Thắng Pháp Abhidhamma
Bài 3. Cách học Thắng Pháp Abhidhamma
Minh Hạnh ghi chép
TT Tuệ Siêu: Môn Thắng Pháp Abhidhamma có rất nhiều cách học, trước hết chúng tôi nói hai cách;
1 - Thứ nhất, cách học hàm thụ, tức là tự học, tự nghiêng cứu.
2 - Thứ hai, cách học trường lớp, học có giáo trình với thầy.
Trong hai cách học này giống nhau ở điểm là cần minh định rõ các từ vựng, những thuật ngữ dùng trong Thắng Pháp Abhidhamma với nghĩa chuyên môn.
Thí dụ như nói, tín tâm sở chúng ta không thể hiểu nghĩa suông là, đức tin, sự tin tưởng, sự kính ngưỡng, lòng tịnh tín đối với Phật, Pháp, Tăng. Học Thắng Pháp Abhidhamma định nghĩa tín tâm sở như vậy là chúng ta chưa học được gì cả, mặc dù đức tin tôn giáo xuất phát từ tín tâm sở.
Nhưng, tín tâm sở trong tạng Thắng Pháp Abhidhamma, thuộc tính này có tướng trạng (lakkhana) là trong sạch, phận sự thanh lọc sự ô nhiễm. Ngài Nàgasena giải thích tín tâm sở giống như đồ lọc nước, lọc bụi cặn của nước cho ra nước sạch. Chỉ đơn thuần vậy thôi. Tại vì trong mỗi sát na tịnh hảo tín tâm sở đóng vai trò gạn lọc những tạp chất phiền não.
Sở dĩ, tâm tịnh hảo được thuần khiết không có một chút bợn nhơ phiền não trong đó là, do nhờ tín tâm sở đóng vai trò gạn lọc.
Cũng như, cần tâm sở (Viriyacetasikas), không nên định nghĩa cần là, sự tinh tấn, sự nỗ lực, ngăn ngừa những ác bất thiện pháp chưa sanh đừng cho sanh, hay, đoạn trừ những bất thiện pháp đã sanh cho mất đi. Không thể định nghĩa như vậy. Cần tâm sở ở đây là thuộc tánh, đặc tính là năng động, khi nó phối hợp với một tâm làm cho các pháp đồng sanh, thôi thúc các pháp đồng sanh, hiếu động đối với cảnh, năng động đối với cảnh.
Học hàm thụ hay trường lớp có điểm chung là, thuật ngữ chuyên môn phải học theo nghĩa đơn thuần chuyên môn, không thể nào lấy ý nghĩa của kinh Tạng để giải thích. trong trường hợp này có những cái chúng ta không giải thích được.
Tín tâm sở ở trong, tâm thiện dục giới khác, trong tâm thiền tâm náo đại khác, trong tâm siêu thế lại khác, trong tâm quả hữu nhân lại khác. Thí dụ, chúng ta tục sinh bằng tâm đại quả và khi đó tâm hộ kiếp buổi tối khi chúng ta ngủ mê man thì giòng tâm thức diễn ra tâm hộ kiếp đó là tâm đại quả tái tục của chúng ta trạn lại mà trong tâm đại quả này có tín tâm sở. Nếu chúng ta định nghĩa ngay trong giấc ngủ làm sao chúng ta có đức tin đối với Tam Bảo được v.v.... cho nên ở chỗ này có điểm giống nhau.
Điểm giống nhau thứ hai của học hàm thụ hay học trường lớp là, khi học chúng ta phải nắm bắt từ ở chỗ quy nạp rồi tổng quát, rồi mới đi đến chỗ chi tiết. Hoặc là chúng ta học chi tiết rồi gom lại thì như vậy chúng ta mới có thể biết.
Thí dụ, danh pháp và sắc pháp đó là tổng quát.
Danh pháp có hai là, danh pháp vô vi danh pháp hữu vi.
Danh pháp vô vi là Niết-bàn.
Danh pháp hữu vi có hai là, tâm và tâm sở.
