Thursday, August 6, 2020

Thắng Pháp Abhidhamma - Bài 1 - Nên hiểu Abhidhamma là gì?

Thắng Pháp Abhidhamma
Bài 1 - Nên hiểu Abhidhamma là gì?

Minh Hạnh ghi chép

 TT Tuệ Siêu dẫn nhập:Trong giáo trình mới của lớp Phật Pháp Budhadhamma lần này có hai môn là Trung Bộ học lại và Thắng Pháp Abhidhamma còn gọi là Vi-Diệu-Pháp. Vi Diệu Pháp hay Thắng Pháp là một trong ba tạng giáo lý của Đạo Phật.

 Khi xưa, giáo pháp của Đức Phật ở trong kinh chia thành 9 loại là: 
1 - Khế Kinh - Sutta,
 2 - Trùng tụng - Gaya
3 - Kệ ngôn - gatha. 
4- Kinh Phật tự thuyết - Cảm hứng-Udana, 
5 - Kinh Phật Thuyết Như Vậy - Tivuttaka
 6- Kinh Bổn Sanh - Jataka.
7- Vị Tằng Hữu - Adbhutadharma 
 8 - Phương Quảng - Vaipulya
9 - Thắng Pháp - Abhidhamma, nằm ở trong danh mục triết thuyết của 9 phần giáo pháp. 

Kinh Tạng và Thắng Pháp Tạng Abhidhamma nằm ở trong phần pháp Dhamma.

Khi nói đến Tam Tạng - Tipitaka tức là Tạng Kinh, Tạng Luật và Tạng Thắng Pháp là các hệ thống giáo pháp trong kỳ kết tập kinh điển sau ba tháng Đức Phật Ngài viên tịch. Mặc dầu lúc đó chỉ là khẩu truyền (Mukhapātha), chưa ghi chép thành văn bản.

TT Giác Đẳng giảng: Hôm nay, thứ Năm 18 tháng 6, 2020,  một ngày kỷ niệm đặc biệt trong cuộc đời của chúng tôi.

Trước nhất, TT Tuệ Siêu và chúng tôi có nhiều lớp dạy Abhidhamma đã thực hiện ở trong cuộc đời, nhưng đây là lần đầu tiên, chúng tôi và TT Tuệ Siêu giảng chung một lớp, đó là một điều rất thú vị. 

Thứ hai, cũng là lần đầu tiên rơom Phật Pháp Buddhadhamma, thực hiện giáo trình Abhidhamma. Mặc dù, những Phật tử nào đã theo dõi chương trình sinh hoạt tu học rơom  Phật Pháp Buddhadhamma suốt 20 năm qua, thỉnh thoảng cũng được nghe Sư Trưởng hoặc TT Tuệ Siêu hoặc chúng tôi hay Chư Tăng khác, TT Pháp Đăng v.v... nhắc cách này hay cách khác hoặc ít hoặc nhiều nhưng, đây có thể nói lớp Abhidhamma chính thức đầu tiên được giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma.

Thật ra, chúng tôi không rõ ở những sinh hoạt khác như thế nào nhưng, nếu chúng tôi hiểu không lầm thì có thể nói đây là lần đầu tiên môn Abhidhamma được giảng dạy trên paltalk. Có một số bài giảng Abhidhamma của một số vị giảng sư giảng từ lớp học được thâu lại và đưa lên Youtube. Chúng tôi không biết những người coi những Youtube đó có hiểu được cái gì các vị giảng sư giảng hay không.

 Abhidhamma là một môn học, không học một ngày, một lần, không học từng mảng riêng biệt mà, chúng ta phải học nguyên cả toàn bộ. Và, trong sự giảng dạy cần rất nhiều thí dụ, rất nhiều minh họa, để chúng ta có một cái nhìn tương đối căn bản về một môn học này. 

Thật ra, cách giảng dạy trong Paltalk cho chúng ta một phương tiện rất tốt, nhưng, cho đến giờ này vẫn chưa có thể giảng đến đâu đưa ra hình ảnh đến đó, điều này là một trở ngại, có lẽ  qúi Phật tử chịu khó vào các website để xem các bảng minh hoạ. Thí dụ, chúng tôi nói biểu đồ số 1, biểu đồ số 2, biểu đồ số 3 của bài học hôm nay qúi vị vào đó để xem, vì Chư Tăng không thể nào post hay qúi Phật tử trong ban điều hành post những biểu đồ lên màn hình cho qúi vị được, đó là một vấn đề.

