy chúng tôi nói người gác cổng hay người tiếp tân, thì phận sự người gác cổng là ai đến trình diện giấy thấy hợp lý cho vào, người tiếp tân họ có phận sự thông báo. Ví dụ, vào chùa gặp mình muốn ai thì hỏi vị tri khách, không nên hiểu những vị đó làm công việc đó có nghĩa là mang tánh cách quyết định quan trọng, mà chỉ làm việc một cách máy móc. Thì những tâm làm việc cơ năng này trở lên rất quan trọng, bài học tới chúng ta sẽ học.

Ngài HT Tịnh Sự Ngài thiết kế Biểu đồ chư pháp, Ngài thiết kế theo bộ Thắng Pháp Tập Yếu Luận, do vậy thay vì nói những tâm cơ năng (tâm vô nhân) trước, thì Ngài đặt để tâm bất thiện trước rồi mới tới tâm vô nhân. 

Chúng tôi thỉnh thoảng cũng sẽ dùng chữ vô nhân. Nhưng, trong tiếng Việt thường thức ngoài đời, chúng ta nói một người vô nhân, hay một tâm vô nhân, thì nghe chữ vô nhân có nghĩa là người ta gọi là vô nhân đạo, vô nhân tức là vô luân, vô nhân tức là thiếu nhân đức, thiếu nhân từ chẳng hạn, do đó chúng tôi tạm dùng từ tâm cơ năng, cơ năng tức là máy móc, tâm làm việc máy móc.

Chữ cơ năng không có trong Thắng Pháp, giống như tiềm thức và hoạt thức. Chúng tôi cố gắng dùng những khái niệm thường thức ở ngoài đời để qúi vị tạm hiểu. 

Những vị nào có học quyển Siêu Lý Học của Pháp Sư Giác Chánh (Sư Trưởng) thì Sư Trưởng sắp xếp mở đầu là, tâm nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức rồi mới tới ý thức. Đây là cách chúng tôi xử dụng trong giáo trình này, thay vì vô đầu là tâm bất thiện thì chúng ta vô đầu là nhãn thức, nhĩ thức , tỉ thức, thiệt thức, thân thức rồi ý thức. Cách này cũng là một cách được môn Luận Tạng bên Phật Giáo Bắc Truyền xử dụng, nhất là A Tỳ Đàm Câu Xá, hay Duy Thức học, cũng bắc đầu sắp xếp theo 6 thức là, nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức,thiệt thức, thân thức, ý thức, chứ không có bắt đầu bằng tâm bất thiện. 

Biểu đồ Ngài Tịnh Sự vẽ thì Ngài vẽ tâm bất thiện trước rồi mới tâm vô nhân, tâm dục giới tịnh hảo, rồi tâm sắc giới, tâm vô sắc giới, tâm siêu thế. Và biểu đồ này Ngài vẽ dựa trên bố cục của Thắng Pháp Tập Yếu Luận của Ngài Anuruddha. Nhưng đó không phải cách trình bày duy nhất, có nhiều cách trình bày, như trong quyển Siêu Lý học của Sư Trưởng, đầu tiên Sư Trưởng cũng xử dụng những tâm cơ năng trước như, tâm nhãn thức, tâm nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức v.v... đó là điều chúng ta phải để ý.

Chúng tôi biết, đôi khi qúi vị sẽ có những xáo trộn trong việc học, chúng tôi thưa rằng, trong một buổi học đôi khi chúng tôi sài những danh từ quá xa lạ  qúi vị sẽ không hiểu được. 

Lý do chúng tôi phải xử dụng từ vựng này và phải nói tới nói lui tại vì trong nhiều môn học, chúng tôi để ý thấy một buổi học mà Chư Tăng sài cả chục từ vựng hoàn toàn Thắng Pháp quá chuyên môn qúi Phật tử không nghe kịp, nhất là thời gian ban đầu hay những người không có theo dõi thường xuyên  được.