Tâm ở đây có hai là tâm hiệp thế, tâm siêu thế.
Từ chỗ quy nạp đó bắt đầu chia dần dần ra, tán nhiễn ra. Xong rồi, chúng ta lấy từ chỗ chi tiết nhỏ gom lại thành một tổng quát.
Tâm tham, tâm sân, tâm si gom lại gọi là tâm bất thiện.
Quả bất thiện vô nhân và quả thiện vô nhân, 15 tâm này gom lại thành tâm quả vô nhân, phối hợp với 3 tâm tố vô nhân nữa thì thành ra 18 tâm vô nhân.
Rồi 12 tâm bất thiện và 18 tâm vô nhân gom lại thành 30 tâm vô tịnh hảo. Rồi bỏ đó.
Chúng ta học 8 tâm đại thiện, 8 tâm đại quả. 8 tâm đại tố gom lại thành 24 tâm tịnh hảo dục giới. 24 tâm tịnh hảo dục giới này gồm chung với 30 tâm tịnh hảo là 54 tâm dục giới, chúng ta cứ gom từ từ như vậy.
Rồi tâm dục giới, tâm sắc giới, tâm vô sắc giới gom lại gọi là 81 tâm hiệp thế.
20 tâm đạo, 20 tâm quả là, 40 tâm siêu thế. 40 tâm siêu thế + với 81 tâm hiệp thế thành ra 121 tâm v.v...
Chúng ta đi từ tổng quát đến chi tiết và, từ chi tiết chúng ta tập hợp lại thành tâm quả, biết cách phân chia như thế đó thì mới gọi là học Thắng Pháp Abhidhamma nhuần nhuyễn được.
Về vấn đề khác nhau giữa việc học hàm thụ và việc học trường lớp ở chỗ, học trường lớp có thầy dạy, điều này đòi hỏi sự hợp tác giữa người dạy và người học. Trước hết, người dạy phải thông suốt chẳng những ngữ nghĩa, vị đó phải biết cách lập luận, phải đưa lên những thí dụ, giảng cách này học viên không hiểu thì cho thí dụ, nếu cho thí dụ học viên chưa hiểu thì cho thí dụ khác. Nhờ thí dụ học viên mới có thể nắm được rõ ràng. Cho nên đòi hỏi vị thầy phải biết cách dạy, rồi khi dạy như vậy không phải là nói tràng giang đại hải nói hoài không cần biết là học viên có hiểu được hay không, thỉnh thoảng dừng lại kiểm tra bài, hỏi cả lớp hiểu hay không, nếu họ hiểu phải mời học viên mỗi một người hoặc là vài người đứng lên để nói lại thí dụ đó hay là cho một thí dụ khác tương tự, cách dạy đại khái là như thế.
Đối với người học Abhidhamma có thầy hướng dẫn thì phải lắng nghe, không nên có sự phóng tâm hay lơ đễnh, không chú ý, và nhớ là đừng ghi chép quá nhiều, bởi vì sự suy tư nhanh hơn lời nói lời giảng, mà sự nghe thì nhanh hơn sự nói giảng nữa. Cho nên ở đây, nếu như vị thầy đang giảng vấn đề đó mà ở dưới mình cứ ghi chú, dầu cho mình tốc ký đi nữa cũng không đủ để thu thập hết tất cả những gì thầy dạy, nghĩa là mình phải bỏ xót. Cho nên ở đây chúng ta cần phải lắng nghe và cần phải suy tư liền để chúng ta hiểu, đến khi hiểu bài rồi vừa xong giờ học, chúng ta chịu khó ngồi ghi lại và khi có những chỗ nào không hiểu phải đứng lên hỏi liền.
Khi dạy học chúng tôi nói cả lớp là theo phương pháp học truyền thống xưa, gọi tóm tắt là SU. CI. PU. LI. nghĩa như sau
SU tức là sunāti là lắng nghe
CI tức là cināti là suy nghĩ
PU tức là pucchati là hỏi
Li tức là likhati là gi chép
Đó là bốn phương pháp, khi mình nghe, tâm suy nghĩ hiểu, thắc mắc chỗ nào thì hỏi, đã được giải thích tường tận và nắm bắt được rồi thì lúc bấy giờ ghi chép.
