Thursday, August 27, 2020

Thắng Pháp Abhidhamma - Bài 9. Chân Đế

 Thắng Pháp Abhidhamma

Bài 9. Chân Đế


Minh Hạnh chuyển biên

TT Tuệ Siêu: Như chúng ta đã biết, có hai sự thật:

1- Một là Tục Đế (Sammutti-sacca).
2- Hai là Chân Đế (paramattha-sacca). 

Tục Đế là chế định về tên gọi (Nāmapaññatti), chế định về ý nghĩa nói cho hiểu là (Atthapaññatti). Chúng ta đã học qua. 

Hôm nay chúng ta học pháp Chân Đế (paramattha-sacca). 

Chữ sacca là một sự thật.

Chữ paramattha;

 - Parama nghĩa là đệ nhất hay là cùng tột hoặc là tuyệt cực, 

-  ttha là nghĩa là lý, hay là nội dung.

  Ngài HT Minh Châu dịch là Đệ Nhất Nghĩa. 

Nếu dịch là Đệ Nhất Nghĩa Đế thì thêm chữ Sacca (Paramattha-Sacca).

 Ngài HT Tịnh Sự dịch là Siêu Lý. 

Bây giờ chúng ta dùng Paramattha là Đệ Nhất Nghĩa.

Chúng tôi, chữ paramattha là nghĩa lý tột cùng hay là cực nghĩa, như chữ nibbanam paramam sukham - Niết-bàn là Cực lạc, là lạc tột cùng bởi vì nó không có đau khổ do sự vô thường v.v... 

Chữ paramattha nói cách nào đi nữa chúng ta cũng phải hiểu là, pháp có đặc tính như thật, quá khứ thế nào, tương lai và hiện tại cũng như thế không thay đổi.
 
Không thay đổi ở đây là, không thay đổi về thực tính (sabhāvā), không phải  pháp Chân Đế hữu vi là thường còn vĩnh hằng, không phải vậy, bởi vì luôn luôn:

 Aniccã vata saṅkhãrã 
uppãdavayadhammino 
uppajjitvã nirujjhanti 
tesaṃ vūpasamo sukho

Nghĩa là:

Pháp hành vốn vô thường
Sanh diệt là tự tánh
Có sanh hẳn phải diệt
Tịch tịnh là an lạc

Do đó chúng ta cần phải hiểu, khi nói đến quá khứ, hiện tại, vị lai, không có thay đổi, chúng ta phải hiểu thực tính Chân Đế không có thay đổi. 

Không giống như pháp chế định hay pháp Tục Đế, chữ, nghĩa, danh từ gọi, có thời gian, sau đó nó đổi khác, đi người ta có thể chế lại. 

Nói cách khác, pháp Chân Đế vượt ngoài thời gian và không gian, nghĩa là không bị chi phối bởi, văn hóa, không gian, thời gian. 

Như sự thi thiết trong ngôn ngữ, thời kỳ văn hóa này thì sài ngôn ngữ này chuyển đổi qua thời kỳ văn hóa khác thì ngôn ngữ đó được sửa lại nói khác đi. Ví dụ, văn chương thời Tự Lực Văn Đoàn ở VN của Thạch Lam, Khái Hưng v.v... khi mới mở cửa văn chương của Tự Lực Văn Đoàn được sùng bái được hoan nghênh. Nhưng văn chương đó đối với văn hóa bây giờ thì văn chương đó người ta nói lỗi thời, xưa rồi, bởi vì tả chân nhiều quá. Do đó khi người ta viết văn chương bây giờ phải phù hợp với tư tưởng, cách suy nghĩ, của tuổi trẻ bây giờ.

 Cho nên sự thi thiết của ngôn ngữ bị chi phối bởi văn hóa, về không gian, ở mỗi một góc độ họ qui ước văn hóa khác nhau, ngôn ngữ khác nhau. Thí dụ như văn hóa của nước này cách chào như thế này người ta cho là lịch sự, nhưng đem cách chào đó áp dụng cho quốc độ khác, không gian khác, người ta lại cho là thiếu lịch sự.

