Sunday, August 16, 2020

Thắng Pháp Abhidhamma - Bài 7. Hai Sự Thật: Chân đế và Tục đế

 Thắng Pháp Abhidhamma

Bài 7. Hai Sự Thật: Chân đế và Tục đế


Minh Hạnh ghi chép

TT Giác Đẳng: Chúng tôi muốn nhắc ở trong bài học có phần gọi là "Nên cẩn thận". Vì nhiều khi môn học là một lẽ, thái độ trong đời sống cũng có chừng mực tương đối nào đó.

 Hồi chúng tôi đi học ở trường Vạn Hạnh có học với một vài vị sư Nam Tông, những vị Sư này ở ngoài Huế vào, lúc đó ở Huế có phong trào đọc sách Thiền Tông của Nhật Bản hay Trung Hoa, nên các vị này bị ảnh hưởng. 

Có một vị viết một câu chuyện, các vị truyền tay nhau đọc thích thú, các vị nói rằng; có hai vị Sư, một vị Sư nói:

 - Tất cả đều là vô ngã, không phải là của ta, không phải là ta, không phải tự ngã của ta.

 Rồi một vị Sư thấy vị này nói như vậy, nên khi vị sư này được dâng cúng ly cafe sữa đá thì vị kia cầm ly cafe sữa đá uống, thì vị này nổi giận nói:

Sao uống của tôi?

 Thì vị Sư kia nói: 

- Sư nói sao! Sư nói không phải là của ta mà bây giờ Sư nói là của tôi.

Câu chuyện đó được các vị rất tâm đắc. Câu chuyện đó kể nghe vui thì có vui, nhưng, nói theo Phật Pháp thì đó là một cách phản Phật Pháp. Bởi vì, sự thật là, Đức Phật Ngài có dạy: "Tất cả pháp hữu vi đều không phải là của ta, không phải là ta, không phải tự ngã của ta". 

Nhưng trong Luật Tạng, Đức Phật Ngài dạy, trong giới trộm cắp có chi pháp là vật có chủ và biết là có chủ, nếu bây giờ nói kiểu nói càn, nói rằng: "không có gì là của ta, không có sở hữu cái này cái kia, như vậy thì, không có cái gì là của ai, mà không có cái gì là của ai, mình muốn lấy của ai thì lấy tự do". Đó là cách nói càn. 

Bởi vì, khi học Phật Pháp, cách học và cách ứng dụng, và đặc biệt thái độ rất quan trọng. Chúng tôi cũng có nghe một vài vị học Vi Diệu Pháp gọi là học Siêu Lý. Những vị này có một thái độ là, mình học Thắng Pháp chỉ có cái gì thuộc về Chân Đế mới là đúng, mới là tốt, và mới là hợp với chánh pháp, còn cái gì thuộc về Tục Đế đều sai. 

Tục Đế không phải là sai, Tục Đế sai thì không dùng chữ Đế ở tại đó, chúng ta phải rất cẩn thận. Như hồi nãy qúi vị nghe trong bài giảng của TT Tuệ Siêu cũng như trong bài học thì, Đức Phật Ngài dùng cả hai ngôn ngữ Tục Đế và Chân Đế. Chúng ta phải đặc biệt rất cẩn trọng, nếu Tục Đế là sai không nên sài vì sài là sai hết thì Đức Phật đã không dùng. Đó là sự thật của thế trình, sự thật của thường thức, mình cũng phải tôn trọng ở chừng mực nào đó. 

Chúng tôi lấy một ví dụ, về vấn đề văn hoá, ngày xưa Chư Tăng ở VN khi nói chuyện với ai mình phải ngó xuống là tốt, không nên nhìn mặt người khi nói chuyện, nhất là người phụ nữ. Nhưng khi chúng tôi sang Hoa Kỳ, mình nói chuyện mà không nhìn người nói chuyện thì người ta nói mình gian, thì phải nhìn người ta khi nói chuyện. Chuyện đó mang tánh cách ước lệ, mình phải áp dụng đúng chỗ nếu không là mình sai.

