Thắng Pháp Abhidhamma
TT Giác Đẳng: Hôm nay học Thắng Pháp Abhidhamma, có nhiều cách để đi vào, kỳ này chúng ta học Ngũ Song Thức trước. Nếu theo giáo trình cổ điển thì học về tâm bất thiện trước, dựa theo bản nêu chi pháp của HT Tịnh Sự.
Dù học theo cách nào, cuối cùng cũng phải đi qua 121 tâm. Đều cùng mục đích đi qua 121 tâm mà chúng ta có thể tóm lượt lại.
Thí dụ, học 121 tâm, cuối cùng chúng ta phải tóm lượt lại là:
- 12 tâm bất thiện,
- 18 tâm vô nhân.
Thuộc về 30 tâm dục giới vô tịnh hảo (asobhaṇa cetasika).
- Kế đến là, 24 tâm dục giới tịnh hảo, trong 24 tâm dục giới tịnh hảo đó gồm có thiện quả và tố.
Thì 24 tâm dục giới tịnh hảo với 30 tâm dục giới vô tịnh hảo thành 54 tâm dục giới (Kàmàvacaracitta),
Học đến đâu chia pháp ra rồi gồm nó lại, chúng ta nắm như vậy mới biết chứ học lan man chỗ này một chút, chỗ kia một chút, học riết thì học suốt cả thời gian dài nhưng chúng ta khó tóm tắt, tóm lượt, nắm bắt được.
Cho nên, cần phải lưu ý, không những học viên phải lưu ý mà ngay cả giảng sư khi giảng cũng phải lưu ý, cứ giữ riềng mối học pháp chia pháp như vậy đừng để cho thất lạc qua chỗ khác.
Hoặc, chúng ta học theo lối chia tâm làm 4 nhóm là, nhóm thiện, nhóm bất thiện, nhóm quả, và nhóm duy tác.
Nhóm thiện trình bày hết 37 tâm thiện, nhóm tâm bất thiện thì trình bày 12 tâm bất thiện, nhóm quả thì chúng ta trình bày 52 tâm quả, nhóm tâm tố tâm duy tác thì trình bày 20 tâm tố tâm duy tác, trình bày theo bộ Pháp Tụ (Dhammasangani). Khi giảng ở các trường chúng tôi theo 4 cách đó dễ nhận ra hơn.
Ở đây, theo giáo trình của TT Giác Đẳng, chúng ta học về 6 thức là, nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Trong ý thức gồm có ý giới và ý thức giới. Học 6 thức rồi, chúng ta cũng phải quầy trở lại để phân định như thế nào là, thức dục giới, thức sắc giới, thức vô sắc giới, thức siêu thế. Chúng ta cũng phải quầy lại để phân định như thế nào gọi là, thức thiện, thức bất thiện, thức quả và thức duy tác, chúng ta phân định được.
Trong bộ Thanh Tịnh Đạo khi đề cập đến 5 uẩn, nói đến thức uẩn Ngài Buddhaghosa đã trình bày mạch lạc chi tiết như vậy, và sau này Ngài Anuruddha Ngài dựa theo đó để viết quyển Abhidhammattha Sangaha.
Bây giờ, trở về bài học Tâm Ngũ Quan, một danh từ rất thường thức.
Nếu chúng ta nói 5 thức thì ở bên ngoài họ không biết. Và nếu chúng ta nói ngũ quan thì trong môn triết học người ta biết, người ta nghe từ ngũ quan là, thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác. Và đối với 5 thức là, nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, trong Thắng Pháp Abhidhamma gọi là Ngũ Song Thức, bởi vì 5 thức này có nghĩa chung:
- Nhãn thức, tâm có chức năng thấy (Dassanakicca).
- Nhĩ thức, tâm có chức năng nghe cảnh thinh (Savanakicca).
- Tỉ thức, tâm có chức năng ngửi mùi (Ghāyanakicca).
- Thiệt thức, tâm có chức năng nếm vị (Sāyanakicca).
- Thân thức, tâm có chức năng đụng chạm (Phusanakicca).
