Tuesday, September 1, 2020

Thắng Pháp Abhidhamma - Bài 10. Tâm (Citta)

Thắng Pháp Abhidhamma

Tâm (Citta)


Minh Hạnh chuyển biên

 TT Giác Đẳng: Hôm nay chúng ta đi vào bài học thứ nhất liên quan đến tâm, có thể nói đây là phần quan trọng, chiếm phần nhiều liên quan đến môn học Thắng Pháp Abhidhamma.

Đầu tiên, tâm được định nghĩa trong Phật học đó là, sự biết cảnh, hay là năng tri, hoặc giả là tri giác, là biết cảnh. 

Thí dụ, qúi vị để cục đá vào trong một bình có hoa cắm, cục đá thì dầu là có hoa hay không có hoa, nó không biết sự hiện hữu của hoa và, hoa đẹp, hoa xấu, nó cũng không biết, lớn nhỏ cũng không biết. 

Nhưng, tâm của chúng ta khi nhìn thấy hoa, chúng ta cảm nhận đó là hoa, cảm nhận đó là hoa hồng, hoa hướng dương, đó là đẹp, là xấu, có những cảm thọ. 

Thì căn bản, tâm là tri giác.

Bây giờ, điều khó hiểu nhất ở trong cuộc sống chúng ta là đề cập đến hai loại tâm là, tâm chủ quan và tâm khách quan.

Thật ra, từ ngữ chủ quan và khách quan chúng tôi rất ngại dùng, bởi vì chữ chủ quan và khách quan ngày hôm nay đôi khi người ta hiểu là trung thực và không trung thực, như cái nhìn chủ quan  và cái nhìn khách quan chẳng hạn.

Chúng tôi tạm gọi tâm chủ quan là tiềm thức. Khi chúng ta nói tâm là biết cảnh, thì cái biết nằm ở trong rất nhiều trường hợp. Ví dụ, khi mình ngủ, khi mình bất tỉnh, ở trong Anh ngữ và trong sự hiểu bình thường gọi là "chúng ta không biết gì hết". Nhưng thật ra, trong giấc ngủ, trong lúc chúng ta đang ngủ miên man, ngay cả trong lúc chúng ta bất tỉnh thì giòng tâm thức vẫn tiếp tục. 

Giòng tâm thức tiếp tục đó rất khó hiểu, tại vì nó là một thứ tâm tiềm tàng, nhưng lại có khả năng để duy trì cuộc sống, chúng ta gọi là trì nghiệp, trong kinh tạng gọi là bhavanga là hữu phần.

- bhava là hữu.

- nga là tri phần

  Ngài HT Minh Châu dịch ra chữ Hán, thật ra không phải chữ do Ngài dịch, là do chữ ở trong các nhà dịch thuật trước gọi là "hữu phần" tức là những thành phần duy trì kiếp sống, chữ hữu ở đây là hiện hữu, hay là sanh hữu, là bhava để chỉ cho cuộc sống của chúng ta. 

Ngài Tịnh Sự dịch rõ hơn, Ngài dịch là "tâm hộ kiếp", là tâm gìn giữ kiếp sống, chữ hộ kiếp này chúng ta nói theo trì nghiệp.

Tâm hộ kiếp hay tâm tiềm thức là một tâm tiếp nối theo tâm tái sanh gọi là kiết sanh thức, tâm khởi đầu kiếp sống và, tâm kiết sanh thức bằng tâm nào thì tâm hộ kiếp bằng tâm đó, tâm này tồn tại xuyên suốt qua đời sống của mình. 

Thí dụ, ở trong quá khứ chúng ta có làm một việc bố thí, khi chúng ta bố thí làm bằng tâm thiện thọ hỉ, hợp trí, vô trợ, thì tâm quả của tâm thiện đó mang tố chất giống y hệt như tâm thiện, chúng tôi nói trường hợp tâm thiện (chúng tôi không nói tâm bất thiện, tâm quả bất thiện chúng ta nói sau, cũng là một chuyện thú vị khác). Thì tâm quả đó nếu đủ điều kiện dẫn chúng ta đi tái sanh thì tâm quả đó khởi đầu kiếp sống là tâm tục sanh. Tức là một người sanh ra với tâm quả tịnh hảo dục giới thì tâm quả này cũng có những tố chất giống như tâm thiện tức là, thọ hỉ, hợp trí, vô trợ, và tâm tục sinh đó mang trạng thái như thế nào thì sau sát na đầu tiên những sát na tiếp theo người ta gọi là "bhavanga" là "hộ kiếp" hay "tiềm thức". Và sát na cuối cùng của kiếp sống cũng giống y hệt như vậy, chỉ khác là tâm tục sinh là tâm bắt đầu, tâm hộ kiếp và tiềm thức nằm ở giữa, đến tâm tử sau cùng. 

