Friday, August 7, 2020

Thắng Pháp Abhidhamma - Bài 2. Những Khái Niệm Cần Làm Quen

                                  Thắng Pháp Abhidhamma

Bài 2. Những Khái Niệm Cần Làm Quen Trước Khi Học Thắng Pháp Abhidhamma


Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Chúng tôi xin mở đầu với câu chuyện nói về phương cách học Thắng Pháp Abhidhamma.

Hồi nhỏ, TT Tuệ Siêu và chúng tôi vào chùa tu học, thời gian đầu chúng tôi học Thắng Pháp Abhidhamma như con vẹt. Chúng tôi nói như vậy cũng không quá, tại vì bài học vỡ lòng đầu tiên chúng tôi chỉ nghe: Tất cả là Pháp. Pháp có hai phần là, Tục Đế và Chân Đế. Chân Đế có hai là, hữu vi chân đế, vô vi chân đế. Hữu vi có hai là Danh Pháp và Sắc Pháp. Danh pháp có hai là Tâm và Sở Hữu Tâm v.v... Học giống như học bản cửu chương. 

Thật ra, lúc đó chúng tôi cũng không hiểu Abhidhamma nói gì, học cả năm trời mới hiểu ra những khái niệm của Abhidhamma nói gì. Lần đầu tiên thì không cần biết, chỉ học thuộc lòng nhiều hơn, cũng là cách học truyền thống. Đó là cách học thứ nhất.

Cách học thứ hai, cách học trong thế giới hôm nay, một người muốn vào học môn gì thường có khái niệm tổng quát về môn mình học và học ra sao. Thí dụ, học cắm hoa, học nấu ăn, học vi tính thì, mình cũng có khái niệm học cái gì và từ khái niệm đó chúng ta mới vào chi tiết những thứ mình không biết.

Chúng tôi chọn cách thứ hai là một phương cách để thực hiện giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma này. 

Qúi vị sẽ thấy, trong 7 bài học đầu tiên của giáo trình, không đi vào ngay trong Thắng Pháp, chỉ là những bài có tánh cách dẫn nhập hay nhập môn. 

Bài học ngày hôm nay đặc biệt chúng tôi xoáy vào một số khái niệm tương đối xa lạ. 
Trong quan niệm bình thường của chúng ta, từ hồi nhỏ tới lớn, chúng ta lớn lên cha mẹ dạy, đây là điều thiện, đây là điều ác, đây là tốt, đây là xấu, đây là hay, đây là dở v.v... Chúng ta lớn lên bằng nền văn hóa đó. 

 Đức Thế Tôn Ngài thuyết pháp dựa trên căn tính và sự hiểu bình thường của chúng ta, từ đó Ngài hướng dẫn chúng ta có những lý lẽ gần với quan niệm thường thức, gần với những quan niệm hàng ngày, do vậy chúng ta có kinh Tạng. Kinh Tạng là một kho tàng đồ sộ, qua đó ghi lại lời Đức Phật và các Thánh đệ tử ở trong nhiều trường hợp khác nhau.

Nói về kinh Tạng, ngày xưa Ngài Tịnh Sự và Sư Trưởng thường dùng thí dụ là, Đức Phật thuyết kinh Tạng đa phần cho chúng sanh giống như vị thầy thuốc đang đi vân du chỗ này chỗ kia hốt thuốc chữa bệnh, con bệnh không giống nhau, không phải có một toa thuốc dành cho cả trăm người bệnh giống nhau, không phải như vậy, bây giờ thuốc tây có thể như vậy, còn thuốc nam thuốc bắc có nhiều vị thuốc khác nhau, có những người bị bệnh này bệnh kia có gia có giảm, thành ra toa thuốc có khác biệt. Đó là nói về cái giỏi của người thầy thuốc. Trong thuật ngữ Phật học của chữ Hán gọi là "Khế Cơ". 

Khế Cơ là, những bài pháp được giảng dựa trên căn tính từng chúng sanh, giống như vị thầy thuốc hốt thuốc tùy theo mỗi người bệnh, dựa trên thân thể của mỗi người. Ví dụ, cũng bệnh đó theo nguyên tắc phải uống thuốc đó, lượng thuốc đó, nhưng bác sĩ tùy theo người to con, người nhỏ con, người nhỏ con uống liều lượng khác, người to con uống liều lượng khác. Hay là, người ăn nhiều thịt, uống nhiều rượu như người Âu Châu thì khác, và người ăn ít không uống rượu như người Á Châu thì khác. Đó là chúng tôi muốn nói bác sĩ phải hiểu con bệnh và hiểu căn bệnh như thế nào.

Khi giảng Thắng Pháp Abhidhamma, Ngài Tịnh Sự và Sư Trưởng thường dùng thí dụ một vị dược sĩ bào chế thuốc ở trong thời đại này, lúc bấy giờ nhìn thang danh tánh dược, nhìn những bệnh chứng, không phải tùy theo người là hình ảnh chung. Thuốc bào chế (thuốc Tây) khác với thuốc hốt theo kê toa cho từng con bệnh mang tánh cách phổ quát nhiều hơn là riêng biệt. 