Thì như vậy, cách học Thắng Pháp Abhidhamma nếu học với thầy chúng ta phải áp dụng bốn phương pháp này, giống như phép toán có cộng trừ nhân chia hay là, hồi xưa phép đo lường là cân đo đong đếm, thì cũng vậy cách học của chúng ta là SU. CI. PU. LI. tức là nghe, suy nghĩ, hỏi, và viết lại.
Tất nhiên, còn rất nhiều trường hợp, thí dụ, những con số ở trong Tạng Kinh, Đức Phật Ngài thuyết có khi một chi, hai chi, ba chi, cho đến trên mười chi thì, những con số tùy theo bài kinh mà nói đến, thí dụ Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Năm quyền, Năm Lực, Bảy Giác Chi, Bát Chánh Đạo, hay là Thập Thiện Nghiệp Đạo, Thập Phúc Hành Tông, Mười Ba Pháp Đầu Đà hay là Mười Hai Duyên Sinh, chúng ta có thể học từ đoạn.
Trong Thắng Pháp thì, những con số chúng ta nói đến, thí dụ, tâm tham có 22 tâm sở phối hợp hoặc ít hơn là 19 tâm sở phối hợp.
Chúng ta phải tự hỏi làm sao để nhớ những con số đó? thì lúc bấy giờ buộc lòng chúng ta phải học kỹ về 52 tâm sở.
Chúng ta khoanh vòng 52 tâm sở gồm có 3 nhóm, 13 tâm sở tợ tha có mặt trong tâm thiện, tâm bất thiện, tâm vô ký.
Còn 14 tâm sở bất thiện thì nó chỉ phối hợp bởi tâm bất thiện thôi, chứ tâm tịnh hảo không có.
Do đó, nói đến tâm tịnh hảo chúng ta yên chí là không có 14 tâm sở bất thiện.
Rồi tâm tịnh hảo có 25 tâm sở tịnh hảo (sobhaṇa cetasika), tâm bất thiện thì không có 25 tâm sở tịnh hảo đó phối hợp
Như vậy, tâm vô tịnh hảo thì không có 25 tâm sở tịnh hảo, còn tâm tịnh hảo thì có 25 tâm sở tịnh hảo.
Tâm vô tịnh hảo hay tâm tịnh hảo, tất cả tâm đều có 13 tâm sở tự tha.
Chúng ta khoanh vùng nó lại là nhẹ bớt phần nhớ.
Khi nói đến tâm tham, trong tâm tham có thọ hỉ và thọ xả, cho nên trong tâm tham này hỉ tâm sở (Pìticetasika) hành uẩn có mặt ở trong tâm thọ hỉ, còn nếu như tâm tham thọ xả thì không có hỉ trong đó, chúng ta bỏ qua
Nếu nói đến tâm sở bất thiện thì chỉ có si và tham phần, không có sân phần, không có hoài nghi trong đó
Chúng ta vừa lấy theo ý nghĩa từng tâm sở mà nó không tương ứng ý nghĩa đó, không tương ứng được với tâm này, thì chúng ta loại bỏ nó ra được. Và một phần nữa, sau khi hiểu được ý nghĩa từng tâm sở đó để chúng ta loại ra. Khi chúng ta học một tâm có bao nhiêu tâm sở phối hợp thì chúng ta tính toán lần lần sẽ ra, cũng dễ thôi, không có khó, nhưng có điều là những con số đó là chúng ta phải nhớ.
Khi học những con số này chúng ta có cái mẹo, thí dụ như có ba loại tâm sở biến hành, 7 tâm sở biến hành (Sabbacittasàdhàranà) biến hành tâm thì 7 tâm sở là, xúc, thọ, tưởng, tư, nhất hành, mạng quyền, tác ý, 7 tâm sở này có mặt ở trong 121 tâm,
Còn nói biến hành của bất thiện có 4 tức là 4 si phần, si, vô tàm, vô quý, phóng dật. 12 tâm bất thiện nào cũng có si,vô tàm, vô qúi, phóng dật. Chúng ta nhớ như vậy.