Cái đầu, cái sau cùng là, hai tâm khác nhau.

1. một cái là tâm tử, 

2. một cái là tâm tục sinh.

3. cái giữa là tâm hộ kiếp.

Nhưng ba thứ đều là một trạng thái. 

Tâm này, Ngài Tịnh Sự và Sư Trưởng gọi là tâm chủ quan, bởi vì nó luôn luôn mang một trạng thái trong đời sống, tuy là tiềm tàng nhưng nó chứa đựng những tố chất ảnh hưởng chúng ta. 

Thí dụ:

- Một người có tiềm thức tâm thọ hỉ thì đời sống hàng ngày của họ sống với tâm vui vẻ do ảnh hưởng vui vẻ. 

(ảnh hưởng này thì chúng ta tạm để sau ở đoạn cuối của giáo trình sẽ nói về ảnh hưởng của tâm tiềm thức này và hàng ngày). Đồng thời khi chúng ta nói về tâm này thì ví dụ như là:

- Một người sanh bằng tâm vô trợ, vô trợ tức là không cần tác động, người này tánh tình mau mắn nhặm lẹ.

- Còn người sanh bằng tâm hữu trợ thì cái gì cũng trù trừ. 

- Hoặc người sanh bằng tâm hợp trí, tiềm thức có tố chất là hợp trí thì đời sống hàng ngày tương đối thông minh.

- Còn người sanh không có tâm hợp trí thì chậm hiểu, chẳng những vậy mà không chứng thiền, không chứng thần thông, không tiến tu cao hơn được nữa. 

Tâm tiềm thức

Thì như vậy, ở tại đây, chúng ta nói đến một trạng thái tâm gọi là tiềm thức. Thật ra, trong nhiều giáo trình dạy thì đa phần ít bao giờ ai đề cập đến tiềm thức là tâm đầu tiên và, khi được đề cập đến thì được đề cập trong một đoạn rất ngắn. Nhưng kỳ thật, tiềm thức này là một cái gì hết sức quan trọng. 

Hồi nãy, chúng tôi nói, tâm là biết cảnh. Nhưng tiềm thức thì biết cảnh gì? và cái biết cảnh đó ra sao? Thì ở đây, bởi vì tiềm thức là một thứ tâm tồn tại  trong nhiều sát na liên tục, do đó mang tánh khó ghi nhận. 

Sư Trưởng ngày xưa có thí dụ, qúi vị vào trong một ngôi chùa Miến Điện có hàng ngàn vị Sư, vị nào cũng mặc y một màu giống nhau, là người lạ mới đến đôi khi qúi vị gặp vị này vị kia không phân biệt được, tại sao không phân biệt được, tại quá nhiều vị giống nhau. Thì chúng ta muốn nói tâm sanh diệt hàng triệu triệu sát na có cùng một trạng thái tương đồng, do vậy chúng ta không có phân biệt rõ như là những tâm hoạt thức. Tâm tiềm thức mang tánh cách tiềm ẩn. 

Tâm hoạt thức.

Tâm hoạt thức ở đây Sư Trưởng và Ngài Tịnh Sự gọi là tâm khách quan, tâm xuất hiện khi có cảnh mới, 

Chúng tôi lấy một ví dụ, khi mình điều hành một công ty, khi có khách đến thì có những bộ phận làm việc để tiếp đón khách, để mua, để bán v.v... Nhưng bình thường khi không có khách đến, không có nghĩa là tất cả mọi thứ đều đứng yên, nó vẫn hoạt động, nhưng hoạt động trong tánh cách bình lặng, sự hoạt động đó đôi khi chúng ta không nhận ra nhưng có, không phải không có. 

Thì những tâm hoạt thức ở đây, chúng tôi muốn nói khi có cảnh đến ví dụ, sắc, khinh, khí, vị, xúc, pháp, cảnh khác với cảnh của tiềm thức thì bắt đầu nó chấm dứt giai đoạn của tiềm thức để có những hoạt thức xen vào.

Trong Thắng Pháp không có một chữ nào, không có một từ vựng nào, để chỉ cho những hoạt thức đó, chúng ta chỉ nói chung là có những tâm như là, tâm ngũ song thức, khán ngũ môn, tâm tiếp-thâu hay là tâm đổng lực v.v... những tâm đó, các vị có đề cập đến, nhưng gom lại một nhóm thì không có một từ vựng nào chỉ chữ tương đương mà chúng ta gọi là hoạt thức.