Khi học 14 chức năng hay 14 phận sự (kicca) của tâm, chúng ta nắm vững được thì mới đi vào trong diễn trình tâm thức được, bởi vì tâm có 14 phận sự, 14 việc làm, 14 chức năng, nhưng trong diễn trình tâm thức quan thì chỉ có 10 sở (ṭhāna), chúng ta sẽ học sau.
Bây giờ trở lại vấn đề:
- Thấy là biết cảnh sắc.
- Nghe là biết cảnh thinh.
- Ngửi là biết cảnh khí.
- Nếm là biết cảnh vị.
- Xúc là biết cảnh xúc chạm.
Ở đây, nói thêm là bình thường khi chúng ta nói đến ngũ dục hay ngũ trần hoặc năm dục dật hệ (Kāmaguṇa). HT Minh Châu dịch là năm dục công đức, tức là năm cảnh dục làm cho tâm của chúng sanh bị mê luyến.
Khi nói đến năm tâm Kāmaguṇa là, sắc, thinh, hương, vị, xúc. Hương là mùi thơm, chỉ có mùi thơm mới làm cho người ta bị lôi cuốn.
Khi nói đến năm đối tượng giác quan là, đối tượng của mũi hay khứu giác gọi là cảnh khí, bởi vì mùi thơm mùi thối gì mũi cũng ngửi được, cũng bắt được, chứ không phải là chúng ta chỉ bắt được mùi thơm, còn mùi thối thì chúng ta không bắt được.
Có một vài học viên thắc mắc:
Tại sao trong kinh Tạng gọi, sắc, thinh, hương, vị, xúc.
Nhưng, trong Thắng Pháp Abhidhamma lại gọi, sắc, thinh, khí, vị, xúc.
Thật ra, chữ khí có nghĩa là hơi, là mùi v.v... đừng nhầm lẫn đối tượng của năm giác quan là, sắc, thinh, hương, vị, xúc. Như vậy chúng ta bỏ mùi thối sao được, bởi vì,
- Sắc có sắc tốt, sắc xấu,
- Thinh có tiếng hay, tiếng dở,
- Mùi thì có mùi thơm, mùi thối gọi là khí,
- Vị thì có vị ngon, vị dở,
- Xúc thì có xúc lạc, xúc khổ.
Tâm giác quan gọi chung cho Ngũ Song Thức.
Ngũ Song Thức là 10 tâm theo Thắng Pháp, 10 tâm này gồm có 5 cặp: đôi nhãn thức, đôi nhĩ thức, đôi tỉ thức, đôi thiệt thức, đôi thân thức. Sở dĩ có một đôi, một cặp tâm là bởi vì:
- Cặp nhãn thức là, nhãn thức biết cảnh sắc xấu, nhãn thức biết cảnh sắc tốt.
- Cặp nhĩ thức là, nhĩ thức biết cảnh thinh xấu, nhĩ thức biết cảnh thinh tốt.
- Cặp tỉ thức là, tỉ thức biết cảnh khí xấu, tỉ thức biết cảnh khí tốt.
- Cặp thiệt thức là, thiệt thức biết cảnh vị tốt, thiệt thức biết cảnh vị xấu.
- Cặp thân thức là, thân thức biết cảnh xúc tốt, thân thức biết cảnh xúc xấu.
Thật ra, tâm nhãn thức gọi là tâm ngũ song thức là tâm làm việc máy móc, vì chúng là tâm quả nên không có chức năng chủ động trong vấn đề suy nghĩ, để phân biệt tốt xấu, để đưa đến tình trạng thích hay không thích, thương hay ghét, nó không có chức năng đó.
Sở dĩ cảnh tốt cảnh xấu là bởi vì có 5 thức thuộc về quả bất thiện (Akusalavipàkacitta), và 5 thức thuộc về quả thiện (Kusalavipàkacitta).
Nhưng đối với ngũ song thức phải nói là quả thiện vô nhân, quả bất thiện vô nhân, nhưng quả thiện có nhiều, có hữu nhân, có vô nhân, cho nên ở đây khi đề cập đến, nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, quả thiện thì chúng ta mới gọi là quả thiện vô nhân.