Rồi, 91 tâm tịnh hảo thì bao giờ cũng có 19 tâm sở tịnh hảo biến hành là,
1. tín,
2. niệm,
3. tàm,
4. qúi,
5. vô tham,
6. vô sân,
7. trung hoà,
8. tịnh thân,
9. tịnh tâm,
10. khinh thân,
11. khinh tâm,
12. nhu thân,
13. nhu tâm,
14. thích thân,
15. thích tâm,
16. thuần thân,
17. thuần tâm,
18. chánh thân,
19. chánh tâm.v.v...
Sau khi học xong tâm biến hành.
Ba loại biến hành thì tạo 3 loại biệt cảnh, biệt cảnh có nghĩa là tâm sở phối hợp với tâm, nó tùy tâm đó có thể có, hoặc có thể không, nó có lý do đó, tùy theo trường hợp, thế là những trường hợp mà tâm sở có thể có hay không thì trong trường hợp đó chúng ta gọi là biệt cảnh.
Biệt cảnh của tâm là có 6 biệt cảnh là, tầm, tứ, thắng giải, cần, hỉ, dục.
Còn biệt cảnh của bất thiện có 3 tham phần, 4 sân phần, 2 hôn phần và hoài nghi là 10.
Còn biệt cảnh của tịnh hảo có thể có 6 là 3 sở hữu giới phần, 2 sở hữu vô lượng phần và sở hữu trí tuệ.
Khi chúng ta nắm được biệt cảnh và biến hành của tâm sở thì chúng ta sẽ học sự phối hợp tâm với những con số rất dễ.
Đôi khi chúng ta hay quên, chúng ta cứ nhìn bảng nêu và rà soát lại là sẽ nắm được. Đó là cách học về những con số.
Bây giờ, nói đến trường hợp những thẻ nhớ. Thật ra ngày xưa, khi học Pali thì những bản chia ngữ cách, danh từ nam tính vĩ ngữ á, í, ú, hay là danh từ nữ tính vĩ ngữ a,í i,ú u, hoặc là danh từ chung tính á, í, ú.
Mỗi một bản chia như vậy chúng tôi chịu khó ghi ra một thẻ, rồi khi mình so sánh giới.
Học Abhidhamma thì tùy người, có người không quen nhớ thì họ phải dùng những thẻ nhớ để gợi ý, chớ không phải tất cả mọi người học đều phải có thẻ nhớ. Cũng như học Pali không phải tất cả mọi người học đều có bảng chia, nhiều khi người ta không cần bảng chia nhìn riết rồi cũng quen. Còn học Thắng Pháp có một cái chúng ta có thể nhớ nhiều, thí dụ như ở trong tác phẩm Thắng Pháp Tập Yếu Luận (Abhidhammattha Sangaha) của Ngài Luận sư Anuruddha thì Ngài cho các giới, làm những bài kệ, mặc dầu Ngài không làm chín chương, có chương, có phần, có đoạn, như vậy học tới đâu thì Ngài cho bài kệ đó, bài kệ xong rồi Ngài giải thích cho phần chú thích từ ngữ, cứ theo cách đó mà nhớ bài kệ.