 Đừng nói chi ở đâu xa, thí dụ, chữ "khốn nạn" ở trong miền Nam mình gặp ai đó mình nói là "người khốn nạn" người ta nghe người ta giận mình, bởi vì nói như vậy có nghĩa là mình chửi người ta, nhưng ở miền ngoài ở miền Bắc chẳng hạn, thì chữ khốn nạn đó biểu hiện lòng nhân từ, khi mình thấy những người nghèo khổ hay một đứa bé mồ côi, mình nói "đứa bé thằng khốn nạn" tức là mình than thở, thương cảm cho nó. Cho nên ngôn từ theo không gian thi thiết thì sài tùy theo miền, tùy theo quốc độ v.v... về thời gian cũng vậy, những thập kỷ trước thì ngôn từ đó sài được, nhưng bây giờ mình sài thì người ta nói mình quê mùa, mình phải sài ngôn từ khác cập nhật theo người ta.

Tất cả những điều chúng tôi trình bày để muốn nói rằng là chỉ có ý nghĩa pháp Chân Đế, ý nghĩa đó là, quá khứ, hiện tại, và vị lai, vẫn là như vậy. 

Khi con người sống, có thể xác và tâm hồn, thì tâm hồn tức là nhận thức, biết cảnh, hoặc là sự cảm nhận, vui, buồn, hỉ, nộ, ái, ố v.v... thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, thì tâm biết như vậy nó cũng vẫn là như vậy thôi, không có thay đổi. 

Còn cái gì thuộc sắc pháp, về vật chất, là vô tri giác, nói cách khác là anārammana, là bất tri cảnh, là không biết cảnh. 

Thì ở đâu cũng vậy, hễ vật chất là vật chất, chứ không thể ở quốc độ này vật chất biết cảnh, tâm thức là không biết cảnh, không phải vậy, cho nên các pháp Chân Đế không bị chi phối bởi văn hóa, không gian và thời gian.

Thắng Pháp Abidhamma phần lớn trình bày về pháp Chân Đế, không như trong Kinh Tạng và Luật Tạng. 

Kinh Tạng và Luật Tạng thỉnh thoảng cũng có nhắc Đức Phật Ngài thuyết pháp cho thính chúng nghe, Ngài có trình bày nhưng trình bày một cách đại loại chứ không trình bày chi tiết giống như ở trong Thắng Pháp Tạng. 

Trong Kinh Tạng khi nói đến khái niệm thiện ác nhân quả, nói đại loại thiện là gì? một người bố thí giúp đỡ cho người khác gọi là thiện, một người từ bỏ sát sanh, từ bỏ trộm cắp, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, biết giữ giới, thì gọi là thiện, một người tu tập, tinh tấn, chánh niệm, chánh định, gọi là thiện.

Còn ác có nghĩa là, một người đánh đập đả thương sát hại chúng sanh khác, sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói đâm thọc, nói lời độc ác v.v... Thì như vậy, trong kinh tạng đề cập đến thiện ác như thế.

Khi nói đến nhân quả, trong Kinh Tạng nói đến, nghiệp trắng thì kết quả trắng, nghiệp đen kết quả đen, nghiệp vừa trắng vừa đen kết quả cũng vừa trắng vừa đen, nghiệp không trắng không đen kết quả không trắng không đen. Những khái niệm về nhân quả như vậy được nói đến để người ta nghe thoáng qua hiểu được.

Nhưng, ở trong Abhidhamma Thắng Pháp đề cập tỉ mỉ, phân biệt rõ ràng tế nhị. Thí dụ, nói đến thiện, trước nhất nói đến những tâm có nhân thiện tương ưng là vô tham, vô si và, có những thuộc tính tịnh hảo như tín, niệm v.v... Tín, niệm, tàm, qúi, tương ưng phối hợp với tâm đó thì mới gọi là tâm thiện. Từ tâm thiện này dẫn đến, thân nghiệp thiện, khẩu nghiệp thiện, ý nghiệp thiện. 

Pháp thiện được phân ra nếu như, pháp thiện làm những việc lành dẫn đến tái sanh về, cõi người, cõi trời dục giới, thì gọi là tâm thiện dục giới.

 Còn pháp thiện đưa đến quả tái sanh về cõi Phạm Thiên sắc giới thì gọi là thiện sắc giới.