Còn đối với quả bất thiện thì không có hữu nhân, cho nên nói, nhãn thức quả bất thiện, nhĩ thức quả bất thiện, tỉ thức quả bất thiện, thiệt thức quả bất thiện, thân thức quả bất thiện, nói tâm quả bất thiện 7 tâm quả bất thiện là đủ rồi, chứ không cần nói đến vô nhân là thừa, vì quả thiện có nhiều do đó chúng ta mới nói đến 45 tâm quả thiện, chúng ta mới nói đến 7 tâm quả thiện vô nhân, hay là tất cả quả thiện còn lại gọi là quả thiện hữu nhân.
Sở dĩ gọi là, nhãn thức quả bất thiện, nhĩ thức quả bất thiện, tỉ thức quả bất thiện, thiệt thức quả bất thiện, thân thức quả bất thiện, vì nó bắt cảnh xấu.
Còn gọi, nhãn thức quả thiện, nhĩ thức quả thiện, tỉ thức quả thiện, thiệt thức quả thiện, thân thức quả thiện, vì nó bắt cảnh tốt.
Gọi là tốt xấu ở đây là do nơi cảnh đến, do nghiệp quá khứ chi phối. Nhưng ngay trong lúc bắt cảnh xấu thì 5 thức quả bất thiện chỉ ghi nhận một cách máy móc, tức là ghi nhận màu sắc, hình dáng, hay ghi nhận âm thanh, như vậy thôi, còn chuyện phân biệt cảnh hấp dẫn hay không hấp dẫn, cảnh đáng ưa thích hay không đáng ưa thích là do tâm đổng lực (javanacitta) hay là TT Giác Đẳng gọi là tâm xử lý, thật ra, tâm này có sức mạnh nhất ở trong tất cả tâm, sức mạnh nghĩa là xử lý cảnh cho nên gọi là tâm javana, gọi là đổng tốc hay là đổng lực.
Đối với trường hợp cảnh tốt cảnh xấu là, thí dụ, trong đời quá khứ những người tạo nghiệp bất thiện, tạo nghiệp thân, nghiệp khẩu, nghiệp ý, do tham, sân, si, chi phối, sau khi họ làm chuyện ác, như họ đem lại cho chúng sinh khác một sự khổ đau khi nhìn thấy cảnh điêu tàn, hoặc là gây cho chúng sinh khác sự khổ đau do nghe tiếng chửi mắng, hoặc là gây cho chúng sinh khác sự khổ đau khi làm cho họ phải ngửi mùi thối v.v... Tạo nghiệp bất thiện như vậy, nên ngay trong đời sống hiện tại này người này bị quả sanh ra mắt thấy cảnh sắc không vừa lòng, cảnh sắc xấu, tai nghe tiếng xấu nghe tiếng chửi mắng v.v...
Ngay cả Đức Phật mặc dầu tâm đổng lực của Ngài khi nghe chúng sanh khác chửi mắng phỉ báng Ngài, tâm của Ngài vẫn xử sự bằng trạng thái, vô tham, vô sân, vô si, do tâm đổng lực (javanacitta) nhưng ngay cả nhĩ thức cũng là nhĩ thức quả bất thiện.
Lúc Đề-bà-đạt-đa lăn đá từ trên núi Linh Thứu xuống con đường kinh hành của Ngài, một mảnh đá bể trúng vào chân Ngài, thì Ngài cũng là thân thức thọ khổ, chỉ có điều là đối với các bậc Thánh khi mà, nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức quả bất thiện bắt cảnh nhưng tâm đổng lực của Ngài đổng lực tố vẫn bình thản, Ngài không có sự đau đớn bực bội khó chịu sân giận v.v... khác hơn chúng ta.
Đức Phật Ngài nói rằng:
- Này các Tỳ Kheo, kẻ phàm phu khi, thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, họ bị hai mũi tên, tức là gặp cảnh xấu tâm thọ ưu là sân, hai mũi tên là: thân thức thọ khổ là một mũi tên, rồi buồn phiền khó chịu sân giận là một mũi tên khác. Đối với bậc Thánh bậc đã giải thoát, Ngài có, thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, và gặp cảnh điêu tàn cảnh xấu, Ngài chỉ bị quả bất thiện ở đời quá khứ thôi, Ngài bị một mũi tên, nhưng hiện tại thì tâm của Ngài vẫn bình thản, tâm tịnh hảo.