Khi chúng ta nói Tục Đế và Chân Đế, chúng ta hiểu có những sự thật của thế gian này. Ví dụ thời Đức Phật còn tại thế, Đức Phật Ngài đề cập đến vai trò của một vị minh quân là một vị pháp vương, một vị chuyển luân vương. Trong giá trị ngày nay, chúng ta nói đến một nền pháp trị tốt. Pháp trị dân chủ, dân chủ là người ta bầu lên. Ở trên thực tế, cả hai nền dân và quân chủ cái nào cũng có lợi và bất lợi, nhưng phải nói lâu lâu mới có được một vị vua tốt. Dân chủ cũng vậy, không phải là tất cả những người tổng thống, thủ tướng người dân bầu đều tốt hết, hay là, tất cả những vị vua đều tốt hết. Nhưng, nhũng giá trị tùy theo thời, tùy theo xứ. 

Thành ra có những giá trị rất tương đối, giá trị tương đối gọi là Tục Đế và, một giá trị tuyệt đối hơn gọi là Chân Đế. Chân là sự thật, Đế cũng là sự thật. Chân Đế là sự thật của sự  thật.

Sự thật của sự thật ở đây mang ý nghĩa là một sự thật mà nó không thay đổi theo thời gian, quá khứ thế nào, hiện tại như vậy, hiện tại như thế nào, tương lai như vậy, điều này gọi là sự thật của sự thật, gọi là Chân Đế. Thì điểm này chúng ta sẽ bàn ở thời điểm khác.

Bây giờ, chúng ta nói qua khía cạnh ứng dụng trong Thiền Vipassana. Thiền Vipassana, chúng ta học được một cách là ghi nhận và trong sự ghi nhận đó sau này dẫn đến tình trạng đặt tên. Thí dụ, có nhiều vị Thiền Sư dạy khi mình ăn, mình phải múc thức lên và nói:

- Ăn à, đưa thức ăn à, nhai nhai à.

Hành vi đọc lên từng hành động gọi là định danh, định danh từng hành động. Thật ra tất cả cái định danh đó đều mang tính cách là chế định gọi là định danh và đôi khi nó làm rối vị hành giả. 

Điểm chính ở đây trong chánh niệm là, mình ăn mình để ý đến mình ăn, mình nhai từ từ không vội vã, không nghĩ lan man việc này việc kia và, ý thức trọn vẹn những gì đang làm. Nhiều khi đem mọi hành động mà mình xướng lên thì thật ra rất kỳ. 

Chúng tôi nhớ, hồi xưa có một cô Phật tử đi hành thiền, vì không giỏi tiếng Anh nên nhờ vị Sư quen thông dịch. Vị Sư này quen cách dịch bình thường nên khi vị Thiền Sư dạy kinh hành, dạy theo dõi bước chân là  dở (tức là dở chân lên) ,  bước (tức là đưa chân tới), rồi đạp (tức là đạp chân xuống. Thì vị Sư thông dịch nói:
- Dở
- Bước
- Đạp
- Dở
- Bước
- Đạp
Vị Sư thông dịch được vài bữa, Sư này bận việc phải đi lo giấy tờ visa nên vị này rời Mandalay để đến chỗ xin visa, không thông dịch nữa, cô Phật tử này nhờ vị Sư VN khác và vị Sư này từ bên Mỹ qua, vị này dịch không phải là, dở, bước, đạp, mà vị này nói là, Thiền Sư dạy rằng:
-  nhấc bàn chân lên, 
- đưa chân tới, 
- đạp chân xuống,
-  nhấc chân lên, 
- đưa chân tới, 
- đạp chân xuống.

Cô Phật tử này than phiền rằng, sao vị này dịch nghe dài, nghe mệt như vậy, sao không dịch là, dở ,bước, đạp.

Tình cờ chúng tôi có dịp sang bên đó, cô Phật tử trình bày với chúng tôi, chúng tôi nói rằng:  đành rằng một vị dịch là, dở, bước, đạp, dở à, bước à, đạp à, cũng không cần thiết mình phải dùng danh từ đó. Mà vị kia nói là, nhấc chân lên, đưa chân tới, đạp chân xuống, cũng không nhất thiết mình phải chấp là tại sao khác, câu dài, câu ngắn, quan trọng là mình biết động tác và mình cũng không đặt tên cho nó. 