 Pháp thiện dẫn tái sanh đưa đến cõi vô sắc giới Phạm Thiên vô sắc gọi là thiện vô sắc.

Pháp thiện diệt trừ những phiền não bằng Bát Chánh Đạo, chánh kiến, chánh tư duy v.v... gọi là tâm đạo hay thiện siêu thế.

 Pháp thiện hay pháp bất thiện đưa đến quả dị thục ở trong Thắng Pháp Abhidhamma chỉ nói đến quả bất thiện và quả thiện mà thôi. 

Và trình bày đặc biệt nhất là về duyên hệ, trình bày qua khía cạnh dị thời nghiệp duyên  (Nānakkanikakammapaccayo).

Tư tâm sở phối hợp tâm thiện sẽ trợ cho tâm quả thiện và, tư tâm sở (cetanā) phối hợp trong tâm bất thiện sẽ đưa đến quả bất thiện đem đến sự khổ đau v.v...

Như vậy, trong Thắng Pháp Abhidhamma đề cập một cách chi tiết và tinh tế, tất nhiên, chúng ta cũng phải hiểu khi Đức Phật Ngài thuyết trong Kinh Tạng, trong Luật Tạng giúp cho người nghe có sự hoan hỉ để làm thiện và cảm thấy sợ hãi mà từ bỏ những điều bất thiện. 

Trong Thắng Pháp Abhidhamma cũng đề cập đến, thiện, bất thiện, phân tích kỹ lưỡng để loại trừ những sự nhầm lẫn. Nhưng khi chúng ta tu tập thì tu tập theo pháp thiện trong Kinh Tạng đã đề cập đến. 

Giống như, khi chúng ta bệnh đến gặp bác sĩ, bác sĩ sẽ kê toa cho chúng ta, bệnh này phải uống loại thuốc này, uống sáng, uống trưa, uống chiều, uống trước bữa ăn hoặc sau bữa ăn, uống với nước nhiều v.v... Nhưng, tủy theo cơ địa của mỗi người bác sĩ kê những tánh dược ở trong hiệu thuốc đó đưa qua dược sĩ, người dược sĩ sẽ lấy những thành phần thuốc, họ thêm vào tánh dược này họ bỏ bớt thành phần kia để bào chế viên thuốc phù hợp cơ địa của bệnh nhân. Khi đọc toa thuốc, đọc tờ hướng dẫn xử dụng về loại thuốc đó, chúng ta sẽ thấy những thành phần ở trong viên thuốc nhưng, bệnh nhân khi uống thuốc thì chỉ biết là uống viên thuốc thôi, không cần phải tách ra những thành phần ở trong viên thuốc đó nữa.

Tương tự như vậy, Thắng Pháp Abhidhamma phân tích những thành phần chi tiết trong những thuộc tánh, trong một tâm thiện hay tâm bất thiện để dẫn biết một cách chính xác về trường hợp một người làm thiện có tình trạng này hay tình trạng khác. Nhưng, khi ta tu tập, chúng ta làm phước thì  cứ việc nghĩ là có niềm tin nơi Tam Bảo, nơi Chư Tăng, chúng ta đem lễ phẩm đến chùa để cúng dường tác bạch bằng, thân, khẩu, ý, với tâm hoan hỉ. Chúng ta cúng dường như vậy gọi là sự bố thí cúng dường, sự làm phước cứ làm như vậy, lúc đó chúng ta không cần phải phân tích, chia chẻ, xem coi trạng thái tâm bố thí lúc đó như thế nào v.v... 

Đó là sự trình bày để chúng ta hiểu về, Kinh Tạng, Luật Tạng, Thắng Pháp Tạng, khác nhau như vậy, về nội dung nghĩa lý cũng giống nhau, chỉ là Kinh Tạng trình bày ở khía cạnh vi mô, Thắng Pháp thì vĩ mô một chút. 