Ngài Tịnh Sự xưa kia dạy Vi Diệu Pháp Ngài để cho dễ nhớ Ngài cũng có kinh thẻ nhưng mà kinh thẻ của Ngài sau này chúng tôi sưu tầm viết lại quyển cuộc đời đạo nghiệp của Ngài Tịnh Sự thì kinh thẻ của Ngài, thẻ nhớ Tạng Vi Diệu Pháp, bộ Thắng Pháp Tập Yếu Luận hay là Siêu Lý Học không đủ, rời rạc mất hết, cho nên khi chúng ta dùng thẻ nhớ một vài tấm thì được. Nhưng, Ngài có làm một quyển Diệu Pháp Lý Hợp, mỏng thôi nhưng trong đó gồm những bài thơ lục bát, một trường thi lục bát, Ngài nói đủ chín chương của Thắng Pháp Tập Yếu Luận (Abhidhammattha Sangaha) mà lúc đó Sư Trưởng rất tâm đắc với trường thi này, Sư Trưởng thuộc lòng. Hồi xưa đệ tử lớp trước của Ngài HT Tịnh Sự vị nào gần như là thuộc lòng bộ Diệu Pháp Lý Hợp, tức là nói đến đâu thì có một bài thơ lục bát tóm tắt ý nghĩa của chương đó, chúng tôi biết vậy thôi chứ chúng tôi không học thuộc lòng. Cách đó là cách để chúng ta dùng như là thẻ nhớ.
Như hồi nãy chúng tôi đã trình bày là có 2 cách học; học hàm thụ tức là tự học, và học ở trường lớp.
Khi tự học, chỗ nào nghi vấn không hiểu thì suy tư chúng ta mới hiểu. Thí dụ, chúng ta thấy trong tâm si phóng dật lại có sở hữu thắng giải (Adhimokkha) phối hợp. Thắng giải là sự xác định cảnh, còn tâm si phóng dật là phân tán cảnh, chúng ta suy tư và dùng nhiều thí dụ để hiểu. Còn sở hữu thắng giải không có mặt ở trong tâm si hoài nghi, bởi vì thắng giải là xác định cảnh, còn si hoài nghi là do dự đối với cảnh, phân vân đối với cảnh không có xác định. Thì những thắc mắc này chịu khó suy tư là chúng ta sẽ hiểu.
Khi nào học trong trường lớp nếu có thắc mắc hỏi thì mau, tức là thắc mắc chỗ nào thì hỏi chỗ đó, chỗ nào đáng hỏi thì hỏi, nếu chịu khó suy tư để tìm ý nghĩa thì tốt, không thể mỗi chút mỗi hỏi.
Hình thức vấn đáp (Pucchaka) có khi có lợi ích nhưng cũng có bất cập lợi, bởi vì khi vấn đáp thì không hỏi hết vấn đề và khi đáp thì người ta chỉ đáp những gì hỏi thôi cho nên không thể giải thích toàn vẹn được, vấn đáp chỉ là để hình thức dành cho người học sơ cơ, học nhập môn. Như quyển Vi Diệu Pháp vấn đáp của HT Giác Chánh dùng cho người sơ cơ mới học để hiểu khái niệm.
Nói tóm lại, học Thắng Pháp Abhidhamma đôi khi có sự nghi ngờ, những gì có nghi ngờ thắc mắc nếu như tự học thì tự suy tư để tìm ra lời giải đáp, chừng nào không tìm ra giải đáp thì mới hỏi.
Vấn đề qui nạp chiết trung, từ cái nhìn tổng quát chia chẻ thành những phần nhỏ, từ những đơn vị nhỏ gom lại thành đơn vị lớn, nên áp dụng trong việc học của chúng ta.
Thí dụ, Tâm gồm có tâm hiệp thế, tâm siêu thế. Tâm hiệp thế gồm có tâm dục giới, tâm đáo đại. Tâm dục giới gồm có tâm vô tịnh hảo và tâm tịnh hảo. Tâm vô tịnh hảo gồm có tâm bất thiện, tâm vô nhân. Rồi từ qui nạp chúng ta mới bắt đầu chia chẻ ra dần dần.
Học Abhidhamma có 4 vấn đề.
1 - Thứ nhất học và làm quen với thuật ngữ chuyên môn của Abhidhamma, không nên lẫn lộn giữa ý nghĩa của Abhidhamma với kinh Tạng, Luật tạng.
Thí dụ.
Kamma trong kinh Tạng chỉ cho nghiệp báo.
Sanghakamma trong tạng Luật nghĩa là tăng sự, không thể nói là tăng nghiệp, chữ kamma không chỉ cho nghiệp mà chỉ cho việc làm.