Chúng tôi thật tình không rõ có bao nhiêu học viên theo học liên tục môn này, bởi vì, mặc dầu chúng ta có số lượng Phật tử trên 50 người theo tham dự trong các chương trình hàng ngày của rơom Phật Pháp Buddhadhamma, nhưng chúng tôi không rõ con số đó có bao nhiêu người bám sát thường xuyên. Nên chi, chúng tôi cố gắng làm các bài học, hi vọng khi qúi vị rảnh sẽ nghe lại ở trong facebook hay băng thâu âm. Bởi vì, với môn học này nếu nghe từng mảng riêng biệt, chúng ta không thể hiểu bài mới khi không biết bài cũ.

Bây giờ chúng tôi xin nói đến một vấn đề khác, vấn đề này rất quan trọng theo cách nhìn của chúng tôi. 
Rất nhiều Chư Tăng và Phật tử, khi nghĩ đến Abhidhamma thì quan trọng Abhidhamma nói gì nhưng, chúng tôi không đặt nặng vấn đề đó, ngay từ ban đầu đặt nặng học Abhidhamma như thế nào, bởi vì sau một thời gian dài học Abhidhamma, qúi Phật tử sẽ dần dà có khái niệm Abhidhamma nói gì. 

Phương cách học cho đến ngày hôm nay vẫn còn là sự tranh luận rất lớn. 

Chúng tôi lấy một thí dụ về các sinh loại của tâm. Nếu qúi vị đọc vào A Tỳ Đàm Câu Xá Luận, qúi vị sẽ thấy cách của A Tỳ Đàm Câu Xá Luận chú trọng phân chia tâm theo 6 thức kinh tạng đề cập đến là, nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, đồng thời thêm 2 thức nữa là Mạt na thức và A-lại-da thức. Sự phân chia theo giác quan không phải là không có ở trong Abhidhamma, nhưng Abhidhamma có một sự phân loại vể tâm, ví dụ có một số vị rất ngạc nhiên là chúng ta không bắt đầu bằng tâm nhãn thức, nhĩ thức, mà ở trong Abhidhamma Sangaha bắt đầu bằng tâm bất thiện, và sau tâm bất thiện không bắt đầu bằng tâm thiện mà bắt đầu bằng tâm vô nhân, sau tâm vô nhân thì lại tới tâm tịnh hảo dục giới, sau tâm tịnh hảo dục giới đến tâm sắc giới, tâm vô sắc giới, tâm siêu thế. Cái trật tự đó thật ra làm cho những người học bối rối không ít, nhưng, khi học vào rồi thì thấy cách đó  cũng có cái lợi của nó.

Chúng tôi nhắc ở đây một điểm là, cách học hay phương pháp học rất quan trọng đối với Abhidhamma. Nếu một người học Abhidhamma không nắm được phương pháp học và không được hướng dẫn đúng thì đa số chỉ học thuộc lòng nhai đi nhai lại chứ không hiểu Abhidhamma nói gì.

Đặc biệt, Chư Tăng nào học Abhidhamma với Chư Tăng Thái Lan tại Thái Lan, không học với Chư Tăng Miến Điện, thường có một cách học nhớ rất nhiều, nhớ chi pháp, nhớ sự phối hợp giữa tâm và thuộc tánh, nhưng chỉ lập lại không có một  khái niệm chung những điều đó nói gì và, thường người học phải nhồi nhét rất nhiều những điều cần phải nhớ, đó là lý do tại sao nhiều người bỏ cuộc.

Trong việc biên soạn giáo trình này, chúng tôi làm theo một phương cách mới, phương cách này chúng tôi nghĩ thử kéo dài trong 50 hay 100 bài học xem có kết quả không. Dĩ nhiên, khi làm việc gì không có kết quả chúng ta sẽ thay đổi. Những gì được đề cập đến trong môn học truyền thống là một chuyện, nhưng theo chúng tôi nghĩ nên xử dụng cách tiệm cận, một cách quen thuộc nhất của chúng ta để đi vào môn học này.

Sở dĩ chúng tôi nói như vậy, bởi vì mình phải có một nhịp cầu để kết nối giữa cái quen và cái không quen, nếu chúng ta không có một nhịp cầu thì chúng ta khó có thể hiểu một khái niệm hoàn toàn xa lạ.
Có một lần, chúng tôi nghe một vị thầy quen, đả kích nặng nề đạo Lão, nói đạo Lão làm hư đạo Phật, bởi vì ngày nay Phật Giáo có nhiều hình thức mê tín, tín ngưỡng nhân gian là do đạo Lão mà ra.