Vì vậy, khi chúng ta đi vào môn học Thắng Pháp Abhidhamma, trước nhất chúng ta phải làm quen với một số khái niệm tương đối mới lạ, những khái niệm này nhiều khi làm cho mình thấy ngờ ngợ, cảm thấy không biết mình đang học gì, tại sao lại học môn học này.

Điểm đầu tiên, khó hiểu với nhiều người trong chúng ta, trong cách nói bình thường, trong cách nói phổ thông, con người có hai phần là; thể xác và linh hồn. Thể xác mong manh phù du, linh hồn tinh anh trường cửu bất diệt thì, điều này dễ hiểu.  Nhưng, Thắng Pháp Abhidhamma đề cập đến hai hiện tượng; tâm thể và vật thể là, thân và tâm nói theo hiện tượng giới. Chữ hiện tượng giới nói theo ngôn ngữ ngày nay, ngày xưa gọi là pháp tướng tông,  một sự kết cấu của những đơn vị cực vi. Ví dụ, nói vật chất có phân tử hay nguyên tử, nhìn vào một viên kim cương rất rắn chắc, một trong những thứ độ rắn chắc  rất cao, nhưng, trong cái nhìn của các nhà vật lý ngay cả trong viên kim cương vẫn được cấu kết bằng những thứ nguyên tử, những nguyên tử này không thể thấy bằng kính hiển vi nhưng nó được kiểm chứng qua những phương trình vật lý. 

Vật lý ở đây là, một nguyên tử luôn luôn có sự vận hành của cực âm và cực dương. Khi có âm có dương thì luôn luôn có sự vận hành, có sự di động. Hiện tượng di động trong kinh gọi là phong đại. Trong một viên kim cương bất động có hiện tượng của vận hành của di động thì khó hiểu, nhưng trên phương diện vật lý người ta hiểu như vậy. 

Tất cả chúng ta làm quen với khái niệm này, chính những đơn vị cực vi này  định nghĩa rõ ràng thì chúng ta mới hiểu từng chi pháp, từng pháp riêng biệt theo Thắng Pháp Abhidhamma, pháp này cộng với pháp kia ra pháp nọ. 

Chúng tôi lấy một ví dụ, một nồi canh ngon, chúng ta muốn học nấu nồi canh đó thì, cần phải biết nguyên liệu chính xác, ở trong đó gồm có những gì, chẳng hạn có, củ riềng, xả, lá chanh v.v... tức là nói từ nguyên liệu ban đầu để tạo ra nồi canh. Thì như vậy, gọi là nồi canh là một sự kết hợp của nhiều thành tố, những thành tố này tạo nên nồi canh chua, hay canh ngót v.v... Nó được kết cấu bởi nhiều thành tố, những thành tố này đạt đến mức độ cực vi, cực vi tức là không thể chia nhỏ hơn được nữa. 

Thí dụ, nói thuộc tánh của tâm thì có, thuộc tánh trợ tha, thuộc tánh thiện, thuộc tánh tịnh hảo, thuộc tánh bất thiện như, tham, sân, si, vô tàm, vô qúi, phóng dật. Thì thuộc tánh si là một đơn vị cực vi, nhưng từ đơn vị cực vi này chúng ta tìm ra sự phối hợp của thuộc tánh về si có mặt trong tất cả tâm bất thiện.

 Như vậy, trong tâm tham, tâm sân, tâm si có nhiều thuộc tánh, nhiều lúc có tâm bất thiện biến hành như là, si, vô tàm, vô qúi, phóng dật, mình phải làm quen với điều này. Nếu chúng ta không làm quen với những đơn vị cực vi này thì chúng ta cảm thấy ngờ ngợ, cảm thấy kỳ. Như ở trong kinh tạng nói rằng, một người tu phải có tàm, có qúi, có tu giới, tu định, tu tuệ, điều này rất dễ hiểu. Nhưng, bây giờ mình nói trong một sát na tâm đạo có đủ tám chi đạo là, chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, nghe cũng hơi lạ. Mình nói trong kinh Tạng là, tu giới cũng thành tựu, tu định cũng thành tựu, tu tuệ cũng thành tựu v.v.... 

Ý chúng tôi muốn nói, đầu tiên chúng ta phải làm quen với khái niệm về những đơn vị cực vi đó để chúng ta học Thắng Pháp Abhidhamma, nếu chúng ta không làm quen khái niệm đó rất khó để hiểu về Abhidhamma như thế nào.

Ngoài chuyện những đơn vị cực vi, chúng ta phải làm quen với một khái niệm về một giòng sinh diệt tiếp nối cực nhanh. Giòng sinh diệt tiếp nối cực nhanh này không đề cập đến trong kinh Tạng nhiều. Ví dụ  một người vui buồn lẫn lộn, hay có lúc mình cảm thấy như có một sự mâu thuẫn nội tại thì thông thường chúng ta hiểu ở trong con người có cả hai thứ, chợt thiện chợt ác, có vui có buồn và, mình hiểu những thứ đó đồng sanh với nhau, nhưng kỳ thật không có đồng sanh. 