Chữ hoạt thức ở đây, chúng tôi dùng chữ "hoạt" giống như "hoạt động" hay là ở trong từ vựng Phật học Trung Hoa có chữ "hoạt Phật" dùng để gọi "Phật sống", ý nghĩa là thay vì chúng ta thấy Phật qua hình tượng, qua truyền thuyết, qua kinh điển, bây giờ chúng ta thấy có một vị Phật sống ở bên ngoài tiếp xúc trực tiếp thì gọi là "hoạt Phật". Chữ "hoạt thức" ở đây là một từ không có trong Thắng Pháp Tạng, trước kia HT Tịnh Sự cũng như Sư Trưởng dùng hai chữ là "tâm chủ quan" và "tâm khách quan".

Chúng tôi không tìm được chữ nào khác tốt hơn cho đến giờ này để chúng ta thay thế chữ "chủ quan" và "khách quan".

Chúng tôi đành phải dùng chữ "tiềm thức" và "hoạt thức" để qúi vị tạm hiểu về tâm. 

Tâm chủ quan trong giáo trình này là tâm tiềm thức.

Tâm khách quan trong giáo trình này là tâm hoạt thức.

Chúng tôi dùng chữ tiềm thức và hoạt thức bởi vì chúng ta đang nói đến sự biết cảnh và, sự biết cảnh này tương đối rất tế nhị, rất khó hiểu. Như hồi nãy chúng tôi đề cập đến sự tồn tại của một công ty là sự tồn tại của liên tục, khi khách hàng đến, có những bộ phận ở trong công ty ra làm việc với khách hàng, khi không có khách hàng, không có nghĩa là công ty đó không tồn tại, nó vẫn tồn tại. Đây là một điểm tương đối tế nhị, chúng ta nên hiểu về điểm này.

Đối với cá nhân chúng tôi sau nhiều năm học cũng như đi dạy Abhidhamma chúng tôi nghĩ rằng: 

- Điều khó nhất để một người hiểu được về, tâm hộ kiếp, vai trò của tâm hộ kiếp, chức năng của tâm hộ kiếp, ảnh hưởng đến tâm hộ kiếp, trong đời sống. 

Chữ Phạn bhavanga được dịch là: 

-  "Hộ kiếp" do Ngài HT Tịnh Sự dịch

-  "Tiềm thức" hay là "hữu phần" do HT Minh Châu dịch.

-  "Hoạt thức" được dịch để dùng trong giáo trình này

Thì tâm bhavanga, tâm hộ kiếp, tâm tiềm thức, tâm hữu phần, hay tâm hoạt thức  cùng một thứ tâm, nhưng do người dịch đặt tên khác nhau.

Phân loại tâm

Bây giờ, sau khi nói về hai thứ tâm là tiềm thức và hoạt thức, chúng ta gặp một khó khăn khác lớn đó là, cách phân loại tâm.

Bình thường, khi học về ba cõi là, dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Ở trong cách phân loại tâm cũng có phân biệt, tâm dục giới, tâm sắc giới, tâm vô sắc giới, tâm siêu thế. Nhưng có vấn đề ở tại đây là chữ dục giới, sắc giới, vô sắc giới này không hẳn là nói về tâm sanh trong cõi đó.

Một vị Phạm Thiên sắc giới vẫn sài những tâm dục giới, và những tâm dục giới hiện khởi trong cả 31 cõi hữu tâm. Có một cõi vô tưởng không có tâm. 

 Chữ dục giới, đôi khi định nghĩa là cái gì liên quan đến 5 dục, sắc, khinh, khí, vị, xúc, thì nó cũng không hẳn là như vậy. Ở đây có vấn đề. Trong những thứ tâm khó định nghĩa đó là tâm dục giới. Ở trong trường hợp này sài như thế nào, chúng tôi lấy một ví dụ, có một số người học thường hiểu lầm tâm dục giới là chỉ cho người dục giới, tâm sắc giới chỉ cho người sắc giới, tâm vô sắc giới chỉ cho người vô sắc giới, không phải như vậy, tâm là không thuộc về cõi như vậy, nếu chúng ta học thì tâm sắc giới, tâm vô sắc giới, vẫn có ở trong cõi dục giới, và ở trong cõi sắc giới thì vẫn có những tâm dục giới. Nên đừng hiểu là cõi đó mà phân biệt.

Khi chúng ta đi sâu vào những tâm này thì chúng ta sẽ thấy thêm chỗ tế nhị của Abhidhamma. 

Nói về những hoạt thức.

Đặc biệt, có những tâm làm việc tánh cách cơ năng. Cơ năng là về máy móc. Máy móc ở tại đây, ý chúng ta muốn nói nó chỉ đơn thuần là một cơ phận. 