 Thật ra, điều thầy đó nói không phải sai hoàn toàn, chúng tôi có đề nghị với thầy là chúng ta thử nhìn lại vấn đề.  Trung Hoa với đạo Khổng, tư tưởng Khổng Mạnh, tư tưởng của khuôn mẫu, của rập khuôn, cứng ngắt nói về, Quân, Sư, Phụ, nói về những quan niệm, về các giai tầng của xã hội, cách xử thế, cái nào cũng đóng khuôn. Bởi vậy, ngày xưa chúng ta mới có danh từ "khuôn vàng, thước ngọc". Nhưng mà, chính Đạo Đức kinh, hay sau này những tác phẩm khác của Trang Tử như Nam Hoa Kinh, đặc biệt là Đạo Đức Kinh nói về vô vi, thanh tịnh, nói về những khái niệm vượt thoát, đã bắt một nhịp cầu để khi đạo Phật truyền vào Trung Hoa, người Trung Hoa có thể tạm thời rời khỏi những khuôn mẫu cứng ngắt. 

Ở trong ngành tư tưởng học thuật, để có thể cảm nhận một thế giới xa lạ, hình ảnh của một người từ bỏ gia đình, sống đời sống không gia đình, một khái niệm cứu cánh vượt lên trên tất cả thiện ác, một Niết-bàn hoàn toàn tịch tịnh, không còn sự hiện hữu của ngã. Những điều đó thật ra phải nói có nhịp cầu mà nhịp cầu đó Lão Trang thật sự có công. 

Chúng ta thử nhìn vào hình ảnh của Hàn Quốc (Cao Ly), khi Hàn Quốc xem Nho Giáo là tôn giáo chính, đã tạo nên bao nghiệt ngã cho người Cao Ly, tại vì họ quan niệm rất bảo thủ, chỉ có ở đây là đúng, ngoài ra là hư vọng. 

Tại Trung Hoa, đạo Phật có thể tồn tại lâu, phải nói có phần nào đó công của Lão Trang. Chúng tôi nói như vậy để nói một điểm là, có một nhịp cầu, lấy cái này để giải thích cái kia. Ngày xưa có một người hỏi, tại sao nói điều gì ông hay dùng nhiều thí dụ, ông nói rằng: "nhiều khi tôi muốn diễn tả cái ná nhưng không biết diễn tả cái ná làm sao nên  dùng cái cung là cái gần nhất, cái ná giống như cái cung, nhưng có điểm khác một chút thì, người ta sẽ mườn tượng được, nhưng nếu ta chỉ nói về cái ná mà không mượn cái cung, thật ra khó, vì cái cung là cái gì quen thuộc".

Thì trong bài học này, nếu qúi vị đọc sơ qua sẽ thấy cách học này không giống như những gì chúng ta đọc ở trong kinh. 

Chúng tôi tạm dùng những biểu tượng để đề cập đến từng phần. 

"ngữ và nghĩa". 

Trong phần "ngữ và nghĩa", mỗi một ngày chúng ta chịu khó đọc kỹ để hiểu những cách dùng từ ở trong tạng Abhidhamma khác với cách chúng ta thường nghe như thế nào. Ai đã học Phật học rồi thì hiểu rằng, cũng chữ đó nhưng chỗ này mang ý nghĩa này, chỗ kia hiểu nghĩa khác, mặc dù cùng chữ. 
Thí dụ chúng ta nói chữ: 

- Gocara là nơi đi đến thích hợp của một vị Tỳ Kheo.

- Gocara còn là sở hành được nói trong kinh tạng

 - Nhưng, Gocara cũng là cảnh của Thắng Pháp Abhidhamma. 

Thành ra, khi học Abhidhamma, rất cần chính danh. Chính danh nghĩa là, mình nói trong trường hợp đó, chữ đó, từ đó phải hiểu như vậy mới chính xác. Nếu chúng ta không định nghĩa mà chúng ta lấy nghĩa chỗ này đem để vào chỗ kia, như người ta nói "râu ông này cắm vào cằm bà kia", hiểu như vậy rối bời và vô cùng nguy hiểm.

Mỗi một ngày, chúng ta đều phải làm quen với ý nghĩa mới, ý nghĩa đặc hữu trong tạng Abhidham. Không nên dùng kiến thức tổng quát của chúng ta. 