Chúng ta chỉ có một giòng tâm thức sanh diệt, nó sanh diệt rất nhanh, cái này đắp đổi cái kia. Khi hai ba trạng thái có cùng lúc chúng ta tưởng đâu mình có hai thứ tâm, tâm thiện tâm bất thiện một lượt. Nhưng kỳ thật là, nó có trước có sau, có cái này sanh cái kia diệt. Ví dụ, người Phật tử làm phước làm bằng tâm thiện, đem thực phẩm đến chùa, nhưng thấy có người khác đem đến một thứ tốt hơn, mình không vui, mình ganh tị với người đó thì, không phải  trong tâm thiện của chúng ta có chất ganh tị mà bởi vì giòng tâm thức của chúng ta sanh diệt rất nhanh, do đó, có những phân đoạn mang tánh chất thiện và phân đoạn mang tánh chất bất thiện.

Tâm ganh tị không đi chung với tâm bố thí, tâm bố thí là tâm thiện, tâm ganh tị là tâm bất thiện, nhưng tại vì tâm sanh rồi diệt rồi sanh nó xảy ra quá nhanh, do xảy ra quá nhanh làm chúng ta tưởng một người một lúc có thể có hai ba thứ tâm khác nhau có, tâm hoan hỉ, tâm giận, tâm thiện, tâm bất thiện, tâm muốn cúng dường, tâm ganh tị. Nhưng không phải như vậy.

Để hiểu cái nhanh của tâm, chúng ta có thể tạm dùng một thí dụ.

Chúng ta thử đọc câu sau: 

- "Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau".
 
Khi  đọc câu đó, đọc bao lâu thì đọc, rất nhanh, và để làm được việc đó chúng ta trước nhất là nói chậm lại, chúng ta ráp vần như:

Chữ "ngày" bắt đầu bằng chữ n, kế đến là chữ g, rồi chữ a, chữ y, dấu huyền ở trên chữ a.

rồi chữ "sau" thì bắt đầu bằng chữ s, chữ a, chữ u.

Thì, câu "ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau." Chúng ta ráp vần từ mỗi chữ như vậy, chúng ta ráp nhiều mẫu tự thành một chữ, nhiều chữ ráp thành một câu, trong một câu đó chúng ta lại liên tưởng đến Trịnh Công Sơn, liên tưởng đến một ý nghĩa gì trong cuộc sống, nhưng tất cả diễn ra rất mau, chúng ta không bao giờ nói, tôi đọc câu đó tôi phải ráp vần từng chữ, hoặc tôi đọc câu đó tôi phải nhớ về Trịnh Công Sơn, hay tôi đọc câu đó tôi phải nhớ bài hát Diễm Xưa v.v... 

Tâm mình làm việc rất nhanh, nó xử lý tất cả sự kiện đó, nếu nó không xử lý tất cả sự kiện đó thì nó không đọc được những chữ đó. Ví dụ, câu đó có một vài chữ viết sai, hay một vài chữ viết thiếu, tự nhiên thấy mình biết liền.

 Thì như vậy, chứng tỏ tâm mình khi đọc vào câu đó đã rà soát qua tất cả những mẫu tự của từng chữ, rồi kết thành câu, rồi trong câu đó tạo thành ý nghĩa, tạo sự liên tưởng, tạo cảm xúc. Nhưng điều đó chúng ta khó tưởng tượng để diễn tả được cái nhanh của tâm nhanh thế nào.

Một khái niệm có thể rất gần của ngày nay là một cái chip của máy vi tính, chúng ta khoan nói đến những máy vi tính khổng lồ, chỉ nói  điện thoại cầm tay của chúng ta thôi, một cái chip người ta gởi tin nhắn vô thì nó hiện ra chữ đó, màu đó, hình đó, âm thanh đó, nếu chậm quá nó không có được giống như chúng ta có. Một cái chip đó trong một giây nó phải có thể xử lý cả hằng triệu data processing (dữ liệu xử lý) như vậy để tạo cho chúng ta những hiệu ứng. Về điểm này cũng khó tưởng tượng, cái chip nhỏ xíu có thể xử lý cả hàng triệu data trong một lúc, nhưng chuyện đó là chuyện có thật. 

Từ xưa rất là xưa, khi Abhidhamma được Thế Tôn giảng cho Tôn Giả Xá Lợi Phất, và Tôn Giả dạy lại cho các đệ tử, chúng tôi hiểu rằng người thời đó nghe cũng khó hiểu, tại sao một sát na ngắn như vậy, trong một tích tắc, một khảy móng tay, tâm sinh diệt triệu triệu cái. Nhưng, nếu ngày hôm nay chúng ta hiểu biết về vi tính, chúng ta thấy chuyện đó không có gì lạ, vật chất  còn nhanh như vậy huống chi là tâm thức. 

May mắn của chúng ta để học Thắng Pháp Abhidhamma là có rất nhiều điều ở trong thế giới hiện tại đã cho thấy những điều đó, không phải điều huyền hoặc, không phải là những điều tưởng tượng, mà những điều đó chúng ta có thể thấy có những điểm tương tự hay gần để chúng ta hiểu về Thắng Pháp Abhidhamma. 