Nên chi, sự phân loại, chúng tôi sẽ bắt đầu bằng những tâm có tánh cách cơ năng trước như là, ngũ song thức, nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức rồi những tâm như, tiếp thu, quan sát, khán ngũ môn, khán ý môn v.v... Sau đó chúng ta mới đi vào các tâm bất thiện và tâm thiện, đó là trình tự chúng tôi sẽ đề cập trong bài học này.

Ngoài tâm làm việc cơ năng, có một loại tâm chiếm phần lớn những tâm, đó là tâm xử lý cảnh. Ngài Tịnh Sự dịch là tâm đổng tốc.Chữ "đổng" ở đây Ngài mượn chữ "đổng lý" như đổng lý văn phòng là người xử lý công việc. Chữ tốc là javana chỉ cho sự nhanh lẹ, tại vì ở trong khoảnh khắc tâm sanh diệt 7 sát na.

Trong Thắng Pháp, tâm xử lý không phải là quả của quá khứ. 

Thí dụ, phản ứng tham, sân, si, phản ứng về hiền thiện, phản ứng cao thượng của chúng ta trong đời sống, những phản ứng đó không do quá khứ, nó không phải là tâm quả, mà nó là cái gì trong hiện tại này, đó là sự quyết định của chúng ta, gọi là ý chí. Ý chí là cái gì quyết định hiện tại. 

Ý chí trái lại với tiền định. Tiền định là cái gì an bày, ý chí là không có sự an bày. Nhưng tâm xử lý này lại chịu ảnh hưởng bởi quá khứ gọi là thói quen. 

Thói quen là thường cận y duyên, thí dụ, như có ai khen mình đỏ mặt tại vì mình không có thói quen nghe người ta khen, nhưng qua bên Mỹ, một phụ nữ ra ngoài đường người khác khen "cô đẹp quá", mình không nghĩ đó là điều xấu và cũng không đỏ mặt, chỉ trả lời cám ơn, đó cũng là thói quen. Những tâm xử lý cảnh này chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi thói quen, nhưng không phải là quả của quá khứ, tại vì nếu là quả quá khứ thì, là thiện, là ác, mình đổ cho nghiệp quá khứ,.

Những thiện ác trong Thắng Pháp khẳng định rõ, chúng ta nói qua tâm xử lý nó là một quyết định trong hiện tại, nó có thể chịu ảnh hưởng bởi thói quen, nhưng không phải là thứ tâm quả và, tâm này chiếm phần lớn, chúng ta đặc biệt phải rất lưu ý về điểm này. 

Khi nói tâm là biết cảnh, chúng tôi muốn qúi vị làm quen với hai khái niệm đầu tiên là tâm thuộc về tiềm thức và tâm thuộc về hoạt thức. Tiềm thức là cái gì đó ẩn tàng, tiềm tàng trong đời sống của chúng ta. Nó cũng là một thứ tâm biết cảnh, nó rất là tiềm tàng, do đó chúng ta không nhận rõ. 

Chúng ta chỉ biết, một người tiềm thức ảnh hưởng là người đó thông minh hay không thông minh, vui vẻ hay tâm điềm đạm, hoặc giả tâm nhậm lẹ hay chậm lụt, mấy điều đó chúng ta biết nhưng ngoài ra chúng ta không biết nhiều về tiềm thức bằng cách quan sát nó.

Tất cả tâm khác, ngoài tiềm thức tạm gọi là tâm hoạt thức.

Chúng tôi nhắc qúi vị, trong A Tỳ Đàm không dùng chữ hoạt thức, xưa nay khi dạy A Tỳ Đàm, Ngài Tịnh Sự và Sư Trưởng dùng chữ chủ quan và khách quan.

- Chủ quan chỉ cho tiềm thức.

- Khách quan chỉ cho hoạt thức.