Điều này rất quan trọng, thường là, nhiều khi trong Thiền Quán, điểm chính là làm việc gì đó mình để tâm trong đó, chứ không nhất thiết chúng ta phải chia nó ra từng phần rất là rõ rồi định danh, cái này gọi là cái gì, cái kia gọi là nhai à, nuốt à v.v... không nhất thiết như vậy.

Dĩ nhiên, về điều này nhiều vị không đồng ý nhưng, trên thực tế đặt tên là đặt tên. 

Cũng có một lần chúng tôi nghe một Phật tử nói chuyện về cảm giác như là, tê, nhức, đau v.v...Hỏi, làm sao để phân biệt giữa cái tê, cái nhức cái đau. Thật ra, đôi khi không cần phải gọi trạng thái nào là trạng thái nhức, trạng thái nào gọi là trạng thái đau. Dĩ nhiên, trong tiếng Việt có sự phân biệt hai điều đó. Nên khi chúng ta đi vào trong cách tu của Tứ Niệm Xứ coi chừng đôi lúc chúng ta lại gặp vấn đề khó khăn giữa định danh và thực tại. Có nhiều khi chúng ta có trách nhiệm bám sát thực tại nhưng không nhất thiết chúng ta phải định danh. Và, trong trường hợp này lại có lợi khi chúng ta học Thắng Pháp và hành thiền Tứ Niệm Xứ.

 Chúng ta nghe câu chuyện là có hành động chứ không có người hành động, có gặt quả chứ không có người gặt quả, có hành động hay không có người hành động là vị đó biết rằng: đây là tham dục, đây là sân độc, đây là hôn trầm, biết, ý thức rõ. Và đây là đất, đây là nước, đây là lửa, đây là gió, đây là tóc, đây là móng, đây là lông, đây là da, đây là hơi thở vô, hơi thở ra thì biết rõ, biết rõ từng hiện tượng nhưng mà không nói ai, không nói "tôi" làm, "tôi" thế này, "tôi" thế kia. 

Nhiều lần khi giảng Kinh Niệm Xứ, chúng tôi có nói khi mình học Phạn ngữ nhiều khi không có chủ từ, nhưng trong động từ đã có chia. 

Thí dụ:

- Passati là thấy.

- Khi nói "tôi thấy"  là "passami" 

 Không bao giờ, động từ của Phạn ngữ mà không chia, ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai, ngôi thứ ba, hoặc giả là tôi thấy, hoặc là anh thấy, hoặc là nó thấy. Bắt buộc động từ phải chia theo ngôi thứ.

Khi chia như vậy dịch sang tiếng Việt có chủ lực, thở vào vị ấy biết rõ "tôi" đang thở vào, thở ra vị ấy biết "tôi" đang thở ra, cái gọi là "tôi" đang thở vào, "tôi" đang thở ra thì, cái chủ ngữ "tôi" là một cách dịch không nên trong trường hợp đó.

 Trong tiếng Việt, động từ không cần chia mà:  thở vô vị ấy biết thở vô, thở ra vị ấy biết thở ra. 

Về điểm này tiếng Việt rất đẹp, tiếng Việt đẹp hơn tiếng Phạn ở điểm đó.

Ở trong tiếng Việt, thở vô biết thở vô, thở ra biết thở ra. Không cần phải nói thở vô biết "tôi" thở vô, thở ra biết "tôi" thở ra. 

Cái hay của cách niệm này là lâu ngày thì mình thấy rõ tất cả hiện tượng, tôi không phải là thở vô, tôi không phải là thở ra, tôi không phải là đất, không phải là lửa, tôi không phải là gió v.v.. tôi không phải là tâm tham, tôi không phải tâm vô tham, không có cái tôi.
 
Giống như Ngài Nagasena nói rằng cái gọi long xa là kết cấu của nhiều thành tố, nhiều bộ phận. Cái mui xe không phải là long xa, cái bánh xe không phải là long xa, sườn xe không phải là long xa mà, cái gọi là long xa là tất cả bộ phận tạo thành.

Vì vậy, đôi khi chúng ta nên nhớ ngoài vấn đề chỉ ghi nhận hiện tượng mà không đem cá thể là tôi là ta, là người này người kia vào trong đó, giống như cách nói "tôi thở vô" hay "tôi thở ra", mà chỉ cần biết thở vô, thở ra ./.

No comments:

Post a Comment