2 - Thứ hai, phải chịu khó nhìn tổng quát xem Abhidhamma dạy cái gì, từ tổng quát đi dần đến chi tiết, rồi từ chi tiết gom lại thành tổng quát. Thí dụ, chữ thiện ác, trong Abhidhamma cho thấy ở trong Màtikà thứ nhất có những pháp thiện, có những pháp bất thiện, có những pháp vô ký.
Thiện ở đây gồm có thiện dục giới, thiện sắc giới, thiện vô sắc giới, thiện siêu thế.
Pháp bất thiện ở đây là tham, sân, si.
Vô ký ở đây là, vô ký quả, vô ký tố, vô ký sắc, vô ký vô vi.
Học theo cách đó là học tổng quát về Abhidhamma.
Hay là, mọi người quen với danh từ ngũ uẩn, Abhidhamma dạy về ngũ uẩn, trước hết, khi nói đến ngũ uẩn chia ra sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn.
Thì sắc uẩn có 28 sắc pháp.
Còn thọ uẩn tưởng uẩn, hành uẩn là 52 tâm sở.
Thức uẩn là 121 tâm.
Bắt đầu từ đó chúng ta trải nghiệm ra.
Nói về luật nhân quả trong kinh Tạng.
Trong Abhidhamma nói là, có những pháp thành nhân, có những pháp thành quả, có những pháp phi quả phi nhân.
Như pháp thành nhân là tâm bất thiện, pháp bất thiện đó là thành nhân.
Còn quả thiện, quả bất thiện là pháp thành quả.
Pháp tố và sắc pháp, Niết-bàn là phi quả phi nhân.
Chúng ta chia chẻ ra như vậy chúng ta cũng có thể hiểu được. Đó là cách biết quy nạp và chiết trung.
3. Cách thứ Ba, mặc dù có sách vở của các vị khác đã soạn, chúng ta đừng chấp giữ theo sách này hoặc sách kia. Học theo cách là học hết tổng quát và chi tiết, rồi tự mình ghi xuống, tức là tự biên soạn thành một quyển như là tác phẩm riêng của mình.
Trong thời gian biên soạn tổng quát, thí dụ,
Viết một quyển sách nói về tâm.
Một quyển sách nói về tâm sở.
Một quyển nói về sắc pháp.
Một quyển nói về Niết-bàn.
Hay là, gom lại một quyển nói về 4 pháp Chân Đế.
Viết những quyển sách chừng 5, 6 trăm trang, một thời gian sau là chúng ta giỏi. Đừng nghĩ rằng soạn sách để in ra phổ biến để phát hành. Khi chúng ta viết soạn như vậy là chúng ta nhớ được hết Abhidhamma. cho nên cách tự viết tự soạn rất là hay.
4. Cách thứ tư, cách học Abhidhamma giỏi là hướng dẫn cho người khác, có câu nói "Một lớp dạy, bằng hai lớp học." Mình ngồi ở trường lớp học hai lớp, học hai lần, học đi học lại hai khóa, không bằng chúng ta đứng lớp hướng dẫn người khác một khóa. Thật ra, chúng ta phải có học rồi mới có thể đứng dạy được. Thường thường học xong vài ba năm là quên, nhưng nếu dạy học hết lớp này đến lớp khác thì sẽ nhớ.
Ngày xưa HT Tịnh Sự dạy học chừng 4 vị sư học trò, sau đó Ngài khuyến khích 4 vị sư mỗi vị đó đi dạy cho 4 người khác, gom lại thành 16 người học xong lại đi dạy, cứ mỗi người thì dạy cho 4 học trò, gọi là vết dầu loang.
Chúng tôi và TT Giác Đẳng giỏi được là nhờ đi dạy. TT Giác Đẳng đứng lớp dạy từ năm 16 tuổi và chúng tôi 18 tuổi đã đứng lớp dạy.
Đó là 4 phương pháp học Abhidhamma là như vậy./.
Sadhu sadhu..con kinh trI an Ngai
ReplyDeleteSadhu sadhu..con kinh trI an Ngai
ReplyDelete