Ở đây, chúng tôi phải xin lỗi rằng, có rất nhiều người chê tạng Abhidham. Nhưng nếu để ý kỹ thì những người đó không học tạng Abhidham, và đồng thời khi giảng thì ngay cả chữ những người đó dùng, cũng không hiểu nghĩa trong Abhidhamma  hiểu chữ đó như thế nào, đó là vấn đề. 

Chữ chính danh ở bên ngoài có nghĩa là, chữ đó ở trong mạch văn đó, ở trong ngữ cảnh đó, ở trong chỗ sài đó, phải hiểu nó như thế nào. Điều đó rất cần, tại vì một trong những đặc điểm của Abhidhamma là sự chính xác.

Tương tự như ở ngoài đời chúng ta học về triết học và toán học. Triết học có thể là mông lung, có thể  mơ hồ, có thể quảng diễn đủ cách, vẽ rồng, vẽ rắn, gì cũng được. Nhưng, trong toán học thì không được như vậy, toán học phải chính xác, và đó là cái chúng ta cần.

Trong mỗi ngày chúng ta cũng có một cái phần: "Nên cẩn thận" .

 Tại vì sao "Nên cẩn thận". Tại vì rất dễ nhầm lẫn, qúi vị đang nghe Trung Bộ Kinh, khi nghe Trung Bộ Kinh rồi học qua Abhidhamma, qúi vị đem cái biết đó áp dụng vào đôi khi không trúng chỗ. 

Ví dụ, tín, niệm, tàm, qúi, vô thâm, vô sân, hành xả, nghe những điều đó chúng ta liên tưởng đến những thiện pháp, đúng nghĩa là thiện. Bây giờ chúng tôi nói một người hoàn toàn không biết gì về Phật Pháp, hoàn toàn không biết gì về Tam Bảo, họ sống trong một phương trời xa lạ như ở Phần Lan hay ở Na-Uy. Ở trong sinh hoạt hàng ngày của họ vẫn có tâm dục giới tịnh hảo và, mỗi tâm dục giới tịnh hảo có, tín, niệm, tàm, qúi, vô tham, vô sân, hành xả. 

Qúi vị nghe thấy kỳ, tại vì sao? Tại vì chúng ta nghe, tín, niệm, tàm, qúi, vô tham, vô sân, hành xả, chúng ta hiểu hoàn toàn từ cái nhìn của Phật học. Nhưng không. 

Khi chúng ta nói về những thuộc tánh của tâm thì điều đó phải hiểu khác, nó không giống như cái hiểu chỗ này qua chỗ kia. Thành ra khi chúng ta học Abhidhamma, ngoài chuyện chú tâm để hiểu thì còn một thứ khác nữa là "Nên cẩn thận". 

Đây là vấn đề rất nhiều người gặp, chúng ta cứ mãi mê học, chúng ta không thấy có nhiều thứ, dễ lầm lẫn, dễ sa đà, dễ bị vấp váp. Điều này hầu như ai học cũng bị. Phần "Nên cẩn thận" này được xem như  một phần ngày nào chúng ta cũng phải đề cập đến.

Chúng tôi cũng có một phần khác là "dùng khái niệm quen thuộc". 

Thế nào là "khái niệm quen thuộc", cái gì đó trong cuộc sống hàng ngày chúng ta hiểu biết nhiều và rất thân quen để hiểu một cái xa lạ. 

Chúng tôi lấy một ví dụ, chúng tôi quen một vị sư, vị này vốn là một giáo sư Việt văn, và xuất gia đi tu thiền ở Miến Điện, sau đó  trở về cùng đi với chúng tôi, vị này than phiền một điều: "Bên Miến Điện có một điều rất phiền, dạy thiền thì cứ dạy thiền lại chen Abhidham vào, tại sao gây ra chuyện rắc rối không cần thiết, cho dù Abhidhamma  có cao siêu đi nữa nhưng lúc hành thiền sao phải làm rối trí người ta tu như vậy"

Thì, chúng tôi chợt nhớ ra vị Sư này vốn trước kia là một giáo sư dạy Việt văn, do vậy, chúng tôi chờ vị đó nói hết. Và, dùng một ví dụ như sau:

- Chúng ta học ngôn ngữ, thật sự có hai phần nếu biết được thì tốt.  Một phần là mỹ từ pháp, cách nói thế nào để, luyến láy, bóng bẩy, hay, đẹp. Ví dụ, cách dùng của điệp ngữ, cách dùng của tượng thanh v.v... 