 Chúng tôi nghĩ rằng hai chữ đó có rất nhiều hiểu lầm nên không xử dụng, và khi chúng ta đề cập đến hoạt thức thì chúng ta phải biết có hai thứ trong Thắng Pháp cũng không đề cập nhiều về chữ này là tâm cơ năng và tâm xử lý, có đề cập đến những tâm làm việc máy móc nhưng không có nhóm nào gọi là cơ năng.  Chữ cơ năng là làm việc máy móc không có.

Ở đây, từ ngữ chúng tôi dùng để qúi vị hiểu, tâm làm việc máy móc như làm việc xử lý, ý chúng tôi nói tương tự như trong một công ty có những chức năng, những chức năng đó vô thưởng ,vô phạt, ví dụ, như người gác cổng, hay người đưa khách vào, hay người tiếp tân v.v... thì những người đó làm việc bằng chức năng máy móc. Để quyết định một sự việc nào đó, thí dụ, qúi vị tụng Starbucks về chuyện kỳ thị chủng tộc, người quyết định để phán đoán là thái độ kỳ thị hay không kỳ thị, là người CEO của công ty Starbucks, chứ không phải những nhân viên làm việc bên ngoài.

 Cách phân loại tâm và giản dị nhất mà dễ hiểu là phân loại theo sáu thức đó là, nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, nghe rất suông nhưng kỳ thật không giúp ích gì nhiều, tại vì trong Thắng Pháp, 5 thức đầu từ nhãn thức cho đến thân thức thì rất đơn giản, nhưng qua ý thức thì nó cồng kềnh, có thể nó quá cồng kềnh.

Do vậy, chúng ta phân cách khác là, phân tâm theo làm việc theo cơ năng và đồng thời, tâm bất thiện, tâm tịnh hảo dục giới, tâm sắc giới, tâm vô sắc giới, tâm siêu thế, như vậy đối với chúng tôi dễ phân hơn, dễ học hơn, dần dà rồi qúi Phật tử cũng sẽ thấy. Chúng tôi muốn qúi vị tập quen với biểu đồ, bởi vì cũng biểu đồ đó chúng ta sẽ xử dụng cho hơn 300 bài học trong giáo trình này, một biểu đồ thôi, khi qúi vị nhìn vào biểu đồ thường xuyên sẽ hiểu. Ngày hôm nay có 4 biểu đồ trong bài học, ở trong đó có 3 biểu đồ về sự phân loại của tâm, qúi vị sẽ thấy được đây là một trong những điểm chúng ta phải làm quen.

Ngữ và nghĩa

 Trong bài học hôm nay, Abhidhamma có rất nhiều chữ để chỉ cho tâm. Ví dụ, chúng ta thường nói đến, tâm, ý, thức. 

Trong tiếng Phạn có nhiều, riêng chữ citta, như chữ cetasika là thuộc tánh tâm  và nhiều thứ, nhưng 3 từ vựng phổ thông nhất chúng ta thường nghe đó là, tâm, ý, thức.

Căn bản, tâm, ý, thức, giống nhau, nhưng có những trường hợp khi nói đến năm uẩn không dùng chữ ý uẩn hay tâm uẩn mà dùng chữ thức uẩn.

Có những trường hợp chữ tâm bao gồm: thọ, tưởng, hành, thức, tức là thức là một bộ phận nhỏ của tâm, và thức nhiều khi đồng nghĩa với tâm, đây là điều rắc rối trong Thắng Pháp.

Thí dụ, chúng ta nói tâm ý thức, tâm ý thức 3 chữ thay vì nói, tâm nhãn thức, tâm nhĩ thức, chúng ta nói tâm ý thức, thì qúi vị thấy 3 từ đó nằm chung một cụm từ nhưng nghĩa hoàn toàn khác. 