Bởi vậy, ở trong thời đại này, nếu có một chút quen thuộc với những phát triển về khoa học thì học Thắng Pháp Abhidhamma sẽ rất thích. Bởi vì có nhiều tương đồng.

Bây giờ, chúng ta bước qua một khái niệm khác cũng xa lạ đó là, sự hỗn hợp ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Sự hỗn hợp đó lấy ví dụ trong kinh Tạng nói đến, tín, niệm, tàm, qúi, vô tham, vô sân, vô si, hành xả thì, một chi pháp thôi mà nói tràng giang. Và, khi nói tín, nói niệm, nhiều khi người ta lại cho đó là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Một người đi chùa thắp nhang lạy Phật là thể hiện niềm tin, còn người bước đi chầm chậm vừa đi vừa theo dõi bước chân đó là niệm v.v... Thì cái tín cái niệm đó chúng ta quan niệm rất là phổ thông, là những gì chúng ta nhận thức rất chậm ở trong đời sống này.

Khi chúng ta nói 19 thuộc tánh biến hành tức là những thuộc tánh có mặt ở trong tất cả những tâm thiện, hay tất cả những tâm tịnh hảo. Thì, mình phải trộn tất cả những thứ này với nhau trong đó có, tín, niệm, tàm, qúi, vô tham, vô sân, vô si, hành xả, tịnh tâm, tịnh thân v.v... 

Chúng tôi tạm lấy một thí dụ:

Qúi vị cầm một chiếc đũa nhúng vào trong tô canh, rồi qúi vị vẩy cho hết nước canh, ở trên thực tế đầu đũa vẫn còn dính chất của canh, mặc dầu không phải nước canh. Nếu chất đó được vẩy vào trong thùng rác vì một lý do gì đó để điều tra, người ta chỉ lấy một mẫu rất nhỏ ở trên đó cũng tìm thấy tất cả những hợp chất nào là, đường, muối, me, chanh, ớt và gì đó họ tìm thấy trong đó. Tại sao chỉ có chút nhỏ xíu dính ở đó, mình không thể  uống được nếm được mà lại phân tích được như vậy, tại vì ở trong cái nhỏ xíu đó vẫn hàm chứa nhiều thứ.

Thí dụ đó cũng tạm cho chúng ta có được sự tưởng tượng là có những vật thể bé nhỏ trong đó chứa đựng rất nhiều thuộc tánh, thuộc tánh là (attribute). Lấy ví dụ, một hạt cải như, cải xanh, cải ngọt, cải rổ, cải làn, những hột cải đó nguyên thủy rất nhỏ, nhưng trong hạt cải nhỏ bé đó vẫn có nhiều thành tố, những thành tố đó quyết định cây cải này lớn lên sẽ mang, hình dạng như vậy, màu sắc như vậy,  mùi vị như vậy, nó có khả năng đề kháng sâu bọ, hay khả năng không đề kháng, được qui định trong một hạt cải nhỏ, người ta gọi đó là công thức bí mật. Thật ra, tất cả đều gọi là những quyết định tánh, những thành tố quyết định đã nằm sẵn trong hạt cải, khó để tưởng tượng vô cùng. 

Ngay cả ngày xưa, trong kinh nói về sự thụ thai, tức là cái phôi thai khởi đầu cuộc sống của chúng ta rất nhỏ. Trong kinh dùng ví dụ là, lấy lông của con nhím nhúng vào trong dầu rồi vẩy cho dầu rớt ra, cái dầu còn lại  rất là ít, tức là nó vẫn còn dính dầu, thì cái phôi thai đầu tiên của cuộc sống, khi tinh trùng của cha và noãn châu của mẹ gặp nhau thì nó nhỏ hơn như vậy, đó nói trong Phật Pháp nói xa xưa. Nhưng trong cái phôi thai nhỏ bé đó đã quyết định về màu da, màu tóc, lớn lên ra sao, có những chứng bịnh di truyền ra sao, có những đặc tính như sao đều đã quyết định trong cái phôi thai nhỏ bé đó, bắt đầu một cuộc sống.

Thì như vậy, chúng ta thường có cảm giác ngờ ngợ khi nghe nói chuyện đó, tại sao một cái gì nhỏ bé, nhỏ hơn một hạt bụi mà nó chứa đựng nhiều thuộc tánh quan trọng như vậy, chúng tôi phải thưa rằng, có rất nhiều thứ trong cuộc sống vượt ngoài sự tưởng tượng của chúng ta. Nhưng, một khi chúng ta học Thắng Pháp Abhidhamma, những điều đó chúng ta sẽ làm quen. Ví dụ, không có tâm nào thiếu 7 thuộc tánh biến hành, xúc, thọ, tưởng, tư, định, mạng căn, tác ý phải có, bắt buộc phải có, nghe thì lạ lắm, nghe tại sao có xúc, có thọ, có tưởng, tư, định, mạng căn, tác ý. Như chúng tôi đã nói một chút nước ở đầu đũa cũng hàm chứa tất cả những yếu tố của canh như là, chua, cay, mặn, ngọt, nhiều thứ khác nhau hợp lại.