Điều này chúng ta cũng phải lưu ý, cảnh tốt hay cảnh xấu của tâm ngũ song thức chỉ là do quả được sanh ra bởi nghiệp ở trong quá khứ, chứ hiện tại chưa có.
Một vấn đề khác ở trong tâm Ngũ Quan.
Tâm ngũ quan gồm có 5 cặp thức gọi là Ngũ Song Thức thì 4 đôi thức đầu là:
- Đôi nhãn thức, đôi nhĩ thức, đôi tỉ thức, đôi thiệt thức là thọ xả.
- Nhưng, đôi thân thức thì thân thức quả bất thiện là thọ khổ, thân thức quả thiện là thọ lạc.
Lý do tại sao? Ở đây như đã nói không có ảnh hưởng, không có liên quan đến ý chí của một con người khi bắt cảnh, bởi vì ý chí bắt cảnh chính là tâm đổng lực (javana). Chuyện đó là chuyện khác nữa, còn ở đây sở dĩ, đôi nhãn thức, đôi nhĩ thức, đôi tỉ thức, đôi thiệt thức là thọ xả, tức là cảm thọ vô cảm là bởi vì thần kinh nhãn, thần kinh nhĩ, thần kinh tỉ, thần kinh thiệt là sắc y sinh (Upādāyarūpa) và cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh khí, cảnh vị, sắc, thinh, khí, vị, cũng là sắc y sinh (Upādāyarūpa), mà sắc y sinh với sắc y sinh đối chiếu với nhau sẽ tạo nên không có khua động, giống như gió thổi qua mặt trống.
Trong khi đó, đôi thân thức là phát khởi từ sắc thần kinh thân thuộc sắc y sinh (Upādāyarūpa), nhưng cảnh xúc (phoṭṭhabbārammaṇa) thuộc về sắc đại hiển là, Pathavi (Đất), Tejo (Lửa) và Vayo (Gió). 3 sắc ở trong 4 sắc đại hiển đó là cảnh xúc thì, sắc này đại hiển làm đối tượng cho sắc y sinh thần kinh thân. Ngài HT Tịnh Sự ví dụ, như mặt trống gặp dùi trống làm bằng thân gỗ cứng chạm vào thì nó kêu lên âm thanh "thùng, thùng".
Thì như vậy, tóm lại là:
- Căn sắc y sinh, cảnh sắc y sinh, tạo ra thức thọ xả,
- Và nếu căn là thần kinh thân sắc y sinh, mà cảnh là cảnh xúc là đại hiển thì, tạo nên thân thức, một là thọ khổ, hai là thọ lạc.
Đó là lý do chúng ta phải hiểu ở trong Thắng Pháp Abhidhamma giải thích như thế.
Tiếp đến, trong bài học nói rằng: mặc dù ngũ song thức, mặc dù 10 tâm ngũ quan đóng vai trò tương đối đơn giản trong tiến trình tâm thức nhưng lại là sự ghi nhận năm cảnh sắc, thinh, khí, vị, xúc trong trạng thái uyên nguyên và trung thực nhất nên có ảnh hưởng quan trọng đối với chúng sanh trên cả ba phương diện nghiệp, quả và phiền não.
Điều này có nghĩa là, trong tiến trình tâm thức, tức là lộ tâm, thì tâm giác quan chỉ sanh có một trong năm giác quan, một tâm ngũ song thức sanh lên có một sở là, một sát na sau tâm khai ngũ môn trước tâm tiếp thu, nó chỉ có một sát na tâm, vai trò của nó chỉ là ghi nhận 5 cảnh, sắc, thinh, khí, vị, xúc, cho trạng thái uyên nguyên và trung thực nhất.
Có nghĩa là lúc đó cảnh đơn thuần là, cảnh sắc chân đế, cảnh thinh chân đế, cảnh khí chân đế, cảnh vị chân đế, cảnh xúc chân đế, nó hoàn toàn chưa có một ý niệm gì đối với cảnh là đáng say mê hay là đáng sân giận. Nhưng, ở giai đoạn này là giai đoạn quyết định phiền não sau này có sanh hay không, tức là khi nhãn thức và cảnh sắc rồi đến giai đoạn tiếp thâu quan sát đoán định rồi tới đổng lực (javana) tức là những tâm xử lý thì lúc đó thiện hay bất thiện sanh khởi lên ở đây.