Về từ vựng tùy theo ngữ cảnh. Ngữ cảnh này người học đi sâu vào mới có thể nhận ra được. Chúng tôi lấy một ví dụ, mình làm việc trong một tổ chức thì người ta có phân ra nhiều thành phần gọi là, hội viên danh dự, hội viên bảo trợ, hội viên chính thức. Họ phân biệt theo tuổi là hội viên thuộc về cao niên, hay những hội viên bình thường, hay hoặc giả người ta có phân hội viên làm việc trong hội đồng quản trị và hội viên bình thường. Cũng một người đó phân ra nhiều cách khác nhau. Thì chuyện phân chia tâm cũng tương tự như vậy.

Riêng về tâm và ý thức những từ vựng đó rất dễ bị nhầm lẫn ví dụ như Đức Phật Ngài nói rằng: 

 "ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo tác.

Manopubba'ngamaa dhammaa manose.t.thaa manomayaa."

Thì "Ý" trong câu Phật ngôn này nên hiểu là "Tâm".

Có những trường hợp năm uẩn thì có bốn danh uẩn là, thọ, tưởng, hành, thức, thì khi nói đến một tâm bao gồm, thọ, tưởng, hành, thức, thì thức nằm ở trong tâm đó.

Chúng tôi nói đại khái qúi vị không cần nhớ nhiều về điểm này. 

Có một từ vựng nên làm quen là, chữ tâm vương và tâm sở.

- Tâm sở là, những thuộc tánh của tâm. 

- Tâm vương thuộc về tâm. 

Từ tâm vương, tâm sở, được ví dụ giống như một triều đình ở trong đó vua là chính và các quan các quần thần cộng lại gọi là một triều đình, tuy nhiên, chúng tôi không dịch chữ này.

Sư Trưởng có đưa ra một ý kiến là mình dùng chữ, tâm vương, tâm sở, nếu mình biết chữ Hán thì biết tâm sở là một phần thuộc tánh của tâm. 

Nhưng người không biết tưởng đâu tâm vương là một thứ tâm, tâm sở là một thứ tâm. Thành ra không dùng chữ, tâm vương, tâm sở.

Ở đây, chữ cetasika là thuộc tánh, trong tiếng Anh gọi là attribute. 

Thì thuộc tánh là, một tâm có thể có nhiều thuộc tánh, những thuộc tánh tạo nên những trạng thái đặc biệt của tâm là biết cảnh. Nhưng, tâm nào cũng có những thuộc tánh biến hành, có những tâm có những thuộc tánh bất thiện đó là tâm bất thiện, có những tâm đi với thuộc tánh thiện thì là tâm thiện. Chúng ta nên hiểu như vậy, 

Ví dụ, chúng tôi làm trụ trì một ngôi chùa, nhưng sự hoạt động không phải một mình chúng tôi làm trụ trì  mà ngôi chùa hoạt động được, mà phải cùng với những người Phật tử, những người cộng sự viên, và chính những người cộng sự viên này tạo nên một đặc tính cố hữu.

Nhưng, trong Thắng Pháp Abhidhamma, tâm và thuộc tánh cùng tồn tại chung trong một sát na tâm nó, đồng sanh, đồng diệt, đồng nương một căn, và đồng biết một cảnh, không sanh trước, không sanh sau. Do đó không nói ai làm chủ, ai làm tớ, không nói ai làm vua, ai làm quan. 

Cũng như chúng ta nói như vầy là, bây giờ ở trong tâm bất thiện, tâm tham thì thuộc tánh về tham là thuộc tánh được nhấn mạnh trội. Tâm sân thì thuộc tánh về sân, sân nổi trội, trong tâm tham hay tâm sân đó tâm sanh trước và những thuộc tánh sanh sau, hay tâm điều khiển tâm kia, không phải như vậy, mà nó đồng sanh, đồng diệt, đồng nương một căn, đồng biết một cảnh.

 Trong Thắng Pháp Abhidhamma dịch, chữ tâm vương, tâm sở, không được tốt, và cũng do vậy HT Tịnh Sự Ngài không dịch là tâm sở mà Ngài dịch là sở hữu tâm, sở hữu tức là cái gì nó thuộc về tâm, chúng tôi thấy chữ sở hữu tâm Ngài có một ý đó, nhưng mà rồi về sau này thì chữ sở hữu tâm người ta lại hiểu khác cho người ngoài đời.