Bây giờ chúng ta bước sang một khái niệm hơi lạ ở trong cuộc sống. Chúng ta nói về khái niệm của vi mô (micro) vĩ mô (macro), tiếng VN gọi là vi mô và vĩ mô. Ở trong khái niệm về vi mô, cách nói chúng ta có nhiều là đại loại, nói bằng thường thức cái gì chúng ta nghe. Riêng về vĩ mô thì là một khái niệm hoàn toàn khác. 

Khái niệm vi mô, vĩ mô, chúng ta hiểu như vầy, bây giờ người ta đưa phi thuyền lên trên hoả tinh hay mặt trăng hay một nơi nào đó đề tìm nước, thì nước (H2O) tìm thấy trên đó không phải là một giòng sông, không phải là ao hồ mà họ tìm ở trong những khoáng chất, khoan những lỗ trong đá để tìm nước. Dưỡng khí, oxy cũng vậy, ở trong hơi thở, ở trong không khí chúng ta đang thở đây có nước, bằng chứng là, thí dụ như độ ẩm (humidity) mà cao thì không khí ẩm, còn khi độ ẩm (humidity) thấp mặc dầu chúng ta không thể nhìn thấy độ ẩm (humidity) nhưng chúng ta cảm nhận được. Chúng tôi có thời gian sống ở Yucca Valley, California, vùng sa mạc và, chúng tôi cũng có thời gian sống ở Houston, thì chúng tôi có thể cảm nhận được độ khô và ẩm của hai nơi, Houston là nơi có nhiều độ ẩm trong không khí, Yucca Valley thì có độ khô trong không khí. Thì nước ở trong không khí tạo ra độ ẩm, chúng ta không thấy được nhưng chúng ta có thể cảm nhận được, đó chỉ là một thí dụ thôi. 

-  Nói về nước ở ao hồ sông rạch, đó là chúng ta nói nước của vi mô (micro).

-  Nhưng khi nói đến vĩ mô (macro) thì nước có mặt ở trong tất cả, ở tất cả những vật chất kể cả hữu cơ hay vô cơ ở trên mặt đất này.

Thì bây giờ, khi chúng ta bàn vào những pháp ở trong Thắng Pháp Abhidhamma, đôi khi người ta hay có sự lầm lẫn là, người ta dùng những thứ đó để hiểu cuộc sống hàng ngày, nhưng thật ra không đơn giản, cái gì ở trong phòng thí nghiệm nhiều khi không đem sài được cho người bình thường, giống như về vấn đề một người bị béo phì theo cách nói của vi mô  bên ngoài là ăn nhiều calories và không chịu vận động. Nhưng ngày nay trên phương diện vĩ mô, người ta nói có một số DNA chịu trách nhiệm cho vấn đề béo phì và, người ta làm cách nào đó để sửa đổi DNA, đó là một cách chữa bịnh. Thì khi nói đến DNA, chúng ta nói đối với các chuyên gia, đối với trong phòng thí nghiệm, và người như chúng ta bình thường không thể hiểu ý niệm đó trong cuộc sống hàng ngày được.

Thật ra, trong cuộc sống này, chúng ta nên hiểu một điều là cũng cách nói nhưng có những cách nói rất chuyên môn và có những cách nói không chuyên môn. Cái chuyên môn và không chuyên môn đó, dựa vào chúng ta đang nói trong phạm trù nào. 

Một thời gian trước đây chúng tôi có quen một vị thầy, vị này rất tinh tế trong việc uống trà, vị này có cho một người khác tách trà, nhưng người này không uống vì đắng. Thì cái đắng một người không biết uống trà khác với cái đắng của người biết uống trà, cái đắng của người biết uống trà có những cái đắng ngon và đắng không ngon và, người không biết uống trà thì chỉ có đắng và không đắng. Cũng giống như chúng ta quen ăn đồ ăn VN có những thứ đắng chúng ta thích, thí dụ, như rau đắng, đó là cái đắng chúng ta thích, chúng tôi ở Mỹ có rau đắng nhưng nó không đắng, nhiều khi ăn không đắng giống như mình ăn mà nó không tới, tại vì rau đắng mà không đắng. Hay, chúng tôi có thể ăn cái đắng của rau sầu đâu, cái đắng của khổ qua, nếu sầu đâu, khổ qua không đắng thì không gọi là sầu đâu, khổ qua nữa. Thì chúng tôi nghĩ rằng đắng cũng có nhiều loại chứ không phải cái đắng nào cũng giống nhau. Có những loại hạp với khẩu vị như là rau đắng, rau sầu đâu hay khổ qua và, có những cái đắng mà đắng lắm thì mình không thích. Đây là một chuyện chúng ta nói về sự tinh tế, đại loại chung chung ở bên ngoài.
 