Nếu như, học theo Thắng Pháp chúng ta cứ nghĩ một khảy móng tay tâm sanh diệt triệu triệu sát na tâm, trong một triệu triệu sát na tâm đó, mỗi một sát na tâm sanh khởi có thiện có bất thiện và có tâm vô ký, thì trong trường hợp chúng ta muốn loại ra chắc là khó, chúng ta khó cắt ra. Còn khi chúng ta học Kinh Tạng và Luật Tạng thì nên biết, thí dụ, khi nói đến chánh tư duy tức là, ly dục tư duy, vô sân tư duy, bất hại tư duy, mình phải duy trì để cho nó sanh. Còn tà tư duy như là, dục tư duy, sân tư duy, hại tư duy, thì không nên sanh khởi v.v... Nói về, chánh tư duy, tà tư duy như thế, chúng ta cứ tu tập như vậy, đó là sự phân tích chi tiết.

Bây giờ chúng ta nói đến sự phân chia các pháp Chân Đế. Thật ra, pháp Chân Đế  chia làm hai được rồi, tức là danh  (nāma) và sắc  (rūpa). Hay nói cách khác, chia ra làm 4, danh ở đây gồm có tâm thuộc tánh, tức là tâm sở hay là sở hữu tâm và Niết-bàn. 

- Tâm, tâm sở, và Niết-bàn gọi là danh (nāma).

-  Sắc (rūpa) là phần vật chất gọi là sắc pháp.

 Danh (nāma) gồm có danh pháp hữu vi và danh pháp vô vi. Danh pháp hữu vi là tâm, tâm sở. Danh pháp vô vi là Niết-bàn. Đó là phân theo giáo trình chúng ta học, nếu chúng ta phân theo cách khác nữa thì pháp Chân Đế có hai là Chân Đế vô vi và Chân Đế hữu vi. 

Chân Đế vô vi ở đây là Niết-bàn, vì Chân Đế này, vì pháp, vì Niết-bàn, không có bị tạo tác bởi duyên Niết-bàn, ở trong duyên hệ được đề cập đến nó làm cảnh cho tâm được, làm cảnh duyên. Nhưng không bao giờ làm sở duyên, tức là nó bị pháp khác trợ tạo, cho nên gọi là vô vi (Asaṅkhatā).

 Chân Đế hữu vi là những pháp như, tâm, tâm sở, sắc pháp, hay là vật chất, tâm thuộc tánh vật chất thì nó là năng trợ cho pháp sanh khởi, mà nó cũng là sở, tức là nó bị pháp khác làm duyên trợ sanh ra nó. 

 Thì như vậy, có nghĩa là pháp Chân Đế trước hết chúng ta nói đến, Chân Đế vô vi, Chân Đế hữu vi. 

Nếu chúng ta chia cách khác là danh và sắc. Kế đến chúng ta chia ra làm 4 pháp Chân Đế tức là, tâm, tâm sở, sắc pháp và Niết-bàn. Thì ở đây, trong giáo trình Abhidhammattha Sangaha - Thắng Pháp Tập Yếu, chúng ta nói nhiều về Chân Đế hữu vi, tâm, tâm sở, sắc pháp, bởi vì đối với Chân Đế vô vi chỉ là Niết-bàn, cho nên, chỉ nói qua một góc nào đó chứ không có gì để phân tích nữa. 

Thì pháp hữu vi gồm có, tâm, tâm sở, hay gọi là thuộc tánh của tâm, gọi là sở hữu tâm, cái này gọi là danh, danh pháp hữu vi.

 Còn vật chất tức là 28 sắc pháp thì gọi là sắc.

Khi chúng ta học Thắng Pháp, chúng ta sẽ học đến sự tương quan giữa danh và sắc pháp, Chân Đế hữu vi, chúng ta sẽ học sự tương quan đó, bởi vì danh trợ cho danh được, danh trợ sắc được, danh trợ cho danh và sắc được, sắc trợ cho danh được, và sắc trợ cho sắc được, sắc trợ cho danh sắc cũng được. Đó là chúng ta sẽ học nội dung của pháp Chân Đế. 

Trong buổi học hôm nay chúng ta chỉ giới thiệu về ý nghĩa của pháp Chân Đế và sự phân loại pháp Chân Đế mà thôi. Bài học kế tiếp, chúng ta sẽ bắt đầu đi vào chi tiết, trước tiên là về tâm, là một trong 4 pháp Chân Đế, bắt đầu chúng ta sẽ đi vào chi tiết của pháp Chân Đế, sau bài học này và, lúc đó các Phật tử học viên phải chú ý và có thể ghi chép được thì ghi chép./.

No comments:

Post a Comment