Do đó chúng tôi đặc biệt ở trong giáo trình này không dùng chữ sở hữu tâm hay là tâm sở mà chúng tôi dịch là thuộc tánh của tâm, thuộc tánh đây là attribute.

 Khái niệm quen thuộc

 Khái niệm quen thuộc của bài học hôm nay là sự khác biệt giữa có tâm và không tâm.

Trong thời kỳ điện thoại bình thường trước đây chúng ta sài, mình bấm số nào nó chạy số đó. Nhưng sau này có điện thoại thông minh, tại sao gọi là điện thoại thông minh? Tại vì nó có cảm biến, chẳng những nó cảm biến được mà nó xử lý nhanh hơn tốt hơn. Và ngày nay người ta gọi trí thông minh nhân tạo (Artificial intelligence). Nhưng cái biết của cảm biến đó không có thể so sánh được với tâm, tại vì cái biết của cảm biến là cái biết đã được định chế trước, đã được lập trình trước và, cái biết đó chỉ đơn thuần là cái biết, chứ nó không có cảm thọ vui buồn.

Như chúng ta nói trong một tâm có, thọ, tưởng, hành, thức:

- Thọ là cảm thụ, 

- Tưởng là kinh nghiệm quá khứ, nhận thức hiện tại do kinh nghiệm quá khứ.

- Hành là quyết đoán hay là ý chí.- 

- Thức là sự diễn biến của các giác quan

 Sau này chúng ta sẽ nói tại sao một tâm có nhiều thuộc tánh đi chung với nhau như vậy trong cái gọi là danh uẩn, khi nói danh uẩn đối lập với sắc uẩn, những danh uẩn này gồm có, thọ, tưởng, hành, thức.

Tóm lượt:

Trong bài học ngày hôm nay chúng tôi muốn nhắc đến một điều là:

- Hỏi tâm là gì?

- Thì tâm là biết cảnh, hay là năng tri, hoặc là tri giác. Chữ năng tri cũng được dùng tương đối nhiều, nhưng chữ chúng ta thường biết ở ngoài đời là, tri giác. 

Tuy nhiên, không nên hiểu, trong lúc chúng ta nằm ngủ hay bất tỉnh mà chúng ta không có tâm, không phải như vậy, chúng ta vẫn có tâm nhưng tâm đó không được chúng ta nhận biết.

Chúng tôi lấy một ví dụ, trong một công ty khi chưa có khách hàng, công ty đó vẫn tồn tại, vẫn có việc làm, nhưng vì việc làm đó có tánh cách không nổi trội như khi khách đến đôi khi chúng ta cảm thấy không ai làm gì hết, nhưng thật sự có làm việc, nó có tồn tại và có hoạt động. 

Ở đây, chúng ta lại làm quen với hai khái niệm là tiềm thức và hoạt thức. 

Khi nói hoạt thức chúng ta phải phân ra làm hai thứ là, một tâm làm việc tánh cách cơ năng, còn một tâm làm việc có tánh cách xử lý.

 Và cơ năng là cách máy móc mang tánh cách vô thưởng vô phạt, nó chỉ làm việc theo chức năng được định sẵn cố hữu, nó không phải mang quyết sách hay quyết đoán như tâm xử lý. 

Thì tâm cơ năng và xử lý cũng là hai hình thái chúng ta phải làm quen. Trong tâm xử lý cảnh có rất nhiều thứ tâm được đề cập đến trong 121 tâm. Khi chúng ta làm quen với những khái niệm này rồi thì mình đi thẳng vào trong từng tâm một sẽ không cảm thấy lúng túng.

Cần nhớ 3 điểm chính của bài học hôm nay.