Khi chúng ta nói về thế giới Thắng Pháp Abhidhamma, đôi lúc chúng tôi nghe TT Tuệ Siêu hay chư vị giảng sư trong rơom nói về Abhidhamma, chúng tôi biết rằng qúi Phật tử nghe không hiểu đang nói cái gì, nhưng chúng tôi cũng không có ý kiến gì về việc đó bởi vì một bên nói chuyện rất chuyên môn, một bên nghe bằng cái nghe tổng quát, nên hai cách nói chúng ta gọi là nói theo cách vĩ mô và cách vi mô nó không giống nhau, chúng ta gọi đó là phạm trù khác biệt. Ví dụ như chúng tôi nói một chuyện rất bình thường là, biết đi chùa, biết tụng kinh, biết lạy Phật là tốt là thiện, đó là cách nói đại loại bên ngoài. Nhưng khi vô chùa tụng kinh tối ngày vì nghĩ tụng kinh là tốt thì đó cũng là có vấn đề của tu học. Thành ra, mình càng đi sâu vào lãnh vực gì thì mình sẽ thấy nhiều khía cạnh khác nhau, có những cái ở bên ngoài nói đại loại thì nó rất bình thường dễ hiểu, nhưng có những thứ càng đi sâu nó càng tinh tế, nó đang ở vĩ mô rồi thì chúng ta phải có quan niệm khác.

Bây giờ chúng ta làm quen khái niệm thiện ác tốt xấu.

Dĩ nhiên, học Thắng Pháp Abhidhamma là học Pháp, Pháp ở đây là Phật Pháp, mà Phật Pháp thì chúng ta quen quan niệm là "không làm các điều ác, làm các hạnh lành, thanh tịnh tâm ý" đó là Phật Pháp và mình nghĩ như vậy là đúng, như vậy là mình hiểu chắc chắn đúng. nhưng khi đi vào trong thế giới của Thắng Pháp Abhidhamma nhiều khi cái tốt cái xấu không nằm ở đó, nó không đơn giản như vậy. 

Ở đây, chúng tôi lấy một ví dụ, một người thiết kế một khẩu súng, chúng ta có nghe những khẩu súng huyền thoại, như là người phát kiến ra khẩu súng Aka 47 chẳng hạn, thì vũ khí loại giết người nhưng khi người đó đang thiết kế vũ khí thì họ không nghĩ đến chuyện giết người mà họ đang tìm cách nào tốt nhất để tạo nên một sản phẩm, ở trong việc chế tạo sản phẩm tốt nhất thì họ dùng đến trí tuệ của họ, họ dùng đến sự tinh xảo của họ, họ dùng một thứ gọi là cái khéo của họ, cái khéo này thuộc về tâm tịnh hảo.
Tại vì, nếu tâm bị ngự trị bởi, si, vô tàm, vô qúy, phóng dật, như tâm tham, tâm sân, tâm si thì tâm đó không khéo. Một trong những ý nghĩa của tịnh hảo, của chữ thiện (Kusala) là khéo, và cái khéo này thì có ở trong Phật giáo và ngoài Phật giáo, người này làm việc này làm việc kia.

Chúng tôi lấy một ví dụ, một người quăng chài để bắt cá, nói theo bình thường kinh Tạng đó là, tạo nghiệp sát sanh, tạo nghiệp ác. Nhưng một người nhìn thấy nước gợn sóng trên ao biết ở đó có cá nhiều hay ít và loại cá gì, ở miền quê một người tinh mắt họ có thể biết được gợn sóng đó là cá lớn, cá nhỏ, cá trê, cá lóc v.v... và họ quăng cái chài sao cho tròn cho khéo, cái khéo đó là tâm tịnh hảo. Nghe thì thấy kỳ, nhưng chúng tôi xin thưa rằng, cái đó chỉ diễn tả một phần rất nhỏ của nguyên cả hành động lớn, ở trong phần đó có hỗn hợp, có ý sát sanh, và có cách quăng chài, có cách bắt cá, có cách giết cá, ở trong đó là một tiến trình, trong tiến trình đó bao gồm, tâm tham, tâm sân, tâm tịnh hảo v.v... trộn lẫn trong đó. 

Thành ra khi chúng ta nói về vi mô ở trong kinh tạng thì hành động đi chài cá bắt cá là hành động tạo nghiệp bất thiện, đôi khi chúng ta gọi là hành động ác hay là bất thiện. Nhưng, trong bất thiện đó hỗn hợp lại có những thứ tâm này thứ tâm kia và, trong những thứ tâm đó cũng có tâm tịnh hảo. Nghe hơi khó hiểu. 

Chúng ta khoan phản đối tại sao chư tăng nói người chài cá lại có tâm tịnh hảo trong đó. 

Thật ra không phải như vậy. Chúng ta đang nói đến một tiến trình và tiến trình đó mang tánh cách vĩ mô. Nó có nhiều phân đoạn, có những phân đoạn là tâm tham, có phân đoạn tâm sân, có những phân đoạn là tâm tịnh hảo. Không nên tất cả những tâm trộn với nhau khi chúng ta nói đến thiện ác theo trong kinh Tạng, mà chúng ta nói nguyên cả một tiến trình, nguyên cả một sở hành, một cái nghiệp của một người chài cá bắt cá đó là một tiến trình sát sanh, chứ không phải là chúng ta nói vĩ mô, ở đây chúng ta nói vĩ mô là khác. Thành ra phải rất là cẩn thận về điểm này khi chúng ta đi vào trong thế giới của Thắng Pháp Abhidhamma.