Trong Kinh Tạng nói:
- Một vị Tỳ Kheo khi mắt thấy cảnh sắc, không nắm tướng chung, tướng riêng.
- Do nguyên nhân nào ác bất thiện pháp tham ưu sanh khởi?
- Do sự thấy, vị Tỳ Kheo ấy thu thúc ngăn ngừa chế ngự các nguyên nhân này, đây gọi là sự thu thúc nhãn căn, thu thúc nhĩ căn, thu thúc tỉ căn, thu thúc thiệt căn, thu thúc ý căn. v..v..
Sự thu thúc, trong Thanh Tịnh Đạo giải thích, không phải sự phòng hộ là nhắm mắt lại không thấy, không nghe, không ngửi, không nếm, không đụng, không suy nghĩ, mà sự phòng hộ ở đây chỉ cho trạng thái, bắt đầu từ giai đoạn tâm đổng lực javana xử lý cảnh ở giai đoạn đó, một vị tu tập khéo tác ý như thế nào khi, mắt thấy cảnh sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, tác ý như thế nào đừng để cho tham ái và sân hận sanh khởi, như vậy, gọi là sự thu thúc.
Đó chỉ là nói cho dễ nhớ thu thúc lục căn tức là, nhãn căn, nhĩ căn, tỉ căn, thiệt căn, thân căn, ý căn, nói vậy cho dễ hiểu. Nhưng kỳ thật chúng ta phải thu thúc tâm lộ đổng lực ở trong diễn trình tâm ngũ môn, chúng ta thu thúc ở chỗ đó.
Trong Thắng Pháp thì phần nào chỉ ngay phần đó, thí dụ như ở trong Kinh Tạng khi nói, do duyên mắt thấy cảnh sắc, nhãn thức sanh khởi, do duyên nhãn thức, mới có nhãn xúc nhãn thọ, do duyên nhãn thọ tức là thọ khổ, thọ lạc, thọ phi khổ, phi lạc sanh khởi, thọ duyên cho ái v.v... thì chúng ta nghe, tại sao trong kinh nói rằng, nhãn xúc làm cho phát sanh lên nhãn thọ, tức là duyên cho nhãn xúc, duyên cho thọ, có thọ khổ, thọ lạc, phi khổ, phi lạc. Trong khi Thắng Pháp Abhidhamma thì nói cảm thọ của nhãn thức, tỉ thức, thiệt thức, chỉ là thọ xả thôi, mà ở trong Tạng Kinh nói có ba.
Thật ra, có hai cách, nhãn xúc duyên cho nhãn thọ bằng cách câu sinh duyên thì nó chỉ là thọ xả, tức là xúc tâm sở và thọ tâm sở, hành uẩn xúc và thọ uẩn đồng sanh với nhau trong một sát na, thì như vậy nó chỉ là thọ xả, còn khi nói đến do duyên nhãn xúc phát sanh lên nhãn thọ, gồm có thọ khổ, thọ lạc, phi khổ, phi lạc, tức là ở đây muốn nói đến cách thường cận y duyên (pakatupanissayapaccaya), và nhận xét cảm thọ ở giai đoạn javana tức là tâm xử lý cảnh. Điều này chúng ta phải hiểu.
Cho nên việc học Thắng Pháp là để chúng ta phanh phui những manh mối, những chi tiết, giống như chúng ta mở ra một cỗ máy để học hỏi mạch điện chỗ này, con sò ở chỗ kia v.v... Tất cả những vị trí của các mạnh điện dầu lớn dầu nhỏ chi li như thế nào, khi mở máy ra thấy cái ruột bên trong là chúng ta phải ghi nhận. Nhưng khi chúng ta vận hành máy lạnh, máy điều hòa không khí chẳng hạn, thì trong trường hợp đó người ta mua về chỉ cầm cái romote để bấm khởi động và tăng độ C ở trên màn hình của cái remote đó là chúng ta có không khí lạnh thôi, chứ đâu cần biết trong đó cấu tạo mạch điện như thế nào. Thì cũng vậy, khi học Kinh Tạng chúng ta không cần biết, miễn làm sao biết được là do mắt theo cảnh sắc nên chúng sanh có sự vui sự khổ, hay là có tâm xả, tâm bình thản khi nghe, khi ngửi, khi nếm, khi đụng cũng vậy. Chúng ta nói cách khái quát như thế.