Nhưng, ở trong ngôn ngữ không phải chỉ có mỹ từ pháp, nó còn có một thứ khác là ngữ pháp. Ngữ pháp là văn phạm. Văn phạm đôi khi rất khô khan. Chúng tôi đồng ý có rất nhiều người Việt Nam nói tiếng Việt không học văn phạm bao giờ mà nói vẫn hay, chuyện đó có, mà có rất bình thường trong đời sống. Có bao nhiêu người trong chúng ta hiểu về ngữ pháp của tiếng Việt. Đôi khi mình hỏi ngữ pháp là gì? Có phải để những chuyên gia về ngôn ngữ học dùng? Cũng tương tự như vậy, rất nhiều người Mỹ nói tiếng Anh mà họ không hiểu về văn phạm về ngữ pháp. Đôi khi qúi vị họ hỏi về quá khứ phân từ là gì, họ cũng không bao giờ hiểu.

Nhưng mà như vầy, về ngữ pháp, có thể chúng tôi nói văn phạm không tuyệt đối cần thiết, có nhiều người nói tiếng Anh rất giỏi nhưng không cần có chuyên môn về văn phạm, nhưng phải nhận rằng, nếu không có văn phạm, đôi khi có những cái trật tế nhị chúng ta không biết được. Học một thứ tiếng là một chuyện khác, nắm được văn phạm, nắm được ngữ pháp là một chuyện khác. 

Chúng tôi tạm thí dụ, 

- Chúng ta nói về kinh tạng giống như chúng ta nói về mỹ từ pháp.

- Chúng ta nói về tạng Abhidhamma giống như chúng ta nói về ngữ pháp hay là văn phạm. 

Dĩ nhiên, văn phạm khô khan hơn, nó không đẹp không vui như học về mỹ từ pháp, nhưng, nó vẫn cần thiết. Chúng tôi không nói nó tuyệt đối cần thiết. Có rất nhiều người học ngôn ngữ mới họ nói tiếng Việt rất giỏi, tiếng Anh rất giỏi nhưng họ không có căn bản về ngữ pháp về văn phạm.

Khi chúng tôi dùng chuyện mỹ từ pháp và ngữ pháp khiến cho vị sư đó hiểu, vị sư đó chợt nhận ra, hai năm sau chúng tôi gặp lại vị đó thì vị đó đã thay đổi hoàn toàn.

Thì như vậy, khi học Abhidhamma chúng ta cần dùng những khái niệm quen thuộc. 

Sư Trưởng thường nói: "Dạy Abhidhamma không thể nào không dùng thí dụ, người dạy nghèo nàn về thí dụ thì người nghe khó hiểu vì khô khan".

 Thí dụ là gì? Là dùng khái niệm quen thuộc để nói đến một cái gì đó mới lạ.

Một phần khác là, "Những điểm cần nhớ" .

Tại sao trong các bài học này chúng tôi luôn luôn nhắc tới những điểm cần nhớ? 

Bởi vì, như chúng tôi nói việc quan trọng của học Abhidhamma là cần liên tục. Sự khác biệt giữa Abhidhamma và kinh Tạng là:

 Học Kinh Tạng, qúi Phật tử lâu lâu mới vào rơom một lần, một tháng vô một lần, một tuần vô một lần, ba bốn tuần vô một lần. Thí dụ, thứ Tư học kinh Thừa Tự Pháp do TT Pháp Đăng giảng và ngày thứ Hai TT Tuệ Siêu giảng kinh Căn Bản Pháp Môn. Qúi vị không nghe TT Tuệ Siêu giảng kinh Căn Bản Pháp Môn trong ngày thứ Hai, nhưng ngày thứ Tư vào nghe TT Pháp Đăng giảng kinh Thừa Tự Pháp qúi vị cũng hiểu, không có vấn đề gì hết, tức là kinh Tạng chúng ta học từng mảng rời.

Nhưng khi học Abhidhamma là mình học nguyên cả hệ thống, nếu người nào học sau quên trước, tức là học bài bây giờ mà quên bài trước, đôi khi chúng ta không biết là học cái gì. Mỗi ngày chúng ta học một phần nhỏ của nguyên một nguồn máy lớn, nếu chúng ta học cái này quên cái kia thì thật sự có vấn đề, chúng ta không ráp nối được và nếu không liên tục thì có vấn đề.