Tiếng VN có thành ngữ: "hai bên đánh nhau thì không giết xứ giả." Bởi vì xứ giả là người có phận sự đưa tin chớ không phải là người đứng ra chịu trách nhiệm cho vui buồn, nộ khí v.v... Dĩ nhiên, có trường hợp xứ giả bị giết.  Nhưng, xứ giả ở đây làm việc do cơ năng là phần hành thôi. Như hồi nãy chúng tôi nói người gác cổng hay người tiếp tân, thì phận sự người gác cổng là ai đến trình diện giấy thấy hợp lý cho vào, người tiếp tân họ có phận sự thông báo. Ví dụ, vào chùa gặp mình muốn ai thì hỏi vị tri khách, không nên hiểu những vị đó làm công việc đó có nghĩa là mang tánh cách quyết định quan trọng, mà chỉ làm việc một cách máy móc. Thì những tâm làm việc cơ năng này trở lên rất quan trọng, bài học tới chúng ta sẽ học.

Ngài HT Tịnh Sự Ngài thiết kế Biểu đồ chư pháp, Ngài thiết kế theo bộ Thắng Pháp Tập Yếu Luận, do vậy thay vì nói những tâm cơ năng (tâm vô nhân) trước, thì Ngài đặt để tâm bất thiện trước rồi mới tới tâm vô nhân. 

Chúng tôi thỉnh thoảng cũng sẽ dùng chữ vô nhân. Nhưng, trong tiếng Việt thường thức ngoài đời, chúng ta nói một người vô nhân, hay một tâm vô nhân, thì nghe chữ vô nhân có nghĩa là người ta gọi là vô nhân đạo, vô nhân tức là vô luân, vô nhân tức là thiếu nhân đức, thiếu nhân từ chẳng hạn, do đó chúng tôi tạm dùng từ tâm cơ năng, cơ năng tức là máy móc, tâm làm việc máy móc.

Chữ cơ năng không có trong Thắng Pháp, giống như tiềm thức và hoạt thức. Chúng tôi cố gắng dùng những khái niệm thường thức ở ngoài đời để qúi vị tạm hiểu. 

Những vị nào có học quyển Siêu Lý Học của Pháp Sư Giác Chánh (Sư Trưởng) thì Sư Trưởng sắp xếp mở đầu là, tâm nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức rồi mới tới ý thức. Đây là cách chúng tôi xử dụng trong giáo trình này, thay vì vô đầu là tâm bất thiện thì chúng ta vô đầu là nhãn thức, nhĩ thức , tỉ thức, thiệt thức, thân thức rồi ý thức. Cách này cũng là một cách được môn Luận Tạng bên Phật Giáo Bắc Truyền xử dụng, nhất là A Tỳ Đàm Câu Xá, hay Duy Thức học, cũng bắc đầu sắp xếp theo 6 thức là, nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức,thiệt thức, thân thức, ý thức, chứ không có bắt đầu bằng tâm bất thiện. 

Biểu đồ Ngài Tịnh Sự vẽ thì Ngài vẽ tâm bất thiện trước rồi mới tâm vô nhân, tâm dục giới tịnh hảo, rồi tâm sắc giới, tâm vô sắc giới, tâm siêu thế. Và biểu đồ này Ngài vẽ dựa trên bố cục của Thắng Pháp Tập Yếu Luận của Ngài Anuruddha. Nhưng đó không phải cách trình bày duy nhất, có nhiều cách trình bày, như trong quyển Siêu Lý học của Sư Trưởng, đầu tiên Sư Trưởng cũng xử dụng những tâm cơ năng trước như, tâm nhãn thức, tâm nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức v.v... đó là điều chúng ta phải để ý.

Chúng tôi biết, đôi khi qúi vị sẽ có những xáo trộn trong việc học, chúng tôi thưa rằng, trong một buổi học đôi khi chúng tôi sài những danh từ quá xa lạ  qúi vị sẽ không hiểu được. 

Lý do chúng tôi phải xử dụng từ vựng này và phải nói tới nói lui tại vì trong nhiều môn học, chúng tôi để ý thấy một buổi học mà Chư Tăng sài cả chục từ vựng hoàn toàn Thắng Pháp quá chuyên môn qúi Phật tử không nghe kịp, nhất là thời gian ban đầu hay những người không có theo dõi thường xuyên  được.

Nên chi, sự phân loại, chúng tôi sẽ bắt đầu bằng những tâm có tánh cách cơ năng trước như là, ngũ song thức, nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức rồi những tâm như, tiếp thu, quan sát, khán ngũ môn, khán ý môn v.v... Sau đó chúng ta mới đi vào các tâm bất thiện và tâm thiện, đó là trình tự chúng tôi sẽ đề cập trong bài học này.

Ngoài tâm làm việc cơ năng, có một loại tâm chiếm phần lớn những tâm, đó là tâm xử lý cảnh. Ngài Tịnh Sự dịch là tâm đổng tốc.Chữ "đổng" ở đây Ngài mượn chữ "đổng lý" như đổng lý văn phòng là người xử lý công việc. Chữ tốc là javana chỉ cho sự nhanh lẹ, tại vì ở trong khoảnh khắc tâm sanh diệt 7 sát na.