Bây giờ chúng ta nói sang một cái lãnh vực khác đó là, từ vựng. 

Một điểm làm nhức đầu nhiều người học Thắng Pháp Abhidhamma là phải làm quen với những danh từ mới, chẳng những vậy, có những danh từ rất quen nhưng phải hiểu trong một khái niệm rất mới, ở đây chúng ta gọi là những thuật ngữ cho một chương trình nào đó, thì thuật ngữ này là chữ đó phải được hiểu theo ngành đó, chẳng những mình nghe những từ rất mới lạ chưa bao giờ nghe như là khán ngũ môn, khán nhĩ môn, tâm đổng lực.

Giống như trong computer, chúng tôi thú thật với qúi vị lâu lâu chúng tôi đọc những tài liệu về kỹ thuật điện toán bằng tiếng Việt chúng tôi bị nhiều lúng túng muốn trở qua đọc tiếng Anh tại vì chúng tôi quen với tiếng Anh trong danh từ computer hơn. Lần đầu tiên đọc một số các danh từ chuyên môn của computer dịch sang tiếng Việt chúng tôi không hiểu nói gì, chúng tôi ở bên Mỹ nghe nói hardware, software thì nghe rất quen thuộc, nhưng đọc bên tiếng Việt thì họ dùng là phần cứng, phần mềm, hay là giao điện thì những chữ đó nghe lạ. Nhưng sau này mới thấy là mỗi một thời đại, mỗi một ngành nó có danh từ khác nhau và mình phải chịu khó làm quen, đó là những thuật ngữ. Bởi vậy, học Thắng Pháp Abhidhamma mà đem khả năng thường thức ở bên ngoài, tức là đem cái vốn luyến ngôn ngữ bên ngoài để hiểu nghĩa thì thường là hiểu sai, tại vì ngữ nghĩa ở bên ngoài khác với ngữ nghĩa trong Thắng Pháp Abhidhamma, bởi vì đây là chuyên ngành chuyên biệt, khi học mình phải cần phải chính danh tức là phải hiểu rõ ràng, phải hiểu như là một thuật ngữ không nên trộn lẫn điểm này.

Điểm sau cùng của bài học hôm nay, chúng tôi muốn nói về cái thích và cái không thích.

Đó là thuộc về cảm tính, khi đi vào thực tế Phật học, chúng ta phải nhận rằng Phật Pháp có một kho tàng mênh mông, ở trong kho tàng đó giống như một khu rừng bạc ngàn, ở trong khu rừng đó có, cây cao, những rừng thông, những loại giây leo, những loại hoa rừng hoa dại, có trăm muôn ngàn thứ. v.v... Người đi thưởng ngoạn với thái độ là mình thưởng ngoạn cái gì mình thích, có nhiều người chỉ thích ngắm hoa không thích nhìn những thân cây, có những người thích những nền đá không thích những con suối, có những người thích nhìn những ao hồ mà không thích nhìn những tàn cây đại thụ khổng lồ v.v... Mỗi người có sở thích riêng của mình. Nhưng, vấn đề chúng tôi nói ở tại đây là đừng cố gắng học Thắng Pháp Abhidhamma bằng cảm tính, thích và không thích của mình. 

Khoan nói đến Thắng Pháp Abhidhamma, chúng tôi nói tạng Luật thôi, ở đây có TT Tuệ Siêu, TT không phải là vị chuyên về Pali hay Thắng Pháp thôi, mà TT cũng là người chuyên về tạng luật. Khi học vào tạng Luật cảm giác chúng ta hoàn toàn khác với kinh Tạng. Có nhiều người đọc tạng Luật nói sao mỗi thứ Đức Phật Ngài mỗi đặt luật, hay là tại sao có nhiều khi Đức Phật Ngài la rày chư tăng giống như Ngài sân, không phải, nhưng chúng tôi phải nhận rằng nếu qúi vị nghiên cứu Phật Pháp đầu tiên chúng tôi không khuyết khích qúi vị  đọc tạng Luật, tại vì thật ra không hiểu được, không làm quen không khí đó.

Ở đây, trong thành phố Houston, gần chùa Pháp Luân chừng 15 phút lái xe, có một cái nhóm Phật tử lập ra một đạo tràng, họ mời một số chư tăng qúi thầy Bắc Tông, qúi Sư Nam Tông về giảng, trong đó những vị Nam Tông là những vị cũng có tiếng tăm, là Hoà Thượng, có viết sách, cũng làm thơ, cũng danh tiếng, thì những Phật tử đi học ở đó nêu lên vấn đề Thắng Pháp Abhidhamma, thì vị HT của Nam Tông lớn lên trong truyền thống Nam Tông nhưng lại nói môn học đó là của về sau này, thời Đức Phật đâu có giảng môn học gì nói những điều nghe ngược tai, nghe khô khan. Phật tử gọi hỏi chúng tôi tại sao qúi HT đó cũng là người có tiếng tăm có học mà tại sao các vị chê Thắng Pháp Abhidhamma. Chúng tôi nghe chỉ cười, chúng tôi nói rằng, mỗi người có cái duyên. Nhưng kỳ thật, chúng tôi nói qúi vị nghe một điểm rất khó tin là tất cả những người chê Thắng Pháp Abhidhamma đều không học,  không hiểu về Thắng Pháp Abhidhamma, chỉ đơn giản như vậy. 