Do vậy, Abhidhamma là môn học theo cách hệ thống hoá. Thời Đức Phật còn tại thế Đức Phật Ngài thường giảng dạy Chư Tỳ Kheo một cách rời rạc tùy theo nhân duyên, tùy theo căn tính. Môn Abhidhamma Đức Phật Ngài chỉ dạy cho Tôn Giả Xá Lợi Phất, Tôn Giả học rất nhanh và Tôn Giả đã dạy lại cho các đệ tử của mình, những đệ tử Tôn Giả Xá Lợi Phất đã dạy cho những vị tỳ kheo khác, dạy có lớp lang có trường lớp, ví dụ, Đức Thế Tôn Ngài ở Chùa Kỳ Viên, Chư Tỳ Kheo ở đó rất lâu dạy từ ngày này qua ngày khác thì có trường lớp, công việc đó Ngài giao cho Ngài Xá Lợi Phất làm.

Nếu luận tạng và Abhidhamma không được thọ trì nguyên một hệ thống, thật ra không học được. Abhidhamma cũng vậy mà Luận Tạng cũng vậy. Nhưng Luận Tạng thì đỡ hơn, ví dụ như bây giờ mình lấy ra một phần về pháp ưng xả đối trị, ưng phát Lồ, mình giảng mà chưa nói đến chuyện tẩn xuất, tăng tàn hay bất định hay ưng đối trị hay tà ác v.v.. mình không giảng, mình không học thì cũng tạm có thể hiểu, nhưng cái hiểu đó không rõ. Abhidhamma thì đòi hỏi nguyên cả một sự liên tục một hệ thống. Chúng ta rất cần nhớ những bài đã học và thậm chí chúng ta phải biết những gì sắp học. 

Thì mỗi ngày chúng tôi đều có phần đó để nhắc qúi vị bài tới mình học bài gì.

Tìm hiểu chữ Abhidhamma.

Chữ Abhidhamma có rất nhiều cách dịch là, Vi Diệu Pháp, Vô Tỷ pháp,  Thắng Pháp, A Tỳ Đàm, Luận Tạng.

 Ngài HT Tịnh Sự là Thầy của chúng tôi và TT Tuệ Siêu, chúng tôi suốt đời mang ơn Ngài , thờ kính ngài, nghiêng mình trước trí tuệ của Ngài. Riêng ngày hôm nay những gì chúng tôi học được phần lớn do Ngài truyền. Ngài đã đem môn Abhidhamma vào VN. Chúng tôi không biết thế hệ mai hậu có ai biết điều này không, nhưng đó là một chuyển biến mới rất quan trọng. Ngài dùng chữ Vi Diệu Pháp hay tạng Diệu Pháp.

 Riêng về điểm này có thể nói là điểm quan trọng, chúng tôi thật sự miễn cưỡng hay không muốn dùng chữ Vi Diệu Pháp. Chúng tôi sẽ giải thích tại sao chúng tôi miễn cưỡng không dùng từ Vi Diệu Pháp hay Vô Tỷ Pháp. Bởi vì từ ngữ này thường bị hiểu lầm rằng, đây là pháp cao siêu vi diệu và kinh Tạng thì tầm thường hơn. Và chúng tôi cho rằng cái hiểu đó là nông nỗi. 

Tại sao chúng tôi nói như vậy, tại vì kinh Tạng chứa đựng phần lớn lời dạy của Đức Phật, Ngài hướng dẫn chúng ta sự tu học, càng học Phật Pháp chúng ta càng thấy chữ, cao, thấp, vi diệu, hay không vi diệu, nó không đơn giản là một bộ môn. 

Lấy một ví dụ, một loại thuốc tốt, không đơn giản là thuốc đắc tiền hay  do nhãn hiệu của nhà sản xuất nổi tiếng, mà thuốc tốt là do thuốc trị được bịnh của mình. 

Nói về điểm này, kinh Tạng cung ứng một nhu cầu rất lớn đó là, khai thị cho chúng sanh tùy theo người, tùy theo căn cơ và, kinh Tạng đã được Đức Phật Ngài giảng dạy một cách sâu xa, khế hợp nhiều hoàn cảnh, nhiều căn tính.

Vì vậy chúng tôi rất sợ khi nghe một số các vị sư học một ít Thắng Pháp Abhidhamma rồi chê kinh Tạng. Mình chê kinh Tạng cũng giống như mình chê Đức Phật, tại Đức Phật Ngài giảng phần lớn về kinh Tạng. 