Trong Thắng Pháp, tâm xử lý không phải là quả của quá khứ. 

Thí dụ, phản ứng tham, sân, si, phản ứng về hiền thiện, phản ứng cao thượng của chúng ta trong đời sống, những phản ứng đó không do quá khứ, nó không phải là tâm quả, mà nó là cái gì trong hiện tại này, đó là sự quyết định của chúng ta, gọi là ý chí. Ý chí là cái gì quyết định hiện tại. 

Ý chí trái lại với tiền định. Tiền định là cái gì an bày, ý chí là không có sự an bày. Nhưng tâm xử lý này lại chịu ảnh hưởng bởi quá khứ gọi là thói quen. 

Thói quen là thường cận y duyên, thí dụ, như có ai khen mình đỏ mặt tại vì mình không có thói quen nghe người ta khen, nhưng qua bên Mỹ, một phụ nữ ra ngoài đường người khác khen "cô đẹp quá", mình không nghĩ đó là điều xấu và cũng không đỏ mặt, chỉ trả lời cám ơn, đó cũng là thói quen. Những tâm xử lý cảnh này chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi thói quen, nhưng không phải là quả của quá khứ, tại vì nếu là quả quá khứ thì, là thiện, là ác, mình đổ cho nghiệp quá khứ,.

Những thiện ác trong Thắng Pháp khẳng định rõ, chúng ta nói qua tâm xử lý nó là một quyết định trong hiện tại, nó có thể chịu ảnh hưởng bởi thói quen, nhưng không phải là thứ tâm quả và, tâm này chiếm phần lớn, chúng ta đặc biệt phải rất lưu ý về điểm này. 

Khi nói tâm là biết cảnh, chúng tôi muốn qúi vị làm quen với hai khái niệm đầu tiên là tâm thuộc về tiềm thức và tâm thuộc về hoạt thức. Tiềm thức là cái gì đó ẩn tàng, tiềm tàng trong đời sống của chúng ta. Nó cũng là một thứ tâm biết cảnh, nó rất là tiềm tàng, do đó chúng ta không nhận rõ. 

Chúng ta chỉ biết, một người tiềm thức ảnh hưởng là người đó thông minh hay không thông minh, vui vẻ hay tâm điềm đạm, hoặc giả tâm nhậm lẹ hay chậm lụt, mấy điều đó chúng ta biết nhưng ngoài ra chúng ta không biết nhiều về tiềm thức bằng cách quan sát nó.

Tất cả tâm khác, ngoài tiềm thức tạm gọi là tâm hoạt thức.

Chúng tôi nhắc qúi vị, trong A Tỳ Đàm không dùng chữ hoạt thức, xưa nay khi dạy A Tỳ Đàm, Ngài Tịnh Sự và Sư Trưởng dùng chữ chủ quan và khách quan.

- Chủ quan chỉ cho tiềm thức.

- Khách quan chỉ cho hoạt thức.

 Chúng tôi nghĩ rằng hai chữ đó có rất nhiều hiểu lầm nên không xử dụng, và khi chúng ta đề cập đến hoạt thức thì chúng ta phải biết có hai thứ trong Thắng Pháp cũng không đề cập nhiều về chữ này là tâm cơ năng và tâm xử lý, có đề cập đến những tâm làm việc máy móc nhưng không có nhóm nào gọi là cơ năng.  Chữ cơ năng là làm việc máy móc không có.

Ở đây, từ ngữ chúng tôi dùng để qúi vị hiểu, tâm làm việc máy móc như làm việc xử lý, ý chúng tôi nói tương tự như trong một công ty có những chức năng, những chức năng đó vô thưởng ,vô phạt, ví dụ, như người gác cổng, hay người đưa khách vào, hay người tiếp tân v.v... thì những người đó làm việc bằng chức năng máy móc. Để quyết định một sự việc nào đó, thí dụ, qúi vị tụng Starbucks về chuyện kỳ thị chủng tộc, người quyết định để phán đoán là thái độ kỳ thị hay không kỳ thị, là người CEO của công ty Starbucks, chứ không phải những nhân viên làm việc bên ngoài.

 Cách phân loại tâm và giản dị nhất mà dễ hiểu là phân loại theo sáu thức đó là, nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, nghe rất suông nhưng kỳ thật không giúp ích gì nhiều, tại vì trong Thắng Pháp, 5 thức đầu từ nhãn thức cho đến thân thức thì rất đơn giản, nhưng qua ý thức thì nó cồng kềnh, có thể nó quá cồng kềnh.