1. Tâm có nghĩa là biết cảnh, hay là năng tri, hay là tri giác. 

2 - Khi đề cập đến tâm trong Phật Pháp nói rằng, đời sống nội tâm tồn tại của một giòng tâm thức, giòng tâm thức đó gồm của nhiều sát na sanh diệt nối tiếp lẫn nhau, mỗi một lần chỉ một sát na tâm và, trong một khảy móng tay có triệu triệu sát na, những sát na này bình thường nếu không có cảnh hiện vào thì gọi là, tiềm thức, hay là bhavanga, hay là hữu phần, hay là hộ kiếp.

3 -  Ngoài tiềm thức thì đối lập lại khi có cảnh hiện ra là hoạt thức, tức là  tâm được kích hoạt, tâm bắt đầu hoạt động, tâm này chiếm phần lớn những tâm được đề cập đến. Trong tâm hoạt thức có hai là tâm làm việc cơ năng và tâm làm việc xử lý./.

Phần chú thích:

Ngày hôm nay chúng tôi không muốn qúi vị nhớ nhiều những chi tiết, mà chỉ là những khái niệm để làm quen, và khi chúng tôi nói khái niệm này qúi Phật tử khi học phải đặc biệt cẩn thận. Tại vì sao phải cẩn thận? là bởi vì nó có vấn đề mà qúi vị phải cẩn thận ở đây là chúng ta phải bắt nhịp cầu giữa cách nói thông thương và cách nói rất chuyên môn, nếu nói chuyên môn quá qúi vị sẽ không hiểu rõ chúng tôi đang nói gì, nhưng nếu chúng tôi không nói những từ vựng chuyên môn thì về đường dài qúi vị sẽ gặp trở ngại. Do đó qúi vị để ý, thí dụ chúng tôi nói về chữ tiềm thức thì chúng tôi có lưu ý trong tiếng Phạn là chữ bhavanga  HT Minh Châu dịch là hữu phần, HT Tịnh Sự dịch là hộ kiếp, chúng tôi có giải thích tại sao gọi là hộ kiếp, tại sao gọi là hữu phần thì qúi vị cũng nên hiểu hôm nay tại sao chúng tôi dùng chữ tiềm thức, những điều đó là điều mà tất cả Phật tử rất cần lưu tâm, chúng ta đang có một cố gắng để làm quen từ từ và với những bài học tiếp theo thì dần dà hình ảnh sẽ trở nên rõ hơn. 

Đừng bao giờ học Thắng Pháp Abhidhamma mà qúi Phật tử đòi hỏi rằng mình nghe xong bài học đó mình hiểu 100%, không có ai hiểu 100% hết, mà chúng ta có thể nói rằng chúng ta hiểu được một số khía cạnh nào đó, ví dụ, như vào làm việc trong một công ty mới, được hướng dẫn đưa đi thăm những phòng ốc, những bộ phận làm việc, thì đừng nghĩ rằng mình đi nhiều vòng như vậy là mình biết hết, đi chỉ là thoáng qua thôi và rồi dần dà chúng ta sẽ hiểu và riêng về cách phân loại tâm là một đặt điểm lớn của Abhidhamma.

 Hồi nãy qúi vị nghe TT Tuệ Siêu có nói tâm có thể phân làm một, hai, ba, bốn, năm, sáu, nhưng thật sự tâm có nhiều cách để phân, và nếu chúng ta phân nhiều cách quá thì ở đây chúng ta bối rối, do vậy chúng tôi đề nghị đặc biệt đề cập đến tâm phân theo bộ Thắng Pháp Tập Yếu Luận, là những tâm làm việc có tánh cách cơ năng, là những tâm vô nhân, có những tâm làm việc, tâm bất thiện, tâm tịnh hảo dục giới, tâm sắc giới, vô sắc giới, tâm siêu thế. Nhưng cũng có cách phân khác rất phổ thông như trong quyển Siêu Lý Học của Sư Trưởng hay trong Câu Xá Luận dịch là, nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thân thức, ý thức. Thì đây là một ở trong một số các phương diện mà chúng ta phải lưu ý khi chúng ta đi vào môn thắng pháp này .