Hồi nãy chúng tôi có nói, nếu mình có thể so sánh thì, học Abhidhamma giống như học về ngữ pháp, học kinh tạng giống như học mỹ từ pháp trong văn học. Nếu một người chỉ thích đọc những tác phẩm văn học nổi tiếng như truyện Kiều hay những tập thi ca, qua đó chê sách học văn phạm khô khan dở quá, thì đó là sự nông nỗi, tại vì ngôn ngữ không có văn phạm thì ngôn ngữ đó không tinh tế, tất cả những ngôn ngữ tinh tế đều có những luật về văn phạm rất rõ ràng, nhưng nếu học về văn phạm mà luôn luôn huênh hoan tự đắc là tôi học văn phạm, còn những người không biết về văn phạm mà cũng viết văn làm thơ, thì đó là nông nỗi, người ta có thể làm thơ rất hay nhưng không nhất thiết phải hiểu về ngữ pháp, hiểu văn phạm.

Không bao giờ chúng ta nói những pháp được trình bày trong Abhidhamma  cao siêu hơn, hay hơn trong kinh Tạng. Chữ cao siêu hơn, hay hơn, phải coi chừng. 

Ở trong kinh Tạng chứa đựng rất nhiều điểm mà tạng Abhidhamma đề cập đến như, nói về năm uẩn, nói về 12 xứ, 18 giới, nói về duyên sinh, nói về Niết-bàn, ở trong kinh Tạng đều nói đến. Và ở trong Abhidhamma đề cập đến rất nhiều những điểm ở trong kinh Tạng, thậm chí, có nguyên bộ Nhân Chế Định (Puggalapannatti), nói về người, qúi vị đọc bộ đó sẽ thấy rất gần với kinh Tạng.

Thì sự phân loại kinh Tạng và Abhidhamma chỉ là một cách để phân loại kinh điển, chứ không có nghĩa Thắng Pháp Abhidhamma cao siêu hơn kinh Tạng hay Kinh Tạng thấp hơn Thắng Pháp Abhidhamma. Đó là vấn đề. 

Chúng tôi không dùng chữ Vi Diệu (chữ Abhi nghĩa là vi diệu), chúng tôi chỉ muốn nói rằng, chữ Abhidhamma là một bộ phận của pháp giải thích về hiện tượng giới ở trong ý nghĩa chuyên môn nhất. 
Giống như bây giờ bình thường chúng ta gọi nước để chỉ chất loãng, có nước sông, nước hồ, nước ao, nhưng đối với các nhà khoa học thì nước được biết đến là H2O, ở trong không khí cũng có nước, ở trong đá cũng có nước, nước có ở trong nhiều thứ.

 Thì như vậy, chúng ta nên biết một điều là các phương pháp trình bày khác biệt. Ngày nay ở trong các trường đại học ở Mỹ người ta chia ra hai ngành, một ngành là nhân văn (humanities) chúng ta học về, ngôn ngữ học, xã hội học, học về văn chương v.v..., và một môn là Science là khoa học chúng ta học về, toán, vật lý, khoa học v.v... 

Thì đừng bao giờ lấy nhân văn để phê phán khoa học và, đừng lấy khoa học phê phán nhân văn, nên dùng hai môn đó hổ tương lẫn nhau, chứ không nên dùng cái này để bác cái kia. 

Thành ra chúng tôi không thích dùng chữ Vi Diệu Pháp, tại vì nhiều vị ngay cả Chư Tăng một số các vị dạy Abhidhamma cũng dùng từ Vi Diệu Pháp nói rằng, kinh Tạng là dùng ngôn ngử của thường thức, là người, là thú, là ông này bà kia, nhưng Vi Diệu Pháp đề cập ngũ giới đế là cao siêu, chữ cao siêu đặt vô đó không nhằm, chúng tôi không dùng chữ Vi Diệu Pháp. 

Chúng tôi cũng không dùng chữ Vô Tỷ Pháp, tại Vô Tỷ giống như Vi Diệu Pháp, mà chúng tôi đề nghị dùng chữ Thắng Pháp. 

Có nhiều người nói chữ Thắng là thù thắng, cũng giống như chữ vi diệu, cũng giống như chữ vô tỷ. Không phải như vậy. Chữ Thắng Pháp ở đây chúng tôi muốn nói rằng, đó là một cách nói chuyên môn về hiện tượng giới, cũng như các nhà dạy về hóa học, họ giảng, họ nói về những ký hiệu hóa học, thì bằng ngôn ngữ hơi khác. 