Do vậy, chúng ta phân cách khác là, phân tâm theo làm việc theo cơ năng và đồng thời, tâm bất thiện, tâm tịnh hảo dục giới, tâm sắc giới, tâm vô sắc giới, tâm siêu thế, như vậy đối với chúng tôi dễ phân hơn, dễ học hơn, dần dà rồi qúi Phật tử cũng sẽ thấy. Chúng tôi muốn qúi vị tập quen với biểu đồ, bởi vì cũng biểu đồ đó chúng ta sẽ xử dụng cho hơn 300 bài học trong giáo trình này, một biểu đồ thôi, khi qúi vị nhìn vào biểu đồ thường xuyên sẽ hiểu. Ngày hôm nay có 4 biểu đồ trong bài học, ở trong đó có 3 biểu đồ về sự phân loại của tâm, qúi vị sẽ thấy được đây là một trong những điểm chúng ta phải làm quen.

Ngữ và nghĩa

 Trong bài học hôm nay, Abhidhamma có rất nhiều chữ để chỉ cho tâm. Ví dụ, chúng ta thường nói đến, tâm, ý, thức. 

Trong tiếng Phạn có nhiều, riêng chữ citta, như chữ cetasika là thuộc tánh tâm  và nhiều thứ, nhưng 3 từ vựng phổ thông nhất chúng ta thường nghe đó là, tâm, ý, thức.

Căn bản, tâm, ý, thức, giống nhau, nhưng có những trường hợp khi nói đến năm uẩn không dùng chữ ý uẩn hay tâm uẩn mà dùng chữ thức uẩn.

Có những trường hợp chữ tâm bao gồm: thọ, tưởng, hành, thức, tức là thức là một bộ phận nhỏ của tâm, và thức nhiều khi đồng nghĩa với tâm, đây là điều rắc rối trong Thắng Pháp.

Thí dụ, chúng ta nói tâm ý thức, tâm ý thức 3 chữ thay vì nói, tâm nhãn thức, tâm nhĩ thức, chúng ta nói tâm ý thức, thì qúi vị thấy 3 từ đó nằm chung một cụm từ nhưng nghĩa hoàn toàn khác. 

Về từ vựng tùy theo ngữ cảnh. Ngữ cảnh này người học đi sâu vào mới có thể nhận ra được. Chúng tôi lấy một ví dụ, mình làm việc trong một tổ chức thì người ta có phân ra nhiều thành phần gọi là, hội viên danh dự, hội viên bảo trợ, hội viên chính thức. Họ phân biệt theo tuổi là hội viên thuộc về cao niên, hay những hội viên bình thường, hay hoặc giả người ta có phân hội viên làm việc trong hội đồng quản trị và hội viên bình thường. Cũng một người đó phân ra nhiều cách khác nhau. Thì chuyện phân chia tâm cũng tương tự như vậy.

Riêng về tâm và ý thức những từ vựng đó rất dễ bị nhầm lẫn ví dụ như Đức Phật Ngài nói rằng: 

 "ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo tác.

Manopubba'ngamaa dhammaa manose.t.thaa manomayaa."

Thì "Ý" trong câu Phật ngôn này nên hiểu là "Tâm".

Có những trường hợp năm uẩn thì có bốn danh uẩn là, thọ, tưởng, hành, thức, thì khi nói đến một tâm bao gồm, thọ, tưởng, hành, thức, thì thức nằm ở trong tâm đó.

Chúng tôi nói đại khái qúi vị không cần nhớ nhiều về điểm này. 

Có một từ vựng nên làm quen là, chữ tâm vương và tâm sở.

- Tâm sở là, những thuộc tánh của tâm. 

- Tâm vương thuộc về tâm. 

Từ tâm vương, tâm sở, được ví dụ giống như một triều đình ở trong đó vua là chính và các quan các quần thần cộng lại gọi là một triều đình, tuy nhiên, chúng tôi không dịch chữ này.

Sư Trưởng có đưa ra một ý kiến là mình dùng chữ, tâm vương, tâm sở, nếu mình biết chữ Hán thì biết tâm sở là một phần thuộc tánh của tâm. 

Nhưng người không biết tưởng đâu tâm vương là một thứ tâm, tâm sở là một thứ tâm. Thành ra không dùng chữ, tâm vương, tâm sở.

Ở đây, chữ cetasika là thuộc tánh, trong tiếng Anh gọi là attribute. 

Thì thuộc tánh là, một tâm có thể có nhiều thuộc tánh, những thuộc tánh tạo nên những trạng thái đặc biệt của tâm là biết cảnh. Nhưng, tâm nào cũng có những thuộc tánh biến hành, có những tâm có những thuộc tánh bất thiện đó là tâm bất thiện, có những tâm đi với thuộc tánh thiện thì là tâm thiện. Chúng ta nên hiểu như vậy, 

Ví dụ, chúng tôi làm trụ trì một ngôi chùa, nhưng sự hoạt động không phải một mình chúng tôi làm trụ trì  mà ngôi chùa hoạt động được, mà phải cùng với những người Phật tử, những người cộng sự viên, và chính những người cộng sự viên này tạo nên một đặc tính cố hữu.