Nhưng, qua đến Thắng Pháp thì mới phân tích chi li, phân tách chặc chẽ ngay trong nội bộ của sát na tâm, nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thì thọ tương ưng với tâm này phải là thọ xả thôi, và về sau này chính cảnh sắc đó làm duyên cho tâm đổng lực bằng cách cảnh duyên, và nhãn thức đó làm duyên cho tâm kế tiếp bằng cách vô gián duyên, và sự thấy này làm duyên cho tâm đổng lực, khổ lạc, phi khổ, phi lạc, bằng cách là thường cận y duyên, phân tách ra như thế, thì đó là vấn đề chúng ta phải hiểu tại sao chúng ta học Thắng Pháp Abhidhamma là như vậy.
Trong Thắng Pháp Abhidhamma, khi nói đến tâm ngũ quan thì nó quá nhẹ thể, quá đơn giản, quá muội lượt. Nhưng, khi nói tâm ngũ quan xuyên qua Tạng Kinh thì có vấn đề rất nặng nề, bởi vì nếu không thì làm sao Đức Phật Ngài gọi là thu thúc lục căn (Indriyasaṃvara). Cho nên khi Ngài trình bày phải hiểu như vậy, đừng có chán mà chúng ta cần phải lắng nghe và suy nghĩ để học kỹ lưỡng hơn, để biết được tâm ngũ quan đó chi phối đời sống như thế nào.
Nhưng, thực ra ở trong Thắng Pháp cũng có nói đến vấn đề thường thức tại vì chúng ta học chưa tới, ở đây chỉ mới nói đến sơ khởi là cảnh sắc tác động đến con mắt làm cho nhãn thức sanh khởi, nhãn thức đó thuộc thọ xả. Cũng vậy, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, chúng ta nghe trình bày đơn giản như vậy thôi, chúng ta phải hiểu là nó rất rườm rà sâu sắc chứ không phải chỉ đơn giản, khi chúng ta bắt đầu học qua duyên hệ thì mới thấy sự liên đới giữa ngũ giác quan đó đối với tâm đổng lực, không phải chuyện đơn giản.
Cũng giống như trong ngành y khoa, khi nói đến tai hay mắt, đến thị giác thính giác của chúng ta không phải đơn thuần hễ mở mắt ra nhìn là chúng ta phân biệt được. Hay là tai của chúng ta còn màn nhĩ, âm thanh tác động vô màn nhĩ là chúng ta nghe được đâu, không phải, nó cũng phải truyền qua hệ thần kinh tác động vô màn nhĩ rồi truyền qua hệ thần kinh đó lên não của chúng ta rồi nó mới trả về để mà nó nhận biết âm thanh. Khoa học đã chỉ dẫn cho biết cái nào cũng phải do hệ thần kinh tác động. Tại sao mỗi khi chân chúng ta đá vào cục đá đau điếng, ở phía dưới chân nó không biết có đau nhưng ở trên đầu có thần kinh hệ truyền cảm thọ lên thần kinh trung ương sau khi nó bắt được tín hiệu thì bắt đầu nó sẽ gây ra sự phản ứng lúc đó mình mới đau. Ngày xưa người ta có câu nói "đau chân thì há miệng", thật sự mình đi sơ ý đá phải vật gì, thì miệng kêu "ui da", cái chân không kêu ui da nhưng do liên hệ đến thần kinh như thế nào, thì nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, bắt cảnh sắc, cảnh thinh, nhưng, chuyện mình bực bội, tức tối, với lời chửi mắng của người khác là do nó qua tâm đổng lực xử lý. Đây là những vấn đề chúng ta cần phải hiểu.
No comments:
Post a Comment