Thì Abhidhamma cũng vậy, Abhidhamma giảng về hiện tượng giới. Chữ hiện tượng giới  mà ngày xưa Ngài Huyền Trang dùng chữ pháp tướng, như là trong Duy Thức dùng chữ pháp tướng tông, thì chữ pháp tướng là một chữ rất hay. Ngày xưa dùng chữ pháp tướng, ngày hôm nay dùng chữ hiện tượng giới.

Ở đây, chúng tôi cũng phải thưa thêm là, những dịch giả Trung Hoa đôi khi chữ gì đó họ cảm thấy dịch không hết, thí dụ chữ pañña, chữ dịch là trí tuệ thì thường quá, họ không biết dịch chữ gì cho đủ, thành ra họ không dịch mà âm là Bát Nhã, có người dịch là tuệ giác siêu việt nhưng, cũng dịch không hết chữ Bát Nhã, thành ra họ để luôn chữ Bát Nhã. Và chữ Abhidhamma thì họ âm là A Tỳ Đàm. 

Nhưng, tại sao chúng ta là người Việt lại học theo âm của người Trung Hoa, như Abhidhamma thì cứ đọc là Abhidhamma, tại sao phải dùng chữ A Tỳ Đàm theo người Trung Hoa. Dĩ nhiên, nhiều người quen thuộc từ A Tỳ Đàm nên nói A Tỳ Đàm thì quen hơn. Như A Tỳ Đàm Cô Xá, nhưng chúng tôi nghĩ rằng chắc không cần thiết.

Do vậy, với những giải thích trên, chúng tôi dùng chữ Thắng Pháp Abhidhamma. 

Học Abhidhamma điều quan trọng không phải chỉ nằm ở những gì Abhidhamma nói, mà quan trọng là cách chúng ta học Abhidhamma như thế nào. 

Chúng tôi mong rằng cách này hơi lạ một chút, lâu ngày chúng ta sẽ có được một thế giới thân quen, qua thế giới thân quen đó, chúng ta sẽ được giới thiệu vào một thế giới tương đối hơi xa lạ hơn. Chúng tôi bảo đảm với qúi Phật tử là vị nào theo học về lâu về dài sẽ thấy rất lợi ích.

Và thí dụ quen thuộc sau cùng.

Khi chúng ta cất nhà thì nói đến kiểu, đến màu, đến vách, cột, rui, kè.... v.v... Nhưng ngày nay, khi người ta cất những tòa nhà, những cao ốc, có một thứ không thể không nói đến đó là, toán, chiều dài, kích thước, trọng lượng. Không có toà nhà nào ở Mỹ cất mà họ không nói đến một lãnh vực Architectural engineering tức là họ phải tính toán cái cột đó có đủ sức chống đỡ cho toà nhà hay không, máy lạnh có đủ sức, có đặt để đúng chỗ để không làm hỏng về lâu về dài, cái tính toán đó đòi hỏi sự chính xác, và chính xác đó rất cần thiết. 

Chúng tôi bảo đảm với qúi vị một điều rằng, học Abhidhamma cũng vậy, Abhidhamma cho chúng ta một sự chính xác. Nếu một người không học Abhidhamma đôi khi nói một chữ rất lan man từ cái này qua cái kia đôi khi không hay. Ví dụ như, có những trường hợp, thức đồng nghĩa với tâm với ý, nhưng có những trường hợp, thức không đề cập như vậy, có những trường hợp ý đồng nghĩa với thức với tâm, có trường hợp sài không đồng nghĩa. Abhidhamma cho chúng ta biết những chuyện đó, nên chi chúng ta phải cẩn thận và cảm kích có môn Abhidhamma. Cũng như chúng ta xây cất ngoài nghệ thuật ngoài những quy hoạch về tiện nghi, chúng ta còn phải cảm kích một điều rằng, có một bộ phận tính toán rất kỹ, rất chi tiết về trọng lượng, về sức nặng, về sự giao động của toà nhà, để khi cất xong toà nhà không sụp. Chúng ta phải cảm kích điều đó, đừng nói rằng tôi ghét cái gì thuộc về con số, tôi ghét cái chuyện li chi từng chút một nhưng, nếu không li chi từng chút một thì sẽ hỏng chuyện.

Đó là những gì trong bài học hôm nay./.

Minh Hạnh

No comments:

Post a Comment