Nhưng, trong Thắng Pháp Abhidhamma, tâm và thuộc tánh cùng tồn tại chung trong một sát na tâm nó, đồng sanh, đồng diệt, đồng nương một căn, và đồng biết một cảnh, không sanh trước, không sanh sau. Do đó không nói ai làm chủ, ai làm tớ, không nói ai làm vua, ai làm quan. 

Cũng như chúng ta nói như vầy là, bây giờ ở trong tâm bất thiện, tâm tham thì thuộc tánh về tham là thuộc tánh được nhấn mạnh trội. Tâm sân thì thuộc tánh về sân, sân nổi trội, trong tâm tham hay tâm sân đó tâm sanh trước và những thuộc tánh sanh sau, hay tâm điều khiển tâm kia, không phải như vậy, mà nó đồng sanh, đồng diệt, đồng nương một căn, đồng biết một cảnh.

 Trong Thắng Pháp Abhidhamma dịch, chữ tâm vương, tâm sở, không được tốt, và cũng do vậy HT Tịnh Sự Ngài không dịch là tâm sở mà Ngài dịch là sở hữu tâm, sở hữu tức là cái gì nó thuộc về tâm, chúng tôi thấy chữ sở hữu tâm Ngài có một ý đó, nhưng mà rồi về sau này thì chữ sở hữu tâm người ta lại hiểu khác cho người ngoài đời.

Do đó chúng tôi đặc biệt ở trong giáo trình này không dùng chữ sở hữu tâm hay là tâm sở mà chúng tôi dịch là thuộc tánh của tâm, thuộc tánh đây là attribute.

 Khái niệm quen thuộc

 Khái niệm quen thuộc của bài học hôm nay là sự khác biệt giữa có tâm và không tâm.

Trong thời kỳ điện thoại bình thường trước đây chúng ta sài, mình bấm số nào nó chạy số đó. Nhưng sau này có điện thoại thông minh, tại sao gọi là điện thoại thông minh? Tại vì nó có cảm biến, chẳng những nó cảm biến được mà nó xử lý nhanh hơn tốt hơn. Và ngày nay người ta gọi trí thông minh nhân tạo (Artificial intelligence). Nhưng cái biết của cảm biến đó không có thể so sánh được với tâm, tại vì cái biết của cảm biến là cái biết đã được định chế trước, đã được lập trình trước và, cái biết đó chỉ đơn thuần là cái biết, chứ nó không có cảm thọ vui buồn.

Như chúng ta nói trong một tâm có, thọ, tưởng, hành, thức:

- Thọ là cảm thụ, 

- Tưởng là kinh nghiệm quá khứ, nhận thức hiện tại do kinh nghiệm quá khứ.

- Hành là quyết đoán hay là ý chí.- 

- Thức là sự diễn biến của các giác quan

 Sau này chúng ta sẽ nói tại sao một tâm có nhiều thuộc tánh đi chung với nhau như vậy trong cái gọi là danh uẩn, khi nói danh uẩn đối lập với sắc uẩn, những danh uẩn này gồm có, thọ, tưởng, hành, thức.

Tóm lượt:

Trong bài học ngày hôm nay chúng tôi muốn nhắc đến một điều là:

- Hỏi tâm là gì?

- Thì tâm là biết cảnh, hay là năng tri, hoặc là tri giác. Chữ năng tri cũng được dùng tương đối nhiều, nhưng chữ chúng ta thường biết ở ngoài đời là, tri giác. 

Tuy nhiên, không nên hiểu, trong lúc chúng ta nằm ngủ hay bất tỉnh mà chúng ta không có tâm, không phải như vậy, chúng ta vẫn có tâm nhưng tâm đó không được chúng ta nhận biết.

Chúng tôi lấy một ví dụ, trong một công ty khi chưa có khách hàng, công ty đó vẫn tồn tại, vẫn có việc làm, nhưng vì việc làm đó có tánh cách không nổi trội như khi khách đến đôi khi chúng ta cảm thấy không ai làm gì hết, nhưng thật sự có làm việc, nó có tồn tại và có hoạt động. 

Ở đây, chúng ta lại làm quen với hai khái niệm là tiềm thức và hoạt thức. 

Khi nói hoạt thức chúng ta phải phân ra làm hai thứ là, một tâm làm việc tánh cách cơ năng, còn một tâm làm việc có tánh cách xử lý.