Thật ra, không phải là ai cũng học được điều này, chúng tôi lấy ví dụ như đây là kinh nghiệm bản thân, khi chúng tôi đi học trong trường, những môn học thường thức như địa lý, sử ký, những môn học về nhân văn, nhưng những môn học về sinh vật học thì chúng tôi lại rất ghét mặc dầu bây giờ chúng tôi thích cây cỏ hơn, nhưng ngày xưa học về cây cỏ, những danh từ họ dùng tiếng Anh, tiếng Latin rất nhiều, và học rất mệt. Như nghe giảng về cây bồ đề trong thực vật học thì họ giảng họ trình bày về cây bồ đề mình mệt đầu lắm, nhưng khi nói những loại cây như cây thau lao, cây tử vi, cây bằng lăng, cùng một họ, nó mang dược tính như vậy, mang màu sắc như vậy, đó cũng là điều lý thú. Vì vậy, không thể phủ nhận giá trị của thực vật học, mặc dù chúng tôi không thích, tại vì mình không có chuyên về ngành đó thành ra mình không hiểu thôi, không thể phủ nhận được.

 Chúng tôi muốn nói tại đây rằng, khi chúng ta học Thắng Pháp Abhidhamma chịu khó, kiên nhẫn, từ từ. Thí dụ bây giờ mình chỉ thích nói về nghiệp báo và Abhidhamma mình thấy môn này không nói gì về nghiệp báo, nhưng đó mới giai đoạn đầu thôi, khi chúng ta học một thời gian rồi thì chúng ta thấy Abhidhamma nói rất nhiều về nghiệp, và nói đến một ý nghĩa rất sâu sắc tận cùng.

Chúng tôi lấy một ví dụ, có một lần vua Ba Tư Nặc ngồi kế bên Đức Phật đang nói chuyện với Đức Phật, thấy có những vị đạo sĩ loả thể đi ngang, nhà vua đứng lên chắp tay cung kính chào những vị đó như là những vị Thánh Alahán và, nhà vua hỏi Đức Phật, có phải những vị đó là những vị Alahán đáng kính không? 

Đức Phật Ngài không trả lời những vị đó là Alahán hay không Alahán nhưng mà Ngài có lưu ý cho vua Ba Tư Nặc biết một điều rằng, không phải là Alahán thì rất khó đánh giá ai là Alahán. 

Chúng tôi phải nói như vậy, cũng như là có một số vị mới đi hành thiền các vị về khen vị thiền sư này chê vị thiền sư kia, chúng tôi nói khoan, mới đi hành thiền mà đánh giá vị thiền sư. 

Cũng như có một vài người cầm một vài cuổn sách Thắng Pháp Abhidhamma, mới đọc sơ sơ và nói Thắng Pháp Abhidhamma nói chuyện trên mây. 

Chúng tôi không biết nói chuyện trên mây hay dưới đất, nhưng phải nói rằng không dễ dàng để trao tay, không dễ dàng để truyền cảm hứng đối với một môn học mà nó li ti như vậy. Nên chi, chúng ta phải tạm gác qua một bên chuyện đó mình thích hay không thích. Cũng giống như chúng tôi nói hồi nhỏ TT Tuệ Siêu và chúng tôi vào học thì mới học Thắng Pháp Abhidhamma chúng tôi phải nhận là học như con vẹt, cầm biểu đồ chư pháp chỉ tất cả là Pháp, Pháp có hai là Tục Đế và Chân Đế. Học là học thôi, chúng tôi phải thú nhận lúc đó học thuộc lòng, nhưng mà rồi sau đó mình mới bắt đầu cảm nhận những gì mình đã học và nó có lợi ra sao.

Chúng tôi muốn kêu gọi tất cả mọi người học, đây là một môn học rất có lợi ích cho vấn đề học Phật.

Chúng tôi lấy một ví dụ, xứ Phật Giáo tu về Tứ Niệm Xứ nhiều đó là Miến Điện, có nhiều trường thiền và, Miến Điện là quốc gia rất là thịnh hành về Abhidhamma. 

Nếu với một người bình thường nói Abhidhamma và thiền học là hai môn hoàn toàn chống trái nhau. Abhidhamma thì nói những chuyện li chi, nói những chuyện rườm rà xa lạ, còn thiền học là đi vào "ở đây và bây giờ" v.v...,

Nhưng, thực tế không phải như vậy, chúng ta nên bình tâm và nhận ra những điều này, không phải là các vị thiền sư Miến Điện không biết về pháp học, ở trên thế giới đặc biệt là các vị thiền sư Miến Điện là những vị rất giỏi về pháp học và những vị đó rất giỏi về Abhidhamma, chứ không phải đơn giản như là chúng ta nghĩ rằng đó là thế giới xa lạ mà chúng ta không học được.

 Đó là vài điều chúng tôi muốn đề cập đến trong bài học ngày hôm nay./.

No comments:

Post a Comment