 Và cơ năng là cách máy móc mang tánh cách vô thưởng vô phạt, nó chỉ làm việc theo chức năng được định sẵn cố hữu, nó không phải mang quyết sách hay quyết đoán như tâm xử lý. 

Thì tâm cơ năng và xử lý cũng là hai hình thái chúng ta phải làm quen. Trong tâm xử lý cảnh có rất nhiều thứ tâm được đề cập đến trong 121 tâm. Khi chúng ta làm quen với những khái niệm này rồi thì mình đi thẳng vào trong từng tâm một sẽ không cảm thấy lúng túng.

Cần nhớ 3 điểm chính của bài học hôm nay.

1. Tâm có nghĩa là biết cảnh, hay là năng tri, hay là tri giác. 

2 - Khi đề cập đến tâm trong Phật Pháp nói rằng, đời sống nội tâm tồn tại của một giòng tâm thức, giòng tâm thức đó gồm của nhiều sát na sanh diệt nối tiếp lẫn nhau, mỗi một lần chỉ một sát na tâm và, trong một khảy móng tay có triệu triệu sát na, những sát na này bình thường nếu không có cảnh hiện vào thì gọi là, tiềm thức, hay là bhavanga, hay là hữu phần, hay là hộ kiếp.

3 -  Ngoài tiềm thức thì đối lập lại khi có cảnh hiện ra là hoạt thức, tức là  tâm được kích hoạt, tâm bắt đầu hoạt động, tâm này chiếm phần lớn những tâm được đề cập đến. Trong tâm hoạt thức có hai là tâm làm việc cơ năng và tâm làm việc xử lý./.

Phần chú thích:

Ngày hôm nay chúng tôi không muốn qúi vị nhớ nhiều những chi tiết, mà chỉ là những khái niệm để làm quen, và khi chúng tôi nói khái niệm này qúi Phật tử khi học phải đặc biệt cẩn thận. Tại vì sao phải cẩn thận? là bởi vì nó có vấn đề mà qúi vị phải cẩn thận ở đây là chúng ta phải bắt nhịp cầu giữa cách nói thông thương và cách nói rất chuyên môn, nếu nói chuyên môn quá qúi vị sẽ không hiểu rõ chúng tôi đang nói gì, nhưng nếu chúng tôi không nói những từ vựng chuyên môn thì về đường dài qúi vị sẽ gặp trở ngại. Do đó qúi vị để ý, thí dụ chúng tôi nói về chữ tiềm thức thì chúng tôi có lưu ý trong tiếng Phạn là chữ bhavanga  HT Minh Châu dịch là hữu phần, HT Tịnh Sự dịch là hộ kiếp, chúng tôi có giải thích tại sao gọi là hộ kiếp, tại sao gọi là hữu phần thì qúi vị cũng nên hiểu hôm nay tại sao chúng tôi dùng chữ tiềm thức, những điều đó là điều mà tất cả Phật tử rất cần lưu tâm, chúng ta đang có một cố gắng để làm quen từ từ và với những bài học tiếp theo thì dần dà hình ảnh sẽ trở nên rõ hơn. 

Đừng bao giờ học Thắng Pháp Abhidhamma mà qúi Phật tử đòi hỏi rằng mình nghe xong bài học đó mình hiểu 100%, không có ai hiểu 100% hết, mà chúng ta có thể nói rằng chúng ta hiểu được một số khía cạnh nào đó, ví dụ, như vào làm việc trong một công ty mới, được hướng dẫn đưa đi thăm những phòng ốc, những bộ phận làm việc, thì đừng nghĩ rằng mình đi nhiều vòng như vậy là mình biết hết, đi chỉ là thoáng qua thôi và rồi dần dà chúng ta sẽ hiểu và riêng về cách phân loại tâm là một đặt điểm lớn của Abhidhamma.

 Hồi nãy qúi vị nghe TT Tuệ Siêu có nói tâm có thể phân làm một, hai, ba, bốn, năm, sáu, nhưng thật sự tâm có nhiều cách để phân, và nếu chúng ta phân nhiều cách quá thì ở đây chúng ta bối rối, do vậy chúng tôi đề nghị đặc biệt đề cập đến tâm phân theo bộ Thắng Pháp Tập Yếu Luận, là những tâm làm việc có tánh cách cơ năng, là những tâm vô nhân, có những tâm làm việc, tâm bất thiện, tâm tịnh hảo dục giới, tâm sắc giới, vô sắc giới, tâm siêu thế. Nhưng cũng có cách phân khác rất phổ thông như trong quyển Siêu Lý Học của Sư Trưởng hay trong Câu Xá Luận dịch là, nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thân thức, ý thức. Thì đây là một ở trong một số các phương diện mà chúng ta phải lưu ý khi chúng ta đi vào môn thắng pháp này .


No comments:

Post a Comment